Hội thảo diễn ra trong hai ngày 30-31 tháng 10 tại khách sạn Hùng Vương thuộc thủ phủ tỉnh Bến Tre, cách thành phố Hồ Chí Minh 80 cây số về phía nam. Hội thảo quy tụ gần 100 đại biểu bao gồm 40 nhà văn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các vị khách mời từ thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tới dự hội thảo. Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang phó chủ tịch Hội Nhà văn VN chủ trì hội thảo. Ông phó bí thư tỉnh uỷ kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre cũng tới dự hội thảo cùng các nhà văn.
Nhà văn Lê Văn Thảo đọc đề dẫn. Ông đánh giá cao văn xuôi khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá cao các nhà văn sinh trưởng tại ĐBSCL, qua bao thế hệ, cho tới nay, đã tạo nên một vùng văn học đặc sắc. Ông cũng để cập đến các nhà văn từ miền Bắc vô Nam chiến đấu hoặc công tác, định cư tại Nam Bộ và viết văn. Các nhà văn này với “phông” văn hoá vùng đồng bằng Bắc bộ, tiếp nhận văn hoá vùng đồng bằng Nam bộ, đã tạo nên một vệt tác phẩm rất đặc thù, làm cho văn học vùng đất phía nam thêm phong phú, đa dạng.
Nhà thơ Thai Sắc đề cập tới phương ngữ Nam Bộ sử dụng trong các tác phẩm của các nhà văn ĐBSCL. Theo nhà thơ, phương ngữ Nam Bộ được các nhà văn sử dụng thuần thục, tạo ra một không khí không thể trộn lẫn của tác phẩm nhưng cũng không thành quá khó hiểu với các độc giả ở vùng đất khác.
Cũng có những ý kiến được trực tiếp trao đổi lại trong cuộc hội thảo. Nhà văn Lê Văn Thảo cho rằng, hai vùng rừng U Minh và Đồng Tháp Mười của Nam Bộ cũng có thể là những “trung tâm văn học”. Ý kiến này đã được nhà văn Trần Thanh Giao trao đổi lại. Nhà văn Phạm QuangTrung ( Đà Lạt) không đọc tham luận mà phát biểu về cách nhìn của anh với một số tác phẩm, tác giả khu vực ĐBSCL. Anh dành nhiều thời gian nói về những tâm đắc của mình đối với nhà văn Lê Văn Thảo.
Một số tác giả, tác phẩm của khu vực đang trở thành dư luận “ nóng” trên văn đàn cả nước cũng được đưa ra đánh giá lại với những ý kiến rất khác nhau (ý kiến của Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm và tác giả lý luận phê bình Võ Tấn Cường)
Nhà Văn Anh Động, từng là chiến sĩ quân giải phóng, kể về chuyện bất ngờ gặp lại người bạn cũ là người ăn xin, mới biết bạn trước đây từng là lính của chế độ cũ. Nhà văn đã bỏ dở chuyến đi thăm quan, về nhà người bạn cũ nhậu suốt đêm.
Liền sau đó là những ý kiến đề cập đến tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Cuộc chiến tranh ở vùng đất ĐBSCL cần được tiếp tục khai thác. Rất nhiều sự kiện, vấn đề do nhiều lý do chưa được nói đến hoặc nói “chưa đến nơi đến chốn”. Trách nhiệm này thuộc về các nhà văn nói chung, đặc biệt là nhà văn vùng ĐBSCL. Bên lề hội thảo, khi có ý kiến hỏi rằng, liệu tuổi tác có ảnh hưởng tới trang viết, nhà văn Trần Thanh Gia trả lời ngay, “không. Nhà văn 80 tuổi Nguyễn Xuạn Khánh là một ví dụ”.
Kết thúc hội thảo, nhà thơ chủ tịch Hội nhà văn việt nam Hữu Thỉnh đã có bài nói chuyện vừa tình cảm vừa có tính định hướng sáng tác với anh em viết văn khu vực ĐBSCL.
Ảnh Giờ giải lao giữa cuộc hội thảo trường khách sạn. Hồ Tĩnh Tâm