Nhiều người một lần ghé qua thành phố New Orleans, bang Louisiana, đều có nhận xét chung: đó là một thành phố u buồn và cũ kỹ! Tôi không phủ nhận, vì khi đi đâu đó, người ta thường tìm đến những nơi nào có thắng cảnh đẹp đẽ hoành tráng hơn là tìm về những hoài niệm của một thành phố xưa cũ. Là thành phố lâu đời nhất nước Mỹ, New Orleans hiển nhiên mang trong mình hình hài của một đô thị với nhiều kiểu kiến trúc cổ điển. Những tòa nhà cao tầng của kiến trúc hiện đại sau này trên phần đất cao nhân tạo, chỉ là phần nền tô điểm cho bộ mặt downtown tráng lệ của một thành phố cảng biển xếp hạng nhất trong nước Mỹ, luôn tất bật với những thương thuyền.
Bên cạnh sự sôi động bề nổi của thành phố biển, phần chìm của thành phố là những khu dân cư xung quanh nằm trong địa hình thấp. Đứng trên mặt đê nhìn sang bên kia sông, có thể thấy được những mái nhà giống như hàng ngàn chiếc nón lá úp trên mặt nước. Thành phố New Orleans thấp hơn mặt nước biển từ 3 đến 6 mét, được bao quanh bằng một hệ thống đê sông, đê biển, chu vi đến 300 dặm. Có những phần đê chắn bằng bê tông cốt thép cao đến 7 mét, đứng sừng sững như một lũy tường thành. Hãy tưởng tượng, thành lũy bờ đê này bị phá vỡ thì New Orleans sẽ như thế nào? Hình ảnh thành phố ngập úng nước trong cơn bão Katrina năm 2005 vẫn còn mang dấu ấn. Hệ thống đê điều là sự an toàn của hơn một triệu dân cư trong thành phố và các vùng phụ cận. Bởi thế, sau cơn bão kinh hoàng Katrina, lực lượng vệ binh quốc gia được lệnh hợp tác với cảnh sát New Orleans làm nhiệm vụ kiểm tra an ninh thành phố. Cũng nhờ thế mà tỷ lệ tội phạm ở thành phố New Orleans giảm nhiều.
Mùa lũ, nước sông Mississippi phình to, mực nước dâng cao, dòng nước theo các đập tràn thoát ra cửa biển. Còn trong mùa mưa, các trạm bơm tiêu thủy ngày đêm hoạt động hết công suất để tránh tình trạng ngập úng trong những vùng trũng. Phần nước mưa còn lại tràn vào các nhánh sông nhỏ ngoằn ngoèo chảy vào các khu vực đầm lầy, trở thành khu rừng ngập nước nguyên sinh phục vụ cho nhu cầu du lịch sinh thái. Với địa hình và vị trí địa lý như thế, nên nơi đây có lượng mưa nhiều, tạo cho thành phố có độ ẩm rất cao. Ngay cả trong mùa hè, thời tiết khô nắng, thì vẫn có những trận mưa rào liên tục làm cho thành phố vào buổi sớm mai chìm trong màn sương lãng đãng. Vào những tháng ngày đông giá, thời tiết mù sương càng dày đặc hơn, nhất là ở khu phố cổ, lúc nào cũng mang dáng vẻ trầm tư, u buồn, trông thật vô cùng lãng mạn.
Khu phố cổ Pháp là hình ảnh còn lại của thành phố La Nouvelle-Orléans xưa kia, khi mà người Pháp bắt tay xây dựng từ năm 1734. Ai một lần ghé qua France Quarter mà không bị nét quyến rũ đến ngẩn ngơ lòng của kiến trúc khu phố cổ. Khu phố cổ Pháp tự nó mang trong lòng đầy ắp những nỗi niềm hoài niệm? Đâu đó trên những con đường nhỏ ô bàn cờ quanh đây còn in biết bao dấu chân và cả sự sùng bái tâm linh đến lạ lùng của những người trăm năm cũ. Dường như còn hình ảnh ấy còn phảng phất trên từng dãy phố, lẫn khuất trong những ngôi nhà hay cả trong nhiều nghĩa trang mộ nổi đầy vết loang lỗ của dấu ấn thời gian. Những nét văn hóa đó đan xen qua từng giai đoạn, cái này chồng lên cái kia làm thành một kho tàng chuyện cổ tích đầy chất ma quái trong cái thành phố vừa u buồn, lại vừa đậm màu sắc thần bí của thứ bùa mê ngải ếm Voodoo. Phép ếm Voodoo của hàng trăm năm trước, vốn xuất phát từ những nước Phi châu xa xôi được những người da đen mang đến đảo quốc Haiti trong thời kỳ nô lệ.
Bà đồng cốt Marie Laveau - một người Mỹ gốc Phi, là người đầu tiên khởi xướng bùa ếm Voodoo, bắt nguồn từ một truyền thuyết xảy ra tại nhiều nghĩa trang trong thành phố New Orleans cách đây gần hai trăm năm. Hồi ấy, thành phố bỗng xảy ra những cơn dịch bệnh. Nhiều người bị bệnh chết đem chôn tại các nghĩa trang. Ban đêm những oan hồn đó sống lại, nhập vào xác bước ra từ những ngôi mộ. Có những người không tin ma quỉ, giữa đêm vào nghĩa địa để rình mò cho thỏa tính hiếu kỳ, đến sáng người ta phát hiện những thi thể nằm chết một cách bí hiểm trên các ngôi mộ lạnh lùng. Bà đồng cốt Marie Laveau dùng máu gà trống ếm bùa chú sai khiến những linh hồn quỉ ám kia không làm hại dân lành. Không chỉ thế, bà còn có thể nắm vận mệnh và số phận của bất kỳ ai bằng cách ếm những hình nhân bằng rơm bó vải. Người dân New Orleans sùng tín bà như một vị thánh. Marie Laveau trở thành hiện thân của sự tín ngưỡng đã ăn sâu vào cuộc sống qua nhiều thế hệ của các cư dân thành phố.
Hình tượng của bà luôn là đề tài cho các thi sĩ, nhạc sĩ ca ngợi trong những bài dân ca hay nhiều bài nhạc jazz vẫn còn hát đến ngày nay. Thậm chí các nhà văn cũng trải những cảm xúc của mình lên những phép ma thuật huyền hoặc của bùa chú Voodoo để viết nên những câu chuyện kinh dị về thế giới bên kia, về các zombia (quỉ nhập tràng). Những thứ mê tín và ma quái ấy lại được nhồi nặn thành một nét văn hóa xã hội tín ngưỡng sống động xuất hiện qua những lễ hội Voodoo hay Zombia, vượt khỏi ranh giới New Orleans, thâm nhập vào nhiều vùng miền trên nước Mỹ. Chẳng thế mà hầu hết các đoàn làm phim của Hollywood đều chọn “thành phố Thần chết” và những khu phố đồng cốt, nghèo nàn của những người gốc Haiti ở New Orleans ảm đạm, u ám ẩn hiện trong lớp sương mù làm bối cảnh cho những bộ phim ma quái kinh dị.
Ngày nay, ngôi mộ của bà đồng cốt Marie Laveau vẫn còn trong nghĩa trang Saint Louis, ngay trong khu phố cổ. Ngôi mộ này trở thành điểm đến của nhiều du khách hiếu kỳ đến thăm “Thành phố Thần chết”! Dưới trời mưa lâm râm, nhiều người không ngại đến mộ bà đồng chiêm ngưỡng và cũng để bày tỏ lòng thành tâm, cầu xin những điều linh thiêng ứng nghiệm. Những dấu hình chữ thập vẽ đầy trên tường vách mặt bia trông thật xấu xí, nhưng không ai trách móc người thành ý cần bà giúp đỡ.
“Thành phố Thần chết”, là cách nói của ngành du lịch quảng bá tour du lịch đi thăm các nghĩa trang tại thành phố New Orleans. Tất nhiên chi tiết phần mộ của Marie Laveau chỉ là một phần của tour du lịch khám phá. Phần khác làm du khách ngạc nhiên là hầu hết phần mộ trong các nghĩa trang đều được chôn nổi, có nghĩa là mộ không có đào huyệt như cách địa táng thông thường. Lý do này được giải thích rằng không ai trên trần thế muốn người thân của mình đã chết lại bị chôn vùi trong lớp đất ngậm nước lạnh lẽo quanh năm. Ấy thế, gặp những trận lụt lớn, người dân nơi này vẫn thấy những quan tài trôi lềnh bềnh trong dòng nước lũ.
Lần đầu tiên ghé thăm nghĩa trang Saint Peter gần khu phố cổ Pháp, tôi cảm thấy nơi đây giống như là một thành phố theo đúng nghĩa đen của quảng cáo tour du lịch dành cho người “can đảm”. Những ngôi mộ của người giàu có thường làm bằng đá hoa cương, to và trang trí cả tượng các vị thần trong các truyền thuyết Hy Lạp. Có mộ đôi hai tầng và một số mộ được xây như những toà nhà chung cư dài liên kế, có tầng cấp hẳn hoi. Mỗi ô là một mộ huyệt, bên trong lòng mộ có ba thanh sắt tròn nằm cao hơn mặt đáy một chút, chỉ cần đặt một đầu quan tài vào, đẩy chạy trên thanh sắt như cách người ta khép một hộc tủ, xây bít gạch, dán bia tên lên phía trước, là xong một nấm mồ.
Nói đến “Thành phố Thần chết”, tôi chợt nhớ bài hát “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương: “Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa. Người lưa thưa chết dưới sương mu...”. Khung cảnh là một nghĩa trang trên một triền núi ở Đà Lạt, nhưng nhạc sĩ lồng vào đó một mối tình chia cắt của một đôi nam nữ. Buồn, nhưng rất tình và lãng mạn. Thế nhưng, nhiều người làm du lịch ở Đà Lạt chỉ mang chuyện “Thành phố buồn” ra để kể cho du khách nghe chơi cho biết, chứ không dám mở một tour đi thăm nghĩa địa. Bây giờ có muốn đi thăm, “Thành phố buồn” cũng không còn nữa.
Còn ở đây, trong thành phố u buồn này, hình như người ta giữ lại tất cả những gì thuộc về quá khứ. Người chết và người sống chen lẫn với nhau, tạo nên một thế giới tâm linh gắn kết mà không nơi nào có được. Không những thế, họ lại còn biết khai thác tất cả những thứ đó, biến nó thành tiền. Một hình nhân bùa chú Voodoo, mùi hương ngải trầm, những tràng chuỗi hạt, những câu chuyện, phim ma rùng rợn và cả những đêm hòa nhạc Voodoo tưng bừng trong thành phố.
Tất cả đó là di sản văn hóa. Một di sản không cần chọn lọc. Nó chồng xếp lên nhau, làm cho thành phố u buồn này trở nên vui tươi, sống động. Kể cũng lạ, nhưng lại thấy hay?./.