Từ phong trào Cần Vương … đến Duy Tân
Từ ngày 13/7/1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ở trong nước có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên chống Pháp: Quảng Bình có cuộc khởi nghĩa do Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân; Quảng Nam do Trần Quang Dự, Nguyễn Hàm, Nguyễn Duy Hiệu; Quảng Ngãi có Lê Trung Đình; Bình Định do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo; ở Thái Bình có cuộc khởi nghĩa do Tạ Hiện chủ xướng; Thanh Hoá do Đinh Công Tráng; ở Hưng Yên có Nguyễn Thiện Thuật; ở Hà Tĩnh có cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng … Đến khi Phan Đình Phùng, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê ở Nghệ Tĩnh qua đời vào ngày 28/12/1895, kể như tiếng súng khởi nghĩa của phong trào Cần Vương coi như chấm dứt. Phong trào Cần Vương kéo dài 11 năm, là một phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy thất bại, nhưng phong trào đã nêu cao truyền thống anh hùng, ý chí bất khuất trước kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Sau khi phòng trào Cần Vương kết thúc, thời điểm này vua cũng như quan lại của Triều đình nhà Nguyễn như những con rối trong tay Toàn quyền, khâm sứ, công sứ của người Pháp. Đất nước rơi vào cảnh đen tối. Nhân dân vô cùng khổ cực.
Lúc bấy giờ những nho sĩ, những người yêu nước luôn luôn trăn trở để tìm ra con đường chống Pháp cứu nước. Ở giai đoạn này, trong nước, xuất hiện nhiều những tác phẩm mang nhiều tư tưởng mới lạ, được gọi là Tân thư. Những tác phẩm của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc) và tác phẩm của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch phổ biến rộng rãi trong tầng lớp sĩ phu… chủ yếu đề cao tư tưởng mới là: Chấn hưng dân trí, dân khí, hậu dân sinh, cải cách về kinh tế và văn hoá. Những sĩ phu yêu nước, có tư tưởng tiến bộ đã nhiệt tình tiếp thu trào lưu tư tưởng mới. Năm 1903, ở Trung kỳ, mà chủ yếu là tại tỉnh Quảng Nam, Phan Châu Trinh, một người đổ Phó bảng từ năm 1901, từ bỏ quan trường, ông đã đề xướng phong trào Duy Tân. Phan Châu Trinh chủ trương dành độc lập dân tộc bằng con đường bất bạo động, vận động chấn hưng dân trí, dân khí, hậu dân sinh, hô hào cải cách về kinh tế và văn hoá. Khi thời cơ thuận lợi tiến hành đánh đổ chế độ Phong kiến. Những người lãnh đạo phong trào đã vận động, thành lập trường dạy Quốc ngữ, Thương hội, cơ sở kỹ nghệ và sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại.
Ở Quảng Ngãi, những người yêu nước, nhiều nhà nho, kể cả những người đang làm quan cho triều đình và Pháp, đã tích cực tham gia phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh đề xướng và lãnh đạo.
Những người lãnh đạo
Ở Quảng Ngãi, phong trào Duy Tân được Lê Đình Cẩn khởi xướng vào năm 1906.
Những người lãnh đạo chủ chốt phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi là: Lê Đình Cẩn, Lê Khiết, Nguyễn Sụy, Lê Ngung và Nguyễn Bá Loan…
Lê Đình Cẩn sinh năm 1870 quê ở làng La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đổ cử nhân được triều đình bổ làm huấn đạo huyện Mộ Đức. Công tác được ít lâu, ông từ quan, trở về nhà làm ruộng. Và, kết giao với các nhân sĩ, tổ chức lãnh đạo phong trào Duy Tân nhằm cứu nước.
Lê Khiết (còn có tên Lê Tựu Khiết) sinh năm 1837, người làng An Ba huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đổ cử nhân vào năm 1882, được làm quan. Trong thời kỳ làm quan, ông tham gia vào việc đán áp phong trào yêu nước. Trong quá trình làm quan, va chạm với hoàn cảnh thực tế, cảnh đất nước nhiễu nhương, ông sớm tỉnh ngộ. Nhất là khi đọc được tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” của Phan Bội Châu lên án bọn tay sai bán nước, Lê Khiết giác ngộ và từ quan vào năm 1902. Từ đó, ông tham gia vào phong trào yêu nước ở quê hương Quảng Ngãi do Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Sụy… lãnh đạo.
Nguyễn Sụy (còn có tên gọi là Nguyễn Thụy), sinh năm 1863 tại làng Hổ Tiếu, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân trong một gia đình nho học yêu nước, năm 1903, đậu cử nhân nhưng ông không ra làm quan. Nguyễn Sụy là một người học rộng, ông giao du, kết thân với nhiều người đồng chí hướng. Nguyễn Sụy tích cực tham gia và lãnh đạo pghong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi.
Lê Ngung người làng Đông Phước, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (chưa rõ năm sinh). Ông là người văn võ song toàn, tính tình khẳng khái. Năm 1906, Lê Ngung đã tham gia Duy Tân Hội.
Nguyễn Bá Loan sinh năm 1857, tại làng Lạc Phố, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con trai của Nguyễn Bá Nghi, quan tổng đốc dưới triều Tự Đức.
Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan cùng với Nguyễn Sụy, Lê Khiết, Lê Ngung là những nhân vật được xem như lãnh tụ phong trào Duy Tân ở quê hương núi Ấn, Sông Trà.
Trong thời điểm này (1904), trong nước, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thành, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính…thành lập Duy Tân Hội với mục đích, tôn chỉ là: Khôi phục Việt Nam độc lập. Phan Bội Châu cùng các đồng chí của mình tổ chức phong trào Đông Du, đưa người sang Nhật Bản học về khoa học kỹ thuật, quân sự …, nhằm tiến hành con đường bạo lực, đánh Pháp để dành độc lập cho đất nước.
Do có phần ảnh hưởng phong trào Duy Tân Hội, nên phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi vừa có nét chung của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam do Phan Châu Trinh lãnh đạo, vừa có nét riêng biệt của địa phương Quảng Ngãi. Đó là: Những người lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi đề ra ba mục đích lớn: bài trừ những tệ đoan xã hội, nếp sống bê tha vô đạo, vận động những người làm việc cho Pháp trở về với nhân dân, đất nước. Và, cô lập những phần tử tay sai thân Pháp. Liên hệ với Duy Tân Hội do Phan Bội Châu lãnh đạo, chờ thời cơ tiến tới đấu tranh vũ trang, dành lại chủ quyền cho đất nước và dân tộc. Phong trào chủ trương đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Vận động, tổ chức những công việc thiết thực như: Mở trường dạy học chữ Quốc ngữ, lập hội buôn, hội cày. Hô hào cổ vũ mọi người cắt tóc ngắn, chống hũ tục, chống tệ nạn hà hiếp nhân dân. Phong trào được các nhà nho, nhân sĩ, đông đảo nhân dân hưởng ứng ủng hộ, tham gia.
Đầu năm 1908, những người lãnh đạo phong trào đề ra chủ trương và thực hiện cuộc vận động “chống thuế, cự sưu”. Nhân dân đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Thực dân Pháp lo sợ có chính biến. Chúng dỡ thủ đoạn, âm mưu bắt cầm tù người có vai trò quyết định đối với phong trào, hòng dập tắt phong trào chống Pháp. Thế là, công sứ Daudet vin cớ Lê Đình Cẩn “đả mạ thượng quan” ra lệnh bắt Lê Đình Cẩn cầm tù ở Sơn Hà. Những người đồng chí hướng với Lê Đình Cẩn vẫn tiếp tục lãnh đạo và đẩy phong trào “chống thuế, cự sưu” lên đỉnh cao. Tháng 3 năm Mậu Thân (1908), nhân dân 06 huyện trong tỉnh Quảng Ngãi hăng hái tham gia chống thuế. Hàng vạn người đi chân trần, mặc áo rách, đội nón cời thể hiện cảnh đói khổ vì sưu cao, thuế nặng, rầm rập kéo nhau biểu tình, bao vây cơ quan đầu tỉnh của Pháp và tay sai, yêu cầu nhà cầm quyền phải giảm thuế cho dân.
Ở thời điểm này, các tỉnh ở miền Trung, từ Thanh Hoá đến Bình Thuận đồng loạt nổi lên biểu tình chống thuế. Thậm chí có nơi, nhân dân còn bao vây nhà riêng của quan chức để đưa yêu sách.
Trước khí thế của quần chúng dâng cao, chính quyền Pháp và quan lại Nam triều lo sợ. Viên công sứ Daudet đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi ra chiêu bài mời những người lãnh đạo phong trào chống thuế vào công đường tỉnh để thương lượng. Ngày 07/4/1908, Lê Khiết vào tỉnh đường để gặp viên công sứ. Thế là, chúng trở mặt, ra lệnh bắt giam Lê Khiết.
Ngay sau khi bắt được Lê Khiết, Pháp cho quân lính tấn công vào đoàn người biểu tình xin miễn thuế. Nhiều người dân bị chết, hàng trăm người bị thương. Cuộc biểu tình bị đàn áp rất tàn bạo! Số người bị bắt quá nhiều, Pháp gông ba, bốn người vào một gông đưa đi phơi nắng, hành hạ một cách dã man. Quan quân người Pháp và tay sai Nam triều truy bắt được Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Sụy và nhiều người khác. Như vậy, những người chủ chốt lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi đều đã bị bắt!. Pháp và quan lại Nam triều ra sức thuyết phục, dụ hàng Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan và Nguyễn Sụy. Nhưng, cả ba người đều từ chối, cương quyết không đầu hàng và hợp tác với Pháp. Biết không thể nào lay chuyễn ý chí và mua chuộc được những con người yêu nước. Chính quyền Pháp đưa Nguyễn Sụy đi đày tận nhà tù Côn Đảo. Lê Ngung đang cừng với những người cùng chí hướng ở Quảng Nam thực hiện cuộc vận động chống thuế. Nhưng ông bị địch bắt tại Hội An vào ngảy 23/10/1908 và bị kết án tù 6 năm, đưa về giam ở nhà tù Quảng Ngãi. Ngày 23/4/1908, Pháp đưa Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan đi xử chém tại bờ xe nước bên dòng sông Trà phía đông thành Quảng Ngãi. Trước khi lên đoạn đầu đài, Lê Khiết vẫn bình thản nói lên tâm sự của mình: “cái vết nhơ lịch sử nữa đời người của tôi, nay lấy máu cổ mà rửa, vinh hạnh biết chừng nào”. Lê Khiết là tấm gương sáng đối với những người lầm lỡ theo giặc, cuối cùng giác ngộ, tham gia việc lớn của đất nước, hy sinh vì đại nghĩa. Nhà nho Đặng Đoàn Bằng đã làm thơ điếu ông:
“Mê đồ quán quán ngộ thanh niên
Mộng lý cừ nhiên hốt cảnh phiền
Dược thạch sổ ngôn không túc bệnh
Đầu lô nhất trịch bổ tiền khiên
Ba đào thiệt dễ chân thành hải
Vân vụ tình dư tiễn kiến thiên
Tất cánh nhân sinh đô hữu tử
Lưu phương di xú kháng thùy hiên”
(Lầm đường đã trót buổi đầu xanh
Tỉnh giấc chiêm bao bỗng giật mình
Mở miệng chữa lành căn bệnh cũ
Rơi đầu rửa sạch lỗi bình sinh
Lưỡi như sống bể dương cuồn cuộn
Nắng lại mây trời đã sạch sanh
Âu cũng là người đều phải chết
Để thơm, để thối hỏi ai vinh?)
Bản dịch của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế.
Ở trong tù, Lê Đình Cẩn nghe tin những người đồng chí hướng với mình bị giặc Pháp xử chém, ông đã làm một bài thơ nói lên tâm sự của mình và ý chí của những người yêu nước:
“Cố quốc sơn hà trọng
Tân triều thế lực khinh
Hùng tâm vong đĩnh hoạch
Tố mộng đoản nghê kình
Dục hiện Cao trường khấp
Ninh tri Cát bất thành
Tùng niên lưu nhiệt huyết
Đồng loại hấp văn minh”
(Non sông ơn vẫn nặng
Sóng gió cuộc vừa xoay
Vạc lửa lòng quên sợ
Tăm kình mộng đuổi ngay
Khóc đời Cao chưa chán*
Hỏng việc Cát nào hay**
Máu nóng đầu trôi chảy
Văn minh hấp cả bầy)
Bản dịch của Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng.
*Cao sơn chính Chi. ** Cát điền tùng Ấm (hai nhân vật Duy Tân của Nhật Bản).
Lê Đình Cẩn tuy bị Pháp giam cầm, nhưng ông vẫn chú tâm theo dõi tình hình của đất nước. Và, viết những vần thơ đầy hào khí, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của đất nước. Trong cảnh tù đày bị đối xử khắc nghiệt, Lê Đình Cẩn lâm trọng bệnh, ông từ trần vào mùa đông năm Giáp dần-1914. Nhân dân Quảng Ngãi kính phục và vô cùng thương tiếc: Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết những con người yêu nước. Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, ở Quảng Ngãi có ngôi trường Trung học mang tên Lê Khiết. Và, sau năm 1975, ở thị trấn Sông Vệ có một trường THCS mang tên Lê Khiết. Ở xã Đức Nhuận huyện Mộ Đức cũng có một ngôi trường THCS mang tên Nguyễn Bá Loan.
… Đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân
Những năm tháng bị tù đày, Nguyễn Sụy vẫn giữ được chí hướng cách mạng. Năm 1913, mãn hạn tù trở về quê hương, ông liên lạc với Trần Cao Vân, Thái Phiên… tham gia Việt Nam Quang Phục Hội. Đến năm 1914, Lê Ngung được ra khỏi nhà tù, liên gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội, cùng hoạt động với Nguyễn Sụy.
Ảnh hưởng cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 của Trung Quốc, Phan Bội Châu đã chuyễn hướng hoạt động của Duy Tân Hội bằng cách thành lập Việt Nam Quang phục Hội vào tháng 2/1912. Đây thực sự là tổ chức Đảng chính trị, với tôn chỉ là chống Pháp dành độc lập cho đất nước. Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lê Đình Dương, Lê Ngung… là những đảng viên cốt cán của Việt Nam Quang phục Hội. Và, cũng là những nhân vật nổi tiếng trong nước.
Lợi dụng tình hình chiến tranh Châu Âu bùng nổ ngay trên đất Pháp. Cuối năm 1915, Pháp thua trận, quân Đức tấn công vào Pari. Việt Nam Quang phục Hội tổ chức cuộc khởi nghĩa do Vua Duy Tân lãnh đạo. Nguyễn Sụy được cử bí mật gặp Vua Duy Tân để trình bày kế hoạch khởi nghĩa.
Tháng 9 năm Ất Mảo (1915), tại Đông Ba (Huế), một cuộc họp lịch sử đã diễn ra trong những nhân vật chủ chốt của 05 tỉnh miền Trung. Gồm: Nguyễn Chánh (Quảng Bình), Phạm Phú Tiên (Quảng Trị), Đoàn Bổng (Thừa Thiên), Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự (Quảng Nam), Nguyễn Sụy, Lê Triết, Lê Ngung, Nguyễn Mậu (Quảng Ngãi). Cuộc họp quan trọng này do Thái Phiên chủ trì, thống nhất chương trình, kế hoạch khởi nghĩa. Cuộc họp phân công: Thái Phiên và Trần Cao Vân tiếp xúc với Vua Duy Tân, nhận chiếu chỉ của Vua kêu gọi khởi nghĩa, định ngày khởi nghĩa vào lúc 01giờ sáng ngày 3/5/1916. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập: Thái Phiên làm Chủ tịch, Trần Cao Vân phụ trách quân sự. Các ủy viên gồm có: Phan Thành Tài, Đỗ Tự, Lê Ngung, Nguyễn Sụy, Phạm Cao Chẩm. Nguyễn Sụy được giao chỉ huy quân sự Quảng Ngãi.
Nguyễn Sụy và các đồng sự đã bí mật vận động được phần đông nhân sĩ, nhân dân và binh lính tham gia. Tại Quảng Ngãi có 1/3 binh lính người Việt trong quân đội của Pháp tham gia khởi nghĩa.
Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khởi nghĩa. Tại kinh thành Huế, đêm ngày 2/4/1916, Tôn Thất Đề, Nguyễn Siêu cùng 02 thị vệ tín cẩn phò Vua Duy Tân bí mật xuất cung, để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
… Nhưng, cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân cũng rơi vào tình cảnh bi đát như những cuộc khởi nghĩa thời bấy giờ. Nguyên nhân là do những hạn chế về nghệ thuật lãnh đạo, không giữ được bí mật đến giờ phút cuối cùng. Và, việc lộ bí mật của kế hoạch khởi nghĩa lại xảy ra tại Quảng Ngãi. Khi nắm được tình hình, Tastes công sứ Pháp tại Quảng Ngãi đã nhanh chóng điện báo cho Charles khâm sứ Huế. Đồng thời, đưa quân truy bắt những người khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Thái Phiên, Trần Cao Vân và nhiều nhân vật chủ chốt đều bị bắt tại Huế. Vua Duy Tân cũng bị Pháp bắt tại chùa Thiên Mụ vào ngày 6/5/1916, đến ngày 3/11/1916, Vua bị lưu đày đi Réunion (ở Đông Nam Châu Phi). Ngày 17/5/1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân và nhiều người trong đội Thị vệ của vua Duy Tân bị xử chém tại Huế. Sau đó, Phan Thành Tài và hàng chục chiến sĩ Việt Nam Quang Phục Hội ở Quảng Nam cũng bị tử hình.
Riêng Nguyễn Sụy cùng Lê Ngung, Lê Triết, Hứa Thọ, Mai Tuấn, Nguyễn Mậu và nhiều đồng sự của ông bị Pháp xử chém bên bờ Sông Trà gần cửa Bắc thành Quảng Ngãi vào chiều ngày 10/5/1916. Trước khi bị hành hình, Nguyễn Sụy vẫn bình thản ứng khẩu hai câu thơ:
“Sinh Việt Nam, sinh tuyệt hư danh
Tử Tây Phương, tử tồn danh tiết”
Ngay sau khi Nguyễn Sụy và những người đồng sự của mình hy sinh, đồng bào Quảng Ngãi đều vô cùng kính phục và thương tiếc. Nhiều người bí mật quyên góp làm lễ truy điệu và để tang cho người chí sĩ cách mạng. Cảm kích về cái chết quang vinh và đầy bi thiết của Nguyễn Sụy, sau này, Huỳnh Thúc Kháng đã làm thơ khóc ông:
“Sao chìm gió lặng cảnh buồn teo
Núi khóc giông rền vắng cọp beo
Một thớt đầu lô đầy bụng huyết
Bến Trà cơn giận sóng còn reo”
Từ năm 1906 đến 2009, hơn 100 năm nhìn lại, chúng ta đều có chung nhận định: Từ trong thời kỳ triều đại phong kiến suy yếu, phong trào Duy Tân đánh dấu sự chuyễn mình của đất nước, dân tộc và xã hội Việt Nam. Từ phong trào Duy Tân đến Duy Tân Hội, đến Việt Nam Quang Phục Hội, đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân là những cuộc vận động cách mạng liên tục, thể hiện ý chí đấu tranh, kiên cường bất khuất của cả dân tộc Việt Nam, với quyết tâm dành độc lập cho dân tộc và đất nước.
Trên quê hương Quảng Ngãi, Lê Đình Cẩn, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Sụy, Lê Ngung… là những người đi đầu lãnh đạo phong trào Duy Tân chống pháp, đem máu xương của mình để góp phần dành lại độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc. Công lao và hình ảnh hy sinh bi hùng cho Tổ quốc của những người con ưu tú quê hương Núi Ấn Sông Trà mãi mãi sống trong lòng dân tộc và đất nước mến yêu!
Ảnh : Sĩ phu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Tiến trình lịch sử Việt Nam do Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (NXB Giáo dục 2006).
- 100 năm phong trào Duy Tân ở miền Trung (TC Xưa và Nay số 148/2003).
- Từ Điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (1999).
- Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt (1971).