TUY HÒA MÙA GIÓ NỒM
Tặng Anh Trần Huiền Ân,
Đỗ Chu Thăng, Khánh Linh và Học trò cũ!
Gío nồm ở Tuy Hòa khác lạ với những cơn gió nồm ở vài tỉnh duyên hải miền Trung. Có lẽ những cơn gió nhẹ, hây hẩy, mỗi sớm mai, hay buổi trưa oi nồng, bắt đầu xuất hiện từ tháng ba. Buổi sáng, ngủ dậy, bước ra hiên nhà, gió nhẹ nhàng mơn man trên cành cây sầu đông, trên vòm lá lim sét, phơn phớt phả vào mặt; tự nhiên ta thấy tươi tỉnh, sảng khoái. Hết cơn gió này, tới cơn gió khác, liên tục mà sẽ sàng; hơi gió mang cái trong lành của biển, cái mát rượi của đồng lúa, cái xao xuyến của sông nước tràn về thị xã…
Những buổi sớm chủ nhật, sau một đêm cặm cụi bên bàn viết, hay ngồi ở một quán cà phê lề đường số sáu; tôi dậy muộn hơn mọi ngày. Gió nồm thổi dạt dào qua khung cửa sổ lớn mở rộng; khẽ đánh thức tôi… Tôi trở ra hiên sau đón gió như đón nhận lời chào thì thầm tự trời cao. Tôi kéo chiếc ghế dựa đặt dưới hàng tre, ngẩng nhìn từng cơn gió đi qua, mềm mại và kiên nhẫn, trên đầu những ngọn tre cao nổi lên giữa khoảng trời xanh ngắt. Không vội vã từ giã chúng, tôi ngồi thật lâu, với những điếu thuốc và niềm khoái cảm mơ hồ trong sáng.
Vào đầu hè, gió nồm đến rõ ràng hơn, dạn dĩ và mạnh mẽ hơn, khiến cho người quên chúng, phải nhớ lại. Trong cái thị xã tương đối yên vắng, những con đường như rộng thêm ra; những cơn gió nồm đầu hè thổi miên man, thổi miệt mài. Ngồi ở một quán cà phê nhỏ ở đầu cầu sông Chùa, để chờ Th. ; tôi có đủ thời gian đón những cơn gió nồm từ Ngọc Lãng lồng lộng thổi tới. Lúc Th. óng ả, duyên dáng bước tới, tôi tưởng những cơn gió nồm đã đưa nàng đến đây. Tôi nghĩ: Nhờ em mà anh có được những buổi sáng Tuy Hòa tuyệt vời!
Giữa mùa hè, trong cái nóng oi bức của miền “cát trắng, dừa xanh”, nếu không có những cơn gió nồm bất chợt thổi tới, mang theo hơi nước của biển, của đồng ruộng, thì cái thị xã bé nhỏ này sẽ héo hon biết mấy! Gió nồm buổi trưa thấy rõ hơn giữa cái nóng ngày hè, gió đùa miết ngọn cây, gió lồng lộng mọi phía, gió mát đến nỗi làm người ta dễ buồn ngủ, hay phải nằm nhắm mắt lại, để tận hưởng phút giây thật êm ái, bù lại lúc phải vật vã với cái nắng ngoài đường… Xách chiếc ghế bố ra vườn, đặt dưới bóng râm dày, tôi mở “Năm năm dòng sông thơ” ra đọc; để chờ giấc ngủ. Hết tập thơ này, tôi miên man đọc tới tập khác; tập “Chân cầu cũ” rồi “Trên thảm xanh đời” – những tập thơ như lời tâm sự chân tình của những người bạn, của Tuy Hòa, của đời sống đầy ắp tình người và tình đất…
Nếu không có giờ dạy, buổi chiều tôi ra phố khi cái nắng đã bắt đầu dịu dần, và gió nồm lồng lộng thổi. Gió thổi tung những cánh dù hoa, những chiếc nón và những tà áo dài trắng, xa trông như những cánh bướm tinh khiết. Tôi thả bộ dọc đường Trần Hưng Đạo, rẽ vào Duy Tân, ghé lại quán chè Cây Phượng ở đầu đường Hoàng Diệu. Những ly chè được chăm chút bởi ông giáo già, đủ loại, ăn không biết ngán. Ngồi ở một gốc cây ngoài mảnh vườn rộng, chung với mấy cô mấy cậu học trò Nguyễn Huệ – cảm thấy Tuy Hòa thu nhỏ, dễ thương, “dễ ở, khó về”….
Gió nồm buổi tối ở Tuy Hòa mới đặc biệt, khác lạ! Ngồi trên gác ván, gió cứ thổi lùa từng cơn, như mang hết thảy cái im vắng của biển, cái xanh mát của làng vườn Ngọc Lãng, cái thênh thang thơ mộng của sông Đà, cái trầm tư huyền bí của núi Nhạn; đem phả lấp vào người, khiến ta không thể nào quên.
Những đêm có trăng, gió nồm thật bao la, diệu vợi. Tôi về nhà một nười bạn ở ngoại ô, sau bữa cơm chiều đạm bạc, bước ra sân, ra ngõ, đã thấy trăng với gió. Đứng ở cổng nhà nhìn ra đồng ruộng, vụ hè thu lúa đang màu vàng, tôi nhìn theo từng bước chân quê của những thiếu nữ đi làm đồng về muộn, tiếng nói cười rộn rã theo gió bay xa… Buổi tối, mẹ người bạn mang ra sân một rổ đậu phụng luộc ; đứa em gái mang chiếu ra trải, có thêm vài người bạn láng giềng, tất cả cùng ngồi, vừa ăn đậu vừa chuyện trò… Gió nồm vẫn thổi dạt dào. Trăng về khuya càng sáng. Tôi cứ tưởng rổ đậu phụng to sẽ chẳng thể nào ăn hết được nhưng gió và trăng, và tiếng cười hồn nhiên của bao thôn nữ đã giúp cho rổ đậu cạn dần nhanh chóng. Rổ đậu phụng đã hết, nhưng M. Ng. còn ngồi lại bảo tôi làm cho nàng một bài thơ . Ước muốn của M. Ng. thật đơn giản và trong sáng, nhưng với người làm thơ thì không đơn giản chút nào…
Xa Tuy Hòa, tôi còn “nợ” em một bài thơ. Mới đây mà đã hơn hai mươi năm. Trong hai mươi năm, biết bao điều đổi thay, cuộc sống luôn trôi chảy, biến động ; nhưng có điều tôi tin chắc, là gió nồm ở Tuy Hòa vẫn thế. Vẫn êm đềm và mời gọi. Vẫn ấp ủ và thân tình với con người. Bởi thế, xa Tuy Hòa, tôi luôn tìm dịp trở lại – nhất là vào mùa gió nồm, không phải để sống, mà để tưởng nhớ… Nơi tôi đang sống cũng là một tỉnh duyên hải, cũng có gió nồm, nhưng sao những con gió ở đây trống vắng và vô tình quá…
(Phú Yên những tháng năm lang bạt/, tháng 4/1999)
PHÚ YÊN DỄ Ở, KHÓ VỀ
Dừng lại bên lề đường Trần Hưng Đạo, tôi ngắm nhìn lại con phố xưa. Đối diện tôi trước đây là hiệu ăn Mỵ Châu Thành, nay đã là hiệu may Tiến Đạt sang trọng. Xế lên phía trên, hiệu buôn Tân Lập, nay là một nhà hàng cỡ nhỏ với cửa kính kín đáo. Cũng giống như ở đầu phố, ngả năm, hiệu sách Hùng Cường đã trở thành một gian hàng sửa chữa, bán phụ tùng xe gắn máy…Tuy Hòa- Phú Yên đã có nhiều đổi thay: to lớn hơn, bề thế hơn, sang trọng hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Tuy Hòa là một khu phố trẻ, đang lớn nhanh như lứa tuổi thanh xuân. Mỗi lần có dịp ghé thăm Tuy Hòa, tôi đều có đôi điều ngạc nhiên. Một người bạn cho tôi biết, tương lai, Tuy Hòa sẽ vươn xa lên phía tây, mở rộng ra hai chiều Nam- Bắc, để trở thành một thành phố duyên hải xinh đẹp. Vâng, đó là một ước mở của nhiều người – tôi nói, nhưng chúng ta phải khai thác và phát triển tiềm năng, hơn là cái danh từ “thành phố” đó chứ ?
Tôi dõi mắt nhìn lâu ở cửa hiệu buôn Tân Lập xưa, bỗng dưng lại nhớ đến hai câu ca về Phú Yên :
“Phú Yên dễ ở, khó về…
Trai đi có vợ, gái về có con”
Tôi mỉm cười với Tuy Hòa: Tôi đã sống ở đây – Phú Yên, trên mười năm, trong thời tuổi trẻ, nhưng lúc rời xa Tuy Hòa, tôi đã không có “vợ” miền núi Nhạn – sông Đà.
Cũng có lúc tôi tự hỏi : Đây là điều may hay rủi cho tôi? Những cánh hoa hồng cắm vào lọ thủy tinh nhỏ xíu trên bàn viết của tôi lúc tôi đi dạy, đã một thời làm tôi xao xuyến. Những bữa cơm bất chợt đến chơi ở phòng riêng của người bạn y sĩ đường Hoàng Diệu đã ghi lại trong tôi bao kỷ niệm đẹp. Tiếng hát của Trang, giọng ngâm thơ của Huân, nụ cười của Đào, tấm lòng chân thật của Nguyệt, của Huyền, của Như…
Tôi thật sự không có “vợ” ở Phú Yên, nhưng lại có “nợ” với Phú Yên nhiều lắm. Sâu đậm và tha thiết lắm. Đó là món nợ với “Cuộc đất và tình người” Phú Yên.
Bởi vậy, lâu lắm là một hai năm tôi phải trở về Phú Yên. Có năm đến hai lần ghé lại. Có lần chỉ kịp nhìn mặt con phố, gọi điện đến thăm vài người bạn, rồi ra đi. Có lần lây lất với Tuy Hòa cả tháng, hai ba tháng… Đó chẳng phải là “nợ” – duyên nợ, thì gọi là gì?
Cái “nợ” ấy ám ảnh tôi, day dứt không nguôi, những lúc chưa “đủ duyên” để trở về. Bạn có tin rằng, trong nhiều đêm, tôi đã mơ thấy Tuy Hòa chập chờn trong giấc ngủ chăng? Tuy Hòa êm đềm, quyến rũ, đã thầm gọi trong tôi qua bao tháng năm xuôi ngược, gian khó.
Tôi đã quay về tìm thấy chút niềm an ủi qua thơ, dầu làm thơ rất dở. Nếu hiểu theo nghĩa, mỗi người Việt Nam là một nhà thơ – thì tôi cũng là một nhà thơ. Thơ ca, theo tôi, trước hết là tấm lòng. Có tâm thành, thì thơ mới đạt. Thơ không phải dùng chữ nghĩa, ma thuật, mà cốt ở xúc cảm chân thành. Một đêm thu có trăng, tôi viết được một bài thơ năm đoạn, để gọi là làm quà cho một người bạn ở đường Lê Lợi. Xin ghi lại hai đoạn đầu, và một đoạn cuối :
“Ta đã trải bao mùa trăng tuổi trẻ.
Trăng miệt mài trong giấc ngủ cô miên…
Sao chẳng nhớ trăng nơi này chốn nọ?
Mà Tuy Hòa- trăng lồng lộng thâu đêm!
Trăng phố thị dễ thương, từng ngõ hẹp…
Bàng bạc hàng dương lấp lánh biển gần.
Ta đã uống café đường số Sáu
Ăn ly chè Cây Phượng mát tình thâm.
… Nay ở Lập Tâm trăng vàng phố chợ,
Nhớ Tuy Hòa trăng cũng chếch trời Đông…
Cũng trăng ấy mấy ngàn năm rồi nhỉ?
Mà đêm nay sao nghe thấm tận lòng!”
Câu ca “Phú Yên dễ ở, khó về” là hoàn toàn đúng, xác thực, vì ai đã có duyên đến với Tuy Hòa, dầu vài ba ngày, vài ba tháng, vài ba năm… cũng đều cảm thấy “khó” mà ra đi, khó mà chia tay, như ở một nơi nào khác. Vì Tuy Hòa có cái tình rất thực, rất êm, rất lặng lẽ ; chứ không sôi động, gấp gáp; để rồi sớm quên, sớm nhạt, sớm tàn…
Duy chỉ có câu 2, theo ý tôi, nên hát rằng:
“Trai đi nặng nợ, gái về nhớ thương”
Nghe thơ mộng và nhẹ nhàng hơn.
Có lẽ quý bạn thân mến của tôi ở Tuy Hòa – Phú Yên, cũng đồng ý, chứ ?
Tặng các bạn tôi và học trò cũ ở Tuy Hòa.(Tuy Hòa tháng 3/1999)