Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
783
123.239.286
 
Sống
Dư Hoa

Một truyện kể về việc người ta đã lấy sạch máu, đã “cắt tiết” một đứa học trò 13 tuổi để tiếp cho bà vợ một ông Chủ tịch Huyện mất máu khi đẻ. Một cái ác “có trách nhiệm”, một cái ác “nhân đạo”, một cái ác khủng khiếp bởi người ta ác mà không biết mình ác; và đau đớn thay, bố của đứa trẻ nạn nhân lại chính là đàn anh, là bạn chiến đấu ngày xưa của ông Chủ tịch! Một áng văn hay một cách kinh hoàng của Dư Hoa, một lời cảnh tỉnh đanh thép về sự thoái hóa tính người trong cuộc sống đương đại.

ĐÔNG LA

 

… Sau khi chúng tôi vượt dòng Trường Giang thì bắt đầu mặc áo bông. Qua được Trường Giang thì ý định đào ngũ của tôi cũng chết hẳn, cách nhà càng xa thì tôi càng không có gan đào ngũ nữa. Đại đội của tôi có đến mười đứa con trai mới mười lăm mười sáu tuổi, trong đó có một cậu lính choai choai là Xuân Sinh, người Giang Tô, hắn cứ hỏi dò tôi đi lên phía Bắc có phải đánh nhau không, tôi bảo phải. Thật ra tôi cũng không biết. Tôi nghĩ, đã đi lính thì tránh sao khỏi đánh nhau. Xuân Sinh và tôi thân nhau lắm. Cậu ấy cứ bám riết tôi, kéo cánh tay tôi hỏi:

 

- Liệu chúng mình có bị đánh chết không?

 

Tôi đáp:

 

- Mình không biết….

 

… Sau khi bị bao vây, toàn bộ lương thực đạn dược đều dựa vào thả dù. Hễ máy bay xuất hiện ở trên trời, thì toàn quân ở dưới cứ nhao nhao chen nhau như kiến cỏ đi cướp gạo. Hễ máy bay bay đi là toàn quân lại chia thành từng tốp kéo về các ngôi nhà và cây cối trơ trụi, vừa dỡ nhà vừa chặt cây, đâu có giống đánh nhau. Những tiếng kêu loạn xị gần như át cả tiếng súng tiếng pháo ở phía trước.

 

Chẳng bao lâu, những nhà ở và cây cối mắt nhìn thấy đều mất sạch, chỗ nào cũng có khói nấu cơm bốc lên, bay lơ lửng trên bầu trời.

 

Lúc bấy giờ đạn nhiều hơn cả, ngả lưng xuống chỗ nào cũng đè lên đau nhói. Chưa được một ngày, các ngôi nhà ở chung quanh đã bị dỡ sạch, cây cối cũng bị chặt sạch, chỗ nào cũng có lính cầm lưỡi lê đi cắt cỏ khô, trông chẳng khác gì cảnh vào vụ gặt hái, có những người đánh gốc cây mồ hôi nhễ nhại. Vào những lúc này, người đi cướp gạo đã ít đi, chúng tôi ra khiêng ba bao tải gạo rõ to về hầm rải làm giường ngủ, nằm lên bao gạo không sợ đạn chọc vào lưng đau đớn khó chịu nữa.

 

Đến khi không còn kiếm ra thứ gì để làm củi nấu cơm nữa, mà Ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch vẫn chưa cứu được chúng tôi đi, được cái máy bay không còn thả gạo nữa, mà thay bằng thả bánh bích qui, bánh nướng. Từng bao từng bao bánh nướng thả xuống, những người anh em như bầy súc vật lao tới tranh cướp loạn xạ, xếp thành từng lớp từng tầng y như đế giày của mẹ tôi xếp đống, bọn họ kêu gào hò hét om sòm chẳng khác gì sói rừng.

 

Lão Toàn bảo:

 

- Chúng ta chia nhau đi cướp.

 

Lúc này chỉ có thể chia nhau đi cướp, mới cướp được nhiều bánh nướng đem về. Chúng tôi bò ra khỏi hầm, tự chọn hướng mà đi. Lúc này đạn đã bay đi bay lại ở gần đó, thường có những viên đạn bay sượt qua. Một lần tôi đang đi, đang đi, một người đi bên cạnh đột nhiên ngã xuống, tôi cứ tưởng anh ta bị ngất, quay lại nhìn thì nửa bên đầu của anh ta không còn, tôi sợ bủn rủn cả chân tay, suýt nữa cũng ngã. Cướp bánh nướng còn khó hơn cướp gạo, nghe nói quân ta ngày nào cũng có người chết do liều mạng. Khi có máy bay từ đằng xa bay đến, tất cả quân lính đều từ đất bật dậy chạy theo máy bay; cứ tưởng như mặt đất trơ trụi đột nhiên mọc lên những vạt cỏ, hễ bao bánh nướng thả xuống là mọi người tản ra, đuổi theo từng cái dù mà mình đã nhìn sẵn. Bao bánh nướng gói không chắc, hễ rơi xuống đất là rơi vãi, hàng chục hàng trăm người xông vào vồ, có những người còn chưa chạm đất đã bị xô ngất xỉu. Mỗi lần tôi lao vào cướp bánh là toàn thân đau đớn như bị người ta treo lên lấy thắt lưng da đánh cho một trận. Rút cuộc thì cũng chỉ cướp được mấy cái bánh nướng. Về đến hầm thì Lão Toàn đã ngồi ở đó, mặt anh ta sây sát chỗ tím chỗ đỏ, anh ta cũng chẳng cướp được nhiều hơn so với tôi. Lão Toàn đã tám năm đi lính nhưng lòng dạ vẫn lương thiện. Anh ta để bánh của mình lên trên bánh của tôi, bảo chờ Xuân Sinh về cùng ăn. Hai chúng tôi ngồi trong hầm thò đầu ra nhìn ngó Xuân Sinh.

 

Một lúc sau, chúng tôi nhìn thấy Xuân Sinh ôm một đống giày cao su lom khom chạy về. Anh chàng hớn hở mặt đỏ bừng, cậu ta quăng người một phát lăn vào trong, chỉ giày cao su rơi đầy đất, hỏi chúng tôi:

 

- Nhiều không?

 

Lão Toàn nhìn tôi, hỏi Xuân Sinh:

 

- Thứ này ăn được à?

 

Xuân Sinh đáp:

 

- Có thể nấu cơm chứ.

 

Chúng tôi nghĩ cũng đúng lắm. Nhìn mặt Xuân Sinh không hề sây sát gì, Lão Toàn bảo tôi:

 

- Tay này tinh khôn hơn tất cả mọi người…

 

… Lúc trời sáng, chẳng còn tiếng gì nữa. Chúng tôi thò đầu ra xem, mấy ngàn thương binh hôm qua còn gào khóc, giờ đã chết hết, nằm ngổn ngang ra đó không nhúc nhích, một lớp tuyết mỏng phủ lên người. Bọn người nằm trong chiến hào vẫn còn sống chúng tôi cứ ngây người ra mà nhìn. Chẳng ai nói một lời, ngay đến Lão Toàn là lính cũ đã nhìn thấy không biết cơ man nào là người chết cũng thừ người ra rất lâu, cuối cùng anh ấy thở dài, lắc lắc đầu nói với chúng tôi:

 

- Thảm quá!

 

Nói rồi, anh Toàn bò ra đường hào đi vào giữa đám người chết rộng mông mênh, lật người này nhấc người kia. Anh Toàn lom khom bước qua bước lại giữa đống xác, thỉnh thoảng ngồi xổm lấy tuyết xoa xoa mặt cho ai đó. Lúc này tiếng súng tiếng pháo lại rộ lên, một số viên đạn bay về phía này. Tôi và Xuân Sinh sực tỉnh, vội vàng gọi Lão Toàn:

 

- Mau mau quay về, anh Toàn ơi!

 

Lão Toàn tỉnh bơ, cứ tiếp tục xem đi xem lại. Một lúc sau, anh ấy đứng lên, nhìn ngó qua lại mấy lần nữa, rồi mới đi về phía chúng tôi. Khi đến gần, anh ấy giơ ra bốn ngón tay, lắc lắc đầu bảo chúng tôi:

 

- Mình nhận ra bốn người.

 

Vừa nói xong, anh Toàn đột nhiên trợn tròn mắt với chúng tôi, hai chân anh đứng tại chỗ như đông cứng, sau đó cả người quì sụp xuống. Chúng tôi không biết tại sao anh lại thế, chỉ nhìn thấy có đạn pháo bay đến liền hét toáng lên:

 

- Anh Toàn, mau mau lên!

 

Gọi mấy lần mà anh Toàn vẫn cứ thế, chúng tôi mới nghĩ ra: Hỏng rồi, anh Toàn có chuyện rồi. Tôi vội vàng bò khỏi đường hào, chạy đến chỗ Lão Toàn, chạy đến trước mặt nhìn thì lưng anh Toàn đã đẫm máu. Mắt tôi nảy đom đóm, rối rít gọi Xuân Sinh. Sau khi Xuân Sinh đến nơi, hai chúng tôi khiêng anh Toàn xuống hào, mảnh đạn bay vèo vèo sát ngay bên chúng tôi.

 

Chúng tôi đặt anh Toàn nằm xuống. Tôi lấy tay bịt chỗ chảy máu trên lưng anh ấy, vết thương vừa ướt vừa nóng, máu vẫn đang chảy lọt qua kẽ tay tôi. Mắt anh Toàn từ từ mở ra, có lẽ là để nhìn chúng tôi một lát, sau đó động đậy mồm, giọng khản đặc hỏi chúng tôi:

 

- Đây là đâu nhỉ?

 

Tôi và Xuân Sinh ngẩng lên nhìn chung quanh, chúng tôi làm sao biết được đây là đâu, đành phải nhìn lại anh Toàn. Anh Toàn nhắm chặt mắt lại, rồi từ từ mở ra, càng mở càng to, mồm anh đã méo xệch trông y như nhăn nhó. Chúng tôi nghe thấy giọng anh khàn khàn:

 

- Ngay đến chết ở đâu ta cũng không biết nữa.

 

Nói xong câu này được một lúc thì anh tắt thở. Anh Toàn chết, đầu ngoẹo sang một bên. Tôi và Xuân Sinh biết anh đã chết, chúng tôi đang nhìn nhau thì Xuân Sinh khóc trước, Xuân Sinh đã khóc thì tôi cũng không cầm được nước mắt….

 

…Tiếng súng tiếng pháo đã nổ đến trước mặt chúng tôi. Chúng tôi đều đã nhìn thấy bóng người bắn súng ở phía trước, trong khói đạn cứ từng người từng người lảo đảo ngã xuống. Tôi tính toán thấy mình không sống nổi đến tuổi trung niên, chưa bước sang tuổi trung niên đã đến lượt mình bị chết. Một tháng nay quần đảo trong bom đạn, tôi không còn sợ chết cho lắm, chỉ có điều cảm thấy mình chết không rõ ràng minh bạch. Thế này quả thật là oan uổng. Mẹ tôi và Gia Trân đều không biết tôi chết ở đâu. Tôi nhìn Xuân Sinh, một tay cậu ta còn gác lên người anh Toàn, cũng nhìn tôi với nét mặt buồn rười rượi. Chúng tôi đã ăn gạo sống mấy hôm, mặt Xuân Sinh bị phù, cậu ấy thè lưỡi liếm liếm môi bảo tôi:

 

- Em muốn ăn bánh nướng.

 

Đến bây giờ thì chết chóc đã không quan trọng nữa. Trước khi chết được ăn bánh nướng là cũng biết đủ rồi. Xuân Sinh đứng lên, tôi cũng không bảo cậu ấy cẩn thận với tiếng súng đạn. Cậu ấy nhìn rồi bảo:

 

- Có lẽ ở ngoài còn bánh nướng. Em đi tìm thử xem.

 

Xuân Sinh bò ra chiến hào, tôi không ngăn cậu ấy. Dù sao thì chẳng đến trưa nay đâu, chúng tôi sẽ đều phải chết, nếu cậu ấy được ăn bánh nướng thật thì tốt quá. Tôi nhìn cậu ấy uể oải bước qua các xác chết, đi được vài bước còn quay lại bảo tôi:

 

- Anh đừng đi đâu nhé! Tìm được bánh em sẽ quay về.

 

Cậu ta buông thõng hai tay, cúi đầu đi vào chỗ khói lửa mù mịt ở phía trước. Lúc này trong không khí đầy mùi khét lẹt và bụi bẩn, hít thở vào họng đều cảm thấy có từng viên từng hạt như đá nhỏ.

 

Chưa đến trưa, thì những người còn sống trong đường hào đều bị bắt làm tù binh. Khi quân Giải phóng cầm súng xông đến, có một lính cũ bảo chúng tôi giơ hai tay lên. Anh ta căng thẳng đến mức tái mặt đi, hò hét bảo chúng tôi chớ có động vào khẩu súng ở bên cạnh. Anh ta sợ đến lúc ấy ngay cả anh ta cũng xúi quẩy. Một người lính giải phóng trạc tuổi Xuân Sinh chĩa thẳng nòng súng đen ngòm vào tôi; tôi sững sờ, nghĩ thầm lần này thì chết thật. Nhưng anh ta không nổ súng, nói với tôi câu gì đó, tôi nghe thấy tiếng bảo tôi bò ra, trong lòng bỗng hồi hộp, tôi lại có ý mong được sống. Sau khi tôi bò ra khỏi hầm, anh ta bảo:

 

- Bỏ tay xuống.

 

Tôi bỏ hai tay xuống, cũng hết hồi hộp. Một hàng hơn mười hai tù binh chúng tôi do anh ta áp giải đi về hướng Nam, đi được một quãng thì nhập vào một đội tù binh lớn hơn. Khắp nơi chỗ nào cũng có những cột khói cao vút, đổ nghiêng về một phía. Trên mặt đất chi chít hố bom, xác chết ngổn ngang, những cỗ xe quân sự cháy đen vẫn còn đang nổ lép bép. Sau khi chúng tôi đi được một chặng, thì hơn hai mươi bộ đội Giải phóng gánh bánh bao từ hướng Bắc đi thẳng đến; bánh bao nóng hôi hổi, tôi nhìn thấy thèm rỏ cả nước dãi. Một sĩ quan áp giải chúng tôi bảo:

 

- Các anh tự xếp hàng vào tử tế.

 

Không ngờ họ đã đem bánh bao đến cho chúng tôi ăn. Nếu Xuân Sinh còn ở đây thì hay quá. Tôi nhìn ra xa xa, không biết thằng bé này còn sống hay đã chết. Chúng tôi tự động xếp thành đội hình hơn mười hai hàng dọc, cứ lần lượt mỗi người nhận hai cái bánh bao. Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng ăn rào rào to đến thế, còn to hơn vài trăm con lợn ăn xốc. Người nào cũng ăn rất nhanh, có một số người cứ ho thục mạng, tiếng ho sau cao hơn tiếng ho trước. Một người ở cạnh tôi ho dữ hơn ai hết, anh ta cứ ôm lưng, ho chảy cả nước mắt. Nhiều người đã bị nghẹn, ai cũng ngẩng mặt trợn mắt, không nhúc nhích.

 

Sáng hôm sau, chúng tôi được tập hợp trên một bãi trống, ngồi thành từng hàng ngay ngắn. Ở trước mặt có hai cái bàn, một người có dáng sĩ quan nói chuyện với chúng tôi. Ông ta nói một thôi một hồi về lý lẽ giải phóng Trung Quốc, cuối cùng tuyên bố:

 

- Ai tự nguyện tham gia quân Giải phóng thì tiếp tục ngồi, còn ai muốn về nhà thì đứng lên, đi lĩnh lệ phí về quê.

 

Vừa nghe có thể về nhà, tim tôi đập thình thịch. Nhưng tôi nhìn thấy người sĩ quan kia đeo súng lục ở lưng thì lại đâm sợ. Tôi nghĩ, làm gì có chuyện tử tế như thế. Rất nhiều người ngồi im lặng, cũng có một số người đi ra, họ đã đến trước bàn lĩnh lộ phí thật. Ông sĩ quan kia luôn nhìn họ. Sau khi nhận tiền đi đường, còn lĩnh cả giấy thông hành, tiếp đó là lên đường. Tôi hồi hộp vô cùng, viên sĩ quan kia dứt khoát sẽ rút súng ra bắn họ, giống như đại đội trưởng của chúng tôi đã bắn. Nhưng sau khi họ đã đi rất xa, ông ta vẫn không bắn. Lúc này tôi hồi hộp căng thẳng, tôi biết quân Giải phóng bằng lòng tha chúng tôi về nhà thật, tôi biết qua chiến trận vừa rồi, thế nào gọi là đánh nhau, tôi đã thầm nhủ không bao giờ đi đánh nhau nữa, tôi phải về nhà. Tôi liền đứng lên, bước thẳng tới trước mặt viên sĩ quan, quì sụp xuống khóc thút thít. Tôi vốn định nói xin về nhà, song vừa há mồm lại thay đổi, tôi cứ thưa rối rít:

 

- Thưa đại đội trưởng, thưa đại đội trưởng, thưa đại đội trưởng…

 

Tôi không nói được gì khác. Viên sĩ quan kia dìu tôi đứng dậy, hỏi tôi định nói gì. Tôi vẫn gọi ông ấy là đại đội trưởng, vẫn khóc. Một người giải phóng quân đứng cạnh nói với tôi:

 

- Đây là trung đoàn trưởng.

 

Nghe nói vậy tôi hết hồn, nghĩ bụng hỏng bét rồi, nhưng nghe thấy tiếng cười rộ lên của đám tù binh đang ngồi, lại nhìn thấy trung đoàn trưởng mỉm cười hỏi tôi:

 

- Anh định nói gì?

 

Tôi lúc này mới vững tâm, nói với trung đoàn trưởng:

 

- Tôi xin về nhà.

 

Quân Giải phóng đã cho tôi về nhà, còn cho cả tiền đi đường. Tôi hấp ta hấp tấp đi về hướng Nam, đói thì lấy tiền quân Giải phóng cho mua bánh nướng ăn, mệt thì tìm một nơi bằng phẳng đánh một giấc. Tôi nhớ nhà lắm rồi, cứ nghĩ đời này kiếp này được đoàn tụ với mẹ, Gia Trân và hai đứa con, tôi lại vừa cười vừa khóc, hối hả chạy về hướng Nam…

 

 

… Tôi đã bám sau lưng quân Giải phóng về đến nhà. Tính thời gian tôi xa gia đình đã sắp được hai năm. Lúc đi là giữa thu, khi về là đầu thu. Bụi đất đầy người, tôi bước đi trên đường quê hương, tôi nhận thấy thôn mình chẳng thay đổi chút nào hết, cứ nhìn vào là thấy, tôi sốt ruột xồng xộc đi lên trước. Tôi nhìn thấy trước tiên ngôi nhà ngói ngày nào là của gia đình tôi, rồi lại nhìn thấy mái lều tranh bây giờ. Vừa nhìn thấy lều tranh ấy, tôi không còn nhịn được, chạy phứa lên.

 

Đến chỗ cách đầu thôn không xa, có một bé gái bảy tám tuổi dắt theo một cậu bé ba tuổi đang cắt cỏ. Vừa nhìn thấy con bé ăn mặc rách rưới, tôi đã nhận ra ngay đó là Phượng Hà của tôi. Phượng Hà đang dắt tay Hữu Khánh, Hữu Khánh bước đi còn chập chững. Tôi liền gọi Phượng Hà và Hữu Khánh:

 

- Phượng Hà ơi! Hữu Khánh ơi!

 

Phượng Hà như không nghe thấy, song Hữu Khánh quay người lại, nó vẫn đang bị chị dắt đi nên chỉ ngoẹo đầu lại. Tôi gọi tiếp:

 

- Phượng Hà ơi! Hữu Khánh ơi!

 

Lúc này Hữu Khánh kéo chị lại. Phượng Hà quay về phía tôi. Tôi chạy đến ngồi xổm trước mặt Phượng Hà:

 

- Phượng Hà ơi, có biết ai đây không?

 

Phượng Hà tròn mắt nhìn tôi một lúc, cái mồm động đậy không thành tiếng. Tôi bảo Phượng Hà:

 

- Ta là bố con đây.

 

Phượng Hà nhoẻn cười, mồm nó cứ há ra há ra nhưng không nói tiếng nào. Lúc ấy, tôi đã cảm thấy ngờ ngợ cái gì, chỉ có điều tôi không nghĩ kỹ. Tôi biết Phượng Hà đã nhận ra bố, nó há mồm cười với tôi, răng cửa của nó đã rụng hết. Tôi đưa tay âu yếm sờ mặt nó, mắt cháu sáng lên úp mặt vào tay tôi. Tôi lại nhìn Hữu Khánh, đương nhiên Hữu Khánh không nhận ra tôi, nó sợ cứ nép vào người chị. Tôi kéo nó, nó liền tránh tôi. Tôi bảo nó:

 

- Con trai ơi, ta là bố con đây.

 

Hữu Khánh liền nấp sau lưng chị, đẩy Phượng Hà bảo:

 

- Chúng ta mau mau về đi.

 

Lúc này, có một người đàn bà chạy đến chỗ chúng tôi, rối rít gọi tên tôi, tôi nhận ra vợ mình. Gia Trân chạy lảo đà lảo đảo, chạy đến trước mặt tôi gọi một tiếng:

 

- Anh Phú Quí! - Rồi ngồi bệt xuống đất khóc hu hu.

 

Tôi nói với Gia Trân:

Khóc cái gì, khóc cái gì.

Nói xong, tôi cũng hu hu khóc…

 

… Sau khi Gia Trân ốm không dậy được, gia đình thiếu đi một người làm công điểm, đời sống đương nhiên là khổ đi nhiều. Phượng Hà càng mệt, ngoài việc đồng áng không hề giảm, việc trong nhà trước kia mẹ làm thì nay dồn hết cho con gái. Được cái nó còn trẻ, làm việc quần quật cả ngày, ngủ một giấc sáng mai lại có sức lại hăng hái. Hữu Khánh cũng phải làm việc nặng, nó không thể chỉ trông coi hai con dê mãi, ruộng phần trăm của nhà cũng cần nó gách vác ít việc.

 

Năm Hữu Khánh mười ba tuổi, nghĩa là sau khi Gia Trân không còn khâu vá được,

chiều tối hôm ấy tôi đi làm về, Hữu Khánh đang xới cỏ ở thửa ruộng phần trăm, nó gọi tôi một tiếng. Tôi bước lại gần, thằng bé tay giữ cán cuốc, cúi đầu nói:

 

- Con đã học được rất nhiều chữ, bố ạ!

 

Tôi đáp:

 

- Tốt lắm.

 

Nó cúi đầu nhìn tôi một cái rồi nói tiếp:

 

- Những chữ này đã đủ để con dùng một đời.

 

Tôi nghĩ bụng khẩu khí thằng này lớn thật; không để ý đến ý tứ gì khác của con, tôi nói luôn:

 

- Con vẫn phải chịu khó học tập.

 

Lúc này nó mới nói thật:

 

- Con không muốn đi học nữa.

 

Tôi vừa nghe đã sa sầm nét mặt:

 

- Không được!

 

Thật ra tôi cũng đã từng nghĩ để Hữu Khánh thôi học. Tôi bỏ ý định này là vì Gia Trân. Hữu Khánh không đi học, Gia Trân cũng chẳng sống được bao lâu. Gia Trân biết nhà nghèo quá mới không cho Hữu Khánh đi học, cô ấy sẽ cảm thấy mình đã làm khổ Hữu Khánh. Tôi bảo với Hữu Khánh:

 

- Mày không chăm chỉ học tập, ông sẽ chọc tiết!

 

Nói xong câu ấy, tôi có phần hối hận. Chẳng phải vì cái gia đình này mà Hữu Khánh mới có ý định bỏ học đấy ư? Đứa con mười ba tuổi đã hiểu biết như vậy, khiến tôi vừa vui mừng vừa đau khổ, tôi thầm nhủ từ nay trở đi không thể đánh con một cách tùy tiện nữa.

 

Một hôm, tôi vào thành phố bán rau, bán xong tôi bỏ ra năm xu mua năm cái kẹo cho Hữu Khánh. Đây là lần đầu tiên trong đời làm bố, tôi mua quà cho con. Tôi cảm thấy nên thương yêu Hữu Khánh hơn nữa.

 

Tôi quẩy quang gánh đi vào trường học. Trường học chỉ có hai dãy nhà, các em đang học bài trên lớp. Tôi đi hết lớp nọ đến lớp kia tìm Hữu Khánh. Hữu Khánh ở lớp học ngoài cùng. Cô giáo đang giảng bài gì đó trước bảng đen. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy Hữu Khánh. Hễ nhìn thấy Hữu Khánh tôi lại bực, thằng bé không chăm chỉ học tập, nó đang cầm cái gì đó ném lên đầu một em ở bàn trước. Để nó đi học, Phượng Hà đã chịu cảnh phải đem cho người ta, Gia Trân ốm đau đến mức này cũng không để nó phải bỏ học, vậy mà nó lại hỉ hỉ hả hả đến lớp học đùa nghịch. Lúc ấy tôi tức đến bất chấp tất cả, quăng luôn quang gánh, xông vào lớp, nhằm trúng Hữu Khánh tát một cái. Hữu Khánh ăn đòn xong mới nhìn thấy tôi. Nó sợ bệch mặt ra. Tôi bảo:

 

- Mày làm tao điên tiết lên thế hả!

 

Tôi quát lên, Hữu Khánh run cầm cập. Tôi lại tát cái nữa, Hữu Khánh co rụt người, sợ hãi đến độ đờ người ra. Lúc này, cô giáo kia giận dữ xông đến hỏi tôi:

 

- Ông là ai? Đây là trường học, không phải nhà quê.

 

Tôi đáp:

 

- Tôi là bố nó.

 

Tôi đang cơn bực tức, giọng vang vang. Cô giáo kia cũng nổi nóng. Cô cất giọng nói lanh lảnh:

 

- Ông đi ra ngoài kia cho, ông đâu có giống người làm bố, tôi thấy ông giống phát xít, giống Quốc dân đảng.

 

Tôi không biết phát xít, nhưng Quốc dân đảng thì tôi biết. Tôi biết cô giáo đang mắng tôi, thảo nào Hữu Khánh không chịu khó học tập, nó đã gặp một cô giáo chửi bậy. Tôi bảo:

 

- Cô mới là Quốc dân đảng, tôi đã nhìn thấy Quốc dân đảng cũng chửi người như cô.

 

Cô giáo kia há mồm, không nói được mà lại khóc. Thầy giáo ở lớp bên cạnh đi sang kéo tôi ra, họ vây chặt lấy tôi ở bên ngoài, mấy cái mồm cùng một lúc nói với tôi, tôi chẳng nghe rõ câu nào. Sau đó, thầy giáo béo tốt dạy thể dục đi tới, ông ấy nhận ra tôi, hỏi tôi tại sao đánh Hữu Khánh. Tôi kể rõ sự việc với ông ấy. Ông ấy nói với các thầy cô khác:

 

- Để ông ấy về.

 

Khi quẩy đôi quang gánh ra về, tôi thấy tất cả các cửa sổ của lớp học đều chen chúc những cái đầu nho nhỏ nhìn theo tôi. Phen này tôi đã làm mất mặt con trai. Điều Hữu Khánh buồn đau nhất không phải là tôi đánh nó, mà là tôi đã làm trò hề trước mặt biết bao nhiêu thầy cô giáo và học sinh. Tôi về đến nhà còn ấm ức, ngồi xuống cạnh giường, tôi kể lại với Gia Trân. Cô ấy nghe xong, khe khẽ trách tôi:

 

- Anh làm thế thì Hữu Khánh biết làm người thế  nào trong nhà trường.

 

Nghe vợ nói, tôi cảm thấy đúng là mình quá quắt, làm bẽ mặt mình không kể, còn làm bẽ mặt con trai. Trưa hôm ấy, Hữu Khánh tan học về nhà, tôi gọi nó, nó cứ phớt bơ, cầm liềm xách rổ định đi. Gia Trân gọi nó một tiếng, nó đứng lại. Gia Trân bảo nó đến gần, nó đến đứng cạnh giường mẹ, cổ cứ rụt lên rụt xuống, rồi gục vào cánh tay Gia Trân khóc nức nở, khóc tới mức đau lòng, thảm thiết.

 

Trong hơn một tháng sau đó, Hữu Khánh sống chết thế nào cũng phớt bơ tôi. Tôi sai nó làm gì, nó làm ngay, chỉ có điều không nói chuyện với tôi. Nó cũng không làm điều gì sai, tôi chẳng có cớ nào mà trút giận với nó.

 

Nghĩ lại thấy mình cũng quá thể, trái tim của con trai đã bị tôi làm tổn thương nặng nề. Cả một dạo, Hữu Khánh đi ra đi vào trong nhà, cái cổ không được thẳng cho lắm. Tôi nói chuyện với nó, nó vẫn không đáp lại, nhưng vẻ mặt nó thì tôi vẫn nhìn ra. Nó không ghi thù nữa, thỉnh thoảng còn nhìn trộm tôi. Tôi biết lâu thế nó không nói chuyện với tôi là vì cu cậu ngượng mở mồm. Còn tôi, cũng không nóng vội. Là con trai tôi, thế nào nó cũng phải mở mồm gọi tôi.

 

Hôm ấy, tôi cắt lông dê đem vào thành phố bán, vừa vặn buổi trưa Hữu Khánh cũng phải đi học. Thằng bé biết tôi lên tỉnh, cứ rù rà rù rờ chờ tôi đi trước. Tôi thầm nhủ, mình cứ đi trước đã, không thì Hữu Khánh sẽ đến lớp chậm. Khi tôi sắp đến thành phố, thì nghe có tiếng chạy ở phía sau, quay lại nhìn thì là Hữu Khánh. Nó đã học lớp năm mà vẫn chạy chân đất. Hữu Khánh thấy tôi ở phía trước liền đứng lại, ngồi xổm xuống cạnh đường giả vờ xem cái gì đó trên đất. Tôi nghĩ :”Mày đừng có giả đò”, liền gọi một tiếng:

 

- Hữu Khánh!

 

Hữu Khánh ậm ừ đáp một tiếng. Đây là câu trả lời đầu tiên của nó trong hai tháng nay. Trả lời xong, nó liền đỏ mặt, đứng tại chỗ, người cứ đung đa đung đưa. Tôi cười bảo:

 

- Hữu Khánh, con lại đây.

 

Nó cúi đầu bước đến, hai bố con cùng đi vào thành phố. Tôi bảo con, năm nay lông dê mọc tốt lắm, có thể bán được giá. Nghe xong, nó vâng một tiếng. Tôi lại bảo, hai con dê của nhà hoàn toàn do con trông nom; nó lại vâng một tiếng. Tôi liền đưa tay nắm vai con, vai con tôi vừa gầy vừa nhỏ, tôi vừa nắm vào một cái, không biết vì sao lòng đau tê tái. Tôi bảo:

 

- Hữu Khánh ơi, con cũng đã dần dần lớn rồi, từ nay trở đi bố sẽ không đánh con nữa, mà có đánh cũng không để ai nhìn thấy.

 

Nói xong, tôi cúi nhìn Hữu Khánh. Mặt nó buồn thiu, nó lại nhớ đến chuyện hôm nào. Việc này cũng khó trách, hôm đó tôi đã làm con trai tôi chẳng còn chút mặt mũi nào nữa.

 

Đi đến trường học, tôi xoa xoa đầu con, bảo:

 

- Con đi trước đi, bố rẽ sang đường khác.

 

Tôi biết Hữu Khánh cùng đi với bố đến cổng trường sẽ mất tự nhiên, liền rẽ sang lối khác. Đi được khoảng mười bước, tôi quay đầu lại, thì thấy Hữu Khánh đang nấp vào đằng sau một thân cây thò đầu nhìn bố. Tôi vừa quay lại, nó vội vàng rụt đầu vào sau cây. Tôi cười, tiếp tục đi, cứ đi mãi, đi mãi đến lúc không nhịn nổi, tôi lại quay đầu nhìn con, Hữu Khánh vẫn còn nấp ở đằng sau cây. Sợ con vào học muộn, tôi gọi:

 

- Hữu Khánh!

 

Hữu Khánh đứng ra, cúi đầu ngượng ngùng nhìn tôi.

 

Tôi bảo:

 

- Con vào lớp đi kẻo muộn.

 

Lúc này nó mới chậm chạp bước về phía trường học. Bấy giờ lòng tôi ấm hẳn lên, tôi biết Hữu Khánh không hận bố nó nữa. Xét cho cùng, nó là con trai tôi, quan hệ giữa con trai và bố không giống những người khác. Tôi nghĩ, từ giờ trở đi nên đối xử với Hữu Khánh như một người lớn, không được tùy tiện đánh chửi nữa. Hôm ấy lòng tôi vui vui, từ khi Gia Trân ốm, đây là lần đầu tiên tôi vui vẻ. Bán xong lông dê, tôi nhanh bước quay về, không thấy mệt chút nào. Tôi nghĩ đến công việc ở ngoài đồng đang chờ đang gọi mình.

 

Cũng buổi chiều hôm ấy, hiệu trưởng trường của bọn Hữu Khánh, tức là vợ của chủ tịch huyện, đẻ con ở bệnh viện ra nhiều máu quá, một chân đã bước sang thế giới bên kia. Thầy giáo nhà trường tập hợp ngay học sinh lớp năm ở bãi tập đưa đến bệnh viện hiến máu. Những em học sinh ấy vừa nghe hiến máu cho hiệu trưởng, em nào cũng nhao nhao vui vẻ như sắp sửa đón tết. Một số em trai đã vén tay áo ngay tại chỗ. Các em vừa ra khỏi cổng trường, Hữu Khánh của tôi liền tụt giày ra, cầm ở tay, chạy đến bệnh viện, có bốn năm em cũng chạy theo. Con trai tôi chạy tới bệnh viện đầu tiên. Sau khi các em khác đã đến đủ, Hữu Khánh xếp ở vị trí đầu tiên. Nó còn đắc ý nói với thầy giáo:

 

- Em là người đến đầu tiên.

 

Kết quả, thầy giáo đã lôi nó ra, chỉnh cho một mẻ, phê bình nó không tuân thủ kỷ luật. Hữu Khánh đành phải đứng sang một bên, nhìn các bạn mình lần lượt đi hiến máu, thử máu; thử đến hơn chục em không em nào trùng nhóm máu của cô hiệu trưởng. Hữu Khánh cứ nhìn, nhìn mãi có phần sốt ruột, nó sợ mình sẽ bị rơi vào người cuối cùng, đến lúc ấy có thể không hiến được máu. Nó bước đến trước mặt thầy giáo, ngượng ngịu thưa:

 

- Thưa thầy, em biết sai rồi ạ !

 

Thầy giáo ừ một tiếng rồi cứ phớt lờ, nó lại chờ hai bạn nữa vào thử máu. Lúc này ở phòng đẻ có một bác sĩ đeo khẩu trang đi ra, nói với nhân viên thử máu:

 

- Máu đâu? Máu đâu?

 

Người đàn ông thử máu đáp:

 

- Nhóm máu đều không đúng.

 

Bác sĩ kia giục:

 

- Đưa máu nhanh nhanh lên, tim bệnh nhân sắp ngừng đập mất rồi!

 

Hữu Khánh lại một lần nữa đến trước mặt thầy giáo, hỏi thầy:

 

- Thưa thầy, đến lượt em chưa ạ?

 

Thầy giáo nhìn Hữu Khánh huơ huơ tay:

 

- Vào đi.

 

Thử đến Hữu Khánh mới khớp nhóm máu, thằng con tôi sung sướng đỏ bừng mặt. Nó chạy ra nói với những người ở bên ngoài:

 

- Lấy máu của tôi đấy.

 

Lấy máu là chỉ được lấy một chút ít thôi. Nhưng để cứu mạng sống cho vợ ông chủ tịch huyện, người trong bệnh viện một khi đã rút máu con trai tôi là cứ rút mãi. Cứ rút, rút mãi cho đến lúc mặt Hữu Khánh trắng bợt ra, nó vẫn cố gắng gượng không nói gì, sau đó ngay đến môi cũng trắng bợt, nó mới run rẩy nói:

 

- Cháu choáng đầu.

 

Người rút máu nói với nó:

 

- Rút máu thì ai cũng choáng đầu.

 

Lúc này Hữu Khánh đã hỏng rồi, nhưng bác sĩ đi ra nói máu vẫn chưa đủ. Người rút máu là một tên lưu manh, một kẻ khốn nạn, hắn rút gần như hết máu của thằng con tôi mà vẫn không dừng tay. Đến khi đầu của Hữu Khánh ngoẹo sang một bên, hắn mới cuống quít lên, đi gọi bác sĩ. Bác sĩ ngồi xuống đất đặt ống nghe vào nghe, rồi bảo:

 

- Tim ngừng đập mất rồi.

 

Bác sĩ cũng không tỏ ra lo lắng đến việc này lắm, chỉ mắng tên nhân viên hút máu một tiếng:

 

- Cậu làm ăn vớ vẩn thế.

 

Nói xong cho qua, rồi đi vào buồng đẻ cứu vợ chủ tịch huyện.

 

Buổi chiều hôm đó, trước lúc tôi đi làm đồng về, một em bé ở làng bên cạnh, là bạn học của Hữu Khánh, hớt ha hớt hải chạy đến, vừa chạy đến trước mặt chúng tôi, liền hỏi giật giọng:

 

- Ai là bố của Từ Hữu Khánh?

 

Tôi vừa nghe em hỏi, tim đã đập loạn xạ, đang lo không biết Hữu Khánh đã xảy ra việc gì thì em bé kia lại hỏi:

 

- Ai là mẹ của Từ Hữu Khánh?

 

Cậu bé nhìn tôi, lau mũi nói:

 

- À, phải rồi, là ông. Mời ông đến lớp học của chúng cháu.

 

Tôi hồi hộp quá, tim sắp sửa bật ra khỏi lồng ngực. Lúc này cháu bé mới bảo:

 

- Hữu Khánh sắp chết rồi, đang ở trong bệnh viện.

 

Mắt tôi tối sầm lại, tôi hỏi cậu bé:

 

- Cháu nói gì vậy?

 

Cậu bé đáp:

 

- Ông mau mau đến bệnh viện. Từ Hữu Khánh sắp chết rồi.

 

Tôi vứt cuốc chạy lên thành phố, trong lòng rối bời bời. Thầm nghĩ, trưa nay lúc tách ra đi riêng, Hữu Khánh vẫn còn khỏe khoắn bình thường, sao bây giờ lại bảo sắp chết cơ chứ! Đầu tôi cứ ong ong rối mù, chạy đến bệnh viện tỉnh, nhìn thấy người thầy thuốc đầu tiên tôi chặn ông ấy lại hỏi:

 

- Con trai tôi đâu?

 

Người thầy thuốc ấy nhìn tôi, cười đáp:

 

- Tôi làm sao biết được con trai ông?

 

Nghe ông ấy nói, tôi ngớ người, nghĩ bụng hay là nhầm, nếu là nhầm thì hay quá. Tôi nói:

 

- Họ bảo con trai tôi sắp chết, cần tôi đến bệnh viện.

 

Người thầy thuốc đang định bước đi, đứng lại nhìn tôi hỏi:

 

- Con trai ông tên là gì?

 

Tôi đáp:

 

- Hữu Khánh.

 

Ông ấy giơ tay chỉ vào gian phòng ở mãi tít cuối đường đi, bảo:

 

- Ông đến đằng ấy mà hỏi.

 

Tôi vội vàng chạy đến gian phòng đó, một người thầy thuốc đang ngồi viết cái gì đó ở bên trong. Tim đập thình thịch, tôi đi vào hỏi:

 

- Thưa bác sĩ, con trai tôi còn sống không?

 

Ông ta ngẩng đầu nhìn tôi rất lâu rồi mới hỏi:

 

- Ông muốn nói Từ Hữu Khánh phải không?

 

Tôi gật đầu rối rít. Bác sĩ lại hỏi:

 

- Ông có mấy đứa con trai?

 

Chân tôi lập tức bủn rủn, đứng run run tại chỗ, tôi đáp:

 

- Tôi chỉ có một đứa con trai, xin bác sĩ làm ơn cứu cháu.

 

Ông bác sĩ gật gật đầu, tỏ ra có biết, nhưng lại hỏi:

 

- Tại sao ông chỉ đẻ có một đứa con trai?

 

Hỏi thế thì tôi biết trả lời thế nào. Tôi cuống lên hỏi ông ta:

 

- Con trai tôi còn sống không?

 

Ông ta lắc đầu, nói:

 

- Chết rồi.

 

Tôi bỗng dưng chẳng còn nhìn thấy ông bác sĩ nữa, đầu óc tối sầm, chỉ có nước mắt rơi lã chã. Tôi hỏi ông ta:

 

- Con trai tôi đâu?

 

Hữu Khánh nằm một mình ở trong một gian nhà nhỏ, cái giường ấy kê bằng gạch. Khi tôi bước vào thì trời chưa tối, tôi thấy thân thể bé nhỏ của Hữu Khánh nằm trên giường, vừa gầy vừa nhỏ, trên người mặc bộ quần áo cuối cùng mẹ khâu cho. Con trai tôi nhắm mắt, mồm cũng ngậm chặt. Tôi cứ Hữu Khánh, Hữu Khánh gọi liền mấy tiếng. Hữu Khánh không nhúc nhích, tôi biết nó đã chết thật, liền ôm choàng lấy con. Người Hữu Khánh đã cứng lạnh. Tôi nghĩ mãi mà không sao hiểu nổi, tại sao đây lại là Hữu Khánh cơ chứ! Tôi nhìn Hữu Khánh, sờ sờ nắn nắn vào bả vai gầy gò của nó, đúng là con tôi rồi. Tôi cứ khóc, khóc mãi, đâu có biết thầy giáo thể dục của Hữu Khánh cũng đã đến. Nhìn thấy Hữu Khánh thầy cũng khóc, cứ nói đi nói lại với tôi:

 

- Thật không ngờ! Thật không ngờ!

 

Thầy giáo thể dục ngồi xuống cạnh tôi. Hai chúng tôi cùng nhìn nhau khóc. Tôi sờ mặt Hữu Khánh, thầy cũng sờ. Lâu lắm tôi mới sực nhớ ra, mình đã biết con trai vì sao bị chết đâu. Tôi hỏi thầy giáo, lúc này mới biết Hữu Khánh bị chết vì bị rú hết máu. Lúc này tôi đã muốn giết người, tôi đặt con trai xuống xông ra ngoài, xông vào buồng bệnh, nhìn thấy một bác sĩ, tôi liền túm chặt ông ta mà chẳng cần biết ông ta là ai, đấm luôn một quả vào mặt. Bác sĩ ấy ngã gục ra đất kêu ầm ĩ. Tôi nhìn ông ta, thét lên:

 

- Mày đã giết con trai tao!

 

Thét xong lại giơ chân đá ông ta. Có người ôm chặt tôi, quay nhìn thì đó là thầy giáo thể dục. Tôi liền bảo:

 

- Thầy buông tôi ra.

 

Thầy giáo thể dục nói:

 

- Ông không được đánh lung tung.

 

Tôi đáp:

 

- Tôi phải giết hắn!

 

Thầy giáo thể dục cứ ôm chặt tôi. Tôi gỡ không nổi, liền khóc van xin thầy:

 

- Tôi biết thầy đối xử tốt với Hữu Khánh, xin thầy buông tôi ra.

 

Thầy giáo thể dục vẫn không buông, tôi đành phải dùng khuỷu tay thúc thục mạng, thầy vẫn ôm tôi khư khư, để cho người bác sĩ kia đứng dậy chạy đi. Rất đông người đã xúm lại, tôi nhìn thấy trong đó có hai bác sĩ , liền nói với thầy giáo thể dục:

 

- Xin thầy buông tôi ra.

 

Thầy giáo thể dục to khỏe lực lưỡng ôm chặt tôi, tôi không sao gỡ ra được. Tôi lại giơ khuỷu tay hích thầy, thầy cũng không sợ đau, cứ nói hết lượt này đến lượt khác:

 

- Ông không được đánh lung tung.

 

Lúc này có một người đàn ông mặc quần áo kiểu Tôn Trung Sơn đi tới, ông ta bảo thầy giáo thể dục buông tôi ra và hỏi tôi:

 

- Ông là bố đẻ của học sinh Hữu Khánh ư?

 

Tôi phớt bơ ông ta. Thầy giáo thể dục vừa buông tôi ra, tôi liền xô vào một bác sĩ, người bác sĩ ấy quay người chạy biến. Tôi nghe ai đó gọi người đàn ông mặc quần áo kiểu Tôn Trung Sơn là chủ tịch huyện. Tôi chợt nhớ, thì ra ông ta là chủ tịch huyện, chính vợ ông ta đã cướp mất mạng sống của con trai tôi. Tôi giơ chân đạp một phát vào bụng chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện kêu hự một tiếng rồi ngồi phệt xuống đất. Thầy giáo thể dục lại ôm chặt tôi, nói:

 

- Đó là chủ tịch huyện họ Lưu.

 

Tôi nói:

 

- Người mà tôi phải giết chính là chủ tịch huyện.

 

Tôi giơ chân đạp tiếp thì chủ tịch huyện đột nhiên hỏi:

 

- Anh là Phú Quí có phải không?

 

Tôi đáp:

 

- Hôm nay tao phải xé xác mày bằng được!

 

Chủ tịch huyện đứng dậy, nói với tôi:

 

- Phú Quí ơi, tôi là Xuân Sinh đây.

 

Ông ta vừa nói vậy, tôi đã ngớ người ra. Tôi nhìn ông ta một lúc, càng nhìn càng giống, liền bảo:

 

- Anh đúng là Xuân Sinh.

 

Xuân Sinh bước tới cũng nhìn tôi một chặp, rồi bảo:

 

- Anh là Phú Quí.

 

Nhận ra Xuân Sinh, tôi bớt giận đi nhiều. Tôi khóc nói với Xuân Sinh:

 

- Anh to cao và béo ra đấy.

 

Xuân Sinh mắt cũng đỏ hoe, bảo tôi:

 

- Phú Quí ạ, tôi cứ tưởng anh đã chết.

 

Tôi lắc lắc đầu:

 

- Chưa chết.

 

Xuân Sinh lại nói:

 

- Tôi cứ tưởng anh đã chết như Lão Toàn.

 

Nhắc đến Lão Toàn, hai chúng tôi đều khóc hu hu. Khóc xong một trận, tôi hỏi Xuân Sinh:

 

- Anh có tìm được bánh nướng không?

 

Xuân Sinh lau nước mắt, đáp:

 

- Không. Chắc anh còn nhớ chứ, tôi ra đi liền bị bắt làm tù binh.

 

Tôi hỏi Xuân Sinh:

 

- Anh có được ăn bánh bao không?

 

Xuân Sinh đáp:

 

- Được ăn.

 

Tôi bảo:

 

- Tôi cũng được ăn.

 

Nói xong cả hai chúng tôi đều cười, cười mãi cười mãi; nhớ đến đứa con trai đã chết, tôi lại khóc. Tay Xuân Sinh bóp bóp vào vai tôi. Tôi nói:

 

- Xuân Sinh này, con trai tôi chết rồi. Tôi chỉ có mỗi đứa con trai./.

 

Nguồn: Rút từ Sống của Dư Hoa. NXB Văn học. 1- 2005.

Dư Hoa
Số lần đọc: 1850
Ngày đăng: 14.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mặt Trời Bé Con - Trương Hoàng Minh
Thây ma - Trần Văn Bạn
Người Đàn Bà ở Cuối Rìa Làng - Minh Tứ
Bức tranh ông voi - Phạm Thái Ba
Chuyện Tigôn - Phương Giang
Chồng tôi và thơ - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Không Lạ - Nguyễn Khương Bình
Ngã Rẽ - Trương Văn Dân
Thông dịch viên thứ thiệt - Ngô Kế Tựu
Hoa Loa kèn đỏ - Trần Lệ Thường
Cùng một tác giả
Sống (truyện ngắn)