Chiếc xe u oát chạy băng trên con đường mới mở rộng mờ mịt bụi. Gió Tây Nam thổi ào ạt qua bao núi đồi hung dữ bỗng dịu ở phía bờ sông bên này. Ông Lê ngồi ở ghế trước đang kể chuyện thời chiến tranh ông hoạt động ở vùng này bỗng ngoái lại hỏi tôi:
- Này nhà báo, cậu thấy buổi tiếp xúc cử tri hôm nay như thế nào ?
- Dạ, rất thú vị. Dân vùng này họ nói hay quá. Tôi sẽ lọc lại để đưa các ý kiến thẳng thắn của họ vào bài viết...
Nhớ lại buổi sáng nay ở hội trường uỷ ban xã, bà con cử tri nói rất thẳng. Họ nói: “Mấy ông làm chính sách ở tận đẩu tận đâu trên cao, chẳng ngó ngàng gì đến bầy tui. Bầy tui trải qua kháng chiến gian khổ không kể làm gì, giờ chỉ mong chộ mấy ông, để mấy ông nghe bầy tui nói cũng khó khăn lắm. Đầu kỳ bầu bán thấy mấy ông lỉnh kỉnh xe về gặp gỡ tiếp xúc, trúng xong cả nhiệm kỳ biến đi đâu mất tăm hơi...”.
Lại nữa, một cử tri nói như trút nỗi niềm tâm sự: “Hôm rồi nhớ đồng đội quá, tôi lên thành phố thăm thằng bạn cũ. Mới gặp hắn đã vô đề: Anh cần gì ? Chứng nhận thành tích hả ? Xong, rẹc rẹc. Nhậu chứ, làm ly đã. Đời sống ở quê cực lắm phải không ? thì ráng qua cái đận khó khăn chung. Tui nghe chưa hết, nghĩ không phải là bạn cũ, tui biến về ngay...”
- Nhưng đó là cậu mới nghe - Ông Lê cự lại - Tôi đi về với dân thường xuyên, nghe dân họ “chửi” quen rồi. Ý kiến họ gửi gắm, tôi có ghi chép cẩn thận, sau mỗi chuyến đi có báo cáo với cấp trên, với các ngành liên quan. Họ nghe rồi, chắc bận nhiều việc quên giải quyết. Thế là hết. Lần sau về gặp lại, dân họ lại “chửi” tụi tôi nói mà không làm, hứa với dân mà nuốt lời hứa. Biết làm sao được. Cậu thấy hôm nay tôi nghe, im lặng từ đầu đến cuối. Bây giờ với dân, cái gì chưa làm được thì tốt hơn hết là đừng nên hứa, cứ im lặng mà tiếp thu đã.
Tôi chìm đi trong ý nghĩ: Làm đại biểu dân cử không đơn giản.
- Dừng, dừng lại... - Ông Lê bảo cậu lái xe.
Chiếc xe u oát phanh kít. Mấy người cùng đi trên xe nháo nhào. Qua khung kính cửa xe, tôi thấy một người đàn bà cầm mê nón rách chạy thục mạng về ngôi nhà ven sông nằm cuối rìa làng. Ông Lê xuống xe vụt chạy theo người đàn bà. Mấy đồng nghiệp của tôi trên xe ngớ người ra. Bị thúc bách máu nghề nghiệp, tôi liền xuống xe chạy theo ông Lê.
Một ngôi nhà tranh tre thấp lè tè hiện ra. Nhà không có cửa, chỉ có một tấm tranh lớn được chống lên bằng cây tre đực. Nhà có hai gian. Gian bên có kê một chiếc bàn thờ, trên bàn có tấm ảnh mờ mờ ảo ảo. Gian bên này có một chiếc thùng phi mà mãi sau tôi mới biết chứa toàn khoai sắn khô. Gian này chìa ra một chái nhà để làm bếp, có chiếc kiềng ba chân, xung quanh có mấy chiếc nồi đen kịt. Cả tôi và ông Lê đứng như trời trồng. Giữa nhà, người đàn bà ngồi bệt xuống đất, úp mê nón rách khóc rưng rức. Tôi ghé tai ông Lê hỏi nhỏ “Ai vậy ?”, ông vẫy tay “Lính cũ của tôi đấy mà”. Lại thêm một lính cũ. Đi với ông Lê, ở đâu cũng gặp toàn lính cũ với cơ sở cũ thời nảo thời nào. Chán thật !
Ông Lê vỗ nhẹ vào vai người đàn bà:
- Này, răng mà khóc, về đây công tác, tôi rẽ thăm o đây.
Không nói không thưa, người đàn bà càng khóc to hơn. Lát sau chị với tay qua chái lấy ấm nước, hai cái ca pha cho tôi và ông Lê hai ca nước chè xanh.
Ông Lê lại dỗ người đàn bà:
- O đừng khóc nữa. Mình thế nào thì vẫn thế ấy. Xung quanh đây vẫn còn nhiều người tốt, rồi người ta sẽ hiểu ra. Gắng mà sống đã.
Nói đoạn ông Lê chậm rãi tiến đến bàn thờ thắp một nén hương. Lui ra, ông lấy ví rút mấy tờ bạc xanh dúi cho người đàn bà. Chị xua tay.
- Eng về thăm là tui mừng rồi, nhưng tủi quá eng ơi, mấy chục năm nay tui không cất mặt lên được với xóm làng.
- Cầm lấy ít tiền. Tiền lương tôi đó. Bữa trước tôi có gặp bên bộ phận chính sách, người ta đang nghiên cứu hồ sơ. Chờ vậy thôi.
Chị cầm lấy mấy tờ bạc ôm lấy ông Lê. Khuôn mặt chị xanh xao, gầy gò, nổi lên hai hốc mắt trũng sâu. Hai cánh tay chị quắt queo, đen cháy. Tấm áo bà ba đen có nhiều mảnh vá. Chị kể vụ này làm mấy sào bắp ven sông, hạn quá cháy sạch, còn mấy sào ruộng cũng coi như mất trắng. Ông Lê lơ đãng nhìn ra vườn. Nắng như dội lửa vào ngôi nhà thấp kín. Mồ hôi trong người cứ tứa ra. Tôi kiên nhẫn chờ đợi bằng cách lánh ra sân để hai người ở lại với nhau
*
Phải thật lâu sau chuyến đi ấy, nhớ lại chuyện cũ, tôi mới biết thêm về người đàn bà ở cuối rìa làng ven sông ấy qua những chắp nối quá khứ của người cùng thời.
Người đàn bà mà tôi gặp hôm ấy tên là Thoa. Hồi kháng chiến chị là một nữ du kích rất hăng hái nhiệt tình. Chị là lính của ông Lê. Cả vùng này hồi đó đều tham gia hoạt động cách mạng. Thanh niên trai tráng thì lên đường đầu quân chủ lực, quân địa phương, số ở nhà thì vào du kích. Chị Thoa được cử làm liên lạc và lo hậu cần nuôi quân. Việc gì được cấp trên giao chị cũng cố gắng làm tròn. Nhà chị cha mẹ đã già, chỉ có hai anh em chị Thoa đều tham gia kháng chiến. Anh trai chị bị hy sinh do biệt kích phục bắn chết trong một đợt từ rừng về đồng bằng xây dựng cơ sở.
Lần ấy lính “Cộng hòa” càn xuống xóm Rú. Ngay hôm đó cấp trên lệnh cho toàn lực lượng phải rút đi, chỉ để lại một số ít cán bộ án binh bất động trong hầm bí mật. Xoá xong mọi dấu vết thì toán lính ập đến. Chị Thoa bị bắt ngay khi chưa kịp xuống hầm bí mật bỏ trống từ lâu ở gốc cây bông gòn.
Mấy tên lính trói chặt chị vào một gốc cây, đánh đập tra khảo chị chết đi sống lại nhiều lần. Một lính mặc sắc phục rằn ri sau khi dùng báng súng AR15 bổ liên tiếp vào chị, rồi ra lệnh cho một tên khác dội nước vào mặt chị.
Chị tỉnh lại. Hắn lại khảo: “Đ. mẹ cái con Việt cộng này. Hầm bí mật ở đâu khai ra để còn đường sống”. Chị trả lời: “Tui không biết, không biết”. Lại đấm, lại đạp, thân hình chị bê bết máu hoà với nước lạnh. Sau nhiều đợt như thế chị không chịu nổi. Những khuôn mặt quỹ sứ cứ chập chờn trước khuôn mặt tím bầm của chị. Một ý nghĩ yếu ớt sót lại trong đầu, chị chỉ đại căn hầm bỏ hoang lâu nay ở gốc cây bông gòn mà chị định xuống ẩn nấp khi nãy.
Miệng chị lắp bắp: “Chẳng có ai cả, chỉ có mình tôi và một cái hầm của tôi ở đằng gốc cây bông gòn kia”.
Lập tức, cả toán lính như vồ được mồi, đồng loạt lên đạn răng rắc. Một tiểu đội được lệnh bò tới căn hầm phía gốc cây. Căn hầm bỗng nhiên bật nắp, liền theo là một quả lựu đạn tung lên nổ chát chúa. Ba tên lính chết ngay tại chỗ. Một bóng đen nhảy lên khỏi hầm quét một băng đạn rồi chạy nhanh vào rừng.
Nhìn thấy cảnh này, chị Thoa chết điếng người đi, không ngờ dưới căn hầm bỏ không lâu nay lại có đồng đội của chị. Chị khuỵu xuống ngất đi. Trời nhá nhem tối, toán lính lôi chị về căn cứ dưới thị xã. Những ngày bị giam cầm, chị lên cơn điên dại. Không khai thác được gì, ít lâu sau chị được thả về. Về làng, mọi người đều xa lánh chị. Cấp trên quyết định kỷ luật chị vì khai lộ hầm bí mật, buộc phải đưa ra khỏi lực lượng.
Chiến tranh đi qua, ngày đất nước rợp cờ hoa mừng chiến thắng, chị thui thủi sống một mình trong bóng tối của thời gian. Cha mẹ chị đã chết trong nỗi đau uất nghẹn vì có đứa con phản bội quê hương. Một đôi lần chị có giải thích với gia đình và đoàn thể rằng do bị đánh quá đau nên chị chỉ khai căn hầm không có người, chứ không ngờ lần ấy có người xuống nấp dưới căn hầm của chị, nhưng chẳng có ai tin chị cả. Ngay cả cha chị vì nhục với làng nước không cho chị về ở chung với gia đình. Chị phải dọn ra ở túp lều của gia đình làm để nuôi vịt ở cuối rìa làng.
Khi cha mẹ chị mất, chị không chồng, không con, không người thân nương tựạ, chị vái tổ tiên xin được rước vong linh ông bà và di ảnh người anh về thờ tự ở căn nhà xiêu vẹo của mình. Nhiều lúc quá buồn, tuyệt vọng về thân phận, nghe một số người tốt bụng khuyên, chị định bỏ đi xa, tẩy xoá quá khứ để sống, làm ăn ở một vùng đất khách quê người, nhưng cuối cùng chị cũng chẳng thể ra đi được. Ai sẽ là người hương khói cho ông bà. Ngay cả chị nữa, cũng chẳng thể kiếm nổi tiền tàu xe để ra đi. Chị lại tiếp tục sống, làm lụng thui thủi một mình trong sự ghẻ lạnh của xóm làng, cho đến bây giờ khi đầu đã hai thứ tóc trong căn nhà quạnh quẽ ở cuối rìa làng.
*
Tôi hỏi thật cậu nhé - Ông Lê chất vấn tôi - Cậu đi nhiều, gặp nhiều, cậu nghĩ gì về trường hợp o Thoa ?
Tôi thú thực:
- Hoàn cảnh chị ấy thật đáng thương, nhưng khó quá. Cũng phải biết thông cảm và chia sẻ.
- Cậu nói rõ xem sao ?
- Là nói về đạo lý con người phải biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm ngày đã qua. Ở đây chưa nói là lỗi lầm không cố ý...
Ông Lê im lặng không nói gì thêm. Bóng ông đổ xuống thẳm sâu. Làm người chỉ huy có bề dày như ông trong kháng chiến, nay lại làm đại biểu của dân, tôi biết ông có nhiều suy tư trăn trở. Thân tình với ông qua bao chuyến đi, tôi rất hiểu ông. Những lúc như ngồi với tôi đây, ông lại đang hướng nghĩ suy của mình về một nơi khác trong cõi người mênh mông mà ông đã dấn thân và ghé vai gánh vác.
Bất giác ông bảo tôi: “Ngày kia tôi lại đi vùng sâu. Cậu đi với mình chứ”.
Vâng, tôi nhận lời ngay vì đi với ông tôi hiểu thêm được nhiều điều, tìm đến được nhiều số phận của đời người và thấy rằng: Trăm ngã đường, có nhiều nẻo vui nhưng cũng lắm nẻo buồn.