Hành động "vượt qui tắc"
Ryle tuyên bố rằng khi, thí dụ chúng ta nói diễu hay làm trò cười, chúng ta không thật sự biết các qui tắc qua đó một lời nói hay một cử chỉ được xem là khôi hài. Chúng ta không thể hiện lần lượt cả hai hành động – trước tiên suy nghĩ về các qui tắc, sau đó cố gắng áp dụng chúng. Ðúng hơn, chúng ta chỉ đơn giản nói một câu gì đó, hoặc làm một cử chỉ nào đó, mặc dù không biết tại sao mình làm như thế nhưng nó thật sự đánh động và khiến ta cảm thấy buồn cười.
Cũng y hệt như thế đối với tác phẩm hội họa, văn chương hoặc một bản nhạc. Một người sáng tác "đẳng cấp loại hai" theo đúng mọi qui tắc trong bộ môn của mình và cần cù áp dụng chúng. Và thông thường, người ấy chỉ là kẻ sáng tác theo thời thượng. Tác phẩm của họ có thể được phổ biến rộng rãi nhất, bán chạy nhất và có nhiều người thưởng ngoạn nhất, nhưng rồi chúng chìm rất nhanh vào quên lãng.
Người có tính sáng tạo thật sự tuy kiến thức và tay nghề không thua kém người "đẳng cấp loại hai" nhưng bản thân họ không đi theo các qui tắc cứng nhắc. Tác phẩm của họ có thể bị nhiều người không ưa hoặc gây tranh cãi, nhưng dù gì đi nữa vẫn có thể nói nó là một sản phẩm của trí tuệ – một nỗ lực diễn tả cái vượt lên trên hoặc đi quá bên kia mọi kinh nghiệm và mọi qui tắc trước đây. Ðây là một loại "biết cách": biết làm thế nào thể hiện một cách sáng tạo.
Truyền thuyết người trí huệ
Vậy, nếu một máy vi tính được "cho ăn" những thông tin thỏa đáng, nghĩa là cho nó "biết rằng"’, nó cũng có thể tiến hành quá trình được Ryle gọi là "truyền thuyết người trí huệ" – có khả năng trước hết lấy ra các qui tắc, kế đó áp dụng chúng vào những dữ liệu nó vừa mới nhận.
Cái nó không thể làm – nếu chúng ta không tuyên bố rằng nó bỗng dưng tự "đảm trách sự sống của chính nó", là đi quá bên kia những qui tắc đã được thiết lập bằng cách tham chiếu (reference) các kinh nghiệm quá khứ của nó. Chỉ có cách tham chiếu như thế nó mới có thể hiểu và biết (học hỏi) trong bối cảnh tức thời của kinh nghiệm cá biệt, chứ không qua các qui tắc tiền chế và tiền định. Nhờ thế, nó mới có khả năng thể hiện không khác và không kém con người chút nào.
Mọi sự được xử lý bằng mạng lưới thần kinh cũng như bằng con người đều liên quan tới kinh nghiệm quá khứ và các phản ứng – và như thế, hiểu biết của nó về thế giới được thay đổi liên tục, được điều chỉnh theo từng trải nghiệm mới mẻ. Sự hiểu biết của nó – hoặc "tri thức" của nó! – đặt trên tương quan giữa các sự kiện chứ không trên các qui tắc, qui luật hay định luật.
Trong khi chấp nhận não là nguồn gốc của ý thức, một số triết gia lại hoài nghi quan-điểm-vi–tính (computer-view) về ý thức. Giáo sư John Scale (1932- ) của Ðại học Berkeley, California, tin rằng ý thức là thành phần của thế giới vật lý, dù nó được trải nghiệm riêng tư và chủ quan. Ông nêu giả thuyết rằng não gây ra ý thức, cùng một ý nghĩa với việc dạ dày gây ra tiêu hóa, nghĩa là tâm trí không đứng bên ngoài các quá trình vật lý bình thường của thế giới. Còn nữa, Scale không chấp nhận ý kiến cho rằng vấn đề này sẽ được giải quyết bằng các chương trình vi tính, và ông gọi quan-điểm-vi-tính về ý thức là một thứ "mê tín tiền khoa học" (pre-scientific supertition).
Tâm trí, hoạt động của não nhận thức
Do đó, có vẻ đang xảy ra cuộc giao đấu giữa các khoa học gia về thần kinh và các triết gia về tâm thần. Dường như đôi bên đều cho rằng tâm trí, ngang một mức nào đó, là sản phẩm của hoạt động não, nhưng không có sự đồng thuận rõ rệt về ý thức. Một số người tuyên bố rằng ý thức là hoạt động tinh thần ở cấp bậc cao hơn: suy nghĩ về việc suy nghĩ, nghĩa là đang tự ý thức (being self-conscious). Một số người khác lại quả quyết rằng ý thức là vấn đề của những cảm xúc mà thể xác tiếp nhận, được não nhận ra và quan hệ với nhau nhờ não.
Như thế, thí dụ Roger Penrose (1931- ), nhà toán học vật lý thuộc Ðại học Oxford Anh, trong cuốn Emperor’s New Mind (Tâm trí mới của hoàng đế, 1989), lập luận rằng người ta không thể nào tạo ra được người máy có tính trí tuệ vì ý thức đòi hỏi sự tự nhậân thức, cái thuộc về nhân não mà máy vi tính không thể nào bắt chước vì dù gì đi nữa nó vẫn là điện não.
Penrose cũng lập luận rằng ý thức đặt cơ sở trên thành phần "phi-thuật-toán" (non-algorithmic), nói cách khác, thành phần hợp thành ý thức không lệ thuộc vào thuật toán, tức là một tập hợp những qui tắc hoặc một qui trình thiết yếu phải theo khi giải một bài toán. Dù điều ấy có áp dụng cho trí tuệ nhân tạo nhưng nó không nhất thiết áp dụng cho các hệ thần kinh, vì máy vi tính điện não vượt ra ngoài ý tưởng cho rằng sự thông minh đòi hỏi phải có việc lập trình trước (pre-programming) theo các qui tắc. Thêm một bước nữa là ý tưởng cho rằng các chương trình vi tính có thể, như một đột biến tình cờ nhỏ nhặt, chọn lựa các giải pháp thích đáng nhất để sinh tồn và phát triển.
Tiến sĩ William D. Hillis (1956- ), nhà phát minh và doanh gia thuộc công ti chế tạo máy biết suy nghĩ Thinking Machines Corporation ở Massachusetts, Hoa Kỳ, rất có ý thức trong khi sử dụng quá trình tiến hóa như đã được Darwin diễn tả, để chế tạo các bộ máy có khả năng tự phát triển, tức là dùng sự tiến hóa để sản xuất loại máy móc phức tạp hơn rất nhiều so với những bộ máy có thể được sản xuất theo các phương pháp qui ước. Ông cho các chương trình vi tính tranh đua nhau rồi tạo tác lên nhau để càng lúc càng trở thành thích ứng hơn và có kết quả hơn.
Một trí tuệ thật sự
Người máy hẳn không cần tới sự tự nhận thức để thể hiện một cách thông minh các hoạt động của nó – tất cả chỉ đơn giản là một chuỗi mục đích mà nó có thể đạt tới. Thí dụ, một chương trình đánh cờ tướng có thể chơi cờ và đánh bại người thảo ra nó; nhưng nó chỉ được lập trình để đánh cho thắng ván cờ chứ không biết tới ý nghĩa của việc chơi cờ.
Trong những năm vừa qua, cuộc tranh luận về tâm trí/thể xác có một đặc điểm nổi bật nhờ đề tài trí tuệ nhân tạo và mạng lưới thần kinh khiến cho quan điểm giản dị "Hồn ma trong chiếc máy" của Ryle về thể xác và tâm trí nay không còn thích đáng và trở thành lỗi thời. Cuộc tấn công của Ryle về chủ đề ấy đặt cơ sở trên ngôn ngữ. Nó phản ánh thực tế rằng ta không nói như thể thể xác có một "hồn ma" riêng biệt với nó và đang kiểm soát nó.
Trong khi quan điểm máy móc về vũ trụ lần hồi nhường bước cho điều gì đó tương đối phức tạp hơn, chúng ta giờ đây tìm thấy đôi điều rằng bản tính của hoạt động "trí tuệ" có lẽ là đặc điểm của sự phức tạp và của các tương quan, rằng nếu cái gì đó đủ phức tạp và nếu thao tác của nó đặt cơ sở trên một khuôn mẫu quan hệ đang biến đổi liên tục giữa các bộ nhớ (memory components) của nó – thì nó có vẻ như thể tiến hóa theo một phương cách mang tính trí tuệ và cá nhân; nó đảm trách những phẩm tính và đặc tính của con người.
Khả năng xử lý
Ðể thăm dò sự khác biệt giữa khả năng xử lý thông tin nhận được cùng vận dụng chúng, một công tác mà máy vi tính có thể làm và làm rất hiệu quả, và khả năng am thiểu thật sự thông tin, một công tác mà nhiều người quả quyết rằng máy vi tính không có khả năng làm, John Scarle đã đưa ra một cách thức sinh động nhất. Trên chương trình của đài truyền hình và truyền thanh BBC Anh quốc Reith Lectures 1984, trong các bài giảng của mình có tên là Minds, Brains and Science (Tâm trí, não và khoa học), ông nêu một thí dụ minh họa.
Ai cũng biết chữ nho được dùng tại các nước á đông, và phổ biến nhất ở Trung Hoa là một thứ chữ phần lớn tượng hình và hội ý. Người ta có thể nhìn mặt rất nhiều chữ mà đoán ra hàm ý của mỗi chữ. Bạn chưa từng học chữ nho, và bạn bị nhốt trong một phòng kín. Người ta đưa vào cho bạn vài chục chữ nho đơn giản như nhân, xuất, nhập, tù, v.v. Kế đó, người ta bảo bạn trả lời mệnh lệnh của họ bằng cách nhận diện, suy nghĩ, lựa chọn và sắp xếp các chữ nho ấy theo một thứ tự mà bạn nghĩ là thích đáng. Nếu bạn làm đúng, nghĩa là phô diễn được nguyên vọng muốn đi ra ngoài, người ta sẽ phóng thích bạn. Bạn có thể làm được chuyện đó dù bạn không thật sự hiểu một chữ nho nào cũng như không có chút kinh nghiệm nào về thứ chữ ấy.
Scarle cho rằng đây là trường hợp các máy vi tính không thể nào làm. Chúng chỉ có thể theo đúng những qui tắc đã được lập trình, lựa ra nhiều thông tin trên cơ sở những mệnh lệnh rõ rệt mà người sử dụng máy đưa cho chúng, và chúng thật sự không hiểu các thông tin ấy.
Máy vi tính và quái vật của Frankenstein
Dựa trên một khía cạnh của triết học Heidegger, triết gia Hubert Dreyfus (1929- ) của Ðại học Berkeley, California, đưa ra lời phê phán trí tuệ nhân tạo. Tiền bối Heidegger và hậu bối Dreyfus lập luận rằng hoạt động của con người là vấn đề ứng phó thành thạo các hoàn cảnh, và điều ấy tiền giả định (presuppose) một "bối cảnh" bao gồm mọi thực tế của xã hội và cuộc đời nói chung, dẫn ta tới việc làm cái chúng ta đã, đang và sẽ làm.
Theo Dreyfus, trí tuệ nhân tạo toan tính giản lược "bối cảnh" ấy thành một chuỗi các sự kiện: "biết cách" bị giảm thiểu thành "biết rằng". Nhưng đây là chuyện không thể làm được vì các sự kiện cần ta lưu tâm tới, lúc nào cũng có thể gia tăng về số lượng, và vì các cứu cánh thực tiễn nên con số của các sự kiện làm thành bối cảnh là vô tận.
Cũng thế, con người phải chọn lựa trong các sự kiện ấy cái nào thích đáng cho quyết định trong bàn tay của mình, và các qui tắc cho những quyết định sắp sửa thích đáng ấy, về mặt thực tiễn, hình thành một chuỗi các sự kiện vô định. Tình trạng luôn luôn thất bại trong việc cung cấp đầy đủ các qui tắc và sự kiện cho bối cảnh để có một quyết định như thể con người, theo Dreyfus trong cuốn Mind over Machines (Tâm trí vượt quá máy móc, 1986), là một vấn đề tiếp tục gây tranh cãi kịch liệt về trí tuệ nhân tạo.
Xét về khía cạnh kỳ vọng, dường như trí tuệ nhân tạo trong căn bản của nó là một hình thức vi tính hóa hiện đại thí nghiệm của Frankenstein. Nó đang tom góp "các tư liệu" – trong trường hợp này thay vì các bộ phận thể xác con người thì chúng là năng lực vi tính thô sơ và các dữ liệu trên đó nó sắp sửa thao tác – với kỳ vọng rằng sẽ tìm thấy chìa khóa biến chúng thành một hữu thể tư duy, một "bản ngã/cái tôi". Cho tới nay, các chi thể nhân tạo ấy bắt đầu co giật nhưng con quái vật đó chưa khoác được dạng thức con người.
Aiko và Lê Trung
Khác với hình ảnh quái vật Frankenstein, Lê Trung (1975- ) một kỹ sư tại Toronto, Canada cho ra đời một điện não nhân (android) xinh xắn có tên là Aiko. Ðược giới thiệu rộng rãi với giới báo chí và truyền thông quốc tế trong năm 2008, người đẹp Aiko đã xuất hiện và tạo được nhiều ấn tượng trên các đài truyền hình CNN, CBC, BBC, Discovery Channel, v.v. và hàng chục đài truyền hình cùng tạp chí tiếng Anh và Pháp có uy tín tại Bắc Mỹ.
Là một nhà hóa học, Lê Trung theo ngành vi sinh vật học, rồi sau đó theo ngành hóa học phân tích và khoa học ứng dụng, nhưng lại say mê điện não, anh đã bỏ tiền túi ra tự mình chế tạo Aiko ngay dưới tầng hầm nhà mình. Sinh tại Việt Nam và lớn lên ở Nhật Bản, từ niềm say mê chuyện tranh Amine về người máy từ lúc còn bé, Lê Trung quyết chí tạo ra một người máy xinh xắn và mịn màng theo khuôn mẫu Amine.
Cao 1.52m với khuôn mặt rất dễ thương và các số đo lý tưởng 83-60-84. Tên Nhật bản của nàng là kết hợp giữa "Ai" là yêu, "ko" là đứa trẻ. Aiko của Lê Trung nói được tiếng Nhật và tiếng Anh. Nàng được lập trình để phát hiện các chuyển động và phản ứng tùy theo sự đụng chạm. Aiko có thể nói "Ðừng làm tôi nhột" hay sẽ tát người sờ vào cô một cách khiếm nhã.
Bên trong Aiko là một máy điện toán, nay Lê Trung tạm thời dùng một laptop để khỏi quá nóng. Trả lời phóng viên của Thời Báo Toronto, số ra ngày 01.01.2009, Lê Trung cho biết rằng Aiko không phải là một người mẹ, một người vợ hay tình nhân mà đúng hơn là một bảo mẫu (nanny). Hiện nay, Aiko chỉ mới làm được một số việc, nhưng nếu được phát triển, nghĩa là có thêm các điều kiện kỹ thuật và lập trình đầy đủ để hoàn thiện, nàng có thể làm được các việc như:
1. Ở nhà: Giúp trẻ học toán, giúp người già đọc báo, xem thời tiết, báo giờ uống thuốc, v.v.
2. Ở văn phòng: Ngồi quầy hướng dẫn, báo giờ họp, chỉ đường, v.v.
3. Ở phi trường: Nhận diện 300 khuôn mặt trong một giây tại khu vực an ninh, chỉ dẫn tại khu vực hỏi đường, v.v.
Lịch sử cuộc tranh luận tâm trí/thể xác
Quan điểm của một người về chủ đề tâm trí/thể xác thì tùy thuộc vào quan điểm tổng quát của người ấy về thế giới và về sự am hiểu của con người về nó. Như thế, quan điểm ấy có những dị biệt và biến thiên theo từng triết gia và từng thời đại khác nhau.
Có thể truy tầm dấu vết của cuộc tranh luận về chủ đề ấy trong lịch sử triết học.
a. Thời cổ đại, triết gia Hi Lạp Plato, thế kỷ 4 trước C.N., xem linh hồn là hằng cửu, bị giữ trong một thể xác vật chất hữu hạn.
b. Aristotle, học trò của Plato, cho rằng mọi sự đều có bản thể và dạng thức hoặc hình thể. Do đó, ông xem linh hồn như một "dạng thức" của thể xác đang cho nó đồng nhất tính.
c. Ðối với Descartes, nửa đầu thế kỷ 17 sau C.N., tâm trí là chủ yếu: "Tôi suy nghĩ vậy tôi hiện hữu".
d. Ðối với Hume (thế kỷ 18) trong cuốn Treatise of Human Nature (Luận về bản tính con người, 1739-40) thì:
"Khi mật thiết đi vào cái được tôi gọi là bản thân mình, tôi lúc nào cũng bất chợt bắt gặp một nhận thức đặc thù không thế này thì thế nọ, về nóng hoặc lạnh, sáng hoặc tối, thương yêu hoặc hận thù, đau đớn hoặc khoái lạc. Không bao giờ tôi bắt gặp bản thân mình ở khoảnh khắc chẳng có nhận thức nào cả, và không bao giờ tôi có thể quan sát bất cứ cái gì ngoài nhận thức."
Hume là người duy nghiệm chủ nghĩa. Phân tích các hiện tượng của cuộc sống, Hume tìm thấy cũng chỉ một cái thôi, như khi phân tích bản thân mình Hume luôn luôn tìm thấy một cái đặc thù nào đó. Ðối với Hume, thế giới là một tập hợp của những mẫu và những mảnh được điều chỉnh bởi các định luật tự nhiên. Hume không thể thấy "cái tôi/bản ngã" tổng quát vì ông không thể bước ra ngoài thế giới của hiện tượng.
đ. Ðối với Kant, (cũng thế kỷ 18) thì "Về mặt hiện tượng, tôi bị điều kiện hóa, nhưng về mặt bản thể, tôi tự do, do đó, tâm trí ở quá bên kia các phạm trù áp dụng cho kinh nghiệm giác quan".
e. Sang thế kỷ 20, có một truyền thống đặt tâm trí hoàn toàn ở quá bên kia những gì chúng ta có thể biết. Thí dụ Wittgenstein nói ở cuối cuốn Tractatus rằng: "Chủ thể không thuộc về thế giới này, nhưng nó là một giới hạn của thế giới. Nói cách khác, từ quan điểm chứng cớ kinh nghiệm, tôi không hiện hữu. Khi tôi trải nghiệm nó, [thì tôi cảm thấy] thế giới là mọi sự không phải là tôi, dù nó bao gồm thể xác vật lý của tôi."
VII. Biết ta biết người
Giờ đây, chúng ta hướng tới những nội hàm của vấn đề tâm trí/thể xác, đặc biệt những hàm ý tác dụng lên cá nhân, có liên quan tới sự tự am hiểu, bản sắc và tri thức về con người.
Ý chí tự do
Trong cuộc tranh luận về tâm trí/thể xác, điểm chính yếu là sự tự do của ý chí (freedom of the will), một cụm từ có tính thuật ngữ triết học, với hàm ý sự tự do của chủ thể được làm theo hiện ý muốn hay ý nguyện của mình. Hiểu khái quát, ý chí hay ý muốn là sức mạnh của tâm trí để quyết định và thực hiện một điều nhất định; sự chủ động kiểm soát ý nghĩ và hành động của mình, và ý muốn được tự do thể hiện từ đầu chí cuối một quá trình chủ động, bao gồm ba giai đoạn: chọn lựa giữa các giải pháp, lập quyết định và thực hiện quyết định ấy.
Chúng ta không có tự do
Nếu quả đúng như tuyên bố của người theo chủ nghĩa duy vật, hoặc kể cả của người theo chủ nghĩa phụ tượng, rằng tâm trí vỏn vẹn chỉ là phó sản của hoạt động não, và nếu hoạt động não, cái vốn là thành phần của thế giới vật chất mà về mặt lý thuyết có thể hoàn toàn dự báo, thì chúng ta không có cái được gọi là tự do.
Chúng ta hình như được tự do chẳng qua vì chúng ta không am hiểu sự kết hợp độc đáo của các nguyên nhân đang cưỡng bách chúng ta lập các quyết định cá biệt của mình. Chúng ta chỉ là quân tốt đen của số phận, vì nếu am hiểu hết thảy các nguyên nhân, chúng ta sẽ thấy rằng mình không có tự do và không chịu trách nhiệm về những gì được chúng ta gọi một cách sai lầm là các thao tác "tinh thần" của mình.
Thật rõ ràng. Nếu tự do và đạo đức được xem là thành phần của cái có ngụ ý là cá nhân con người và đồng thời được đánh giá là thành phần của các hiện tượng mang tính người, lúc đó, ta có thể coi tâm trí vỏn vẹn chỉ là phó sản của hoạt động não.
Ý thức tách lìa thân xác
Chủ đề này bao gồm hai vấn đề: sự sống sau khi chết và trải nghiệm "bên ngoài thân xác", thường được gọi khái quát là xuất hồn.
Thật khó có thể thu thập bằng cớ vững chắc để chứng minh hai vấn đề ấy là có thật, phần vì đó là trải nghiệm riêng tư, người ngoài không thể kiểm tra, phần vì theo quan điểm duy vật chủ nghĩa thì không thể nào xảy ra các hiện tượng như thế, và vì vậy người tường trình về chúng thường bị họ cho là lầm lạc.
Tuy nhiên, đối với người cực kỳ tin tưởng chúng có thật thì niềm xác tín ấy vừa ảnh hưởng lên quan điểm của họ về chủ đề tâm trí/thể xác vừa hàm ý một lập trường nhị nguyên.
Nhìn theo con mắt tôn giáo
Theo quan điểm tôn giáo, vấn đề sự sống sau khi chết bao hàm hai ý nghĩa:
1. Ý nghĩa của một sự đền bù thích đáng và thỏa đáng, nghĩa là một sự thưởng phạt phân minh dựa trên cơ sở thiện ác đối với những gì mỗi người đã làm trong cuộc sống dương thế của mình. Hết thảy các truyền thống tôn giáo đều có một thành tố nào đó về sự thưởng phạt rạch ròi, theo đó người ấy vĩnh viễn được ban thưởng cho lên thiên đàng hoặc phải chịu phạt dưới hỏa ngục như trong các tôn giáo tây phương, hoặc tự phát sinh nghiệp báo (karma) do bởi nghiệp lực của các hành động của mình, như trong một số truyền thống đông phương.
2. Ý nghĩa rằng sự sống của con người, bằng cách nào đó, đi quá bên kia ranh giới thể xác mong manh của nó: "Cái này không thể là mọi sự, không thể là chấm hết, phải có cái gì đó hơn nữa và kéo dài bất tận".
Cả hai ý nghĩa ấy đều không có chứng cớ cụ thể về cách sự sống tiếp tục lưu tồn sau khi thân xác đã chết. Chúng chỉ cho thấy rằng đối với tín đồ tôn giáo, niềm tin vào "đời sau" là thích đáng và cho họ có lý do để bảo lưu chúng dù đang trong tình trạng thiếu chứng cớ.
Nhìn từ kinh nghiệm lâm sàng
Tuy nhiên, hoàn toàn tách biệt với quan điểm và niềm tin tôn giáo, có những người tuyên bố rằng họ từng chứng nghiệm sự sống sau khi chết qua những giao tiếp với hồn ma lãng đãng, với người đã chết hoặc kinh nghiệm chết lâm sàng của chính họ.
Từ các phương tiện truyền thông, chứng cớ thu thập hàng trăm năm nay lên tới số lượng rất lớn nhưng sự thông giải chúng luôn luôn bỏ ngỏ. Nó tùy thuộc quan điểm triết học hay tôn giáo, nơi cư trú và thời điểm sống của người thông giải, đặc biệt người có quan điểm duy vật chủ nghĩa nghiêm ngặt luôn luôn tìm ra lời giải thích hoặc này hoặc nọ cho kinh nghiệm ấy.
Tại Việt Nam, ngoại trừ các sinh hoạt có tính đạo giáo dân gian như lên đồng, cầu cơ, v.v. trong những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba, cũng rầm rộ phong trào ngoại cảm, một hình thức được tin là có những giao tiếp với người đã chết, như soi kiếp, gọi hồn, tìm mộ... mà trong số các cổ động viên công khai của nó, có nhiều người từng có thời tích cực cổ vũ cho chủ nghĩa duy vật hoặc là tín đồ thuần thành của Kitô giáo.
Xuất hồn
Trong các chứng cớ không liên quan tới niềm tin tôn giáo vừa kể, nổi bật nhất là hiện tượng "xuất hồn". Nói chung, người tường thuật kinh nghiệm ấy thường bảo rằng nó xảy ra khi thể xác vật lý của mình bị khủng hoảng hoặc lâm nguy. Một số người kể lại tình trạng chính mình đã để lại thể xác "ở dưới đó", còn linh hồn mình thì có khả năng rời khỏi nó, bay lên trên cao và quan sát nó từ một khoảng cách rõ rệt.
Cứ ba người từng ở trong trạng thái "đi vào cái chết lâm sàng và trở về", có một người kể lại kinh nghiệm lâm chung ấy. Thế nên, "xuất hồn" không là một hiện tượng hiếm có, cũng như không bị giới hạn một cách đặc thù vào các chủ thể thuộc tôn giáo, dân tộc, lý thuyết triết học hay thời đại cá biệt nào.
Hai trường hợp tiêu biểu
"Tôi cảm thấy người mình rất đổi khó ở và cực kỳ đau đớn. Ðột nhiện, mọi âm thanh trong khu nhà thương nơi tôi đang nằm cấp cứu – các y tá hối hả vào ra, những phụ nữ đang cười, lũ trẻ con đang khóc – tất cả đều biến mất. Và tôi nhẹ nhàng rời khỏi chiếc giường mình đang nằm, ban đầu bềnh bồng sang một bên, rồi cất lên cao.
"Tôi cảm thấy có vẻ khác thường, nhưng tôi biết rằng mình đang chết. Thật lạ lùng, vì hết thảy những khó ở và đau đớn trong người đều tan biến, tôi ý thức về ánh sáng đang bao quanh mình và tôi ấm áp – thật là một cảm giác tuyệt vời.
"Nhưng kế đó tôi nghĩ tới mẹ tôi, người mà tôi có mối ràng buộc rất mạnh mẽ. Và tôi nhớ là mình nghĩ rằng mình không thể làm điều như thế này cho mẹ mình. Tôi cố hết sức về lại thể xác của tôi, và một cách rất có ý thức, tôi đã làm như thế. Với một cái nẩy người cực mạnh, tôi như thể bị ném trở lại. Và lập tức tôi lại cảm thấy trong người rất đổi khó ở và cực kỳ đau đớn".
Tạp chí Sunday Telegraph (Anh), 30 tháng Giêng 1994, t. 11
Hàn Mặc Tử (1912-1940), bằng kiến thị hoặc thực thị, cũng kể lại trải nghiệm của ông trong bài thơ "Hồn lìa khỏi xác":
[.]
Xác ta sẽ hút bao nguồn trăng loạn,
Ngấm vào trong cơ thể những hoa hương,
Và sẽ thở ra toàn hơi thở sáng,
Ðể trên cao hồn khỏi lộn màu sương.
Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã,
Bốc thành âm khí loảng nguyệt cầu xa,
Hồn mất xác, hồn sẽ cười nghiêng ngã,
Và kêu rên thảm thiết khắp bao la.
[.]
Cũng có người còn kể lại linh hồn họ bay lên khỏi bàn giải phẩu, nhìn xuống và thấy các bác sĩ cùng y tá đang thao tác trên cơ thể của họ.
Người ta có thể thẩm tra kinh nghiệm "hồn lìa khỏi xác" ấy để thấy hoặc quả thật nó thể hiện một sự chuyển dịch có thật và có tính không gian, ra khỏi thể xác vật lý, hoặc nó chỉ đơn thuần là kết quả của trí tưởng tượng. Nếu có thể chứng minh chúng là đúng theo nghĩa đen, thì điều đó gợi ý cho thấy rằng mối quan hệ giữa tâm trí và thể xác có tính nhị nguyên, và rằng dù tâm trí có liên hệ mật thiết với não, nó vẫn không vì thế mà bị giới hạn về mặt vật lý đối với não.
Ðối với các trường hợp trải nghiệm bất thường ấy, dù thuộc loại vừa kể hoặc loại nào khác, ta có thể áp dụng khảo nghiệm đã được David Hume dùng cho các tường trình về phép lạ – xem chương 6, đề mục "phép lạ". Thực tế cho thấy có hai khả năng, hoặc các sự kiện ấy thật sự xảy ra đúng như tường thuật, hoặc người kể lại bị lầm lạc lúc ấy.
Hiểu biết tâm trí của người khác
Theo quan điểm nhị nguyên nghiêm ngặt về thể xác và tâm trí, bạn không thể nào hiểu biết trực tiếp tâm trí của người khác. Bạn có thể hiểu biết lời nói, hành động, chữ viết, các biểu hiện trên mặt và dấu hiệu qua thân thể của người khác, nhưng bạn không thể nào tiếp cận tâm trí của họ.
Do đó, đối với người nhị nguyên chủ nghĩa, mọi hiểu biết tâm trí của người khác đều thông qua phương pháp loại suy (analogy). Bạn biết cái nó giống như của bạn – bạn biết cái đó khi bạn phát biểu, bạn đang diễn tả điều gì đó bạn đang ngẫm nghĩ trong tâm trí mình. Qua đó, bạn giả định rằng khi người khác nói, các lời lẽ của họ là sản phẩm của một hoạt động tinh thần tương tự như của bạn.
Xét từ quan điểm của Ryle thì chẳng có vấn đề. Chẳng có "Hồn ma trong chiếc máy", cái chúng ta có ý nói qua từ ngữ tâm trí là trí tuệ và khả năng truyền đạt của người khác. Nếu tôi biết hành động, lời nói, v.v. của một người, lúc đó tôi hiểu biết tâm trí của họ, vàï cả hai cái biết và hiểu ấy là một và chỉ một mà thôi.
Còn tiếp