Cơ quan tôi có hơn ba mươi cán bộ công nhân viên, nhưng quan hệ khá mật thiết, tôi chỉ có ba người. Đó là sếp Việt, ông Nguyên bảo vệ cơ quan và Đức, con trai ông Nguyên, đang làm cùng phòng với tôi.
Sếp Việt:
Năm nay ông vừa bước sang tuổi năm mươi lăm, người to ngang, săn chắc. Nếu như cuộc đời của con người chia làm ba phần thì cuộc đời của sếp Việt hai phần nằm lại trong quân ngũ. Ông vui tính, cởi mở, thân thiện với tất cả, không phải như mấy “cha” trên cơ quan chủ quản, mới tý tuổi đã có bụng, quen bắt tay hờ và mặt lạnh như thớt. Nghe ông Nguyên kể, tôi mới biết sếp Việt có lá gan “to” hơn người thường. Giữa trận mạc, ông cứ thản nhiên như giữa chốn không người. Lính tráng thấy vị chỉ huy của mình oai phong quá, thừa thế xốc tới, trăm trận trăm thắng. Con đường binh nghiệp của ông như diều gặp gió. Đang là đại đội trưởng nhảy phóc lên làm chính trị viên tiểu đoàn. Rồi mấy năm sau lên trung đoàn, sư đoàn. Bảy lần bị thương, theo ông Việt chỉ là “trầy da, trật xương”. Mỗi lần như vậy, ông điều trị cấp tốc rồi lại ra trận ngay. Đến lần thứ tám thì chịu hẳn. Lần đó sư bộ bị lộ, pháo địch nã như giã gạo. Không may ông Nguyên bị thương ở chân. Nhẹ thôi nhưng cần phải sơ tán gấp. Thế là sếp Việt cõng ông Nguyên băng qua một con suối cạn. Chỉ cần sang bờ bên kia thôi coi như cơ bản thoát được làn hoả lực của địch. Nào ngờ, vừa được hai phần ba con suối, sếp Việt dính mảnh pháo, còn nặng hơn cả ông Nguyên...
Ông Nguyên:
Sau khi nghỉ hưu, ông được sếp Việt “mời” về làm chân bảo vệ. Đó là con người mẫu mực, chân thực, hiền lành nhưng cơ thể thì đang bị lũ bệnh tật tàn phá. Ông mắc một lúc hai căn bệnh đều hiểm nghèo là tiểu đường và bệnh gút. Có người cho rằng, hai căn bệnh ấy là của người giàu, nghĩa là quá thừa chất, nhưng qua tìm hiểu của tôi thì không phải. Bệnh tật đều do cơ địa từ con người mà ra. Người nghèo, có kẻ bữa ăn thường thiếu chất vẫn không tránh khỏi móng vuốt của hai căn bệnh này. Ông Nguyên nói: “Bị tiểu đường mỏi mệt lắm, gầy rộc rất nhanh, thường hoa mắt, chóng mặt. Bị gút thì các khớp xương sưng tấy lên, đau nhức không tả xiết. Ân hận thì đã muộn. Cái mồm làm khổ cái thân!”. “Nhưng cuộc đời của bố ba phần là quân ngũ, “nướng” suốt ở chiến trường, toàn rau rừng với lương khô, lấy chất đâu mà dư thừa! Bố cả tin thế?”. Ông Nguyên xua tay: “Cũng có khi nhờ tài cải thiện của anh nuôi mới có chút chất tươi. Háo quá ăn nhiều nên tích bệnh!”. Một khi ông Nguyên đã lý sự như thế, tốt nhất tôi im lặng để ông bớt trăn trở, lo nghĩ. Chỉ khi người ta chịu tin mới có niềm tin. Ông tin như thế nghĩa là ông sẽ biết cách chịu đựng. Nhưng sự chịu đựng dai dẳng của ông lắm phen khiến tôi co thắt người lại bởi vẻ mặt quá đau đớn đến xanh xám và căng thẳng của ông. Tôi khuyên ông nên nghỉ việc, ông nói rằng, ông sẽ gục ngã mất nếu quanh ông cứ chỉ là bốn bức tường. Có thể vì lý do ấy mà sếp Việt đưa việc cho ông chăng?
Đức:
Là người cuối cùng tôi nói đến. Năm nay cậu ta ba mươi hai tuổi, cử nhân kinh tế. Cả hai lần cơ quan tôi thành công đề tài nghiên cứu cấp nhà nước đều có sự đóng góp không nhỏ của Đức. Phải nói rằng, việc Đức được phân về cơ quan tôi làm việc, ngoài mối quan hệ thân tình của ông Nguyên với sếp Việt, còn nhờ bản thân Đức có năng lực. Đức người cao đậm, bàn tay chân có những ngón hơi thô, ra dáng một đấng nam nhi mạnh mẽ, nhưng càng gần Đức, tôi dần linh cảm ở cậu ta có gì đó bất thường. Hồi mới quen, mấy lần cậu ta vô tư đặt bộ mông xập xuệ lên đùi tôi, ánh mắt lấn lướt, tôi để yên, cứ nghĩ chuyện bình thường. Cho đến khi nhận thấy đàn ông, đàn bà, Đức đều thân mật hết, đều ôm vai, bá cổ đến độ chẳng cần giữ ý tứ nữa, có khi còn ỏn ẻn gục đầu lên bờ vai họ và nhón tay nhổ tóc sâu một cách điệu nghệ, tôi mới thắc mắc. Một chị làm việc cùng phòng, nói: “Dân đa hệ mà em! Bây giờ em mới biết, hả?”. “Nghĩa là… là…”. “Là xài tất!” – Chị ấy cắt lời tôi. “Lấy vợ, liệu có… con không nhỉ?”. “Sòn sòn là đằng khác. Đa hệ mà lỵ. Dữ dội và bốc lửa lắm!”. Có lẽ, thấy tôi còn nghi hoặc, chị ấy giải thích thêm: “Em thấy ca sĩ là dân “đa hệ” hát có hay không? Tuyệt vời ấy chứ. Giống cái ông “Eo Tâng Dâng” (Elton John) gì nổi tiếng thế giới ấy. Là thợ tạo mẫu thời trang, họ thường dễ dàng gặt hái thành công. Là thợ tạo mẫu tóc, đến minh tinh màn bạc còn phải dâng đầu cho họ muốn làm gì thì làm, nói chi đến lĩnh vực ái tình của họ, em à!”...
Đức còn một tính xấu khác nữa là tính hóng hớt. Dường như khứu, thính giác của Đức không bao giờ ngủ. Chúng lúc nào cũng mấp máy, hễ có dịp là nhảy cà tâng lên.
Một lần, tôi và Đức sang bên kia cầu Chương Dương có việc. Nắng gắt, trời oi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên mặt và tong tả dọc sống lưng. Bỗng Đức phanh két xe lại, kêu lên: “Cậu này, hình như có người chết đuối!”. Theo cánh tay của Đức, tôi thấy một đôi trai gái đang vắt vẻo trên chiếc xe máy dựng sát lan can cầu, đang chỉ chỏ gì đó xuống dòng sông. Chỉ thế thôi mà hắn cũng xô lại, cũng cắm mặt xuống sông tìm kiếm. Mấy anh ả đi kế sau, thấy điệu bộ của Đức như thế, lập tức lao đến vây quanh, ngơ ngác và chao cháo. Rồi, cả dòng người dồn ứ lại, ai cũng cố ngoái cổ nhìn xuống. Tiếng còi, tiếng máy xe inh ỏi cháy khét lẫn trong tiếng hỏi, đại loại như: “Có người chết đuối à?”. “Tự tử à? Vì sao thế?”. “Thất tình! Nhảy sông vì thất tình...”. Đôi trai gái bây giờ cũng nhoai nửa người thả mặt xuống dòng sông ngầu bọt. Hồi lâu, dường như chẳng tìm thấy gì, họ ngước mắt nhìn mọi người. Cô gái hỏi lại: “Nhảy sông vì thất tình à? Sao lại cúng quẫn thế?”. Ai đó gào lên: “Các ông các bà ơi, tránh ra cho xe đi nào. Kẻ nào chán sống, cứ việc chết.”. Một gã nào đấy vù ga, ném lại câu chửi tục: “Mẹ kiếp! Dân ta chỉ giỏi đàn đúm. Cầu sập chết cả lũ bây giờ!”. Không ngờ lời gã có hiệu lực. Khối người xe bỗng túa ra, tan dần. Ai chẳng sợ chết. Nói dại, nhỡ cầu sập chỉ có trời cứu!
Đức liến thoắng. Cậu ta cho rằng, với dòng nước cuồn cuộn như thế, cái xác chắc chắn đã làm mồi cho lũ cá ở biển rồi. Tôi thì nghĩ khác, chẳng có ai chết cả. Chỉ có cái chết hoang bắt đầu từ cặp mắt hóng hớt của Đức mà thôi.
*
Người yêu hiện tại của Đức thật không ngờ lại là bạn tôi, một giáo viên trường tiểu học khá thành đạt tại Hà Nội. Cô ấy tên là Bích, xinh xắn và dịu dàng. Tôi coi Bích như đứa em gái, giao tiếp tự nhiên, nói năng không e dè, nhưng thú thật mỗi lần gặp Bích, chính tôi cũng lập tức quên ngay các cô gái khác xung quanh.
Đôi mắt một mí kiểu “ren” của người Nhật, mái tóc chuốt thẳng vàng mềm như tơ mốt thời thượng của Hàn Quốc, Bích thường hếch bờ má với ngấn cổ trắng ngần lên hóng chuyện, thường chỉ gật đầu chứ ít khi phản đối hoặc nhận xét. Đầu tuần trước, Bích hẹn gặp tôi ở quán cà phê “Lối cũ”, nói có chuyện muốn thổ lộ, có nghĩa là cả tuần trước đấy Bích đã tự vật vã, giày vò, dồn nén ghê gớm lắm. Nhưng gặp rồi, Bích lại đánh trống lảng, gương mặt hốc hác hẳn đi.
Tôi gặng, mãi sau Bích mới ngập ngừng than thở:
- Anh ạ, em linh cảm thấy Đức càng ngày càng xa rời em. Ai đời, đi chơi với nhau, nói anh bỏ quá cho, cứ lôi em vào công viên... Xong, lại “toé loe” chuyện của người khác.
- Thế, em có...?
- Biết làm thế nào được ạ! - Bích thoáng đỏ mặt, khẽ xoay người tránh cái nhìn của tôi - Nếu không, anh ấy dọa bỏ rồi giận cả tháng ấy chứ!
- Hẳn em biết đấy, thói quen là kết quả của sự chiều chuộng mà. Cứ thử dứt khoát một lần xem sao?
Bàn tay của Bích vân vê lọn tóc, chợt chuội xuống, bối rối đặt lên cái túi thổ cẩm:
- ối a, em không thể! Không thể...
- Thế thì em tìm anh để làm gì? Chỉ để thổ lộ thôi ư? à, còn chuyện... - Tôi chợt nhớ ra - Còn chuyện cậu ta “toé loe” thì như thế nào?
- Đâu phải ai xa lạ, là sếp của anh đấy. Đức nói, ông ta có bồ nhí, đúng không anh?
- Bậy nào! Chắc chắn không có chuyện đó. - Tôi phản đối.
Bích khuất sau cánh cửa từ lâu nhưng tôi vẫn thấy bộ ngực nở nhưng chắc gọn thả những đường cong mềm mại xuống bờ mông căng lẳn của cô.. Người xinh đẹp thế nhưng hay dằn vặt. Cũng đúng thôi, bởi Bích là dân “mô phạm”.
*
Tôi không dám chắc sếp Việt có tình ý với con bé Lanh hay không, chỉ biết Đức là kẻ châm ngòi nổ. Bữa đó, hắn thấy một nhân viên nam quẩn quanh trước cửa phòng sếp, trông có vẻ như đang rình rập cái gì. Lẽ ra, Đức gặp ngay nhân viên đó hỏi cho ra ngọn ngành, nào ngờ Đức lại thế vào vị trí của anh ta khi nhân viên ấy đã bỏ đi. Ghé mắt, hắn nhìn thấy cái chổi tre mà Lanh vẫn thường dùng chỏng trơ trên sàn nhà. Ghé tai, hắn nghe thấy tiếng thì thào bên trong. Còn gì để bàn cãi nữa. Đích thị có gian tình rồi!
Hôm ấy tôi nghỉ ốm. Căn phòng tập thể của tôi thông với căn của Đức qua một ô cửa sổ nhỏ. Ô cửa ấy có chùm hoa văn uốn bằng sắt lập là mỏng, nhìn rất rối rắm, trông giống như bộ mặt của con cú mèo. Cách gặp của Đức cũng lạ. Hắn không bao giờ đánh tiếng trước. áp bộ mặt bàu bạu trên chùm hoa văn ấy, hắn bất ngờ lên tiếng, nhiều bận khiến tôi thót cả tim. Và lần này cũng thế: “Này cậu, đã biết tin gì chưa? Sếp có bồ nhí đấy! Cái Lanh ấy mà!”.
- Cậu đang nói mê đấy à? - Tôi vặc lại.
Hôm sau, cả cơ quan đã xôn xao cái tin sếp Việt có bồ nhí. Tôi thấy Đức kết đôi với một ả có tiếng là bẻm mép. Họ thậm thụt nhỏ to, tỏ vẻ bí mật lắm như chèo kéo, gọi mời, lũ tai mắt khó mà thờ ơ được. Rồi thêm một... thêm một... lại thêm một nữa, bỗng chốc thành đám, tụm ba, tụm bảy như mớ hành, mớ rau ngoài chợ. Dĩ nhiên, sếp tôi chưa biết được ngay cái tin đồn vô cùng thất thiệt ấy. Ông đi đến đâu, bèo bọt tản ra đến đó. Rồi khi ông vừa đi qua, chúng lại kết tủa như cũ.
Cái Lanh năm nay khoảng mười bảy tuổi, mảnh, trắng như bẹ chuối. Gờ môi của nó mịn hồng chẳng khác nét vẽ màu. Đôi mắt thì lúng la lúng liếng giống hệt mắt búp bê. Nhưng nó ngay thật. Gặp gì chưa biết, nó hỏi. Chưa rõ, hỏi tiếp, cho đến khi thật hiểu mới thôi. Khi hỏi, mắt nó soi thẳng vào người ta, không ngại ngùng giấu giếm. Một đứa con gái như thế, liệu có phù hợp không với chuyện tình ái nhăng nhít như người ta đồn thổi, hơn nữa, lại là với sếp Việt, bậc cha chú của nó?
Có đôi lần gì đó, tôi loáng thoáng nghe thấy cái Lanh gọi sếp Việt bằng “bố” thì phải. Mà nếu có gọi bằng “bố”, ai dám chắc chẳng có gì xảy ra? Nhưng còn về mặt tư cách của sếp Việt, tôi đảm bảo hiếm người được như thế. Hơn ba mươi năm lăn lộn trong quân ngũ, kể từ ngày ông đặt chân vào trường Sỹ quan Chính trị tại Bắc Ninh, huân huy chương của ông đầy mình. Ông thường nói cái câu cửa miệng với chúng tôi: “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực. Làm đấng nam nhi phải thế!”. Đoạn ông cười khà khà. Vậy mà, không xanh cũng chẳng đỏ, lời đồn thổi xám nhoét đang bủa vây ông...
Mấy tháng sau, tôi lại được “lũ tai mắt” cung cấp tin: sếp Việt đang bị cấp trên thanh tra, yêu cầu tường trình chuyện quan hệ bất chính và viết kiểm điểm. Chuyện cứ như thật. Đến nước này, tôi buộc phải vào cuộc. Và đây là lần trò chuyện của tôi với Lanh:
Cái Lanh: - Bác Việt là bạn thân của bố cháu hồi ở chiến trường mà. Thấy gia cảnh cháu khó khăn, bác ấy cho cháu chân quét dọn ở cơ quan. Bố cháu hy sinh ở biên giới Tây Nam. Mẹ cháu bảo thế.
Tôi: - Nhà cháu có mấy anh chị em? ở đâu?
Cái Lanh: - Cháu còn hai đứa em nữa. Bố mẹ cháu lấy nhau muộn lắm. Nghe bà ngoại kể, bố mẹ cháu yêu nhau từ rất sớm, nhưng chờ bố cháu mãi mới cưới được nhau. Ơ, cháu quên, hai em cháu đều bỏ học cả rồi chú ạ. Không lo nổi cho chúng ăn, nói gì đến học. Mà mẹ cháu thì đau ốm luôn...
Cái Lanh định ngừng lời, chợt nhớ ra, mắt nó liếng xếch lên:
- Chú hỏi nhà cháu ở đâu à? Ngoài bãi sông ấy. Tường toàn toóc - xi, loang lở, cũ đến mức mấy em cháu ghim đinh bằng tay được, lại rụng...
- Cháu dán tranh ảnh vào, tường sẽ đẹp hơn. - Tôi buột miệng.
- Ôi, sao “ý tưởng” của chú lại hợp ý cháu thế. Cháu dán nhiều là đằng khác. Nhưng treo vật gì hơi nặng một chút vẫn không được. Bố cháu có nhiều “tấm” huân chương lắm cơ. Một lần, cháu kỳ cạch treo mấy cái lên cho đỡ trống nhà, liền rơi vỡ hết!
Mắt tôi chợt cay xé lên. Con bé dường như nhìn thấy, hỏi:
- Ơ, sao chú lại khóc? Cháu kể cho chú nghe chuyện này, vui lắm cơ. Thằng em giáp cháu thông minh đáo để. Nó có sáng kiến lấy dây gai treo những cái còn lại lên. Gió lộng, ngoài sông gió lộng lắm, mấy tấm huân chương cứ quay quất, tường lại rung, thế là loảng xoảng, đi toi cả!
Nó cười ngặt nghẽo. Tôi cũng cố cười cho nó vui nhưng ruột gan như có muối xát. Im lặng hồi lâu, nó thảng thốt:
- Thôi chết, cháu phải đi làm bây giờ không thì bác Việt đuổi việc! Hôm nay cháu phải quét dọn hội trường...
Lanh đứng bật dậy. Quần của mẹ nó thì phải, ống rộng quá cỡ xổ xuống. Nó vội túm kéo lên, ngượng ngùng...
*
“... Từ sau lần gặp anh ở “Lối cũ”, em nghe lời anh, kiên quyết chối từ Đức. Đức liền doạ sẽ có bồ anh ạ. Em khổ lắm. Biết làm sao bây giờ, hả anh?”... Tôi nhận được ngần ấy tin nhắn của Bích. Cái thằng “đa hệ” ấy có ma lực gì mà Bích mê mệt đến thế không biết. Chẳng lẽ chị làm việc cùng phòng với tôi nói đúng? Tôi liền gọi lại nhưng Bích đã tắt máy. Phòng Đức tối om. Mãi gần sáng mới có tiếng kẹt cửa và ánh đèn. Tôi nói với sang:
- Bích nhắn tin đấy. Cậu không gặp Bích à?
- Gặp ngữ ấy để làm gì. Đây cũng chán rồi. “Cành cao” lắm, cho chết!
Tôi giật mình. Hoá ra Đức đã ém mặt ở cửa sổ từ bao giờ rồi. Ngược sáng, chỉ có mắt, môi của Đức động đậy trên gương mặt mờ ảo.
- Nếu đã “cành cao”, chắc Bích chẳng chọn cậu? - Tôi bật dậy, ngồi đối diện với ô cửa sổ.
- Cậu coi thường tớ thế? Đây đã dính vào ai là kẻ đó chỉ có ch...ế...t! - Từ “chết” miết dài, có cảm giác nanh nọc, cong cớn như mấy mụ hàng tôm, hàng tép. Đức tiếp tục thả giọng - Tớ biết làm cho phụ nữ “chết”, chỉ cần chịu khó chiều chuộng một chút thôi. Khi đã “chết” rồi, thả rông không lo mất, cứ lẵng nhẵng theo. Ngữ như cái Lanh may ra tớ còn chiều! Con bé nuột nà quá hà! Hấp dẫn quá hà!...
- Cậu chớ động vào cái Lanh!
- Của cậu đâu mà giữ ghê thế?
- Bích chỉ muốn giữ tình cảm với cậu thật... trong sáng thôi mà. - Tôi không tìm được cách nào hơn để bênh vực Bích. Không ngờ Đức tru tréo:
- ối chà, nát từ lâu rồi còn nỗi gì nữa mà giữ, hả? Nhiều phen vào viện rồi cậu ơi. Tớ sẽ kể! Tớ sẽ kể hết với mọi người cho mà xem. Rời tớ, rồi sẽ chẳng có ma nào nó ngửi...
- Cậu định kể gì?
- Chuyện nhiều phen phải vào viện vì tớ chứ còn chuyện nào nữa!
Tôi muốn tống một quả đấm vào bộ mặt bàu bạu của Đức nhưng tay chân không thể nhấc nổi. Như thế có khi còn hay hơn. Cách tốt nhất bây giờ là nín nhịn, giữ yên lành cho Bích.
*
Sau lần đối thoại với Đức, tôi cảm thấy thương Bích thực sự. Nhiều năm chơi với nhau nên tôi hiểu tính Bích, đã yêu là không dứt ra được, yêu hết mình, không lời lẽ nào lay được. Hơn nữa, kẻ đang khiến Bích chết mê chết mệt lại là dân “đa hệ”, như chị cùng phòng đã giải thích ấy, nên “chết” là tất yếu đối với Bích thôi.
Con người ta kể cũng lạ. Xinh đẹp thường đa đoan, vướng vòng tơ lao lý. Ví Bích như con ong mật eo óc, thơ ngây và yêu kiều đang dính lưới nhện cũng đúng. Phái yếu thường thế. Khi đã trao thân với những ấn tượng ban đầu ghim sâu vào tâm thức, rồi đến một lúc nào đó chợt nhận ra rằng, người mà ta trao thân gửi phận thật xấu xa, đáng ghét, thậm chí là bỉ ổi, đáng khinh... thì họ cũng không thể dứt bỏ ngay được. Điều này lại càng đúng với người có học thức như Bích. Họ cứ bùng nhùng giữa cái lưới nhện ấy, càng vùng vẫy càng bị xiết chặt hơn. Để rồi cuối cùng, hoặc phải chết, hoặc không bao giờ dứt ra được. Tôi không ngờ khoảng hai tháng sau, linh cảm của tôi đã thành sự thật.
Một buổi tối oi nồng, khi Đức vừa thay xong bộ cánh chuẩn bị đi đâu đó, tôi lại nhận được tin nhắn của Bích: “Đức dọa bỏ em, anh à. Bây giờ thì em chiều, anh ta cũng không màng đến nữa. Em mất Đức thật rồi!...”. Tôi gọi lại, giọng Bích đầy nước mắt: “Trước đây, Đức yêu em lắm mà. Nay thì doạ bỏ. Em phải làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?...”. Tôi chặn Đức lại, đưa máy để Đức nói chuyện với Bích, nhưng cậu ta gạt phắt đi. “Cậu định bỏ Bích thật à? Sao quay quả nhanh thế, hả?”. “Dĩ nhiên rồi! Tớ bỏ thật, cậu tưởng tớ dọa đấy à?”. Tôi lấy tay che máy, lo sợ Bích nghe thấy cuộc đối thoại giữa chúng tôi. “Trời ơi, cậu “xuống thang” đi, đến với Bích một chút thì đã sao?”. “Nói với cô ta đừng hy vọng gì ở tớ nữa. Ngấy lắm rồi!”. “Sở Khanh còn phải vái cậu làm sư phụ đấy!” - Tôi không kìm nén được nữa, gào lên. “Ơ này, cậu thích thì cứ đến với cô ta. Chuyện của tớ, ai khiến cậu xí vào, hả?”. Thế là tôi tống vào mặt Đức một quả đấm. Tay tôi đau nhói lên. Đức tru tréo: “à, thì ra các người định ăn hiếp người ta, hả? Liệu đấy! Liệu đấy nhá!”. Lại giọng Bích: “Đức có đến với em bây giờ không? Không đến, em sẽ chết đấy! Anh nói với Đức đi chứ?”.
Tôi vừa giữ máy, vừa tiếp tục giằng co với Đức. Thật may là hắn không bỏ đi, nếu không tôi cũng đành chịu. Nhưng bây giờ Bích nói gì đó tôi nghe không được rõ nữa bởi có tiếng gió thổi phù phù trong máy, lại còn có cả tiếng còi tàu hú thường bắt gặp ở các bến sông. Thôi chết rồi, hẳn Bích đang trên cầu. Nhỡ xảy ra chuyện gì hệ trọng với Bích thì sao? Tôi gào to: “Thằng Đức nó nói chuyện với em đây này...”. Tôi trao máy cho Đức. Không ngờ, hắn nói theo kiểu khạc nhổ như bọn trẻ vẫn hành xử khi gặp phải bãi phân: “Cô dọa tôi đấy à? Muốn chết thì cứ việc. Quên đi, tôi chẳng bao giờ đến. Ngữ cô mà dám chết hay sao? Nghe rõ không? Ngữ cô mà dám chết hay sao?”. Đoạn hắn tắt máy đánh “tít” một cái rồi thản nhiên bỏ đi. Giọng Bích chợt trở nên hoảng loạn: “Trời ơi, em đã trao hết cho anh ta... Thế mà anh ta lại thản nhiên bảo em cứ chết đi... Em sẽ đi thật xa, thật xa...”.
Tôi vòng ra đường Lò Đúc, cắt chéo Lê Quý Đôn gặp Nguyễn Khoái rồi phóng như điên lên cầu Long Biên. Chẳng thấy gì cả. Đêm đang trôi về sáng. Sông vẫn lặng lờ chảy, đèn rủ nhợt nhạt mặt cầu. Đảo xe, tôi thốc lên đường Nguyễn Văn Cừ. Từ đó sang trung tâm Hà Nội bắt buộc phải qua cầu Chương Dương, là nơi tôi cần đi, cần sục sạo. Đến quá nửa cầu, đúng nơi Đức đã phát hiện thấy cái chết hoang vào mùa hè trước, tôi bỗng bắt gặp một đám đông đang ứ lại. Họ xốn xác như thể vừa có chuyện gì ghê gớm mới xảy ra. Tôi dừng xe, băng qua con đường chính rồi lao bừa vào đám đông, để rồi chết sững trước chiếc túi khoác màu thổ cẩm mà Bích vẫn dùng hàng ngày, đang treo lơ lửng trên lan can cầu. Mắt tôi hoa lên...
*
Sau cái chết của Bích, có những ánh mắt khinh bỉ hướng về Đức. Nhưng, dù sao cũng đã muộn. Đức tỏ ra đau khổ lắm. Hắn lập bàn thờ rồi đặt ảnh Bích lên thắp hương. Mùi khói hương quyện vào đêm cảm giác cứ rờn rợn. Hằng đêm, vọng sang phòng tôi tiếng khấn rấm rứt của Đức. Hắn khấn gì nhỉ?
Phải một thời gian dài tôi không sao chợp mắt được bởi cứ ám ảnh cái chết của Bích. Tôi tự hỏi, nếu như Đức không thách thức, hẳn Bích sẽ không gieo mình xuống dòng nước xiết. Đâu chỉ có súng đạn, gươm đao, thuốc độc đưa con người đến cái chết. Chỉ một giây yếu lòng, hoang mang quá vẫn có thể chết. Cái chết đến có khi chỉ trong tích tắc, ngoài ý muốn, thường khi con người ta không còn đâu để bấu víu nữa. Và thế là thành người thiên cổ...
*
Lại nói về sếp Việt, là việc tôi không muốn kể tiếp nữa thêm buồn, nhưng đã trót kể mất rồi. Khi tin đồn đã có chiều hướng giảm thì cấp trên lại siết chặt hơn cái vòng “kim cô” lên cái đầu hói của ông. Lẽ đời là thế. Dư luận ví như ngọn gió thổi bùng ngọn lửa. Lửa đã cháy rồi thì dẫu không còn gió nữa, vẫn bùng lên.
Sếp Việt già sọm hẳn đi, nom như con mèo hen. Ông trở nên ít nói và thường tự chôn mình trong phòng làm việc. Tôi đã nhìn thấy đôi mắt khô khao của ông ánh lên sự hoài nghi mỗi khi tôi bất chợt bắt gặp.
Nghe đâu, đoàn thanh tra ngẫu nhiên tìm thấy được “lá thư” thể hiện sâu nặng tình cảm của cái Lanh dành cho sếp Việt. Họ chẳng cần điều tra, tìm hiểu gì nhiều, liền khẳng định luôn rằng, đó là “vật chứng” có sức thuyết phục nhất để kết tội ông. Sếp tôi đã gửi đơn kêu cứu đi nhiều nơi, nhiều cấp, song không hiểu vì lý do gì, chẳng thấy hồi âm gì cả.
Tại gia, ông càng bị đối xử tồi tệ vì vợ ông, một bà chủ phốp pháp đang độ hồi xuân, thường luôn miệng chì chiết, bóng gió và đay nghiến ông. Hai thằng con trai tươi tốt của ông thường chỉ biết ăn nhảy, nay thấy bố “thất sủng”, chúng lập tức quay mặt đi, không một lời thăm hỏi hay chất vấn. Thà chúng chửi, ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Đằng này, chúng lạnh lùng đến băng giá còn phải sợ. Thế là, ông chẳng còn nơi nào để trông cậy nữa ngoài ông già bảo vệ đầy bệnh tật vẫn thường lén theo ông để an ủi. Ông Nguyên nói rằng, lỗi là do thằng con nửa người nửa ngợm của ông gây ra. Biết thế, ông bóp chết quách cho xong khi nó vừa oe oe. Nhưng sếp Việt lại lý giải bằng cách khác. Ông nói, “tai mắt” chỉ làm ông nhột nhoạt chứ không khiến ông hoang mang bằng những “cái đầu” bã đậu, chỉ biết chụp mũ, không biết phân tích, suy luận. Thế rồi, trong một đêm se lạnh, ông cùng quẫn quá, không còn đủ sáng suốt nữa trước sự chèo kéo, nỉ non của Thần Chết, vào lúc đêm đang nhập canh ba, bên cái bàn ông đã giữ cương vị giám đốc gần mười lăm năm, cái ghế lật nghiêng xuống, hẳn ông đã đạp chân khi với được sợi dây. Cái ghế nhiều kẻ từng mơ ước đang thắm hồng màu cánh gián, bỗng trở nên tối sẫm lại. Đúng giây khắc hồn thoát tục, bất chợt ông gặp lại mình ở chiến trường xưa: ông đang xông lên dưới làn hoả lực của địch, chẳng mảnh đạn nào ghim được vào người ông, hùng dũng làm sao!
Đức là người đầu tiên biết sếp Việt tự vẫn, bởi từ sau ngày Bích chết, hắn sinh ra mất ngủ, thường thắp hương khấn vái trước tấm ảnh bé bằng cái bàn tay của Bích. Vác bộ mặt nhợt nhạt như vừa vớt lên từ vũng nước, hắn đâm bổ sang phòng tôi: “Cậu, cậu biết tin gì chưa? Ông Việt... Ông Việt chết... rồi!”. Tôi choáng váng. Thế là bao nhiêu căm tức, tôi đổ hết lên đầu Đức: “Mày còn thắp hương khấn vái làm gì nữa, hả? Đồ giả nhân, giả nghĩa!”. Hắn thều thào: “Tao... tao... cầu xin hồn con Bích không về... bắt... tao...!”. Trời đất, vậy mà tôi cứ nghĩ hắn còn nặng lòng với Bích lắm. Nào ngờ...
Rồi đến lượt ông Nguyên biết tin. Ông kêu lên: “Việt ơi, tôi bệnh tật thế này nhiều phen muốn chết mà không chết được. Cậu đang sung sức lại phải chết vì những thứ vớ vẩn đẩu đâu. Việt ơi...”.
Bên ngoài, tiếng xôn xao từ phòng giám đốc Việt vẳng đến, càng lúc càng ồn ào hơn.
*
Đây là tờ giấy cái Lanh viết với một tâm trạng có lẽ cực kì phấn khích đối với nó, là “vật chứng” của đoàn thanh tra. Vì lòng yêu mến sếp Việt, tôi cạy cục mãi mới có được bản phô tô. ấy là sau hôm được tin Lanh ốm nặng, ông Việt đã ân cần đến thăm. Nhiều chỗ của tờ giấy nhoè nước, có thể nó vừa viết vừa không cầm lòng mình được. Chữ cái Lanh xiêu vẹo nhưng chân chất. Nó viết thế này: “... Con yêu bố Việt lắm đấy. Con muốn được ngủ... với bố, muốn được bố... ôm... ấp, âu yếm. Thật nhớ làm sao hôm được bố... hôn. Chúc bố ngủ ngon nhé. Con... hôn bố thắm thiết đấy nhé...”.
Mới học hết lớp sáu, diễn đạt được như thế là khá lắm rồi. Còn lại, tuỳ bạn đọc suy luận. Riêng tôi, tuyệt nhiên không mộng mị thấy Bích hoặc sếp Việt - những người đã ở cõi âm - lại thường mơ thấy Đức lõm mặt qua ô cửa sổ có chùm hoa văn giống như bộ mặt của con cú mèo ấy. Lạ thế!
Hà Nội, 30.6.2007