Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.141.620
 
Cái hài hước, giễu nhại trong Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn
Khánh Phương

Biển và chim bói cá vốn không phải một tiểu thuyết hoạt kê. Vì vậy khi xem xét lối biểu đạt hài hước, giễu nhại của tác phẩm, không cần thiết phải áp đặt những tiêu chí của thể loại hoạt kê, mà hợp lý hơn là tìm hiểu những biểu hiện, thành công sáng tạo của nó trong lối thể hiện đặc sắc của toàn bộ tác phẩm.

 

Cái hài hước, trong lịch sử của nó, được các nhà phê bình xem như cảm hứng đối trọng của cái nghiêm nghị, hay của hình thái nghệ thuật trước nó là cái bi thương. Nó được xem là có nguồn gốc từ tính chất vui tươi, đề cao hiện sinh, cái phồn thực, xoáy vào sự thô kệch, và ý nghĩa bất tuân cợt nhạo, trong đời sống văn hoá dân gian. Được các nhà tiểu thuyết Phục hưng phương Tây khởi đầu ứng dụng trong hệ thống sáng tác, ý nghĩa bất tuân cợt nhạo của cái hài hước được nâng lên một cấp bậc luỹ thừa, trở thành cảm hứng phê phán “ hạ bệ ” vô cùng mạnh mẽ. Cái hài hước có thể phủ định một hệ tư tưởng cũng như những nền móng sâu xa nhất của sự tổ chức xã hội- đời sống và tư duy con người. Chỉ đến khi chàng Đôn Kihôtê của Cervantes ngất ngưởng trên con chiến mã trứ danh đến với người đọc, lúc đó ý tưởng về sự phê phán những ảo tưởng duy lý, cội nguồn của định chế xã hội áp đặt mới được đặt ra. Cùng với cái hài hước, lối giễu nhại ra đời như một thủ pháp phê phán trực tiếp của hình thái nghệ thuật này. Giấc mộng đêm hè (W. Shakespeare ), Đôn Kihôtê ( M. De Cervantes ), Gargantuar ( F. Rabelais ) … là những tác phẩm vĩ đại đầu tiên mở đường thành công cho cái hài hước đi liền với thủ pháp giễu nhại. Tiểu thuyết hoạt kê thành công ở nước ta từ trước tới nay có thể kể đến Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, đứng hàng sau là Người ngựa ngựa người, Kép Tư bền của Nguyễn Công Hoan…

 

Biển và chim bói cá có lối ứng dụng cái hài hước đặc biệt. Khi xây dựng hệ thống hình tượng cho tác phẩm, nhà văn đã cố tình xoá đi nhân vật trung tâm. Đây là một dụng công thi pháp chứ không đơn thuần là vấn đề nội dung. Từ chối nhân vật trung tâm là từ chối sự mô thức hoá những vấn đề xã hội, đời sống theo một quan niệm ( có tính chất xã hội- thời cuộc ); ngay trong tác phẩm mà chủ đề chính là diện mạo lịch sử- thời cuộc này. Đó cũng là từ chối sự định hướng, dụng ý hoá thông qua “cái tiêu biểu” của hành động, tâm lý nhân vật để đưa bạn đọc đến một ý tưởng duy nhất. Riêng trong phạm vi thể tài của tiểu thuyết này, việc xoá bỏ mô thức hoá đời sống, xoá bỏ dụng ý, còn có tác dụng nới lỏng khả năng tự do của ngòi bút, tạo cho người viết ngẫu hứng hoặc đi sâu phản ánh những vấn đề thuộc về con người, một cách để cho hiện thực tác phẩm trở nên đa thanh, tích hợp nhiều chiều ý nghĩa.

 

Trong tổng thể lối viết kể trên, cái hài hước đóng một vai trò linh hoạt và quan trọng. Có thể nói một nhân duyên nào đó đã khiến nhà văn chọn cảm hứng bi thương, bi tráng để xác lập chủ đề tác phẩm, nhưng ông vẫn không nhịn nổi cái cười vừa sảng khoái vừa thâm thuý. Trong rừng rừng chi tiết, nhấp nhô những nhân vật, nhóm tỏ nhóm mờ, cái hài hước của Bùi Ngọc Tấn giúp xác định nhân vật mang tính chất phê phán đến đâu, cái hài trở thành phương tiện để khắc hoạ cái bi, nhiều lúc bi và hài đồng thời được hiển lộ trên cơ sở cái nghịch lý, bất ngờ, đồng nhất với nhau và trở nên rất khó phân định ranh giới. Có thể nói, cảm quan hài hước độc đáo của Bùi Ngọc Tấn bao trùm toàn bộ tác phẩm, nó không phải phương tiện để làm giảm nhẹ không khí đau thương, cũng không chỉ còn là kỹ năng hỗ trợ để khắc hoạ những vấn đề nội dung. Cái hài ở đây đã sánh ngang cái bi, bi thương chừng nào thì hài hước chừng ấy. Nó tạo nên một phong vị khó tả cho cuốn tiểu thuyết này. Không phải là đứng cao hơn hiện thực để cợt nhạo nó, cũng không hẳn nghiêng mình trước một thứ cao cả đẹp đẽ đã đành đoạn. Tiếng cười và giọt nước mắt của Bùi Ngọc Tấn lặn sâu vào đời sống này, vào cái đang diễn ra  (trong bối cảnh và thời điểm trần thuật của nó ), không phán xét. Một thứ hiện thực vỡ vụn, không vừa theo một hệ quy chiếu nào, đáng phải cáo chung từ lâu nhưng vẫn tồn tại như một nghịch lý.

 

Tính chất vui nhộn, cái thậm xưng, dị hợm đến mức gây cười sảng khoái của ngôn ngữ dân gian được sử dụng trong tác phẩm biểu hiện rất rõ ràng trên từng trang, chúng tôi xin phép không cần đi sâu phân tích. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, thủ pháp thậm xưng xuất hiện với tần suất không nhiều, chỉ là thiểu số, nhất là so với những thủ pháp khác sẽ được phân tích dưới đây. Điều này chứng tỏ nhà văn đã không vận dụng cảm quan phóng đại đặc thù của tiểu thuyết hoạt kê, giữ nguyên thế giới “nghiêm túc” của tác phẩm, và ứng dụng cái hài hước chủ yếu như một cảm quan ngầm, ẩn kín.

 

Thủ pháp dùng nghịch lý, cái bất ngờ để tạo nên tính hài hước đi liền với giễu nhại, là lối xây dựng nhân vật chính yếu của tác phẩm. Ở cấp độ khái quát hơn, hai tuyến nhân vật đối lập về nhân cách và trên góc độ thẩm mỹ sáng tạo, tuyến xu thời và tuyến “bất cập thời” cũng được thiết lập dựa trên cảm quan nghịch đảo, giễu cợt cay đắng. Toàn bộ quan niệm hiện thực của tác phẩm được đặt trên cái nền nghịch lý, bi thương đau xót chừng nào thì hài hước chừng đó.

 

Cô Huyền, cô Mơ, những ý trung nhân trong mộng của các chàng thủy thủ tàu cá Chơn, Cương bỗng chốc làm cho các vị hôn phu tương lai bẽ bàng, rã rời cả thể xác lẫn tinh thần vì những hành động, lời nói khác thường, gây sốc, máy móc đến tức cười. Các cô vừa là kẻ tội đồ, vừa là nạn nhân, không đáng bị châm biếm nặng nề, nhưng cũng  đáng thương xót, lại vừa để cho bạn đọc nhìn thấu một thực tại khác còn lớn hơn chính con người các cô. Anh Nhược thợ lạnh, Phạm Cương thuyền trưởng tàu bẹp 307, con sói biển Lê Mây, thuyền trưởng tàu cá VT 250, thuyền trưởng Trần Bôn tàu cá 414, Lập, kỹ sư ngư cụ, Điều- kỹ sư thủy sản sau làm chánh văn phòng Liên hợp, Toàn- anh theo dõi thi đua con nhà Nho học từng lăn lộn bên ngành thương mại, thuỷ thủ Thuyền bị ngồi tù “3 gậy” vì buôn lậu 4kg đá lửa, bác sĩ Bá trưởng phòng y tế sau lên tàu viễn dương phục vụ bưng bê quét dọn, anh nuôi Tích, thủy thủ Nhâm, báo vụ viên Quân  “rỗ”… hầu hết tuyến nhân vật “bất cập thời” của Bùi Ngọc Tấn đều được khắc họa bằng nghịch lý vừa hài hước vừa bi thương. Họ là những con người ngay thẳng, không màng bon chen danh lợi, tình nghĩa với anh em bạn bè, yêu nghề nghiệp và luôn hết lòng cống hiến theo khả năng chuyên môn, họ chỉ có một ước vọng bình thường, chính đáng là bao bọc cái gia đình nhỏ của mình thoát khỏi cảnh túng bấn nheo nhóc, tương lai mờ mịt, như một gánh nợ tinh thần đau xót, tủi hổ. Nhưng ác thay, họ càng tìm cách cần cù, xoay sở, giật gấu vá vai, hoặc càng tìm đường để cống hiến cho ngành nghề bao nhiêu, thì lại càng nhận được những đối xử bạc bẽo, vô lý, càng rơi vào những nghịch cảnh xui xẻo, cười ra nước mắt, bấy nhiêu. Họ là những anh chàng tử tế đã hết thời, bị đời sống vùi dập cho tơi tả, nhiều lúc bê tha, vô định. Cái lý tưởng quan liêu thụ động mà một số người trong bọn họ thực lòng theo đuổi cũng đem đến những “ngộ nhận” tức cười như anh chàng Thuyền hồi còn trên con tàu 307 lẫy lừng. Cuộc tái ngộ ly kỳ của anh thuỷ thủ nằm bờ Thuyền, với ông Việt kiều Robert Ly, té ra là bạn “dạt vòm” ngày xưa, cuộc đổi đời hụt của Thuyền từ khi có ông bạn vàng… mang phong cách giễu nhại những motiv vô tình tái ngộ bạn thuở hàn vi phổ biến trong văn hoá dân gian. Tiếng cười dành cho họ là tiếng cười cảm thông, thương xót, cay đắng, cũng là tiếng cười để kính nể cái thiện tâm trong sáng cao quý nơi họ. Lối giễu nhại type nhân vật ( nhân vật tham ăn, nhân vật anh hùng, bác học “điên”, ông nghè thất thế… ) quen thuộc, nói chính xác hơn là giễu nhại tính cách và ý nghĩa thẩm mỹ, nhưng không cường điệu, bộc lộ ý nghĩa phê phán cụ thể, rõ rệt với cái hiện thực và tư tưởng đã tạo nên những con người ấy.

 

Đồng thời với việc khắc họa những nhân vật mang ý nghĩa thời cuộc, ngòi bút nhà văn đã chạm tới những điều sâu xa trong miêu tả con người. Vợ chồng bác sĩ Bá, sau khi cầm quyết định xuống tàu viễn dương, bắt đầu vay mượn để tính chuyện “đánh hàng”, dự tính mua sắm tiện nghi, lo bù trừ cho tương lai gia đình, họ mạc… đồng thời bỗng trở lại tuổi xuân, cô vợ trẻ khỏi ngay chứng bệnh tế nhị do lo toan đời sống quá sức, lại yêu đương nồng nàn hơn cả tuần trăng mật và cả hai đều cảm thấy mình có tư cách con người hẳn lên. Quan hệ giới tính xô bồ, cẩu thả… của thuyền trưởng, thủy thủ trên đường lênh đênh đánh cá, dường như sau nó còn có sự cẩu thả vô định của kiếp người. Tất cả cho thấy mối băn khoăn đau đáu của nhà văn về nhân cách, và quan trọng hơn, nhân tính.

 

Tuyến nhân vật xu thời: tổng GĐ Hoàng Quốc Thắng, vua sắt vụn Quán mèo, trưởng ca Huy nghiệp vụ bí bét, sau là đại phó, rồi thuyền trưởng tàu viễn dương, Đức- trưởng phòng điều độ bến cảng, những thủy thủ dự bị như Khương, không biết nghiệp vụ nhưng con các vị tai to mặt lớn… xuống tàu chỉ để “áp phe” làm tiền, những thuyền trưởng viễn dương biết lợi dụng con tàu, chức vị để thu vén cá nhân và kẻ có quyền vừa bảo kê vừa làm luật giới có tiền đó… tất cả được miêu tả bằng sự mổ xẻ trực tiếp những nghịch lý tàn nhẫn song trùng với sự hài hước sâu cay, mà  “cái khó tin” là một thủ pháp. Tổng GĐ Thắng, Quán mèo, thuyền trưởng Huy… tất cả phất lên nhanh chóng, bất ngờ, công khai mà lại bí hiểm, khiến người ta liên tưởng tới chuyện Trạng trong dân gian, chỉ có điều bí quyết của các “Trạng” ở đây là sự nhẫn tâm và cơ hội, sẵn sàng gạt bỏ đạo lý, tình người, gạt bỏ mọi quy ước cộng đồng. Các “Trạng” cũng được miêu tả bằng nét bút có phần hoạt kê, với cái lố lăng kệch cỡm, xảo trá, thậm chí mù quáng của kẻ bỗng chốc đứng trên đầu thiên hạ. Bản thân cái nghịch lý của những điều khuất tất, tàn nhẫn, thiếu nhân tính, đáng để đau lòng công phẫn nhưng cách khác là đáng để phải cười, cười như một cách phủ định hoàn toàn chính nó cũng như phía sau, căn nguyên tư tưởng, hiện thực nào đã sản sinh ra nó.

 

Cũng bằng thủ pháp giễu nhại, Biển và chim bói cá còn cập nhật một hệ thống khái niệm hài hước không chỉ chọc cười bằng sự bất ngờ, sinh động, mà còn bao hàm sự phủ định, biến hóa về mặt thẩm mỹ trong đời sống thường ngày cũng như trong văn chương: chủ nghĩa giết thịt, ăn cắp có văn học, quốc doanh đánh giậm, núp bóng cây Kơ nia, vấn đề do lịch sử để lại, “sinh hoạt”, “ nên người”, “phượng hoàng bay”…

 

Sự thật, một thế hệ con người bị xóa sổ, bị tước đoạt niềm vui, hạnh phúc, tương lai để đổi lấy quyền lợi vật chất và sự xa hoa cho một nhóm nhỏ người, điều này có hài hước không? Trong miêu tả của Bùi Ngọc Tấn, đó là sự hài hước để phủ định, lên án, cái hài hước làm rõ thân phận lạc loài, đôi lúc lậm chí  bị tha hoá của nhân tính, điều lương thiện, cũng như cái hài hước để phủ nhận điều ác, bất công. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn tiếng cười và mổ xẻ trực diện cái bi thương, nhà văn đã đẩy thể loại của mình đi xa hơn, đến tận sâu những ngõ ngách miêu tả con người, đặt ra bi kịch thời đại trong vấn đề con người, chứ không dừng ở tiểu thuyết thời cuộc luận đề bi thương hay hoạt kê.

 

Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn là trường hợp hiếm gặp, khi tiếng cười cân bằng và ngang hàng với cảm hứng bi thương. Bởi vì tiếng cười thường được xem là hình thái có sau, dù bao hàm ý nghĩa phê phán triệt để nhưng ít khi được coi bình đẳng với cái bi thương, vốn là phạm trù cao cả.

 

Tiểu thuyết mới của Bùi Ngọc Tấn, dù có chủ ý hay không, nhưng khá gần gũi với xu hướng đang hình thành của tiểu thuyết thế giới hiện nay, đó là khắc họa bi kịch thời cuộc từ góc độ những vấn đề con người, như nhân tính, nhân cách, tình yêu… một quan niệm sử thi về sự tan rã của đời sống có tổ chức của con người. Có thể kể đến Những kẻ thiện tâm ( Jonathan Littel, 2006 ), Bản giao hưởng Pháp (Irène Nemirovsky, công bố năm 2004 )…

                                                                                   

Tư liệu tham khảo:

-    F. Rabelais trong văn hoá Phục hưng, M. Bakhtin, Phạm Vĩnh Cư dịch, talawas 2006

-    Lịch sử văn học phương Tây, giáo trình ĐHSP I Hà nội, 2001.

-    Tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu, Nguyễn Thanh Sơn, 2006

-    Các tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn của Bùi Ngọc Tấn

 

Khánh Phương
Số lần đọc: 4145
Ngày đăng: 26.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cái chết và màu sắc của nó trong câu chuyện của Khương Bình - Liêu Thái
Cuộc chữ* chưa bày trăm năm đã cạn - Lê Vũ
Về một lối viết hiện thực huyền ảo Việt tính: Trường hợp Đỗ Ngọc Thạch - Đỗ Quyên
Nhà văn của những mảnh đời bất hạnh ! - Yến Nhi
Đâu là hồn cốt Ma Chiến Hữu ?... - Vũ Ngọc Tiến
Vẻ đẹp của tiếng Việt trong thơ Chân Phương - Nguyễn Hồng Nhung
Bình thơ cuối đông - Nguyễn Hồng Nhung
Thơ ơi còn cô đơn không! - Lê Huỳnh Lâm
Sự chẩn mạch trái tim của Huy Dung - một nhà thơ-thầy thuốc - Hoài Anh
Ðọc Huế Buồn Chi của Hoàng Xuân Sơn - Nguyễn Ước