Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.255
123.155.703
 
Chồng tôi và thơ
Huỳnh Văn Úc

Thế nào rồi tôi cũng phải tìm cách tách rời chồng tôi với thơ. Thật quá lắm, đang yên đang lành, tự nhiên lại vướng vào thơ. Đang ngồi nhâm nhi cốc nước chè xanh, mắt mơ màng nhìn về chốn xa xăm vô định, tự nhiên lại tìm giấy bút biên biên, chép chép. Hay đang đi ngoài sân, tự nhiên lại đùng đùng mở cửa, chạy bổ vào bật máy tính, gõ lách ca lách cách. Ngứa mắt quá! Trước đây không thế, gần đây viết được dăm ba bài nên mới sinh ra ham hố, dở hơi như thế. Thì cũng như trẻ con mới biết đi xe đạp ấy mà, bất cứ lúc nào cũng vồ lấy xe đạp lấy đạp để.

 

Cả tôi và chồng tôi đều đã nghỉ hưu, trước đây tôi là cô giáo dạy Văn, Sử ở THCS, còn lão-tôi đã dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, số ít như thế từ lúc nào không biết-là bộ đội, trợ lý kỹ thuật của trung đoàn tên lửa. Ngày còn trẻ, đang học dở năm thứ tư Đại học Bách Khoa thì lão nhập ngũ, sau đó được đưa đi đào tạo ngắn hạn ở Nga một thời gian rồi về phục vụ trong binh chủng tên lửa phòng không cho đến ngày nghỉ hưu với hai vạch và hai sao-tôi chỉ quan tâm đến việc hàng tháng lão ra ATM đem về được bao nhiêu tiền, còn sao với vạch thì ít hay nhiều, bao nhiêu cũng xong. So với đồng đội đã nằm xuống hay mang thương tật trên những nẻo đường gian nan ở tuyến lửa Quảng Bình, lão cho rằng mình còn may mắn chán: người ngợm còn nguyên chả sây sát tí gì, tranh thủ cưa cẩm rồi cưới được vợ, những lần đảo nhoáng đảo nhoàng qua nhà đã cho ra đời hai đứa con một gái một trai, bây giờ con gái đầu đã lấy chồng và vợ chồng tôi sắp có cháu ngoại, còn con trai mới tốt nghiệp Đại học Bách Khoa. Là phụ nữ nên tôi không thích nghe chuyện binh đao khói lửa, tuy vậy tôi vẫn nhớ câu chuyện thỉnh thoảng ngồi với chiến hữu bên chén rượu nhạt lão ngậm ngùi kể lại mà lão cho là nhục, nhục và đắng lắm. Đó là lần trung đoàn đã vào đến Vĩnh Linh, sát giới tuyến. Qua những cuộc hành quân đường dài, rung xóc đến bã người, hay thót tim khi cho xe kéo bộ đài điều khiển chạy qua những cây cầu đã ọp ẹp lại còn biết chắc là quá tải trọng, rồi thì hai trong số bốn tiểu đoàn hoả lực cũng đến được nơi quy định, còn tiểu đoàn kỹ thuật thì mãi 4 ngày sau mới lóp ngóp vào được đến nơi, rồi đào hầm đưa khí tài xuống độ sâu cần thiết. Ẩm và mốc ghê gớm-mà độ ẩm là kẻ thù của các thiết bị điện tử-lão và đội ngũ kỹ thuật dưới quyền đã làm hết cách mà không thể nào đưa được gọi là có một quả đạn lên trời để bọn phi công Mỹ biết rằng tên lửa của ta đã có mặt ở giới tuyến. Rồi Tư lệnh đến thị sát trận địa, ông chắp tay đi đi lại lại trong căn hầm dã chiến, mặt đỏ bừng bừng, nói nặng lời đến bất cần:

- Chúng mày là một lũ ăn hại, đã bảo là khi có máy bay chúng nó lảng vảng thì tao chỉ cần một quả đạn lên trời thôi-một quả thôi, hiểu chưa-bắn vào đâu cũng được, hết 64 giây sau khi rời bệ phóng không gặp mục tiêu thì đạn nổ tự huỷ, tao chả cần chúng mày đồng bộ, bám sát với ngắm nghía gì cả, có thế thôi mà cũng đ... làm được...

 

Cũng có thể là do cái buổi gặp gỡ nặng nề ấy tác động mà hầu như cả trung đoàn từ trên xuống dưới cắn răng lại, quên ăn, quên ngủ, cho đến sau đó nửa tháng, vào một buổi chiều muộn, bắn rơi được chiếc B52 được cấp trên xác minh, công nhận.

 

Về nghỉ hưu, lão đến cộng tác với một bạn chiến đấu cũ ở cửa hàng sửa chữa điện tử nằm trên phố Đại La. Anh này là trai Hà Nội chính gốc, ngày xưa là trắc thủ góc tà trong kíp chiến đấu, kém lão hơn 15 tuổi, xưng hô với lão một điều thủ trưởng, hai điều thủ trưởng. Thủ trưởng không phải là chủ cửa hàng, chỉ góp vốn và coi như làm thuê ăn lương thôi. Hết giờ làm ở cửa hàng, về nhà, có bà hàng rau hàng thịt nào mang đến cái tivi SamSung tậm tịt hay cái cát xét Tầu xộc xệch, thì thủ trưởng dở đồ nghề ra tranh thủ chọc chọc, ngoáy ngoáy, rồi lấy tiền công rẻ như cho, đến nỗi tiếng tăm lừng lẫy khắp xóm, ai có thứ đồ cổ dù rách đến đâu mang đến, thủ trưởng chiều tất. Thế mà sau khi thằng con trai cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, bỗng dưng thủ trưởng tuyên bố rửa tay gác kiếm, không làm ở cửa hàng nữa, ai có mang tivi hỏng đến, dù là màn hình cong hay phẳng, đều ngậm ngùi mang về. Rửa tay gác kiếm rồi thì làm gì? Làm thơ!

 

Vì từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, với thơ và văn lão là kẻ ngoại đạo nên những câu thơ đầu tiên lão viết nhạt như nước ốc, giá như có cho thêm đến dăm thìa bột knorr thì nuốt cũng không trôi. Vì lòng thương hại, tôi cố gắng đem những hiểu biết của tôi truyền cho lão, từ cách gieo vần trong bài thơ thất ngôn-nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh-cho đến thế nào là yêu vận, thế nào là cước vận, thế nào là luật đổi thanh... Đó là nói đơn thuần về kỹ thuật. Còn về ý tứ thì làm thơ không phải là ghép những lời suông lại với nhau cho đúng niêm luật, mà khi cầm bút phải là do sự thôi thúc của lòng mình, lắng nghe lòng mình để ghi lại cái nhịp nhàng lặng lẽ của nội tâm. Thơ viết ra không phải để tả cảnh, tả tình, mà là gợi, gợi cảnh, gợi tình, lời chật ý rộng, một bài thơ hay phải nói lên được cái nội tâm, cái tình, cái hồn của mình...Thật không ngờ tôi đã vẽ đường cho hươu chạy, từ những bài học vỡ lòng đó, thơ lão viết ra ngày càng hay, rồi đến mê mẩn vì thơ, thế mới khổ cho tôi chứ!

 

Anh muốn tìm về laị một chiều mưa

Mưa bụi mùa xuân lúc khoan, lúc nhặt

Lất phất bay trên mặt hồ bàng bạc

Ta đi bên nhau dọc phố ven hồ.

 

Phố chìm trong hư ảo bụi mưa

Anh chìm trong mắt em đắm đuối

Ta đã đi miên man bên nhau

Cho đến khi đèn đường chợt sáng

Cho đến khi mưa đã đi qua

Và hoàng hôn trời chiều bảng lảng

Để cả anh và em

                  chợt tỉnh giấc mơ xa.

 

Bài thơ gợi lại những kỷ niệm ngọt ngào lúc chúng tôi còn đang cưa cẩm nhau, làm cho tôi vô cùng cảm động. Gì chứ cái đoạn anh chìm trong mắt em đắm đuối thì quả là có như thế thật! Cho dù cảm động đến thế nào thì tôi cũng cố tìm cách dứt lão ra khỏi thơ. Tôi lục tìm những dẫn chứng để chứng minh rằng thơ là thứ vô tích sự nhất trên thế gian này, ai có ý định trở thành nhà thơ thì hãy nghe những dẫn chứng sau đây mà chừa ngay đi.

Dẫn chứng thứ nhất:

 

Vĩ đại đến như hai nhà thơ Nga Aleksandr Sergeyevich Puskin Mikhail Yuryevich Lermontov rồi thì cuối cùng cũng đi đấu súng vì một lý do lãng nhách để bị người ta bắn chết.

 

Dẫn chứng thứ hai:

Lãng mạn và tài hoa như Nguyễn Bính, thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa, biết bao nhiêu con gái đã theo thơ đến với nhà thơ. Nhưng cuộc đời hoa thơm bướm lượn không giống thơ, không như thơ. Người con gái đến với Nguyễn Bính khi ông làm báo Trăm Hoa đã có với ông một đứa con trai, đặt tên là Hiền, rồi vợ chồng bỏ nhau, mẹ đi bước nữa, mang con trả cho bố. Một tối kia, bố say rượu rồi bố bế Hiền thơ thẩn ra phố. Đến Ngã Sáu Bà Triệu, chợt nghĩ thế nào, bố đem Hiền cho một người đàn ông đang đi tới. Trở về nhà, cơn say vật bố thiếp đi, lúc tỉnh dậy quờ tay không thấy con, bố hốt hoảng, thất thểu đi tìm con ở khắp các đồn công an trong thành phố. Sáng ra, nhợt nhạt, thẫn thờ bước đi giữa trống không trên phố phường Hà Nội, Hà Nội rộng mênh mông như thế, biết tìm con ở đâu ? (Trích Cát bụi chân ai của Tô Hoài).

 

Ông ơi! Bây giờ người ta bán thơ tính bằng cân, ông thích thì hôm nào con đồng nát đi qua, tôi mua lại của nó cho ông dăm cân thơ để ông tha hồ ngâm nga, khỏi phải nhọc công suy nghĩ, thai nghén, sáng tác làm gì cho nó tổn thọ. Tại sao lại như thế ư ? Thơ bày đầy ra ở các hiệu sách, chẳng ai buồn nhòm ngó, rồi từ đó được cân để bán cho đồng nát. Một vài doanh nhân thành đạt, túi rủng rỉnh tiền, viết đôi ba tập thơ để đánh bóng tên tuổi, bỏ tiền túi ra in để đem tặng bạn bè, để rồi bạn bè lại phải mất công gọi con đồng nát. Ngày xưa người ta nói mọi con đường đều dẫn đến La Mã, nay ta có thể nói mọi con đường đều dẫn thơ đến con đồng nát.

 

Tuy cả hai đều đã có tuổi nhưng từ ánh mắt đến trái tim, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn dành cho nhau những lời nói và cử chỉ âu yếm. Tôi sợ đến một ngày nào đó, thơ và tình yêu đối với Nàng Thơ sẽ làm cho lão quên hẳn tôi nên đã nhẫn tâm nói nặng lời như thế về thơ, vậy mà chồng tôi vẫn không chừa được cái tội làm thơ, vì vậy tôi viết bài này tâm sự với thiên hạ, ai có cách gì mách cho tôi làm cho chồng tôi không mê thơ nữa thì tôi cảm ơn vạn bội./.

 

Hà Nội, tháng 12-2008

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2662
Ngày đăng: 07.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Không Lạ - Nguyễn Khương Bình
Ngã Rẽ - Trương Văn Dân
Thông dịch viên thứ thiệt - Ngô Kế Tựu
Hoa Loa kèn đỏ - Trần Lệ Thường
Tấm ảnh - Nguyễn Minh Phúc
Chị em sinh ba - Đỗ Ngọc Thạch
Khóc chẳng để làm gì - Nguyễn Khương Bình
Chết hoang - Phạm Thái Ba
Nể vợ mày - Huỳnh Văn Úc
Cả làng hát karaoke - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)