VCPMC “tố” Cục NTBD “tiếp tay” cho tình trạng vi phạm tác quyền. Cục thì “tố” VCPMC vi phạm luật khiếu tố, “công kích và bôi xấu cơ quan Nhà nước là Cục NTBD”...
Số là ngày 16/2 vừa qua, sau cuộc họp do VCPMC tổ chức, hàng chục nhạc sĩ đã ký tên vào bản kiến nghị, mà bản kiến nghị này theo Cục là: “Có nội dung như một đơn tố cáo Cục NTBD vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các đơn vị tổ chức biểu diễn trốn tránh nghĩa vụ đóng tiền bản quyền”.
VCPMC bị Cục “dọa kiện”
Việc kiến nghị của tập thể nhạc sĩ lên Cục nhằm điều chỉnh những quy chế, quy định cho phù hợp với tình hình sinh hoạt âm nhạc xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là VCPMC đã “chỉ đạo” điều này trái với quy định của luật pháp. Cho các nhạc sĩ ký khống vào giấy trắng, rồi nội dung kiến nghị thì soạn sau, đến nỗi khi được hỏi, nhiều nhạc sĩ không biết nội dung bản kiến nghị đó như thế nào. Đây cũng là điều mà các nhạc sĩ “lão thành” cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Ngày 22/2, VCPMC gửi bản kiến nghị lên Cục thì ngày 23 và 25/2 trên trang web của Cục đã có những phản hồi mang tính “kết tội” VCPMC: “Tổ chức VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương đứng đầu đã lợi dụng vào bản chất trong sáng, trung thực của một số nhạc sĩ để vận động họ ký khống vào giấy trắng rồi sau đó mới soạn nội dung đơn để ghép các bản chữ ký thành đơn tố cáo tập thể để gửi đi khắp mọi nơi nhằm công kích và bôi xấu cơ quan nhà nước là Cục Nghệ thuật biểu diễn; nhằm thực hiện mục đích để VCPMC lợi dụng được cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu tiền tác quyền thông qua cấp phép biểu diễn; trong khi số tiền thu được này phục vụ hưởng lợi cho một số cá nhân tại VCPMC - một tổ chức danh nghĩa thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhưng trên thực tế chỉ là một nhóm người hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân”.
Đại diện Cục trong buổi làm việc với giám đốc VCPMC - nhạc sĩ Phó Đức Phương - ngày 24/2 đã nhẹ nhàng “dằn mặt” về việc này là: Cục sẽ để VCPMC tự rút kinh nghiệm, nếu không sẽ mời các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc.
Đúng là VCPMC rất “lơ mơ” về những quy định của luật pháp. Tuy nhiên điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên.
Đếm ca khúc thu tiền?
Còn nhớ, vào tháng 5/2010 báo chí đã đề cập đến việc “đĩa karaoke có nhạc lính được lưu hành”. Khi một số phóng viên truy tìm đến đơn vị sản xuất đĩa nhạc này, họ mới té ngửa khi nhìn thấy “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” do nhạc sĩ Phó Đức Phương (đại diện VCPMC) ký với Công ty TNHH Doanh Lợi (đơn vị chủ sở hữu đĩa karaoke nói trên). Trong danh mục gồm 1.439 ca khúc mà VCPMC thu tiền tác quyền (300.000đ/ca khúc), có khá nhiều bản nhạc lúc đó chưa được phép lưu hành như: Áo nhà binh (Phượng Vũ), Bông cỏ may, Trên bốn vùng chiến thuật (Trúc Phương), Thư tình của lính (Trần Thiện Thanh), Thư xuân trên vùng cao (Trịnh Lâm Ngân), Viết từKBC (Lê Minh Bằng). Trong đó dư luận quan tâm nhất là những bài nhạc lính của chế độ cũ Sài Gòn.
Giải thích vấn đề này trên báo Tuổi trẻ, ông Phó Đức Phương (giám đốc VCPMC) cho rằng: "Chúng tôi chỉ là một hội nghề nghiệp, không phải cơ quan quản lý nhà nước. Việc chúng tôi ký hợp đồng cho phép sử dụng tác phẩm chỉ có ý nghĩa là người sử dụng đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền tác quyền cho chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm là tác giả mà thôi".
Phó giám đốc VCPMC Đinh Trung Cẩn thì: "Cũng giống như việc chúng ta thỏa thuận trả tác quyền cho nhà văn không có nghĩa là ta đã mặc nhiên có quyền xuất bản sách mà vẫn phải có giấy phép của cơ quan chức năng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành".
Hai ông giám đốc và phó giám đốc “lơ mơ”, hội nghề nghiệp mà không tư vấn được cho khách hàng bản nhạc nào được phép lưu hành, bản nào chưa được phép thì đúng là các ông chỉ biết đếm bài để thu tiền (kể cả những bài chưa được phép lưu hành), không hỗ trợ gì được cho cơ quan quản lý và góp phần tạo ra sự cố như đã nói trên.
“Hoảng hốt” trước một hợp đồng không hợp pháp?
Sự việc gần đây nhất là việc tranh chấp quyền sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn qua hai chương trình tổ chức tại Hà Nội của hai đơn vị tổ chức biểu diễn: Công ty Mediamax (đóng tiền tác quyền ngày 27/12/2011 cho VCPMC trên cơ sở hợp đồng ủy thác tác quyền giữa VCPMC và đại diện gia đình Trịnh Công Sơn) và IB Group (ký hợp đồng độc quyền với bà Trịnh Vĩnh Trinh, từ ngày 1/7/2011).
Tuy nhiên, dù hợp đồng độc quyền nhạc Trịnh được ký trước, nhưng gần đây bà Trịnh Vĩnh Trịnh mới bổ sung giấy ủy quyền của người đồng thừa kế là ông Trịnh Xuân Tịnh, mà theo luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (phát biểu trên VTC.vn) ông cho rằng: “Hợp đồng ủy quyền giữa gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với VCPMC là hợp pháp trước khi hợp đồng độc quyền này có giá trị, nên tóm lại, hợp đồng độc quyền của bà Trinh và IB Group là vô hiệu”.
Nhưng từ cuối năm 2011, khi phía IB Group lên tiếng, thì một ngày sau VCPMC đã hủy hợp đồng sử dụng tác phẩm Trịnh Công Sơn đã ký với Công ty Mediamax.
Ở đây có 2 trường hợp xảy ra: Nếu hợp đồng giữa đại diện gia đình Trịnh Công Sơn và VCPMC là hợp pháp thì việc hủy hợp đồng và trả lại tiền đã thu tác quyền đối với Công ty Mediamax như một việc “hoảng hốt” trước hợp đồng không hợp pháp của IB Group. Nếu cả hợp đồng ủy thác với gia đình Trịnh Công Sơn cũng không hợp pháp (ví dụ không có chữ ký của người đồng thừa kế, hoặc không có giấy ủy quyền của người vắng mặt) thì trường hợp nào VCPMC cũng rơi vào cảnh “lơ mơ”, chưa nói đến việc nhận ủy thác mà không hề biết trước đó chủ sở hữu đã có một hợp đồng độc quyền.
Việc một đơn vị đứng ra bảo vệ và thay mặt nhạc sĩ thu tiền tác quyền là rất chính đáng và được nhiều nhạc sĩ đồng tình. Tuy nhiên nếu đơn vị đại diện lại “lơ mơ” về pháp luật, nó sẽ làm cho tình hình tác quyền thêm rối ren.
Ảnh: Các nhạc sĩ tham dự cuộc họp ngày 16/2/2012 do VCPMC tổ chức tại HN