Tưởng niệm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2009)
Dường như sinh ra mỗi người đều có sứ mệnh của riêng mình ở trần gian này. Và với Trịnh Công Sơn, sứ mệnh đó là âm nhạc, là những lời phúc âm vọng về giữa cõi người ta - dù tình yêu hay thân phận.
"Hãy sống để yêu và yêu cho sự sống có mặt" và "hãy yêu cả những người phụ mình". Đó là lời Trịnh Công Sơn.
"Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em"
(Em đi bỏ lại con đường)
Người ta thường nghĩ đó là hai câu thơ của một bài thơ lục bát hơn là lời của một ca khúc, dù thỉnh thoảng họ Trịnh vẫn làm thơ như nghề tay trái.
"Em đi áo trắng bên đường
Nắng như lụa mỏng vô thường trắng theo"
Vâng, rất Trịnh Công Sơn. Người ta chứng kiến lục bát Việt Nam từ ca dao dân ca đi vào Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Bùi Giáng... và rải rác đâu đó sau này.
Nhưng lục bát trong ca khúc do chính mình sáng tác, trong âm nhạc hiện đại thì dường như chỉ có ở Trịnh Công Sơn. Nghĩa là họ Trịnh viết lời ca khúc bằng lục bát chứ không phải phổ thơ của một ai đó, hay phỏng từ ca dao. Lục bát là hơi thở Việt Nam. Và họ Trịnh đã chuyển hơi thở ấy vào ca khúc của mình nhuần nhị một cách không ngờ.
Hơi thở Việt Nam ấy là cánh phượng hoàng vút cao trong khung trời tình yêu đầy diễm ảo nhưng cũng trầm mặc tâm linh. Thế giới ấy, ở đó, mọi thứ đã trộn lẫn, từ hiện sinh, siêu thực, thiền, và những cái rất... đời khác.
"... Sấm bay rền vang, bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn..."
Sấm là em mà em cũng là sấm. Theo quan niệm Á Đông, sấm là cái chết mà sấm cũng là sự sống. Và sấm đã kéo anh về từ hố thẳm tuyệt vọng.
"Từ nay tôi đã có người
Có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa"
...
"Từ nay anh đã có nàng
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái ân..."
(Đóa hoa vô thường)
Nhịp nhàng, rung động với cảm giác; ngôn ngữ thánh thót, thơ hay nhạc đây? Mà chắc là cả hai. Chính Văn Cao đã bảo họ Trịnh là người "ca thơ" là gì.
Và lời ca khúc ấy, tình khúc ấy, dường như là yếu tính của tình yêu được phát họa; là máu và hơi thở của người nghệ sĩ tài hoa trác tuyệt cộng hưởng với những cung bậc trầm bỗng của trái tim "giống hữu tình". Nhẹ nhàng, đằm thắm, nhưng cũng cao sang, quý phái lạ thường.
Dù tôi, dù em hay dù bất cứ ai - sống là ở trọ giữa cõi nhân gian. Cũng như mọi cái Hữu (to have) đều tàn phai. Duy chỉ có tình yêu thì vĩnh cữu. Và sống là hãy trọn vẹn với nhau trong từng phút giây, từng hơi thở một.
"Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời"
…
"Xin cho về trọ gần nhau
Mai sau dù có ra sao cũng đành"
(Ở trọ)
Vâng, "dù có ra sao cũng đành". Bởi ta đã đi qua trần gian sương khói này, dẫu đơn sơ nhưng trọn vẹn.
Một cuộc đời tìm thấy, một tình yêu tìm thấy. Và tất cả đã ở trong em, như vậy đã là quá đủ.
"Tim em ở trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần"
(Ở trọ)
Đó là giọng điệu của tình yêu và cũng là của Trịnh Công Sơn. Giọng điệu đó như làn hương của loài hoa hồng kia có thể bay ngược gió trong tâm khảm của mỗi con người. Bởi đó là tiếng lòng, mà tiếng lòng thì rất thật.
Họ Trịnh là người "ca thơ", và Ở trọ là một bài "ca thơ lục bát" hoàn hảo. Ngôn ngữ đó được bao bọc và hôn phối một vẻ rất riêng, rất tài hoa, rất... Trịnh Công Sơn. Đó là thông điệp của tình yêu, của những trái tim đang yêu nhau và trên đường trở về với tình yêu ấy. Không triết lý cao xa mà đầy ôn nhu, từ ái, bao dung.
Chỉ một lần ở trọ - trong trái tim hay trong đời nhưng cũng là vĩnh cửu. "Một lần là trăm năm"!/.