Rong ruổi nhiều năm trong hoạt động nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Giao, ca sĩ, ảo thuật gia, nhà báo…thăng trầm lắm nỗi truân chuyên nên cuối đời ông ghi lại những kỷ niệm đầy ắp tâm tình trong cuốn “Ký ức văn nghệ sĩ trong đời tôi” do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2009.
Trong Lời đề từ ông viết : “…xin mạo muội làm cái công việc tìm tòi qua mạng, sưu tầm đọc nhiều sách báo và ghi chép lại từng tài liệu, tư liệu quí hiếm, tra cứu, trích dịch từng nhân vật, sự kiện qua các thời kỳ, qua từng Nghệ sĩ đã quá cố, đến những bản Thi ca đương thời…Mục đích của tôi là để dành cho con cháu lưu giữ vào tủ sách gia đình”.
Phần nổi trội nhất trong cuốn sách là viết về các nhạc sĩ, ca sĩ Hoàng Việt, Trần Văn Trạch, Dương Thiệu Tước, Trúc Phương, Lam Phương, Nguyễn Văn Đông…cùng các danh khẩu cầm Tòng Sơn, danh sáo Nguyễn Đình Nghĩa…từng quen thuộc với lớp khán giả trung niên ở đất Sài Gòn.
Thử lướt qua phần Với một dòng sông ông viết : “…Vĩnh Kim là tên một làng của quận Long Định thuộc tỉnh lỵ Mỹ Tho xưa. Năm 1940, Vĩnh Kim thuộc quận lỵ Sầm Giang, còn có cái tên nôm na là Chợ Giữa…Chỗ cửa Sầm Giang đổ ra sông Cửu Long có tên gọi là Rạch Gầm…Trước đây, tại Sài Gòn, có ban nhạc Sầm Giang do quái kiệt Trần Văn Trạch (em ruột GS-TS Trần Văn Khê) phụ trách…Cái tên đó hầu để tưởng nhớ tới nơi chôn nhau cắt rốn”. Hay đoạn viết về nhạc sĩ Hoàng Việt : “…ca khúc Hoàng Việt có tính kế thừa truyền thống dân gian Nam bộ. Không ai có thể phủ nhận rằng : Âm nhạc Hoàng Việt không có tính dân tộc…Hoàng Việt sử dụng điệu hò trong mấy bài hát có cảnh tình khác nhau : có cảnh trên đồng lúa, có cảnh trên dòng sông, có cảnh trên Đồng Tháp Mười”. Về nghệ sĩ Tòng Sơn : “…đêm đêm tiếng kèn Tòng Sơn thường xuất hiện trên các sân khấu tụ điểm ở Trống Đồng và các CLB quanh thành phố. Lúc thì anh biểu diễn một mình, lúc thì thi thố tài năng với cây kèn lão thành Huỳnh Hoa. Đây cũng là chuyện lạ mà sóng truyền hình VTV3 đã đưa tinh nhiều lần”.
Cuốn sách dầy 490 trang gồm nhiều tư liệu quí về cuộc đời của các văn nghệ sĩ từng vang bóng một thời ở thành phố, giúp ích cho bạn đọc nào muốn tìm hiểu về họ. Chỉ tiếc phần cuối ông đưa vào phần Cám ơn đời hơi dài, phần nào làm loãng cấu trúc của cuốn sách.