Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.248
123.160.565
 
Bức tranh ông voi
Phạm Thái Ba

Mặt toan trắng như không gian vô tận. Hàng tá những tuýp dầu vẽ muôn màu, đầy kích thích. Những cây cọ "madein Italia" đủ kiểu, số, lông mềm và mát như kem thoa.

Chị chưa biết bắt đầu như thế nào.

Chị mê hình ảnh con voi. Ông Quý, hàng xóm hiện tại của chị nói rằng, từ xa xưa, con voi đã được con người tôn sùng đến mức được xếp vào hàng tứ thất của giới động vật: nhất Điểu, nhì Ngư, tam Xà, tứ Tượng. Theo quan niệm dân gian, con voi là biểu tượng của sức mạnh và lòng quả cảm nhưng cũng rất hào hiệp, cao thượng và khoan dung của con người. Thế là, hình ảnh con voi, chị gọi là "ông" để tỏ lòng ngưỡng mộ, len vào từng bữa ăn, giấc ngủ của chị. Lắm khi, chị thấy mình hoá thân vào ông voi. Vì vậy, chị quyết định vẽ một bức tranh thật đẹp về ông. Theo trí tưởng tượng của chị, sẽ là một ông voi da đen bóng, mình căng lẳn, đôi tai là hai chiếc quạt khổng lồ, bốn chân cỡ như cột đình làng, cái vòi vươn cao ngạo nghễ. Ông Voi đứng trên một tảng đá lớn, sừng sững giữa nền trời xanh biếc. Dưới chân ông là hình ảnh thu nhỏ của núi rừng, của thác ngàn và suối.

Nhưng chị chưa biết bắt đầu từ đâu.

Tâm trí chị căng lên như sợi dây đàn.

Cửa đột nhiên bật mở. Ngọn gió hoàng hôn phả vào. Chị nhăn mũi, cau mày nhìn chồng: "Anh vừa uống rượu ở đâu về, hả? Em đã bảo, nghiện rượu là sự khởi đầu của những tệ nạn khác". Chị nói như một cán bộ. Anh gượng nở nụ cười, kiểu xí xoá, làm thân. Rồi như một chú chó con biết vâng lời, anh biến vào phòng ngủ cho yên chuyện. Nhưng với chị, dù sao thì dòng suy nghĩ cũng đã bị ngắt quãng. Chị liền ngả người ra sau ghế, mắt nhắm lại, cố tập trung chắp nối mọi ý nghĩ, song chỉ phí công. Lạ thay, tâm trí chị lại ngược dòng quá khứ. Ký ức bỗng dồn dậy hiện về một thời...

*
Chị vừa bước sang tuổi 55.

Năm mươi lăm năm trước, chị chào đời trong một gia đình buôn bán đồ điện dân dụng ở phía sau chợ trời Hà Nội. Bố mẹ chị từ khi còn trẻ, đã rất cần mẫn với nghề. Công việc của họ hàng ngày cứ lặp đi lặp lại như sau: sáng, bày biện hàng. Xẩm tối, kiểm kê. Chị ngồi trên căn gác nhỏ học bài nghe rõ tiếng va nhau của từng ổ cắm điện bằng sứ, của những chiếc công tắc bằng nhựa và từng chiếc đinh ốc nhỏ từ lúc bắt đầu kiểm cho đến hết. Khuya, đếm tiền. Lập tức có tiếng sột soạt của giấy bạc, tiếng cành cạch của những đồng xu. Tiếng kêu tuy vang khô, hơi đơn điệu nhưng nhen lên trong chị thứ cảm giác đầy hưng phấn. Chị được nghe như thế trong suốt mười chín năm liền, sinh nghiện. Nó dần dần ngấm vào máu thịt chị. Rồi đến một ngày, chị nhận ra rằng, đồng tiền có ma lực ghê gớm. Con người ta, sang giàu hay nghèo hèn, đều do đồng tiền mà ra cả.

Thời sinh viên, chị có cô bạn gái cực thân. Gia đình nó ở trong ngõ nhưng là cả một thế giới. Bà mẹ, vốn đã đẹp, lại thêm những đồ trang sức đắt giá, thì vẻ đẹp lại càng lộng lẫy và sắc sảo hơn. Hàng ngày, bà hiện diện giữa những tiện nghi cao cấp, được bài trí sang trọng như trong khách sạn. Dường như tạo hoá sinh ra bà là để tận hưởng. Bởi lẽ, cả một cơ ngơi đầy của chìm, của nổi sẽ chẳng để làm gì cả nếu như bà không chịu hưởng thụ cho. Chị thực sự bị choáng ngợp và ao ước được làm chủ cái cơ ngơi ấy như bà ta. Nhưng biết đến bao giờ, những đồng tiền ki cóp của bố mẹ chị mới làm nên trò trống?

Cô bạn của chị sướng hơn một tiểu thư khuê các. Cứ hai ngày một mốt trang phục mới, hàng ngoại nhập, trông vừa xa xỉ vừa bắt mắt. Tuần đôi lần, một chiếc Von-ga bóng lộn đến trường đón nó đi đây đó. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những bữa nó đãi đám bạn cùng lớp. Đối với các nhà hàng sang trọng, nó bảo đã nhàm chán. Nó hứa sẽ cùng đám bạn lần lượt diễu khắp ba mươi sáu phố phường để thưởng thức những gì được gọi là đặc sản của Hà Nội: phở gà Nam Ngư, chả cá Lã Vọng, xôi giò chả Sinh Từ, bún chả Nguyễn Khuyến. "Cứ xơi thả cửa đi. Đừng bao giờ nghĩ rằng, chúng mày đang ngồi ở phố Đội Cấn cắn hạt bí!". Nó tuyên bố và thực hiện đúng như thế. Thật đã đời.

Một lần, sau bữa ăn ở phố Nam Ngư, chị hỏi nó: "Sao nhà cậu giàu thế?". Nó đưa một ngón tay chỉ lên trời, trả lời: "Tất cả nhờ lộc của bố tớ. Ông ấy là cán bộ cao cấp. "Chỉ một câu trả lời ngắn, nhưng chị nhận ra cả một chân lý lớn lao. Đó là sức mạnh của quyền lực. Quyền lực tạo ra tiền. Muốn có thật nhiều tiền một cách nhanh chóng, phải có quyền lực". Chị suy luận như vậy.

Kể từ đấy, khái niệm quyền lực như thể là hơi thở của chị. Chị nghiện hai thứ cùng một lúc: tiếng sột soạt của giấy bạc và hai từ quyền lực. Chị bắt đầu trượt theo con đường háo danh.

Nhưng bằng cách nào để đạt đến quyền lực? Một kẻ ít học có thể đạt được quyền lực nếu thừa tiền. Chị không có tiền. Tốt nhất là phải có bằng cấp cộng với sự nâng đỡ. Đó cũng là một cách, phù hợp với chị hơn. Thế là, chị lao vào học như một con vẹt, chẳng vì sự hiểu biết mà chỉ vì cái bằng cấp. Sau năm năm, chị đã có trong tay tấm bằng đại học và được phân công tác tại một Viện nghiên cứu ở Hà Nội.

Thời kỳ ấy, chị khao khát được đi nghiên cứu sinh để mau chóng đạt được quyền lực. Nhưng suốt mười năm liền, chẳng hiểu vì lý do gì, Viện của chị không được phân một chỉ tiêu nào. Niềm hy vọng của chị sẽ bị thiêu cháy, nếu như không được anh ấy, bằng nỗ lực của mình, đã giúp chị được đi thực tập sinh tại Cộng hoà Bungari.

Anh ấy, dĩ nhiên không phải là chồng chị. Họ quen nhau tại một Trung tâm ngoại ngữ như bao nhiều đôi lứa khác...

*
- Cô Lân có nhà không? - Giọng ông Quang, hàng xóm của chị. Ông không bấm chuông, vẫn quen kiểu gõ cửa. Chị choàng tỉnh. Gương mặt trở nên vồn vã lạ thường.

- Mời bác vào chơi ạ.

- Không, tôi đang bận. Cảm ơn cô. Chỉ xin cô ít nước pha trà. Cái ấm đun nhà tôi bị hỏng.

Chị bật công tắc cái ấm đun. Lát sau, chính tay chị pha trà giúp ông Quang. Chị thực hiện một cách khéo léo, cẩn thận, khá sành điệu. Ông Quang không bỏ sót một động tác nào của chị. Ra đến cửa, ông còn quay lại:

- Cô bảo chú Lập sang tôi uống trà, uống một mình buồn quá, cô ạ.

- Dạ, cháu sẽ nói với anh ấy.

Ông Quang nguyên là giáo viên trường phổ thông trung học, dạy môn văn học, đã nghỉ hưu. Vợ chồng ông chỉ có mỗi đứa con trai, là bố cháu Quý bây giờ. Anh là lưu học sinh. Học xong, anh ở lại cưới vợ rồi lập công ty buôn bán, làm ăn. Theo nguyện vọng của các con, ông Quang ở lại chỉ với một nhiệm vụ duy nhất: trông nhà và kèm Quý học, uốn nắn Quý nói tiếng Việt. Quý sinh ra ở đây nên ngôn từ tiếng Việt cứ lộn tòng phèo. Thí dụ, đáng lẽ nói quả thông "rơi" thì nó lại nói là quả thông "ngã". Ông Quý chẳng tốn nhiều thời gian với đứa cháu bởi Quý là đứa bé vừa lém lỉnh, vừa sáng dạ. Nó sử dụng máy vi tính một cách thành thạo, tiếng Anh khá trôi chảy và đặc biệt rất ngoan.

Lập sang. Anh loay hoay một lúc mới tìm được chỗ ngồi. Ông Quang khen ngay:

- Không ngờ cô Lân pha trà khéo thế. Tính nết lại dịu dàng, chú Lập nhỉ?

- Đó là ưu điểm số một, bác ạ. Bố cháu vẫn khen cô ấy giống bác.

- Cô chú thật xứng đôi.

Lập cười thay cho câu trả lời. Rất ít khi anh thổ lộ chuyện gia đình. Một phần vì anh kín đáo. Một phần do anh hiền lành quá. Đấy chính là nỗi ân hận của Lân sau ngày cưới một thời gian...

... Vào thời điểm hy vọng được đi nghiên cứu sinh của chị bị tiêu tan, hình ảnh bà mẹ của đứa bạn bỗng gợi cho chị một cách khác để vừa có thể đạt được quyền lực, vừa được hưởng thụ những gì nhờ quyền lực mang đến. Chị tự hỏi, tại sao chị không thể như bà ta? Bà ta có gì hơn chị? Không, bà ta chẳng có gì hơn chị cả. Về sắc, nhờ trời, chị có một thân hình mềm mại, uyển chuyển như được kết bằng tơ lụa. Nước da của chị sáng mịn hơn cả thạch cao. Gương mặt trái xoan. Đôi mắt bao giờ cũng như hút hồn người khác. Nói tóm lại, chị có dáng dấp của một mệnh phụ phu nhân.

Thế rồi, thời gian trước khi gặp anh ấy, tết, chị đến chúc tết Viện trưởng và gặp Lập, con trai ông, vừa nghiên cứu sinh ở Nga về. Trai tài gái sắc như trầu bén cau, lại đang muốn trở thành mệnh phụ phu nhân, nên chỉ trong vòng 3 tháng, đôi uyên ương vừa tìm hiểu vừa gấp rút tổ chức lễ cưới. Trong mắt chị, chỉ nay mai Lập sẽ ngồi lên cái ghế Viện trưởng, chẳng lẽ chị không được nâng đỡ hay sao!

Song, chẳng bao lâu sau, bố Lập bất ngờ nhận được quyết định nghỉ hưu. Cái tin đó đến với chị còn ghê gớm hơn cả bão tố. Chị có cảm giác như thời gian đông cứng lại, không gian như vỡ bung ra. Đó là lần thứ hai chị biết thế nào là thất vọng.

Nhưng khi về làm dâu, chị mới biết ngôi nhà của bố chồng chỉ to cái xác. Nó trống rỗng như tâm hồn của chị. Và, còn một điều tệ hại nữa là chị chẳng tìm thấy ở Lập một sự đồng cảm nào cả. Anh ít nói và lành như cục bột. Mặc ai muốn làm gì thì làm. Suốt ngày chỉ chúi mũi vào đống sách vở và ... cười! Chị biết cười là tươi là tốt, nhưng sao giờ đây chị ghét anh cười đến thế. Như thể Lập đã biết hết âm mưu và nỗi thất bại ê chê của chị vậy.

Trên giường, lại còn chán hơn. Chị khát khao sự mạnh mẽ, cuồng nhiệt bao nhiêu thì anh lại rón rén và chậm chạp bấy nhiêu. Khi anh di chuyển trên người chị, chị có cảm giác như con dán đang bò, nhưng cũng chưa biết bò về đâu, chực bỏ chạy. Bực mình, chị cầm tay anh, cắn vào lưỡi anh, ghì chặt eo anh để chỉ dẫn, nhưng anh vẫn chỉ là cậu học trò ngờ nghệch. Chao ôi, anh là gã đàn ông nhạt thếch nhất trần đời.

Cho đến ngày chị gặp được anh ấy.

Nói một cách cô đọng, con người anh ấy là tổng hợp của mọi thứ quyền lực. Anh còn biết cách thể hiện quyền lực và chị thích được anh ấy áp đặt quyền lực đối với mình. Nhờ anh, chị được đi thực tập sinh. Nhờ anh, chị được phân một căn hộ khá rộng rãi ở khu Thanh Xuân Bắc. Cũng chính nhờ anh, chị được biết khái niệm thế nào là "đỉnh điểm khoái cảm", là "cực khoái"! Anh như một con hổ sung sức về cơ bắp và nanh vuốt. Lắm khi chị ao ước rằng, giá như được chết trong nanh vuốt của con hổ ấy, chị sẽ lấy làm mãn nguyện lắm. Thật đáng chán biết bao con dán của chị...

- Chú Lập có mê bóng đá không nhỉ?

Ông Quang vừa chắt nước từ ấm trà xuống hai cái chén da lươn như hạt mít, ông rất quý bộ ấm chén này, ngồi trên máy bay, ông cứ khư khư như giữ trứng, vừa hỏi.

- Mê lắm bác ạ. Nhưng không được theo dõi thường xuyên!

- Thế ti vi nhà chú bị "chập" à?

- Dạ, không. Là bởi vợ cháu không thích. Cô ấy tắt...

- Có thể nói cô Lân bị "chập" được hay không, hả ông?

Thằng Quý ngồi học ở phòng trong, bỗng hỏi hắt ra. Ông Quang nghiêm nét mặt, chán ngán nhìn Lập. Lập cười một cách khoái trá rồi khẽ trả lời:

- Đúng rồi. Có thể nói được như thế!

- Chú đừng đùa với cháu nó. Nó nhờn và nghĩ lệnh nghĩa của từ tiếng Việt đi.

Ông Quang lại chắt nước. Mùi chè sen bảng lảng khắp căn phòng:

- Còn công tác chuyên môn, chú định bỏ hẳn ư?

- Phải thế thôi bác ạ. Không còn cách nào khác. Vợ cháu...

- Tôi nghe bố cháu Quý nói ở đây người Việt ta đánh bạc dữ lắm. Chú có dính tí chút không?

- Chết! Cháu chỉ ngồi xem họ "chơi" thôi mà cô ấy đã...

Ông Quý nhấp một ngụm trà rồi vỗ đùi, cười lớn:

- Hà, tôi biết chú thế nào rồi! Nói thụ động cũng đúng. Mà nói bị kìm kẹp cũng đúng. Kìm kẹp nghĩa nó nặng hơn đấy. Thế mà tôi cứ nghĩ cô Lân hiền lành và chiều chú lắm. Không ngờ cũng đáo để nhỉ!

Lập nhìn ông Quang, tỏ ra chưa hiểu ý ông lắm, song vẫn nói:

- Dạ, biết làm thế nào được, hả bác.

Ông Quý nói đúng. Sau khi chị đi được hai năm, thấy đường công danh của chồng ì ạch quá, chị quyết định đưa chồng sang. Người hiền lành và chậm chạp, thì lĩnh vực nào cũng kém thành công. ở Viện, anh chỉ là con dán nằm trong bục giảng của Hội trường rộng lớn. Tại đó, người ta đua nhau diễn thuyết những tư tưởng lớn, toàn những vĩ mô và vi mô, thì anh lại im lặng. Thế là, còn hơn cả ông Viện trưởng, chị "ký quyết định" chuyển công tác của anh. Anh lẳng lặng thực hiện cái quyết định đó một cách ngoan ngoãn và rất mẫn cán với công việc mới. Chị đánh hàng liên tục từ Việt Nam sang, toàn áo gió, áo xoa và Pilốt. Và hàng ngày, anh ngồi trong kho giao hàng, ghi chép, thu tiền, kiểm hàng. Những khi vắng khách, anh đứng dậy vươn vai, hít căng đầy lồng ngực cái mùi ngai ngái của ngành công nghiệp may mặc rồi nhè nhẹ thở ra, tỏ vẻ hài lòng và khoan khoái.

Tối đến, chị ngồi ở phòng ngoài cộng trừ nhân chia. Phòng trong anh đếm tiền. Chị lại nghe tiếng sột soạt của giấy bạc, tiếng cành cạch của những đồng xu như thuở nào. Nhiều đêm, chị thiếp đi trong thứ âm thanh ngọt ngào ấy.

Sau ba năm, chương trình thực tập sinh của chị kết thúc. Viện có giấy báo ráo riết gọi chị về. Nhưng chị không về, kiên quyết không về. Bởi lẽ, chị chưa đạt được cái gì trọn vẹn cả. Cái gì cũng đang giữa chừng, lửng lơ như quả bóng. Chị cần phải tìm tiếp, tìm cho bằng được cái mà chị đã từng khao khát.

Đang khi chị hoang mang cực độ thì anh lại xuất hiện...

*
Chị quyết định pha màu. Ông voi có màu đen, chị khui cái tuýp màu đen. Nền trời màu xanh, chị khui cái tuýp màu xanh. Nhỏ một chút nhựa thông, chị di di cây cọ. Khi cảm thấy màu đã nhuyễn, chị quyết định vẽ. Trước hết, chị vẽ cái mặt của ông voi. Chị thấy bọn trẻ vẽ người, bao giờ chúng cũng bắt đầu từ khuôn mặt. Thế là chị đưa cây cọ lên mặt toan. Nhưng tại sao lại là màu xanh? Mặt ông voi không thể biểu đạt bằng màu xanh được. Thôi chết. Chị sơ ý không rửa cây cọ hoặc thay bằng một cây cọ khác.

Lần này, chị cẩn thận hơn. Chị rửa cây cọ đến muốn gãy cả cán. Rửa xong, chị ém nhẹ lên tờ giấy thấm đôi ba lần rồi mới chấm màu vẽ tiếp. Chị mạnh dạn khoanh cây cọ theo trí tưởng tượng của mình. Thoạt đầu, mảng màu đen nhẫy bật lên giữa mặt toan. Song, khi chị thực hiện động tác dập, quét cây cọ với mục đích giúp màu tan đều, chị bỗng giật mình rụt tay lại như bị điện giật. Như thể từ sau mặt toan, một mảng màu rêu đột ngột hiện ra. Vì sao? Vì sao? Câu hỏi ấy khuấy động tâm trí chị. Bất lực, chị buông rơi cây cọ, thả phịch người xuống ghế. Mặt toan đầy bí ẩn và thách thức biết bao!...

Cô bạn gái của chị bảo: "Tao lấy làm lạ. Mày vừa thực dụng, háo danh lại vừa lãng mạn. Nên biết lượng sức mình". ấy là lần sau khi chị được tận mắt xem một họa sĩ vẽ tranh. Cây cọ trên tay anh ta như nhảy múa. Màu lẫn vào màu. Sắc quyện trong sắc, hư hư thực thực... Lạ thật, chị bỗng như rơi xuống vực sâu mà dưới đó, không gian và thời gian thuộc về sắc màu vậy. Không hiểu sao, lúc ấy chị rất muốn cầm cây cọ để vẽ. Và chị nghĩ, chị sẽ vẽ được. Chị muốn thử nghiệm mình ở lĩnh vực nghệ thuật hội hoạ, một lĩnh vực gần như đối lập với niềm đam mê của chị về danh vọng và quyền lực. Cũng có lần chị tự hỏi, liệu có mâu thuẫn không khi trong chị tồn tại một lúc hai con người? Chị trả lời "không". Bởi theo chị, sự ham muốn của con người là vô hạn.

Sau một chặng đường dài chạy theo bằng cấp, học vị và với những contenơ hàng, chị cứ nghĩ cái con người lãng mạn đã từ bỏ chị. Nhưng, chị đã bé cái nhầm. Khi nghe ông Quang nói về ông voi, lập tức cái máu nghệ sĩ của chị sôi lên sùng sục. Nó thôi thúc chị cầm cây cọ, dù rằng chị chưa được học vẽ một ngày nào. "Mình sẽ vẽ bằng được. Chỉ cần quyết tâm là đủ. Cũng như bằng cấp, học vị, nếu không có thủ thuật và quyết tâm theo đuổi đến cùng, làm sao có được?" Chị nghĩ như thế...

Chị nhớ lại mấy năm trước. Đang khi hoang mang cực độ thì anh lại xuất hiện trong vai trò cán bộ của một cơ quan đại diện ở nước ngoài. Cứ như lửa gặp nước, tắt ngấm và thấm đến tận cùng của sự tắt, chị gặp lại anh giống như thế, đạt đến tột điểm của cực khoái. Càng giấu diếm chồng và những ánh mắt xoi mói của cộng đồng, càng cực khoái. Mỗi khi được vày vò, ngấu nghiến giữa cơ bắp và móng vuốt của con hổ, chị sướng đến đê mê.

Tại Bungari, anh có đất để ngang nhiên thể hiện quyền lực đối với cộng đồng trước mắt chị, cốt để chị thấy quyền lực nó ghê gớm như thế nào. Anh chối từ cấp một tờ giấy xác nhận hay một bản sao, nếu anh cảm thấy không thích. Anh có thể thu lệ phí chẳng cần đến biên nhận và thậm chí mức thu cao, thấp là tuỳ hứng. Anh có thể dùng lời lẽ hạch sách, kẻ cả mà chẳng ai làm gì được anh. Đến lượt chị sử dụng quyền lực của chị đối với anh để được hưởng quyền lực của anh. Và thật hiệu nghiệm, chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã được Bộ Đại học đồng ý cho ở lại tiếp tục nghiên cứu sinh.

Ba năm sau, anh về Việt Nam khi hết một nhiệm kỳ công tác. Chị thủ thỉ: "Bây giờ em đã có tấm bằng tiến sỹ. Anh phải thiết kế để em được ngồi lên cái ghế, thấp nhất là trưởng phòng!". Anh để lại dấu răng như móng vuốt trên đùi chị rồi nói, có thể coi đó là câu tả thực: "Tiến sỹ bây giờ nhiều như heo con! Nếu em muốn, phải có thời gian. Không thể đốt cháy giai đoạn được". Chị mặc cả, không cần che giấu sự thèm khát: "Bao lâu, hai tháng, sáu tháng, hay một năm?". "Không phải hai tháng mà là hai năm!"."Trời ơi! - Chị kêu lên-Anh nỡ để em đốt sạch tuổi xuân ở đây ư?" Anh vỗ về: "Thôi, thế này. Anh sẽ về nước thu xếp mọi việc trước. Em cứ tạm ở lại một thời gian vun vén thêm vốn liếng. Khi nào anh phôn, em "dông" về". Chị tỏ ra xuôi xuôi. Vậy là, chỉ chờ có hai năm, chị sẽ được người ta gọi bằng "sếp"! Hưng phấn nhưng không quên cảnh giác, chị bóp mũi anh và xô yêu một cái: "Nhớ lời hứa đấy nhé. Cứ bù khú với con vợ hôi của anh, em cắt!". Chợt anh hỏi: "Em có nhiều vốn chưa? Để khi cần, anh huy động". Chị hiểu là anh đang nói đến quyền lực của đồng tiền kết hợp với quyền lực của bản thân anh. Chị tự hào đưa một ngón tay chỉ lên trời như cô bạn gái thuở nào, không úp mở: "Bằng gấp mười giá trị hiện nay của căn hộ mà anh đã lo cho em ở Thanh Xuân Bắc". "Okê ...ê...!". Vần ê lặn vào đùi chị. Chắc chắn lại thêm những dấu răng. Chị nghĩ trong niềm hoan lạc. "Em nên có chân trong Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại đây. - Anh nói - Cần phải xây dựng một hình ảnh cho mình để làm bàn đạp. Em hiểu chứ". Thực ra, chị đã có dự định đó từ lâu. Nhưng dù sao, chị vẫn gật đầu và tỏ ra hồ hởi để biểu thị lòng biết ơn. Anh đã quá chu đáo đối với chị.

*
- Cô vẽ con trâu, hả cô? - Thằng Quý không biết đến lúc nào, bất ngờ hỏi.

- Không, cô đang vẽ ông voi đấy. Cháu không nhận ra sao?

- Thế tại sao tai ông voi lại bé tí tẹo vậy, hả cô?

Chị giật mình. Và bắt đầu chú ý đến thằng bé. Chị nói như dỗ dành với nó:

- Này, cháu chú ý đây. Cô vẽ mặt ông voi lớn bằng ngần này. Còn tai phải vẽ lớn bao nhiêu?

Chị vẽ thị phạm. Quý nhíu mày chăm chú quan sát. Thỉnh thoảng nó bảo: "Lớn lên một chút nữa, cô ơi". Lập tức chị di chuyển cây cọ rộng hơn. Nó bảo: "Lớn quá, cô ạ". Tức thì, chị dùng màu trắng xoá bớt. Hai cô cháu cứ đánh vật như thế. Phải hơn một tiếng đồng hồ sau, cô mới dừng tay, cháu mới ngừng nói. Tay cô lấm lem. Miệng cháu khô rát. Chị lấy bánh bích quy và rót một cốc sữa, coi như phần thưởng dành cho Quý. ăn xong, nó vù đi như một cánh chim.

Chị ngắm bức tranh và cố hình dung một ông voi thật trong đầu để so sánh. Có đôi lần gì đó, chị theo đám bạn vào công viên Bách Thảo và được nhìn thấy con voi thật. Nhưng lâu lắm rồi. Bây giờ, hình ảnh con voi chỉ là ký ức mờ nhạt trong tâm trí chị.

Ngã người lên thành ghế và chợp mắt một lát, sau khi đầu óc đã thư giãn, chị lại tiếp tục vẽ. Chị vận dụng hết mọi khả năng lên cây cọ, thả hồn theo trí tưởng tượng cộng với niềm đan mê hình ảnh ông voi. Có lúc, chị cảm thấy mình đang bay.

*
Chưa có một buổi tối nào, nhà ông Quang bàn luận sôi nổi như thế. Người châm ngòi là mẹ của Quý. Sau bữa ăn, chị nhắc chồng: "Thế anh đã suy nghĩ kỹ chưa? Theo em, chúng ta nên tham gia vào Hội". Hội sẽ bảo vệ toàn diện quyền lợi cho hội viên". Chồng chị bảo : "Anh và em đã từng là hội viên của Hội doanh nghiệp. Mấy năm liền, lệ phí vẫn đóng đều, nhưng đã được hưởng quyền lợi gì? Trước khi chuẩn bị thành lập Hội, người ta cho ăn bánh vẽ. Dần dần teo tóp lại". "Là bởi mấy ông bà lãnh đạo Hội chỉ lo đấu đá, nên mới...". "Đấy, chính em nói chứ không phải anh - Chồng chị tỏ ra đã mất bình tĩnh, cắt lời - Chính xác bọn họ là những kể háo danh. Ban, hội nào cũng thế, khi sứ quán ho một tiếng, cả lũ cứ nháo nhác. Nhưng khi đi quyên góp làm từ thiện thì lặn, đố sủi tăm!".

Ông Quang mắt đặt trên quyển tiểu thuyết nhưng tai lại hứng lấy từng lời đối thoại. Chắp nối, ông được biết Đại sứ quán đang có chủ trương thành lập Hội những người Việt Nam tại Cộng hoà Bungari. Ông không thích cái lối nói băm bổ của đứa con trai, nhưng như thế không có nghĩa là ông phản đối. Ông có cảm tưởng giọng nó thật bức xúc, nhưng đằng sau chính là lòng chân thành không bờ bến. Ông liền xoay người về phía cậu con trai:

- Thế theo con, Hội người Việt Nam tại Bungari là tổ chức như thế nào?

- Dễ ợt, thưa bố! - Cậu con trai dừng lời, nhìn ông như thể thăm dò và lượng sức, rồi tiếp - Đó là một tổ chức quần chúng mang tính tự nguyện.

- Tốt! - Ông Quang cười.

- Vậy... còn mục đích, ý nghĩa, chức năng và vai trò của nó?

Ông Quang khẽ nheo mắt theo kiểu đang thẩm vấn học trò một câu hỏi khó. Không ngờ, con trai ông trả lời tỉnh bơ:

- Thưa bố. Tất cả đã được ghi đầy đủ trong điều lệ của Hội. Dù ở đâu, người Việt Nam ta vẫn có truyền thống liên kết để quan tâm và tự bảo vệ mình dưới hình thức tương tự như tổ chức Hội. Và dù hội nào đi chăng nữa, không có một bản điều lệ nào lại xa rời quyền lợi của hội viên cả.

Ông Quý gật gù. Rồi ông tiếp lời cậu con trai như để bổ sung và giải thích rõ thêm:

- Như vậy, việc thành lập Hội người Việt Nam tại cộng hoà Bungari là rất cần thiết. Lẽ ra phải có từ lâu rồi. Bố được biết ở hầu hết các nước, cộng đồng người Việt ta đều tự thành lập Hội. Hội còn là cầu nối giữa Đại sứ quán với hội viên. Vấn đề đáng quan tâm là ở chỗ, chớ thổi phồng và bóp méo nó. Tuyệt đối không được lấy Hội làm vỏ bọc cho những hành vi vụ lợi và bất hợp pháp. Thành lập Hội là việc dễ, nhưng để Hội tồn tại và phát triển theo hướng tích cực mới khó".

- Đấy, bố cũng ủng hộ đấy! - Cô con dâu bây giờ lại lên tiếng - Như chợt nhớ ra điều gì, chị mở chiếc túi xách tay tìm kiếm. Lát sau, chị trao cho ông Quang tờ giấy gấp tư - Bố cũng có giấy mời dự Đại hội thành lập Hội đây.

Ông Quang với chiếc kính và lật mở tờ giấy. Vừa lướt qua, ông đã nhận thấy nhiều chỗ hoặc không đúng quy chế văn bản, hoặc sai lỗi chính tả, hoặc từ thừa và thiếu nghĩa. Theo thói quen của một ông giáo giảng dạy môn văn, ông lấy bút gạch chân và khoanh tròn những điểm cần phải sửa chữa. Theo ông, chữ "B.C.H. Lâm thời" nhất thiết phải đặt dưới dòng chữ: "Hội người Việt Nam tại Cộng hoà Bungari", mới đúng quy chế và tên Hội sẽ được tôn lên một cách trang trọng. Tiếp đến, đã là một văn bản bằng chữ tiếng Việt thì tên địa danh của nước ngoài phải được phiên âm ra chữ la-tinh. ở phần cuối, nên ghi thêm chữ "Cộng hoà" trước tên nước để tăng sự nhất quán của văn bản.

Ông lật mặt sau. Đó là danh sách các thành viên được đề cử vào Ban chấp hành Hội. Ông Quang cho rằng, không cần thiết phải có chữ "trích ngang" hoặc chữ "giới thiệu". Bởi lẽ, chữ "dự kiến" và "đề cử" đã bao hàm nghĩa của từ "giới thiệu" rồi. Điều cần thiết khác, là phải thêm chữ "Cộng hoà" thì bản danh sách mới được mang tầm quan trọng của nó.

Nhưng, điều khiến ông suy nghĩ nhất chính là tính cẩu thả của tờ giấy vừa là "mời", lại vừa là "danh sách" ấy. Việc thành lập Hội là một sự kiện lớn của cộng đồng tại Cộng hoà Bungari. Nếu như bản danh sách được in riêng biệt và trình bày đẹp, không viết tắt một cách tuỳ tiện rồi đính kèm với tờ giấy mời, thì trang trọng biết bao! Thật đáng tiếc.

Ông Quang nói với cậu con trai:

- Bố đọc "Danh sách các thành viên BCH Hội" thấy toàn là cử nhân, tiến sỹ mà soạn thảo một văn bản sai sót nhiều quá.

Cậu con trai chỉ cười. Ông lại tiếp:

- Cô Lân ký tờ giấy mời này có phải là cô Lân hàng xóm nhà mình không?

- Vâng, chính cô ấy đấy.

- Cô ấy là người có trình độ. Ngày trước, nếu tiến sỹ về làng là được đón rước võng lọng ghê lắm.

- Bố ạ, Việt Nam ta ngày càng có nhiều tiến sỹ, đó là điều đáng mừng. Nhưng con nói thật - cậu con trai im lặng giây lát như để chọn lựa cách diễn đạt - chất lượng các bằng tiến sỹ những năm chín tư, chín lăm trở lại đây non yếu lắm. Bố biết không, tại nước Bungari này, chỉ cần một khoản tiền khoảng một đến hai ngàn đô la là có được bằng tiến sỹ hợp pháp ngay!

- Làm cách nào, hả con?

- Bằng cách thuê những người có trình độ, kể cả ta lẫn tây, họ "sản xuất" luận án cho. Sau đó, cố học thuộc như vẹt và lo lót chút đỉnh cho Hội đồng bảo vệ, là trôi! ở đây, nhiều người vẫn làm như thế.

- Thế hoá ra toàn tiến sỹ rởm à? - Ông Quang kêu lên!

- Đúng như thế. Nhưng có ai chịu thừa nhận đâu? Với họ, bằng cấp là cái để tiến thân chứ không phải vì khoa học!

*
Chú Lập mời ông sang uống trà. Quý nhất quyết đòi theo sang bằng được. Lần hai cô cháu cùng nhau vẽ mặt ông voi, tâm trí Quý vẫn còn ấn tượng lắm. Nó háo hức muốn được xem bức tranh cô Lân vẽ. Cô Lân vắng nhà. Vừa nhìn thấy bức tranh, Quý reo lên:

- Ông ơi, ông xem kìa. Cô Lân vẽ đầu ông voi nhưng lại là thân chuột!

Nói rồi, Quý cười như nắc nẻ. Ông Quang giật mình nhìn chăm chắm bức tranh. Quả đúng như thế thật. Nó gần giống với một bức biếm hoạ. Ôi! Mặt ông voi ghồ ghề và méo mó làm sao. Cái vòi, biểu tượng của sự hùng dũng, ngạo nghễ lại như một chiếc loa kèn cong queo lật úp xuống. Đôi tai thật không cân xứng chút nào cả với khuôn mặt quá cỡ của ông. Đặc biệt, đôi mắt chảy xuống một cách buồn thảm và như đang nhỏ lệ...

Từ phần đầu, nhỏ dần về sau đáng tiếc lại là cái thân teo tóp của ông voi. Cuối cùng là cái đuôi. Không phải đuôi của ông voi hùng dũng, đầy quyền lực mà là của một chú chuột nhắt!.

- Lạy trời! - Ông Quang lẩm bẩm - Cô ấy có thể vẽ ông voi một cách tuỳ hứng, chứ Hội người Việt Nam tại Cộng hoà Bungari mà cũng vẽ vời tuỳ hứng như thế, thì chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ.

Nước Bun, tháng 2/2006

Phạm Thái Ba
Số lần đọc: 2373
Ngày đăng: 08.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Tigôn - Phương Giang
Chồng tôi và thơ - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Không Lạ - Nguyễn Khương Bình
Ngã Rẽ - Trương Văn Dân
Thông dịch viên thứ thiệt - Ngô Kế Tựu
Hoa Loa kèn đỏ - Trần Lệ Thường
Tấm ảnh - Nguyễn Minh Phúc
Chị em sinh ba - Đỗ Ngọc Thạch
Khóc chẳng để làm gì - Nguyễn Khương Bình
Chết hoang - Phạm Thái Ba
Cùng một tác giả
Tigôn (thơ)
Con chó quý (truyện ngắn)
Chết hoang (truyện ngắn)
Bức tranh ông voi (truyện ngắn)
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chết lành (truyện ngắn)