Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.453
 
María Dos Prazerès
Trần Vũ

(Trần Vũ dịch thuật)

 

Nhân viên mai táng đến thật đúng giờ khiến María Dos Prazerès, còn khoác áo choàng tắm và đầu gắn các kẹp tóc, chỉ kịp giắt một đoá hồng đỏ lên vành tai để không xuất hiện quá ít quyến rũ như bà đang ấn tượng về chính mình. Bà càng hối tiếc về cách trang phục của mình khi mở cửa trông thấy thay vì một lão chưởng khế u ám, như bà vẫn hình dung về bọn lái buôn của thần chết, lại hiện ra một thanh niên trẻ có vẻ nhút nhát, mặc đồ lớn kẻ ô và thắt cà vạt in hình chim cò sặc sỡ. Cậu trai không choàng áo nỉ dù thành phố Barcelone chỉ vừa chớm xuân mà những trận gió phẩy mưa gây ẩm lạnh còn khó chịu hơn cả mùa đông. María Dos Prazerès đã tiếp nhiều đàn ông ở mọi giờ giấc, cảm thấy hổ thẹn dù hiếm khi bà biết đến xấu hổ. Dù đã bảy mươi sáu xuân xanh và đang sống với niềm tin chắc nịch là thần chết sẽ đến đón bắt mình đi trước Giáng sinh, bà đã tính khép cửa, dợm khẩn cầu nhân viên huyệt đất vui lòng chờ đợi chốc lát, cho bà đủ thời gian thay đổi xiêm y để đón khách đúng cung cách. Nhưng rồi bà lại nghĩ cậu trai có thể nhuốm lạnh trên bậc thềm tăm tối, và bà quyết định mở cửa.

- Tha lỗi cho tôi trong y phục của loài dơi, vì sống ở thành phố Catalogne này năm mươi năm nay, lần đầu tiên tôi chứng kiến một kẻ đến đúng giờ.

 

Bà phát âm thổ ngữ Catalan tuyệt hảo, với giọng trong pha ngữ điệu xưa, dù phảng phất chút ngữ âm của tiếng Bồ Ðào Nha mẹ đẻ. Tuy đã cao tuổi, và đang đeo nhiều kẹp sắt dùng cuốn tóc, bà vẫn giữ được thân thể dong dỏng đầy sống động của những phụ nữ lai đen có bộ tóc cứng và ánh mắt vàng dữ dội, cho dù đã từ rất lâu bà đánh mất hết lòng trắc ẩn dành cho đàn ông. Nhân viên tiếp thị tống táng, hãy còn chói mắt vì ánh sáng bên ngoài, không bình phẩm điều gì mà chỉ cẩn thận chùi chân lên tấm thảm lót ở lối vào trước khi hôn lên tay bà bằng một động tác cung kính.

- Cậu em! Cậu thật sự là một đàn ông mà thiên hạ không còn đẻ ra được nữa! María Dos Prazerès phá ra cười. Tiếng cười của bà reo vui tựa các khánh chuông. Ngồi đi cậu em!

 

Tuy hãy còn ít kinh nghiệm trong nghề, cậu trai cũng đủ vốn liếng giao tế để biết khách hàng không tiếp đãi nhân viên nhà đòn vào giấc tám giờ sáng, lại càng ít nồng nhiệt nếu đó là một đầm già hết độ lượng, mà thoạt nhìn, mang dáng dấp của một ả điên vừa trốn khỏi Nam Mỹ. Cậu đứng chôn chân ở ngạch cửa không biết phải mở đầu cách nào, trong lúc María Dos Prazerès đi kéo các tấm rèm may bằng nhung xanh dầy. Ánh sáng dịu của tháng Tư vừa đủ soi căn buồng khách được bày biện khá tỉ mỉ gần giống với tủ kính của một hiệu đồ cổ. Các vật dụng hằng ngày, không quá nhiều hay quá ít, mà mỗi vật dường như được đặt vào đúng vị trí tự nhiên với khiếu thẩm mỹ chắc nịch mà sẽ khó lòng tìm thấy ở một ngôi nhà nào khác cũng được chăm sóc kỹ lưỡng đến vậy, ngay cả ở một thành phố cổ xưa và kín đáo như Barcelone.

- Xin lượng thứ, tôi đã nhầm số nhà. Cậu trai lúng túng.

- Ôi dào. Tôi cũng muốn thế, nhưng thần chết không lầm lẫn đâu. Bà phản đối.

 

Mai táng viên mở ra trên bàn một tập giấy sặc sỡ tựa tấm bản đồ hàng hải, chia làm nhiều ô màu sắc, mỗi ô vẽ đầy các chữ thập có đánh số. María Dos Prazerès hiểu đó là sơ đồ chi tiết của nghĩa trang rộng lớn Montjuich, và bà vụt hồi tưởng lại với một hãi hùng đến từ hố thẳm của thời gian. Thời kỳ ở Manaus [1], dưới những trận mưa rào tháng Mười lũ kiến lửa đã bò lên các mộ chí vô danh và vào trong lăng tẩm những kẻ phiêu lưu mà vòm kính còn quàng vải tang kết bằng sa-tanh. Một buổi sáng, thuở ấu thơ, bà đã chứng kiến vùng Amazone ngập lụt hoá thành một đầm lầy hôi thối, trôi nổi trong sân nhà bà đầy những quan tài rạn nứt lủng lẳng các mẩu vải và vài lọn tóc của những kẻ xấu số. Hồi ức ấy đã khiến bà quyết định chọn lựa, hầu an giấc trong êm đềm, ngọn đồi Montjuich thay vì ở nghĩa địa nhỏ San Gervasio, tuy sát ngay cạnh và quá quen thuộc.

- Tôi muốn một ngôi đất không bao giờ lụt nước. Bà yêu cầu.

- Vậy thì, chỗ này, cậu trai trỏ một vị trí trên sơ đồ bằng cây thước xếp lấy từ túi áo, hình thể giống một cây viết sắt. Không mặt biển nào trên thế gian có thể dâng cao lên đến đây.

 

Bà tìm phương hướng trên bản đồ giống một bàn cờ hoa hoè, nhìn ra cổng chính với lối vào kề bên ba ngôi mả sát vách, giống y nhau, không tên tuổi, nơi chôn Buenaventura Durruti [2] và hai lãnh tụ phiến quân bị giết trong nội chiến. Hằng đêm, bàn tay của kẻ nào đó viết lại tính danh của người đã chết trên bia mả bằng chì than, cọ sơn, bút kẻ lông mày, bằng cả thuốc móng tay, theo đúng thứ tự và không thiếu một mẫu tự, rồi rạng sáng hôm sau gác gian nghĩa địa lại xoá đi để không ai biết đến tên người nằm dưới đất. María Dos Prazerès đã dự tang lễ hạ huyệt Durruti, đám ma gây xôn xao và buồn bã nhất thành Barcelone, nên bà muốn nằm cạnh vị anh hùng. Nhưng không còn ngôi đất trống nào vô chủ trong nghĩa địa rộng lớn chật cứng cư dân, khan hiếm đến mức bà đành cam chịu những gì khả thể. Với điều kiện, bà nói, nhà quàn không cất tôi vào trong những ngăn kéo bắt đợi suốt năm năm như trong một hộp thư. Nghĩ đến điều cốt tủy, bà thêm:

- Và quan trọng nhất, tôi muốn được chôn nằm.

 

Quả tình, với chiến dịch ồn ào quảng cáo mua trước trả sau, dư luận đang dấy lên lời đồn các nhà đòn cho đào huyệt đứng để tiết kiệm đất. Với tính chính xác của một diễn văn đã học thuộc lòng, nhân viên tiếp thị an táng giải thích rằng các Công ty Tang lễ truyền thống cố tình lưu truyền lời đồn đãi thiếu ngay thực này nhằm mục đích duy nhất dèm pha việc khuyến mại sở hữu mộ chí bằng cách trả góp. Cậu trai còn đang biện luận thì ngoài cửa khẽ khua nhẹ ba tiếng động kín đáo. Cậu ngưng lại, ngần ngừ, nhưng María Dos Prazerès đã ra dấu cho cậu hãy tiếp tục.

- Ðừng bận tâm. Noi về đó mà. Bà khuyến khích cậu bằng giọng trầm.

 

Mai táng viên kết thúc phần thuyết trình và María Dos Prazerès tỏ vẻ hài lòng với các lập luận. Tuy nhiên, trước khi ra mở cửa, bà vẫn muốn tóm lược suy nghĩ đã chín muồi trong lòng mình bằng một tổng hợp sau cùng về các ước muốn thầm kín, hình thành trong nhiều năm kể từ sau trận vỡ đê cổ xưa ở Manaus.

- Ðiều tôi muốn xác quyết, là tôi tìm một ngôi đất để nằm, không sợ lũ lụt và nếu có thể dưới bóng râm của tàng cây vào mùa hè mà không ngại ai đào xới về sau đem tôi vất vào thùng rác.

Bà ra mở cửa cho chú chó xù ướt đầm vì mưa có dáng đi tiu nghỉu khác hẳn cách bày trí của ngôi nhà. Chú chó trở về từ chuyến vi hành sớm mai trong các dẫy nhà lân cận vừa dẫm chân vào đã biểu hiện dấu hiệu hoan hỉ. Chú nhảy chồm lên bàn sủa rân không lý do, và xém một chút là cả bốn cẳng lấm đầy bùn đã vấy bẩn tấm sơ đồ. Ánh mắt của María Dos Prazerès làm nguội tắt nhiệt huyết của chú.

- Noi, trở xuống! Baixa d’ací. Bà quát.

Con vật co rúm, nhìn bà van lơn, và hai giọt nước mắt chảy rõ rệt xuống mũi. María Dos Prazerès quay lại với nhân viên tiếp thị đang bối rối.

- Lạy Chúa! Con chó khóc. Cậu trai bật kêu lên.

- Vì Noi hài lòng trông thấy có người đến đây vào giấc này. Thường khi vào nhà nó lịch lãm hơn tất cả mọi đàn ông, trừ cậu ra. Bà nói bằng giọng trầm.

- Mẹ kiếp! Con chó biết khóc. Cậu trai lập lại, rồi chợt nhận ra đang khiếm nhã, cậu đỏ mặt xin lỗi. Xin bà lượng thứ, thật khó tin chưa từng thấy, ngay cả trong phim ảnh.

- Giống chó biết hành xử như người, nếu loài người dạy cho chúng. Nhưng chủ chó cứ tận lực giáo huấn những khuôn khổ làm chúng khổ sở, chẳng hạn ăn trong đĩa hay phải bài tiết vào một giờ nhất định vào đúng nơi đúng chỗ. Không ai dạy phép sống tự nhiên mà loài vật ưa thích, như khóc cười. Mà này, hợp đồng của chúng ta đến đâu?

 

Ðôi bên đã gần như hoàn tất. María Dos Prazerès đành an phận với mùa hè không bóng cây vì nghĩa trang đã dành các bóng râm cho giới quyền chức. Bù lại, các điều kiện vay nợ trở nên vô nghĩa vì bà muốn được hưởng khấu trừ cho trường hợp trả hết phí tổn bằng tiền mặt.

Chỉ sau khi đã ký kết, trong lúc cất khế ước vào cặp da cậu trai mới nhìn ngôi nhà bằng ánh mắt chăm chú. Hơi thở huyền bí toát ra từ nhan sắc của căn phòng bỗng khiến cậu bị giao động. Cậu quay lại ngắm María Dos Prazerès như thể cậu vừa trông thấy bà lần đầu.

- Cho phép tôi đặt một câu hỏi riêng tư. Cậu nhã nhặn.

 

Bà đưa cậu ra đến cửa.

- Dĩ nhiên, miễn cậu đừng hỏi tuổi tác của tôi.

- Tôi có thói tật đoán nghề nghiệp của khách hàng qua các vật dụng bày trí trong nhà, thành thật mà nói, vào trong nhà này, tôi không sao đoán ra. Bà làm nghề gì?

María Dos Prazerès trả lời bằng một trận cười phá.

- Tôi làm đĩ, cậu em! Bộ tôi hết còn nét đĩ thỏa nữa rồi hay sao?

Cậu trai đỏ mặt.

- Tha lỗi cho tôi.

- Chính tôi mới phải xin tha thứ. Bà giữ lấy cánh tay của khuyến mại viên tống táng, để tránh cho cậu không va vào cửa gẫy xương. Hãy cẩn thận! Cậu không được té vỡ mặt trước khi chôn cất tôi tử tế.

Cửa vừa đóng, bà ôm lấy chú chó vào lòng, vuốt ve dỗ dành, rồi cất giọng hát mang âm hưởng Châu Phi tuyệt hay của mình hoà vào giàn đồng ca thiếu nhi đang vang lên từ một vườn trẻ kế cận.

*

Ba tháng trước, María Dos Prazerès nằm mơ thấy những tiết lậu khải thị của thần chết, kể từ đó bà cảm thấy gần gũi mật thiết với kẻ cầm lưỡi hái mà bà biết hắn cô đơn vô cùng. Bà đã dự trù phân chia kỹ lưỡng của cải sau khi mất, cả nơi quàn thi thể để bà có thể ra đi ngay lúc này mà không quấy rầy một ai. Bà quyết định nghỉ hưu sau khi góp nhặt từng hào một thành một tài sản mà không phải chắt bóp quá cực khổ, rồi chọn ngôi làng cổ kính quý phái Gracia làm nơi ẩn cư chót cùng trước khi đô thị tỏa lan cướp hết mặt đất. María Dos Prazerès mua một tầng lửng xiêu vẹo bốc mùi cá mòi xông khói với các vách gỗ bị thuốc súng gậm nhấm hãy còn lưu trữ vết tích của một cuộc chiến vô danh không hào quang. Khu chung cư không quản gia trông coi, cũng thiếu nhiều bậc ở cầu thang ẩm thấp tăm tối, dù các tầng đều có người ở. Bà cho xây lại cầu xí và nhà bếp, dán giấy tường điểm hoa rực rỡ, trang sức lại các khung kính và mắc màn nhung. Sau cùng bà bày trí nội thất bằng các tủ bàn quý giá, xen kẽ các vật dụng thường ngày, những tiểu phẩm mỹ nghệ trên bệ sưởi, các rương hòm chứa đầy lụa và gấm thêu bị đánh cắp từ các ngôi biệt thự bỏ hoang của các gia đình Cộng-Hòa thảm bại mà bà đã tìm mua từng món một, suốt nhiều năm, với giá rẻ ở các cuộc bán đấu giá chui.

 

Sợi dây duy nhất còn nối kết María Dos Prazerès với quá khứ xưa cũ là tình bạn với công tước Cardona, đã không bao giờ quên đến thăm bà mỗi thứ sáu cuối tháng, cùng dùng chung bữa tối với những cợt nhả ướt át. Nhưng ngay cả tình bạn thời trẻ này cũng phải ẩn núp kín đáo, vì công tước phải đậu xe gắn huy hiệu hoàng gia ở một khoảng cách khá xa, trước khi lén lút lên tầng lửng như một bóng ma chạy trốn danh dự của cả hai. María Dos Prazerès không biết đến ai khác trong chung cư, ngoài đôi nam nữ có một bé gái lên chín vừa dọn đến ở cùng hành lang. Ðiều khó tin là bà chưa từng chạm mặt người sống trong cầu thang.

 

Công việc thảo di chúc cho thấy María Dos Prazerès hội nhập vào xã hội nhiều hơn bà tưởng, ít ra với cộng đồng Catalan đầy nghiêm khắc mà danh dự quốc gia đã cắm rễ chung với phẩm hạnh. Bà phân phát đến tận các vật dụng nhỏ nhặt vô nghĩa nhất cho các láng giềng gần nhất. Cuối cùng, tuy không chắc lắm đã hoàn toàn công bình, bà tin đã không bỏ sót bất kỳ ai xứng đáng thừa hưởng. Văn bản kế thừa được soạn một cách nghiêm ngặt xác đáng đến mức vị chưởng khế ở đường del Abrol, từng khoe đã trông thấy tất cả mọi loại chứng thư, đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến bà đọc cho thư ký lục sự ghi vào biên bản, danh sách tỉ mỉ từng món của cải mà mỗi thứ được bà gọi tên chuẩn xác trong ngữ âm cổ xưa của vùng Catalan, kèm tên tuổi với địa chỉ nghề nghiệp của kẻ thừa kế được sắp hạng tùy theo vị trí tình cảm chiếm ngự trong lòng bà.

 

Sau khi tiếp cậu trai huyệt đất, María Dos Prazerès hoà mình vào dòng người đông đảo viếng thăm nghĩa trang mỗi sáng Chúa nhật. Bắt chước các láng giềng mộ phần, bà trồng những khóm hoa nở suốt bốn mùa, tưới nước lên thảm cỏ mới và cắt tỉa bằng kéo làm vườn cho đến khi bãi cỏ trở nên dầy rậm y như thảm lót ở lối vào đại sảnh quận lỵ. Ngôi đất trở nên thân thuộc đến nỗi về sau bà khó lòng hình dung vì sao ban đầu mình lại thấy quá hoang phế.

 

Chúa nhật đầu tiên đến viếng kim tĩnh, trái tim María Dos Prazerès đã nhảy dựng, khi bà trông thấy ba mộ chí vô danh cách không xa cổng vào. Bà đã không dám dừng gót nhìn ngắm chúng, vì cách vài thước là gã gác gian không bao giờ ngủ của nghĩa địa. Ðến Chúa nhật thứ ba, lợi dụng một khoảnh khắc không ai chú ý, bà thực hiện một trong những giấc mơ lớn nhất của đời mình. Dùng thỏi son môi đỏ thẵm bà viết lên gạch bia đã mòn nhẵn vì mưa: Durruti. Từ đó, mỗi lần khả dĩ, có khi trên một vách bia, có khi cùng lúc trên cả hai hoặc ba bia mả, bà lập lại động tác dứt khoát của thỏi son, với trái tim quặn thắt vì hoài niệm.

 

Vào Chúa nhật cuối tháng Chín, bà dự lễ chôn cất đầu tiên trên đồi. Ba tuần sau, giữa buổi chiều buốt gió, một cô dâu trẻ bị thả xuống lòng huyệt sát cạnh sinh phần của bà. Ðến cuối năm, bảy lô đất đã sõng soài người nằm mà mùa đông phù du trôi qua vẫn chưa muốn tiếp rước bà. Nhưng María Dos Prazerès không hề phiền muộn, rồi với tiết trời ấm dần, cùng với sức nóng tăng dần qua cửa sổ mở tràn vào tiếng động thác lũ của đời sống, bà lấy lại can đảm đã giúp bà sống sót qua bí ẩn của giấc mơ. Công tước Cardona, đi nghỉ mát ở miền núi để tránh những tháng hầm bức, khi trở về, nhận xét bà còn quyến rũ hơn cả thời kỳ tròn chẵn năm mươi xuân thì mà bà đã nổi tiếng tươi trẻ.

Sau nhiều cố gắng, María Dos Prazerès đã làm cho Noi hiểu được chốn cư ngụ cuối cùng của chủ nhân sẽ tọa lạc trên đỉnh đồi rộng lớn nơi có nhiều mộ lập giống nhau. Rồi bà dạy cho chú khóc sướt mướt trước bia đá hãy còn trống ảnh để chú sẽ tiếp tục khóc lóc theo thói quen sau khi bà mất. Bà giắt chú tản bộ nhiều lần từ nhà ra đến nghĩa địa, hướng dẫn cho chú những điểm chuẩn giúp xác định phương hướng để chú khắc ghi vào trí não tuyến đường xe buýt chạy dọc phố Ramblas, cho đến ngày bà cảm thấy chú đã thuần thục, có thể tự tảo mộ lấy một mình.

 

Ngày Chúa nhật thực tập, vào giấc ba giờ chiều, bà cởi áo gi-lê mùa xuân cho Noi, một phần vì mùa hè đã kề cận, phần khác để Noi ít gây hiếu kỳ, để bà có thể thả chú tự do một mình. Bà nhìn theo Noi chạy lon son xa dần về phía bóng râm của hè phố, thân sau của chú dường như thẹn thùng mà buồn bã dưới chiếc đuôi nhảy nhót. Bà khổ sở kềm chế ý nguyện được khóc cho chú, cho bà, cho thật nhiều những năm cay đắng đầy ảo vọng, của cả hai, trước lúc chú rẽ vào góc đường Mayor hướng xuống biển. Mười lăm phút sau, bà lấy chuyến xe buýt chạy tuyến Ramblas ở quảng trường Lesseps gần đó, hy vọng sẽ trông thấy chú qua cửa kính mà chú không thấy bà. Rồi bà thoáng bắt gặp Noi giữa các bà mẹ ẵm trẻ ngày Chúa nhật, chú mang dáng vẻ nghiêm trọng, chú tâm, đang đứng đợi đèn đỏ chuyển sang xanh ở ngã tư Paseo de Gracia.

- Chúa ơi, bà thở hắt, trông Noi cô đơn quá!

 

María Dos Prazerès đợi chú Noi gần hai tiếng dưới mặt trời thô lỗ của nghĩa trang Montjuich. Thỉnh thoảng bà chào vài khách viếng thăm mà bà không thật nhớ mặt vì đã gặp trong một Chúa nhật khá xa, giờ không còn ai vận áo tang hay thương khóc khi phủ hoa lên mình thân nhân đang nằm dưới huyệt. Lát sau, khi tất cả đã ra về, bà nghe vọng lên một tiếng kêu sầu não, thảm thiết, làm dấy động bầy hải âu bay tản, đến khi nhìn thấy một du thuyền sơn trắng rũ cờ Ba-Tây giữa mặt đại dương mênh mông bà vội khẩn cầu với tất cả lòng thành cho chiếc tàu này hãy đem đến một cánh thư của một ai đó đã hy sinh vì bà trong nhà giam Pernambuco [3]. Quá năm giờ chiều, sớm hơn thời gian trù tính mười hai phút, chú Noi hiện ra trên đồi, chảy nước giãi vì mệt và vì nóng, nhưng điệu bộ chú kiêu hãnh như dáng vẻ của một bé trai vừa thắng cá cược. Ðến khi ấy, bà mới thoát ra khỏi nỗi sợ hãi sâu chín sẽ mãi mãi không bao giờ có một ai tìm đến than khóc trước mộ phần của mình.

*

Sang đến mùa thu năm sau, María Dos Prazerès càng lo lắng vì những điềm gở mà bà chưa biết chú giải, mỗi ngày một nhiều thêm lên, làm nặng trĩu canh cánh trong lòng. Bà tập lại thói quen ra ngồi uống cà phê dưới vừng cây dạ hợp vàng rợp của quảng trường del Reloj. Phủ chùm trong áo dạ, cổ áo gắn đuôi chồn và đội nón nỉ cài hoa nhựa, kiểu nón thật xưa đang trở lại thành thời trang, María Dos Prazerès vận dụng hết bản năng để nghe ngóng động tĩnh của tử thần. Cố gắng làm sáng tỏ chứng trầm uất chết chóc của mình, bà lắng nghe từng câu chuyện của những người nuôi chim ở lề phố Ramblas, đến từng lời thì thầm của các nhân viên đứng bán ở quầy sách, lần đầu tiên không bàn chuyện các đội banh, đến cả nỗi im lặng buồn bã của những thương phế binh hằng ngày vẫn ném các mẩu bánh vụn cho chim câu. Ở khắp mọi nơi bà đều thấy dấu hiệu của thần chết.

 

Dịp lễ Giáng sinh, các dây đèn ông sao giăng dưới vòm cây dạ hợp tỏa sáng rực rỡ, âm nhạc reo vui hoà vào tiếng cười vang vọng từ các bao lơn, đám đông du khách xa lạ với số phận của thành phố tràn lấn ra sân thềm các quán cà phê, nhưng ngay trong lễ hội dân chúng vẫn cảm nhận áp suất căng thẳng đè nén của thời kỳ trước đảo chánh, lúc phiến quân sắp chiếm cứ đường phố. María Dos Prazerès đã từng sống qua thời kỳ mê đắm cuồng nhiệt này nên khó khăn chế ngự những run rẩy khắc khoải trong lòng mình, và lần đầu tiên, những cơn giật bắn mình vì hoảng sợ đã đánh thức bà vào lúc nửa đêm. Một buổi tối, công an đã bắn chết, ngay dưới cửa sổ phòng bà, một sinh viên đang vẽ lên vách tường giòng chữ Xứ Catalan tự do vĩnh cửu.

- Lạy chúa, bà thốt lên sợ hãi, mọi thứ đang cùng chết với con.

Nỗi âu lo tương tự chỉ xảy đến cho bà thời kỳ ở Manaus, lúc bà hãy còn thật bé, khi trong một phút trước bình minh, tất cả âm thanh của đêm tối vụt dừng lại: Không còn tiếng nước chảy, thời gian chập chờn chao đảo, và bên trên cánh rừng rậm amazone phủ trùm một sự im lặng hố thẳm tựa cái chết. Ở tột cùng của lo sợ, ngày thứ sáu cuối tháng Tư, công tước Cardona xuất hiện, như thường lệ, đến dùng bữa tối với bà.

 

Những chuyến viếng thăm của Cardona đã trở thành một nghi thức. Công tước đến đúng giờ, giữa giấc bảy và chín giờ tối, đem theo một chai champagne Y Pha Nho cuốn trong tờ nhật trình vừa phát hành vào buổi chiều, để ít ai chú ý, và một hộp chocolat hình trái nấm.

María Dos Prazerès chuẩn bị cho công tước bữa tối thịnh soạn, với mì ống trộn phô mai, gà quay thịt mềm, những món ăn ưa thích của các gia đình thượng lưu Catalan thuở xưa, kèm một đĩa trái cây theo mùa. Trong lúc bà làm bếp, công tước vừa nghe những đoạn ghi âm các vở kịch trào phúng danh tiếng đã từng được diễn ở hí viện Ý, vừa uống từng ngụm nhỏ rượu Bồ đào khai vị cho đến lúc các đĩa hát hoàn toàn kết thúc.

 

Sau bữa ăn, kéo dài và sôi động, cả hai lại có với nhau một cảnh ân ái quen thuộc đến nhàm chán, mà sau chăn gối đều để lại cho hai người hậu vị của một bi kịch. Ðến lúc ra về, công tước luôn mang cảm giác sợ sệt, khi gần đến nửa đêm, phải luồn nhẹ tờ giấy bạc 25 pesetas dưới gạt tàn trong phòng. 25 pesetas là giá đi khách của María Dos Prazerès khi công tước lên giường lần đầu với bà trong một khách sạn qua đêm ở Paralelo, và giá biểu này là vật duy nhất mà sự hoen rỉ của thời gian không chạm đến.

 

María Dos Prazerès cũng như Cardona, đã không ai tự đặt cho mình câu hỏi xem tình bạn giữa hai người được tạo dựng từ đâu. Bà nợ ông vài giúp đỡ khiêm nhượng. Ông luôn cho bà những lời khuyên hữu ích giúp quản lý số tiền tiết kiệm, hay dạy cho bà hiểu giá trị thực sự của những cổ vật và cách bảo quản chúng để không ai có thể phát hiện đó là những vật ăn cắp. Ông còn muốn bà phải tự vạch cho mình con đường trở nên một phụ nữ lớn tuổi đoan chính sống giữa phố Garcia, sau khi đã nếm trải cuộc đời trong xóm nhà thổ nơi bà từng bị các đồng nghiệp tuyên bố đã quá lỗi thời so với sở thích của đàn ông hiện đại, và các chủ chứa đã muốn gửi bà đến những khu dưỡng lão dành cho di dân lậu già nua, nơi trẻ em học cách làm tình để đổi lấy 5 pesetas. Bà đã kể cho công tước chuyện mình đã bị mẹ bán vào tuổi mười bốn ở cảng Manaus, và viên trung úy hải quân Thỗ Nhĩ Kỳ đầu tiên đã thụ hưởng bà không chút sót thương trong suốt chuyến vượt Ðại Tây Dương trước khi vất bỏ bà không một đồng xu, không chút hiểu biết về ngôn ngữ bản xứ, thậm chí ngay cả một cái tên trên giấy khai sanh cũng không, giữa khung cảnh sa đọa rực rỡ của khu đĩ Paralelo. Công tước Cardona và María Dos Prazerès đã ý thức khá rõ ràng là cả hai người rất ít những tương đồng, nên họ càng thấy thêm cô đơn những khi gần nhau. Nhưng cả hai, không ai dám cào xước làm rách nét duyên dáng quen thuộc của cuộc sống thường nhật. Phải có một cơn địa chấn tầm cỡ quốc gia để cả hai cùng nhận thức, với một dịu dàng tột đỉnh, họ đã thù ghét nhau đến mức nào, trong suốt ngần ấy năm trời.

 

Và địa chấn xảy đến. Cardona đang thưởng thức song ca trữ tình La Bohème do hai ca sĩ Licia Albanese và Beniamino Gigli biểu diễn, bất thình lình, tựa một tia chớp ngẫu nhiên, vang đến tai ông bản tin từ đài phát thanh mà María Dos Prazerès đang theo dõi. Ông nhón chân bước đến gần và vểnh tai chăm chú. Tướng Francisco Franco, nhà độc tài muôn thuở của Tây Ban Nha, đã quyết định số phận sau cùng của ba kẻ ly khai xứ Basque bằng bản án tử hình. Công tước thở hắt ra một tiếng dài khoan khoái:

- Cuối cùng chúng cũng bị xử tử. Caudillo là một lãnh tụ anh minh!

María Dos Prazerès dán vào ông đôi mắt tóe lửa của một con rắn hổ mang chúa, bà đóng đinh vào đôi đồng tử thiếu nhiệt huyết đang núp sau gọng kính vàng, bên trên những chiếc răng tham lam, nối dài đôi bàn tay lai tạp với móng của loài thú chỉ quen với bóng tối địa ngục. Gã đàn ông chỉ là vậy.

- À ra thế, cầu xin Chúa nhân từ cho không một ai bị bắn, vì nếu chúng hành quyết một người thì tôi sẽ đổ thuốc độc vào tô súp của ông.

Công tước chợt hoảng sợ.

- María! Tại sao nói như vậy?

- Vì tôi là một con đĩ biết suy nghĩ công bằng.

 

Công tước Cardona đã không bao giờ trở lại và María Dos Prazerès đoan chắc khúc quanh cuối cùng của cuộc đời mình đã khép lại. Thời gian ngắn trước đây bà hãy còn phẫn nộ khi có ai đó đứng dậy nhường cho mình một chỗ ngồi trên xe buýt, khi có kẻ muốn dìu bà băng qua đường, đỡ lấy cánh tay khi bà bước lên nấc thang, nhưng sau cùng bà đành chấp nhận, ngay cả mong chờ những cử chỉ ấy như một sự cần thiết đáng ghét. Vì vậy, bà đặt mua một tấm bia mả khác, giống những tấm bia dành cho phiến quân, không tên tuổi, không cả ngày tháng năm sinh, và bà bắt đầu lên giường không khóa cửa để Noi có thể ra ngoài báo tin cho mọi người biết nếu tử thần đến rước bà đi trong giấc ngủ.

*

Một buổi sáng Chúa nhật, trở về từ nghĩa trang, bà bắt gặp ở bậc thềm nhà một bé gái con một cặp vợ chồng sống trong căn hộ đối diện. Bà cùng đi với cô bé đến đầu đường với tình cảm trìu mến của bà cháu, ngắm nhìn cô bé đùa giỡn với Noi như đôi bạn thân thiết. Khi đến quãng trường Plaza del Diamante, bà quyết định mời cô bé một cây kem.

- Cháu có thích nuôi chó không? Bà dọ hỏi.

- Cháu thương chó lắm!

Cô bé ngây thơ trả lời. María Dos Prazerès liền đưa ra ngay lời đề nghị mà bà đã nhẩm bụng từ bấy lâu.

- Nếu ngày nào có chuyện gì xảy đến cho bà thì cháu hãy chăm sóc cho Noi. Bà chỉ có một yêu cầu duy nhất muốn cháu cho phép Noi được tự do mỗi Chúa nhật. Cháu đừng lo lắng vì Noi sẽ biết đường về.

 

Cô bé thật sự sung sướng. María Dos Prazerès cũng thế, bà trở về nhà vui thích vì đã thực hiện được giấc mơ ấp ủ trong tim mình suốt nhiều năm dài. Nhưng rồi không do chứng mệt mỏi của tuổi già, cũng không phải vì thần chết trễ nải đã ngăn cản bà hoàn thành giấc mơ. Cũng chẳng phải một quyết định cá nhân. Ðời sống đã lấy quyết định thay bà vào một buổi chiều buốt gió cuối năm, lúc tiết trời đột nhiên chuyển đổi khi bà vừa rời khỏi nghĩa trang. Bà đến nghĩa địa để viết lại họ tên của ba người anh hùng trên ba bia đá của ba ngôi mả vô danh, sau đó đi bộ xuống phía trạm chờ xe, bất chợt cơn mưa ập đến như trút nước phủ vây lấy bà từ đầu đến chân. Gần như bà không kịp tìm cho mình một nơi ẩn núp dưới những vừng cây dạ hợp, trong một khu hoàn toàn hoang vắng tựa hồ thuộc về một thành phố nào khác với những cửa hàng đổ nát, những cơ xưởng nhuốm bụi chất đầy những toa hàng hóa khổng lồ, tất cả càng làm cho cơn mưa thêm kinh khiếp. Trong lúc bà đang cố gắng sưởi ấm trong lòng chú chó bé nhỏ ướt sũng nước, María Dos Prazerès nhìn thấy vượt qua trước mắt mình hàng đoàn xe khách đầy ắp người, những chuyến taxi trống, rũ cờ, nhưng mọi người dường như không ai nhìn thấy bà muốn đón xe, với những ngoắc gọi cầu cứu tuyệt vọng. Ðiều kỳ diệu xảy đến thình lình bất ngờ. Một chiếc xe du lịch lộng lẫy mang màu sắc của một ánh thép phản chiếu ráng hoàng hôn lướt qua êm ái nhẹ nhàng trên con đường ngập nước, đột nhiên dừng lại ở ngã tư rồi lùi lại tận nơi bà đang đứng. Khung kính hạ xuống như chạm phải làn hơi thở kỳ diệu của ngọn gió mầu nhiệm và tài xế ngỏ ý muốn đưa bà về nhà.

- Tôi ở xa lắm, nhưng anh sẽ giúp tôi nhiều nếu cho phép tôi quá giang một đoạn đường.

María Dos Prazerès cảm ơn rất chân thành. Lái xe vẫn nằn nì:

- Bà cứ cho biết bà định về đâu.

- Về Garcia. Bà đáp.

- Cùng lộ trình, vậy mời bà lên.

 

Bên trong xe, ám không khí của tủ thuốc tây cất lâu trong phòng lạnh, cơn mưa đã biến đi chóng vánh như chính cơn mưa đã hoá thân, khiến phố xá chuyển màu làm bà cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác rất hạnh phúc, nơi mọi thứ đều đã được sắp đặt an bài. Giống như có phép lạ, chiếc xe lăn bánh dễ dàng trong lúc giao thông vô cùng hỗn độn. María Dos Prazerès hãy còn thiếu tự tin vì sự khốn khổ ban nãy của chính mình và của cả chú chó bé nhỏ đang ngủ yên lành ngoan ngoãn trên gối bà. Bà lên tiếng vì muốn nói một điều gì thật trang trọng:

- Cứ như đang trên một du thuyền. Tôi chưa từng mục kích chiếc xe nào tương tự, ngay cả trong mơ.

- Thực tế chiếc xe này có chủ.

Lái xe đính chính, pha chút xấu hổ. Rồi bộc bạch bằng thổ ngữ castillan: Lương tài xế suốt đời cũng không đủ sắm chiếc xe như vầy.

- Tôi tin anh.

 

María Dos Prazerès thở dài.

Một cách kín đáo, bà liếc mắt quan sát, nhận thấy lái xe trẻ như một thiếu niên, mái tóc uốn ngắn, gương mặt rám nắng có nét La Mã ánh sắc xanh do phản chiếu từ mặt đồng hồ tốc độ. Bà thấy thanh niên không hẳn đẹp trai nhưng lại có nét quyến rũ đặc biệt, trang phục thanh lịch tuy áo da rẻ tiền đã cũ sờn vì mặc nhiều. Chắc chắn là mẹ của anh chàng này phải hết sức sung sướng mỗi khi nghe tiếng con mình trở về nhà. Duy nhất, đôi bàn tay thô tháp của nông dân tiết lộ không phải chủ xe thực sự.

 

Bà và lái xe không nói với nhau lời nào nữa trên suốt chặng đường, nhưng María Dos Prazerès tự cảm thấy đến phiên mình bị theo dõi, bị quan sát, qua những cú liếc mắt, làm bà lại thấy thật khổ sở vì cứ phải hiện diện trước mắt đàn ông vào lứa tuổi này. Bà tự thấy mình xấu xí, đáng thương với khăn quàng dành cho kẻ ở đợ mà bà đã phủ lên đầu đầy cẩu thả lúc trời mưa. Cả cái áo khoác phụ nữ kiểu mùa thu mới quê mùa tệ hại, chính vì bà đã không muốn sắm áo mới, vì nghĩ thần chết sắp đến.

 

Khi đến phố Garcia, những tảng mây đã tan biến, trời ngả tối và các ngõ ngách đã lên đèn. María Dos Prazerès yêu cầu tài xế dừng xe cho bà xuống ở góc đường gần nhất, nhưng anh vẫn nhất quyết đưa bà đến tận trước cửa nhà rồi đậu xe trên lề để bà bước chân xuống mà không bị ướt. Bà buông Noi xuống, cố gắng bước ra khỏi xe với vóc dáng thật nghiêm trang, và khi quay lại để cảm ơn tài xế, bà chợt phát hiện một cái nhìn thật đàn ông làm bà choáng váng. Bà tự chống đỡ trong giây lát, không thật hiểu rõ ai đang nhìn ai, đang chờ đợi gì, chờ đợi từ ai, rồi bất chợt người thanh niên ướm lời, đầy dứt khoát.

- Bà còn đi khách không?

Maria tự cảm thấy nhục nhã.

- Tôi cám ơn anh đã đưa tôi về nhà, nhưng tôi không cho phép anh được quyền giễu cợt.

- Tôi không có lý do gì để giễu cợt ai hết.

Lái xe nói một cách thật kiên quyết vẫn bằng thổ âm castillan.

- Ít nhất cũng còn một phụ nữ giống bà.

María Dos Prazerès đã từng tiếp rất nhiều đàn ông như chàng trai trẻ này, cũng như bà đã từng ngăn trở nhiều đàn ông khác còn trâng tráo hơn thế nữa khi họ quẫn trí muốn tự vận, nhưng trong suốt cuộc đời bà chưa bao giờ phải sợ hãi như lúc này khi cần lấy quyết định. Giọng gã trai không đổi:

- Lên lầu không?

Bà đi xa ra không đóng cửa xe và trả lời cũng bằng thổ âm castillan để đảm bảo được hiểu rõ.

- Hãy làm điều cậu thấy hợp lý.

 

Bà bước vào tiền sảnh ở tầng trệt của khu chúng cư, được soi sáng bằng ánh đèn đường đang hắt xuống, rồi bước dần lên những bậc cầu thang với tâm trạng dày vò bởi một sự kinh hãi mà bà đã luôn tin tưởng chỉ có thể xảy đến trước lúc chết. Ngay vào lúc bà dừng lại trước cửa căn gác lửng, run rẩy vì lo lắng, lần tìm xâu chìa khoá cất trong túi áo, bà nghe dưới đường vang lên hai tiếng đóng cửa xe liên tiếp. Noi, chạy lên trước, sắp cất tiếng sủa. "Im đi", bà thều thào, ra lệnh như đang hấp hối. Tức thì, bà nghe thấy tiếng chân bước lên vang vang trên từng bậc cấp đầu tiên đã mòn nhẵn vì quá cũ của cầu thang hư hỏng, sự lo sợ lại trỗi dậy thắt lấy trái tim bà muốn ngừng đập. Chỉ trong một tích tắc đã diễn ra trước mắt María Dos Prazerès giấc mơ khải thị đã làm thay đổi hẳn cuộc đời bà trong suốt ba năm liền, mà bây giờ bà hiểu đã suy diễn sai lầm điềm báo mộng.

- Lạy Chúa vĩnh hằng! bà kêu lên, đầy kinh dị, hoá ra không phải là thần chết!

Cuối cùng rồi bà cũng tìm ra được ổ khóa, lắng nghe khoảng cách giữa các bước chân thâu ngắn, lắng nghe hơi thở mỗi lúc một nóng hổi của gã trai trẻ đang áp sát gần, cũng đang lo sợ như chính bà, bất chợt bà hiểu ra mình đã hoàn toàn xứng đáng đã chờ đợi trong ngần ấy và ngần ấy và ngần ấy năm trời với từng ấy và từng ấy chịu đựng trong bóng tối cũng chỉ để được sống một phút giây này.

 

5-1979

Trần Vũ dịch thuật, 1-2008

 

* Ghi chú của người dịch:

Truyện ngắn María Dos Prazerès in lần đầu trong tập Doce Cuentos Peregrinos, nxb Mondadori Espana, 1992. Bản dịch Pháp văn cùng tựa trong tập truyện Douze Contes Vagabonds do Annie Morvan phiên dịch, nxb Grasset & Fasquelle, 1993

[1] Manaus, thủ phủ của miền Amazone, thuộc Ba Tây

[2] Léon Buenaventura Durruti y Domingo sinh ngày 14-7-1896 là một trong những gương mặt chính theo chủ nghĩa vô chính phủ, thành lập Liên Minh Ðoàn Kết Los Solidarios, đã tổ chức ám sát bất thành vua Alphonse XIII và đức hồng y Juan Soldevilla y Romero, Durruti tử thương ngày 20-11-1936 tại Madrid trong nội chiến Tây Ban Nha.

[3] Nhà tù nổi tiếng trên đảo Fernando de Noronha, một "Côn đảo" của Ba Tây.

 

Trần Vũ
Số lần đọc: 2311
Ngày đăng: 20.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những hạt đậu màu đỏ tía - Phạm Thái Ba
Tình già - Ngô Kế Tựu
Người chép sử - Đỗ Ngọc Thạch
Cũng một kiếp người - Nguyễn Minh Phúc
Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng - Đỗ Ngọc Thạch
Hai người đàn bà và một con chó - Nguyễn Khắc Phước
Ngày về của bọn họ - Y Uyên
Cái đầu của quan Thái sư - Sâm Thương
Vàng ba con chín - Quý Thể
Bà chủ quán và Cô nhà báo tập sự - Đỗ Ngọc Thạch