Thời thơ ấu tôi rất thích những con giống con má màu sặc sỡ. Hàng năm, vào ngày tết giết sâu bọ người ta bày bán trên các mẹt, bên vỉa hè phố Cầu Đất, Hải Phòng. Trong gia đình, tôi có một người anh trai rất thương tôi tên Phung, anh nặn tương rất giỏi, những lần đi tắm ở Hồ Sen khi trở về anh thường mang theo một cục đất sét đỏ au, loay hoay nặn cho tôi những con vật giống hệt như thật, anh làm cả những ngôi nhà bằng đất làm tôi muốn thu mình nhỏ lại để được chui vào những ngôi nhà xinh xắn như trong xứ sở thần tiên ấy. Bản thân tôi cũng rất thích vày vò đất sét nhưng tôi chỉ thích nặn những khẩu súng giả, lấy dao gọt cắt cho giống súng thật, đem phơi khô; lấy nhọ nhồi với mỡ bôi đen, thế là tôi có một món đồ chơi những đứa trẻ khác nhìn thấy phải thèm thuồng. Tôi không hiểu tại sao tôi chỉ thích nặn súng, lớn lên tôi mới hiểu thời thiếu nhi của tôi chiến tranh Đệ nhị thế chiến tràn sang cả Việt Nam, hàng ngày không quân Mỹ săn đuổi, oanh tạc quân đội Nhật Hoàng đang chiếm đóng một số lãnh thổ quê hương. Súng ống, bom đạn là một phần thời thơ ấu của tôi, ký ức thời thơ ấu là những ngày chạy bom đạn kinh hoàng. Rất có thể vì thế khi lớn lên tôi không còn thích chơi súng đạn giả nữa, quên luôn cả mình đã từng khéo tay tạo nên những món đồ chơi bằng đất sét. Nhưng có một lần lòng yêu thích làm những món đồ chơi bằng đất sét bỗng trỗi dậy khi tôi nhìn thấy một người đang nặn tượng bán thân cho một người làm mẫu.
Nhà điêu khắc ấy chính là Trương Đình Quế, người được nhà điêu khắc nặn tượng nhân dáng khá gồ ghề; nhà văn Cung Tích Biền. Tôi quen với Trương Đình Quế từ ngày ấy nhưng kể từ khi quen với Trương Đình Quế tôi bỏ hẳn ý định “vọc” đất sét trở lại vì một lý do đơn giản: nặn đồ chơi không hề giống với nặn tượng, không ai nặn đồ chơi cho mình ở cái tuổi trung niên. Ở tuổi này người ta thích “nặn” búp bê hơn. Trương Đình Quế tính tình sôi nổi, đam mê, thích lý luận mặc dù lý luận của anh ai nghe qua đều cảm thấy hình như là chuyện huề vốn, cách tốt nhất làm cho Quế tạm ngưng lý luận là hãy rót bia cho đầy ly rồi cùng với Quế một trăm phần trăm, sau đó cùng phá lên cười. Trương Đình Quế có thực tài, khi anh làm việc nghiêm túc chắc chắn sẽ có một tác phẩm nghệ thuật ra đời. Tuy nhiên, đôi lúc anh cũng cẩu thả dễ dãi, đó là trường hợp vì nhu cầu sống anh nhận trang trí cho nhà hàng này, kia, khi ấy có một Trương Đình Quế khác trây trét màu sắc lên tường vẽ chơi lãnh tiền thật. Trong nghệ thuật tạo hình, một họa sĩ rất ít trường hợp kiêm luôn điêu khắc nhưng một nhà điêu khắc luôn luôn đồng thời là họa sĩ. Trương Đình Quế đã chứng tỏ điều này bằng nhiều bức tranh sơn dầu đậm chất Trương Đình Quế. Đặc biệt hơn nữa Quế vẽ tranh lụa rất đạt, nhất là tranh vẽ bằng mực tàu. Tôi biết được điều này nhân một hôm đang ngồi uống cà phê ở quán Huy Tưởng cùng với Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Tôn Nhan, Hồng Dương và dĩ nhiên có cả chủ quán. Hôm ấy trời âm u có vẻ như không hợp lắm nếu chỉ uống cà phê suông và thế là chúng tôi dễ dàng đồng ý phải kiếm chút gì nồng nồng cay cay cho hợp với trời.
Tuy nhiên, mới buổi sáng đã gầy sòng tại quán sẽ làm phiền khách quen gu Bà Lê Chân nên Nguyễn Đình Thuấn đề nghị kéo đến nhà Trương Đình Quế đang bị bà xã “quản thúc” tại gia vì lỡ phạm gia quy, Quế sẽ vô cùng mừng rỡ nếu có người kéo đến cứu bồ. Vì Quế là bạn của cả nhóm nên chúng tôi nhanh chóng đồng ý, hơn nữa uống rượu có Quế không khí sẽ vô cùng hào hứng. Thế là chúng tôi kéo nhau trực chỉ làng Báo chí, nhưng thật không may, đón chúng tôi chỉ có bà xã của Trương Đình Quế, chị rất lịch sự, khi biết ý định của chúng tôi chị vui vẻ cùng với con gái sửa soạn tiếp bạn của chồng. Tôi và Nguyễn Đình Thuần kéo nhau đi kiếm mồi còn Nguyễn Tôn Nhan thì lùng mua rượu. Tiệc bày ra, cả bọn chỉ có Hồng Dương là phụ nữ, lại khá xinh đẹp nên cô trở thành “mồi” cho bọn đàn ông nhắm. Tửu lượng tôi vốn kém lại đụng phải vốt ka Giao Chỉ nên nhanh chóng thấm đòn, tôi đánh bài chuồn đi khắp nhà ngắm các tác phẩm tranh tượng bày la liệt. Cảm hứng sáng tác của Trương Đình Quế thật phong phú, đề tài ở khắp mọi nơi, uống rượu với bạn bè, thử thời vận qua mấy ván bài trong ngày xuân đều trở thành tác phẩm hội họa. Trương Đình Quế trang trí nhà cửa cũng hết sức đơn giản, mỹ thuật. Thâm chí là một buồng hoa cau cũng trở thành món trang trí tuyệt đẹp không ngờ.
Nhược điểm của Trương Đình Quế có lẽ cũng là nhược điểm của giới hoạt động văn hóa nghệ thuật là không bao giờ ngưng xao xuyến trước phụ nữ, ở đây tôi không bàn về sự chung thủy hay không chung thủy, mà chỉ muốn nói về sự nhạy cảm của họ. Đó là nhược điểm nhưng đồng thời đó cũng là đặc ân thượng đế ban cho những đứa con bị lưu đày của người, trái tim họ như cung đàn muôn điệu, chình vì thế nguồn cảm hứng của họ là vô tận. Nếu trái tim họ thiên về lý trí, biết rung động khi nào cần rung động, tôi e rằng nghệ thuật sẽ nghèo đi, kho tàng văn hóa để lại cho hậu thế cũng nghèo đi, sẽ thực dụng hơn, trong nghệ thuật sẽ xuất hiện một loạt người chương trình hóa cảm xúc. Điều đó sẽ là ác mộng. Mặc dù vậy, tôi cũng xin thưa với phái đẹp suốt đời tôi tôn thờ: chúng tôi tựa như những đứa trẻ ham vui, sẽ không bao giờ quên bầu sữa mẹ, chúng tôi đã quen với hơi ấm của bầu sữa đó, hương thơm cùng với cái ngũ vị hương của nó, lãng tử nhất định sẽ hồi đầu.
Còn nếu có quý cô nương nào tự cảm thấy mình có máu Hoạn Thư không thể chia sẻ cái kiểu đi tìm cảm xúc của những người đàn ông sinh ra lỡ mang máu văn nghệ, các cô hãy làm ơn hãy lánh xa họ ra, không nên nhất thời chiều theo tiếng gọi của trái tim để rồi suốt đời sống trong bi kịch… ghen. Nói như vậy để chứng tỏ những người đi trong mây thành thật, họ yêu mến chứ chẳng muốn làm hại phái mà họ tôn thờ, cùng với họ có thể tạo ra cả một thế giới. Xin chứng minh bằng chính Trương Đình Quế, anh có trái tim thuộc loại khỏe nhất, đam mê nhất, liều nhất, nghĩa là cái gì cũng… nhất thế mà gia đình anh chẳng hề rạn nứt tuy đôi lúc cũng có cảnh “cười nụ khóc thầm” nhưng đó chỉ là cơn mưa đám mây làm cho không khí gia đình trở ên dịu mát hơn. Anh đã tạo điều kiện để vợ anh, chị Thiên Hương và con gái Mỵ Na đều đi vào thế giới tạo hình. Cả gia đình Trương Đình Quế đã từng tổ chức triễn lãm chung. Nhìn vào phòng tranh ta sẽ thấy họ hạnh phúc biết chừng nào. Họ thật sự là một gia đình nghệ thuật./.