Khi nói đến cái chết, người ta không thể có một ý niệm nào khác ngoài sự không màu, sự trống rỗng của cát bụi và nỗi hun hút không màu của hư vô. Và mọi chuyện trở nên lạ thường (nếu không nói là quái dị!) nếu có ai đó vẽ màu của cái chết, không những vẽ bằng một vài nhát mà vẽ tỉ mỉ, chậm rãi, nhấn nhá thăng trầm, đậm nhạt cái… hư vô! Đọc Khóc chẳng để làm gì của Khương Bình, tôi có cảm giác anh đang từ từ, tiệm tiến đến một thế giới xa xôi nào đó bằng một vài trải nghiệm, một vài thử nghiệm, một vài không trải nghiệm, không thử nghiệm, càng không chứng nghiệm, đơn giản nó là nó, như nhiên và tịch lặng – một nỗi như nhiên tịch lặng của biển dâu, của một hữu thể nếm trải cơn gặm nhấm của cái chết như gã thèm nhậu ngồi lai rai con khô mực, hít hà khà cay, vít day vị đắng và đứ đừ say… Nếu ví cái chết là một cơn say thì “cơn say” của Khương Bình là một cuộc khai mở, một cuộc thăm dò về phía thế giới khác thông qua những sắc màu chiêm nghiệm được và phác họa những kinh nghiệm SỐNG – một cuộc chuẩn bị, một cuộc đón chờ của sự CHẾT.
Tôi thật sự đồng cảm với tác giả Giao Hưởng – người viết lời tựa cho tập truyện, khi bàn về cái điểm chung mà mỗi người đều phải tiến về đó, dù chậm hay nhanh, dù đi bằng thể điệu nào, tịch nhiên hay cuồng vội, chậm rãi hây bộp chộp, thơm tho hay để một khối tiếng đời, phiêu bồng hay quay quắc… Tất cả rồi cùng chứng nghiệm cái giây phút (nếu không nói là sát – na!) bằng hữu, quyến thuộc xòe đôi bàn tay, phủi vào nhau nghiêm cẩn và ân cần thả ít bụi đất vào huyệt mộ để tiễn đưa một gương mặt, tiễn đưa một giọng nói, tiễn đưa một hình hài, tiễn một góc trí nhớ từ đây mãi mãi xếp vào kí ức và tro bụi…
Tôi chưa biết gì về tác giả Khương Bình ngoài tập truyện Khóc chẳng để làm gì của anh với một vài thông tin do người tặng (đại diện) cũng hết sức ngẫu nhiên tại quán cà phê Bông Giấy – anh Nguyễn Trung Bình. Anh vốn là nhà báo, có lẽ do vậy mà cách kể chuyện, mạch truyện của anh là mạch phóng sự, câu chuyện được kể như chép thật ngoài đời, ít có tính phúng dụ, ít có tính siêu thực… (mặc dù có thể đó là những truyện do hư cấu mà có). Trong một chừng mực nào đó thì có thể nói rằng đây là điểm yếu về mặt thi pháp truyện của anh,. Nhưng trong một góc nhìn khác, đậm chất đời hơn một chút thì những câu chuyện của anh nếu thổi vào đấy một thủ pháp gì đó cho huyền ảo hơn, bí ẩn hơn, khó hiểu hơn, có khi lại phản tác dụng. Viết về cái chết, tôi nghĩ rằng viết càng rõ càng khó, bởi bản thân sự chết vốn là một ẩn số bất khả giải.
Những cái chết trong truyện của Khương Bình – tôi phải nói vậy, vì không có thứ cảm thức nào chi phối toàn bộ tập truyện nhiều hơn là cảm thức về cái chết, sự bất an trong cõi sống. Nhưng dường như, với Khương Bình, cái chết là sự/ hành động đặt dấu chấm hết cho một quá trình chết dần/ sống mòn của kiếp người. Những mảnh đời vắt qua truyện anh vừa héo hắt, đau khổ vừa mang triệu chứng của “cái chết di động”. Từ con bé Thu trong truyện Nó Hiểu, người phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi trong Niềm Vui Quá Lớn, Đức trong Khoảnh Khắc… Tất cả họ đều có chung một tồn tại mỏi mòn, một sự chờ đợi và xói mòn trong tư tưởng, một sự mất màu trong từng ngày trên mặt đất… Và cái chết đến với họ, dù bất ngờ, bất đắc, bất định nhưng dường như phía sau cái chết ấy là một cái nhếch môi mĩm cười ném về phía họ từng hiện hữu! Đau đấy nhưng cũng khôi hài ra phếch! Hình ảnh con bé Thu (Nó Hiểu) lúc sống thì quậy phá, cay cú, tẻ nhạt… [tuy rằng nó vẫn hiểu đời sống này, không tin thì nhìn hành động tích lũy tiền để phòng khi cha mẹ nó chết, nó còn có cái để mà tồn tại, những lúc nó nói ngọng, mộng du mà miệng nó lắp bắp về cái chết… thì sẽ thấy! Và đặc biệt là cách giữ tiền rất khôn, rất sòng phẳng của nó…] nhưng khi nó chết, một hình ảnh bi thảm khôn nguôi nhưng cũng đầy an nhiên và đẹp, đẹp hơn nhiều hình ảnh lúc nó sống – “… Đến sáng hôm sau, những người đi làm đồng sớm ngang qua ngọn đồi xa phía cuối đồng giáp với chân núi, nơi có mộ anh chị tôi, người ta phát hiện con Thu ngồi co người giữa hai ngôi mộ của ba mẹ nó, mặt úp lên thành mộ, hai tay duỗi về phía trước, thân hình đã lạnh cứng từ lúc nào đó trong đêm…” (Trích Nó Hiểu – Khóc chẳng để làm gì)
Và, dường như suốt tập truyện là sự chuyển đổi, giao thoa trên những xung động của màu sắc cái chết, có đôi khi người ta chết trong lúc tồn tại và người ta sống lúc mình tắt thở, chết, âu đó cũng là cái mốc để cuộc đời này còn nhớ cho rằng ta đã từng sống! Đau, đau đến xót xa, quay quắc nhưng cũng bướng bỉnh và ngang tàng lắm đỗi, ngang tàng vì được chết và bướng bỉnh vì phải sống. Những màu sắc lộn nhào trong hư huyễn kiếp người!
Và cũng đôi khi, cái chết trong truyện của Khương Bình giống như một cuộc chơi bài, một cuộc trả giá, nếu anh cứu nước cho kẻ khác thì anh lại là người lâm trận đầu tiên – cuộc đánh tráo khốc liệt và khôi hài của tạo hóa chăng?! Cái chết của cô công nhân đường sắt là một trường hợp. “…cô gái không bị gì dù đã té ngồi bên đường ray vì hoảng hốt. Chỉ có người phụ nữ công nhân đường sắt vì lo lắng cho tính mạng cô gái nên quên mất nguy hiểm, trong lúc chị đu người bằng một tay nhìn về phía cô gái, đầu chị va vào thành tàu, chị đổ nhào xuống đất đầu bê bết máu. Những tiếng la thất thanh và nhiều người xúm lại, chị đã tắt thở…” (Trích Đánh Đổi; trang 33 – Khóc chẳng để làm gì).
Cái chết trong truyện Khương Bình không sướt mướt, không làm người ta khóc mà ngược lại nó khiến cho người đọc nhận ra bên trong nó hàm chứa một chốn yên ổn, một sự vỗ về sau chuỗi dài tồn tại khốc liệt, sau chuỗi dài lăn lê bò toài, vùng vẫy, quằn quại để nuốt trọn cái ý nghĩ mình đang sống của những mảnh đời không may, của những thân phận điêu linh, của những căn phần lây lất… Tất cả họ và cái chết của họ vẽ nên bức tranh đa màu, đa sắc cho cuộc sống khó bề giải bày, cho đời sống riêng chung hệ lụy. Đau mà phải cười, chết mà phải mừng…!
Trong truyện Khóc chẳng để làm gì, cái chết của anh Thành lại mang một màu sắc khác, nó đẩy cái chết lên tầng bậc của tỉnh thức, tầng bậc của nhận chân giá trị tồn tại và sống, tầng bậc của lý trí và ngộ nhận (và dường như trong câu chuyện này có thấp thoáng bóng dáng Ngộ Nhận của A. CaMus?!). Một anh chàng chuyên lừa chị em góa bụa, lừa tình để kiếm ăn, trong một lần gặp gỡ người nữ doanh nhân [có số phận cũng buồn hiu hắt và cô đơn như một thứ định mệnh, có quá khứ nghèo khổ nhưng nhờ một chút may mắn và nỗ lực để tồn tại, vươn lên với cuộc đời…], nhìn ra giá trị đích thực của lao động, giá trị đích thực của ý nghĩa làm người thông qua người phụ nữ này, anh đã “cải tà qui chánh”, đã tu thân làm ăn nhằm chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ, và anh đã chọn thái độ sống thật sự là sống, dám sống và dám đối diện với quá khứ đen tối, dám để người “bạn đời” của mình chứng kiến thị phi của mình… Nhưng rồi, tất cả nỗ lực của anh không thể nào bứt thoát được nỗi hoài nghi [mặc dù là ngộ nhận] của người bạn đời. Mặc dù cố gắng tin, cố gắng nhìn anh bằng những gì anh đang có, nhưng chính tình huống tréo ngoe của định mệnh, chính cái con số mười lăm triệu đồng, rồi hai mươi triệu đồng mà anh mượn chị [để cứu một người khác mà sau này chị mới hiểu ra] đã giết chết lòng tin yêu thuần khiết chị dành cho anh… Đến khi chị vỡ lẽ thì mọi chuyện đã rồi…! Khóc chẳng để làm gì! Khóc, phải chăng đó là thứ hành động duy nhất để người ta dành cho nhau trong cuộc chơi sinh tử này khi vỡ lẽ rằng điều mình đang có đã mất [dù trên nghĩa nào]?!
Xét về mặt cấu trúc và góc nhìn tác giả trong Khóc chẳng để làm gì thì thật tâm mà nói truyện chưa có cấu trúc mới, góc nhìn đôi khi tự thuật đến mức toàn tri, khiến cho câu chuyện đậm tính chủ quan, cái nhìn đôi khi dấn sâu vào nhân vật, mất đi vẻ khách quan và chiều hướng phát triển tự nhiên của câu chuyện. Có lẽ đây cũng là cái vệt nối của nghề báo – vết nối của cái nghiệp dĩ đi và ghi của anh! Nhưng đôi khi trong cái khuyết lại hàm chứa cái ưu, cái ưu lại dễ thương, có duyên hơn… Thử nghĩ, viết về cái chết mà không thể nhập vào nó, không biến nó thành “người thân” của mình, không trăn trối cùng nó thì e rằng dửng dưng và lãnh cảm. Câu chuyện có khi không đi đến…
Và, còn quá nhiều điều để bàn luận, để mổ xẻ, đến cắt những lát cắt nhân sinh trong tập truyện của Khương Bình. Nhưng với cái nhìn cũng còn hạn hẹp [trước cái chết], với suy tư cũng chưa đủ chín dành cho vấn đề tử sinh, với kinh nghiệm sống còn hạn chế… Người viết bài này chỉ xin chia sẻ những cảm nghĩ [còn rất hạn chế] sau khi đọc Khóc chẳng để làm gì của anh và xem đây như một lời cảm ơn của bạn đọc đến tác giả - người đã nhào nặn đời mình, máu lệ của tri thức, tư tưởng để viết ra những câu chuyện mà đôi khi câu chuyện ấy giống như một dự cảm chẳng yên lành của số phận!