Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.238
123.154.211
 
Sông trôi về đâu
Nguyễn Minh Phúc

Dọc theo bìa làng là triền sông kéo dài đến ngút tầm mắt. Những cành tre khẳng khiu, khô khốc trồng hai bên bờ sông, lá theo gió xào xạc suốt mùa hè. Buổi chiều, Ngân thường ra bờ sông nhìn về hướng phố chợ. Những cô thiếu nữ trong làng chẳng ai giống cô. Không biết sao tâm trí Ngân không dứt ra được các quán ăn, sạp hàng, nhà hát, khách sạn mà mỗi lần theo mẹ đi chợ về cứ ám ảnh cô. Nhất là đôi mắt của anh chàng xinh trai bán vải cạnh bến xe. Trông sao mà đằm thắm, say đắm thế! Phố chợ với cô, quả là một thiên đường. Người ở chợ sao mà quý phái, lịch lãm. Chả giống như quê cô. Những mái nhà tranh ẩm thấp, chật chội, những cánh đồng phẳng lì trơ gốc rạ, đụn khói cay xè cả mắt từ chòi lá bốc lên sau bữa cơm chiều. Rồi đám tre gai khẳng khiu, xiêu vẹo trên con sông trôi lờ đờ, mỏi mệt. Đám trai làng thì bậm trợn, say xỉn, đen đủi, cục mịch …chẳng cho cô ấn tượng gì ngoài sự buồn nản và đơn  điệu …

 

Ngân lớn lên bên dòng sông Trầu. Không hiểu sao làng cô lại có cái tên mà đám con gái, đàn bà không ai ăn trầu và cũng trồng trầu cau gì cả. Vùng quê cô như bao vùng quê khác, chẳng gì đặc sắc và nổi bật. Ngày qua ngày trên mãnh vườn im ắng, quạnh quẽ làm cô có cảm giác bị mọi người bỏ rơi, không ai quan tâm đến. Mà đúng như vậy thật! Cô gái hai mươi tuổi tóc đen mướt, da trắng hồng, mắt lay láy, mũi dọc dừa thế kia mà chẳng thấy anh chàng nào mon men đến làm quen. Qua mấy đợt nghĩa vụ rồi theo nhau rủ lên phố làm ăn, hình như trai làng biến đâu cả. Chỉ còn mấy cậu bé non choặt, mặt búng ra sữa, lông măng lún phún trên cằm mỗi lần gặp Ngân cứ lúng ta, lúng túng như gà mắc  dây thun, nửa ngày không tìm đâu ra câu tán tỉnh cho ra trò … Sao mà cô chán cái đám trai làng ấy đến thế. Làm gì so bì với anh chàng cao to đẹp trai ngồi bán vải ngoài chợ. Đôi mắt nhìn như muốn lột trần cô ra, như  si như dại, lâu lâu lại làm bộ nheo lại như để tận hưởng cái phút giây chiêm ngưỡng bộ ngực nõn nà giấu sau làn áo mỏng của cô. Ngân tảng lờ như không thấy ánh mắt thèm thuồng kia nhưng mặt thì cứ đỏ lựng lên. Loanh quanh thế nào cô cũng làm bộ ghé quầy, hỏi cho lấy lệ vài loại vải mà cô chẳng hề có ý định muốn mua, cốt liếc mắt nhìn cho kỹ cái anh chàng bán vải đẹp trai lẻo mép kia. Người thị thành có khác. Da mặt đỏ mịn, tóc đen bóng lưỡng, lại đeo cặp kiếng mát màu trà trong lịch lãm. Chả bù với đám trai làng. Nước da đen xỉn, răng vàng, miệng hôi loại thuốc lá rẻ tiền đứng gần cứ nghe nằng nặng mùi thế nào ấy. Cô ao ước được mãi ở cạnh anh, ngửi mùi thơm dìu dịu, ngan ngát từ mùi nước hoa trên người anh, được nhìn ngắm đôi bàn tay trắng tinh, khéo léo cắt từng mảnh vải thẳng thớm, tinh tươm … Ôi, người đàn ông hào hoa, lịch thiệp…

 

Kể ra thì Ngân cũng thuộc vào loại cô gái có nhan sắc. Không mấy khi ăn diện, thế mà mắt cô cứ lúng liếng, nước da trắng ngần, cánh mũi thon thả, đôi má cứ ửng đỏ lên, ngực như muốn bật tung làn áo vải. Gái vùng nông thôn được như cô chả có mấy người. Làm ruộng, làm mùa quần quật thế mà mặt mũi cô như không hề bắt nắng, da dẻ mịn màng ăn đứt ối cô ở chợ hàng ngày dùng kem dưỡng da tắm trắng. Ngân cao một mét bảy, khỏi đi guốc cao gót cũng đã thấy có dáng dấp của người mẫu thời trang nhờ vòng eo thon thả và bờ mông tròn trịa. Thầy tướng bảo số cô lớn lên không là mệnh phụ phu nhân cũng làm người giàu sang của ăn của để, khối kẻ hầu người hạ, việc lớn nhỏ không động đến tay. Sướng đâu không thấy, chỉ biết bao nhiêu năm ở làng quê nầy đầu tắt mặt tối, sáng sớm ra ruộng, chiều gánh phân bón vườn đến tối mịt, công việc không lúc nào ngơi. Thi thoảng cô mới được đi chợ, khi  bán mấy giạ lúa, khi mấy trái bầu bí ở vườn nhà mua thức ăn, năm ba mét vải hoặc thịt thà cúng giỗ ông bà. Vài lần ra chợ cô gái quê được dịp nhìn ngắm thoả thích hàng hoá, người ngợm ở đây. Trời đất! Sao họ thanh lịch, quý hoá thế. Giọng nói mời mọc cứ ngọt lịm ở đầu môi, miệng luôn luôn nở nụ cười tươi  roi rói, mắt mũi như sáng bừng cả lên. Nhất là anh chàng bán vải. Cô chỉ vào cửa hàng xem chơi, không mua bán gì sất thế mà cũng được tiếp đón chu đáo, lại được mời uống nước đá trà. Khi ra về, anh chủ hàng cứ như lưu luyến chia tay, nhắc đi nhắc lại với cô là khi nào rãnh cứ ghé hàng xem vải, không mua cũng được. Cô như người bay trên trời cao, không những lời mời mọc như có cánh kia mà còn là đôi mắt như có lửa của anh chàng cứ xoáy vào da thịt cô …

 

… Bây giờ thì cô đang ngồi đây, nơi bờ sông quê cô mà suy nghĩ về anh chàng bán vải, về đời sống thanh lịch, quý phái nơi thị thành, về các cửa hàng xanh đỏ bóng đèn, người ra người vào tấp nập … Những tiếng nhạc xập xình phát ra từ rạp chiếu phim đông đúc, tiếng xe cộ ồn ào huyên náo, tiếng chào mời nhẹ nhàng, lịch lãm làm cô như mềm lòng đi. Cô bay trên mây, mơ màng nghĩ đến ngày cô sẽ về sống ở chợ với những ước mong cháy bỏng …

Dòng sông Trầu vẫn lừng lững trôi trong những giấc mơ của cô gái quê tội nghiệp.

 

*

 

  Quả ông thầy tướng số nói đúng, Ngân nghĩ vậy khi gặp lại anh chàng bán vải lịch thiệp. Cô như bay trên thiên đàng khi Hoạt, tên anh ta muốn làm quen và mời cô uống nước. Ngân vui vẻ nhận lời mà lòng như mở hội. Hơn ai hết cô biết mình là gái quê nhan sắc, được thế mạnh mà gái chợ hiếm có. Tính chân quê ẩn giấu trong tiếng nói, giọng cười, nét ngây thơ còn tiềm tàng trong bờ môi, khoé mắt. Chẳng phải thế mà sau vài bận đi chợ, gặp mặt làm quen, Hoạt đã ngõ lời cầu hôn cô. Mộng ước sống nơi phố chợ đâu còn xa xôi nữa. Thế là mấy tháng sau, Ngân đã về nhà chồng sau một lễ cưới chóng vánh tại nhà hàng hoành tráng, sang trọng. Đời cô như được chấp cánh thăng hoa. Bà con quê cô và nhất là các cô bạn gái nhìn cô bằng đôi mắt ganh tỵ nhưng ngưỡng mộ. Đời cô mong gì hơn thế. Bà mẹ cô thì khỏi nói, cứ đến hết nhà nầy đến nhà khác khoe khoang về thằng rễ bảnh trai và gia tài là sạp vải to đùng của nó. Gia đình bà được thơm lây, xóm làng được mở mặt. Chẳng ai còn nhớ cô Ngân ngày nào còn tò te mũi lỏ, gánh phân heo bón ruộng, ống quần cụt đến đầu gối, áo vá hàng chục mảnh, chân bước thấp bước cao ra đồng. Ngân bây giờ là cô tiểu thư sang trọng, vàng vòng đầy cổ, lên xuống một bước là có kẻ hầu người ha, cơm bưng nước rót. Quả đời cô có phước lấy được chồng sang, đám trai làng bảo vậy …

 

*

 

Thật ra mới đầu, Hoạt cũng quý cô lắm! Em là thiên thần của đời anh, là lẽ sống tình yêu anh, là cô tiên, nàng công chúa mà cuộc đời ưu ái mang lại cho anh ... Đại khái là những từ ngữ có cánh mà Ngân vừa sung sướng, vừa hạnh phúc đến rơi nước mắt. Hoạt giao cả sạp vải cho cô trông coi. Anh chỉ giữ tiền và quản lý sổ sách. Anh bảo:

- Em mới về đây chưa quen mua bán. Rồi dần dà sẽ quen thôi …

 

Cứ thế, cuộc đời như mĩm cười với cô và cô mong ước được như thế mãi.   Nhưng hạnh phúc ấy lại không kéo dài được lâu. Càng ngày cái vẻ lịch lãm, hào phóng của Hoạt dường như mất đi mỗi hôm một ít. Sống với nhau chừng một năm, Ngân nhận ra tính tình thật của chồng mình. Hoạt không cho cô giữ tiền, quản lý chi tiêu lại còn tỏ ra keo kiệt, bủn xỉn. Mỗi lần cô đòi về thăm nhà hay mua sắm  thứ gì  là Hoạt nại ra bao nhiêu lý do, nào là cửa hàng vải không ai trông coi, mất mối, mất khách, nào là cố tiết kiệm cuối năm mua sắm luôn một thể. Kỳ thật là anh sợ tốn kém. Hàng ngày  ngoài việc sáng sớm ra chợ mua ít thức ăn cho hai bữa cơm, Hoạt không cho Ngân thêm một đồng nào xài vặt. Mấy hộp son phấn kể từ lúc đám cưới đến giờ Ngân dùng đã hết vậy mà mỗi lần xin tiền Hoạt mua, anh cứ lần lần lửa lửa nói chi đến những nhu cầu thiết yếu của người phụ nữ. Ay vậy mà anh xài tiền không tiếc tay với chúng bạn. Những cuộc ăn nhậu suốt sáng, thâu đêm, những buổi hát hò, vui chơi nơi nhà hàng, quán xá có nhiều em út. Anh chỉ xem cô như vật trang sức hay nói cho đúng hơn, như một người giúp việc nhà. Cũng có đôi lần cô tủi thân, khóc lóc kể cả làm mặt giận nhưng rồi Hoạt lại nhỏ to:

- Em đừng như vậy có được không? Chúng mình là vợ chồng, cùng chung sức làm ăn, tiết kiệm. Sau nầy tiền bạc, gia sản là của con chúng mình chứ của ai … Anh tính là tính cho mai sau chứ đâu muốn quản lý tiền bạc, tài sản làm gì chứ!

 

Bản tính thật thà của một cô gái quê khiến cô tin Hoạt ngay nhưng rồi nhiều lần như vậy, cô bắt đầu nghi ngại. Đằng sau những lời nói hoa mỹ kia có cái gì giả dối không thật. Cuộc sống cứ trôi qua, cô suốt ngày bù đầu ở sạp vải còn Hoạt chỉ biết xài tiền. Và rồi, vốn liếng bắt đầu hao hụt …

 

Khó khăn, thiếu thốn cô còn chịu đựng được.Nhưng cô không chịu được cái cách mua bán dối lừa mà Hoạt dạy cho cô. Khi thì bán mắc cho người lạ, rẻ cho người quen cùng một mặt hàng đó, cùng một thước tất đó nhưng có khi phải ngược lại. Khi thì chặt chém những gã đàn ông háo sắc muốn ghé vào mua vải lấy lòng bà chủ xinh đẹp. Khi giả giọng ngọt nhạt nói khác đi về nơi sản xuất vải để lừa người mua. Người quen là mối của mình, mình phải giữ, Hoạt bảo vậy. Nhưng khi cô bán rẻ cho họ thì anh lại nói :

- Mối quen đã tin tưởng vào giá cả của mình rồi, em cứ bán cao lên. Khi đã tin, họ sẽ không hỏi lại ai đâu … Vả lại, họ có tiền mới mua vải nhiều. Dại gì mà mình không đẩy giá một tí. Bọn nhà giàu ai mà quan tâm đến chênh lệch chút đỉnh…

 

Còn với khách lạ, anh chủ trương bán đắt hơn nhưng cùng lúc anh bảo :

- Ối dà! Em có điên không mà bán mắc cho họ. Mình muốn họ ghé lại sạp mình lần thứ hai hay là muốn họ bỏ mình luôn …

 

Cứ thế, Ngân không biết đường đâu mà lần. Hoá ra, đằng sau vẻ lịch sự, chải chuốc kia có điều gì không thật. Chưa hết, mỗi lần bán hàng không chạy là y như rằng Hoạt đổ tội cho cô. Nào là cô không khéo mời moc, không chìu khách, mặt mũi khó đăm đăm, nặng vía thế kia khiến khách không ai muốn vào …

 

Cô phải sống khổ tâm như vậy hết ngày nầy đến ngày khác  trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và người chồng đẹp mã. Những lời dối trá riết làm Ngân quen dần. Không điều gì mau chóng thâm nhập vào đầu óc con người ta nhanh hơn sự hào nhoáng giả dối. Ngân bắt đầu tập nói dối, tập làm điệu, lẳng lơ để lấy lòng khách, lấy lòng chồng. Và cô cũng trở nên khéo léo hơn, lịch lãm hơn, miệng lưỡi hơn trong cách ăn nói kể cả việc bắt đầu giấu tiền chung làm của riêng cho mình …. Đầu tiên chỉ một ít cô đã thấy mắc cở nhưng rồi cô nghĩ : Tội gì mình nai lưng cả ngày ngồi đây để lại đưa hết cho chồng ăn chơi, nhậu nhẹt với gái gủng, thiên hạ.

 

Và sự giả dối ấy cứ càng ngày càng diễn ra nhiều hơn trong ngôi nhà chỉ có hai người bằng những nụ cười gượng gạo, những lời nói nhẹ nhàng, từ tốn giống như tin tưởng, thương yêu, tôn trọng nhau lắm. Sự lừa dối như bóng mây đen dần dần lan dần ra hết ngày nầy đến ngày khác, riết rồi Ngân cũng chẳng tin đến chính mình chứ đừng nói là Hoạt. Bóng mây tản dần ra cho đến lúc nó bao trùm hết căn nhà sang trọng của hai vợ chồng cô.

 

Nhưng điều gì cũng có kết thúc của nó. Sạp vải vợ chồng cô ngày càng mỏng dần, tiền bạc không cánh mà bay, một phần vào tay chồng cô đàn đúm ruợu chè, phần vào ngăn kéo riêng của cô. Rồi xô xát xảy ra hàng bữa. Tiếng chửi mắng, đập phá, khích bác, lăng mạ giữa vợ chồng cô ngày càng dày thêm. Không còn nghe đâu những lời hoa mỹ, lịch sự bóng bẩy, cũng không thấy đâu cái dáng vẻ bề ngoài quý phái, lịch lãm của ông chủ sạp vải giàu có điển trai và cô gái quê thuần phát, hiền dịu năm nào.

 

*

 

Giờ thì vợ chồng Ngân đã ly dị. Chóng vánh, gọn gàng như khi cưới nhau. Ngân trở về làng với cái bụng vượt mặt. Hoạt nghe đâu đã bán nhà trên chợ sống hẳn với cô ca ve quen biết trong nhà hàng. Đồ đạc của nả Ngân mang theo về quê chẳng có gì ngoài mấy bộ áo dài và ít nữ trang khi làm đám cưới. May mà mình giấu được chút đỉnh khi còn làm con sen trong nhà … Đôi khi Ngân hài lòng tự nhủ.

 

Dòng sông quê vẫn trôi lặng lẽ cạnh những bóng tre khẳng khiu và khô khốc vào mùa hạ. Đám con trai trong làng bây giờ đã phổng phao nhưng chẳng còn ai quan tâm đến Ngân. Cô vẫn ra bờ sông một mình chiều chiều ngắm dòng sông Trầu, mắt hứơng về phía chợ, mơ về sạp hàng vải ngày xưa.

 

Nước sông vẫn trôi, trôi mãi … Chẳng biết sông trôi về đâu …/.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 3034
Ngày đăng: 25.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tướng sát phu - Đỗ Ngọc Thạch
María Dos Prazerès - Trần Vũ
Những hạt đậu màu đỏ tía - Phạm Thái Ba
Tình già - Ngô Kế Tựu
Người chép sử - Đỗ Ngọc Thạch
Cũng một kiếp người - Nguyễn Minh Phúc
Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng - Đỗ Ngọc Thạch
Hai người đàn bà và một con chó - Nguyễn Khắc Phước
Ngày về của bọn họ - Y Uyên
Cái đầu của quan Thái sư - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)