Người cầm bút lâu nhất: 60 năm, người trẻ nhất vài ba năm. Có người từng đi nhiều nơi trên đất nước và nhiều nước trên thế giới, có người chỉ ở quê nhà suốt cả cuộc đời. Có nhiều người là hội viên hội nhà văn Việt Nam hoặc các hội văn học tỉnh thành phố trong nước. Có người tham gia đào tạo Tiến sỹ, thạc sỹ, có người dạy học phổ thông nhưng cũng có người là “lão nông tri điền” nguyên nghĩa. Gần 100% tác giả đều tốt nghiệp đại học và sau đại học. Nhiều người đọc trầm Truyên Kiều, Chinh Phụ Ngâm hay thơ VN từ thời cổ điển, thơ mới đến nay. Dấu ấn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hay quá trình đổi mới ở nước ta đều có những điểm nhấn. Giọng thơ từ cổ điển đến cách tân đều được thể hiện. Thơ vần điệu cũng mượt mà thơ không vần không điệu theo kiểu thơ trẻ cũng có dung lượng không ít. Giải thưởng nhà nước và nhiều bài thơ giải thưởng các cuộc thi thơ suốt từ thập kỷ 60 đến nay cũng có mặt. Tuy vậy, vẫn phải kiểm định bằng mắt, bằng sự trải nghiệm của bạn đọc mới nói được giá trị của tuyển này đến đâu. Nhưng bạn sẽ gặp lại, có thể có bài thơ quen thuộc còn dư âm, thậm chí sóng gió trong lòng bạn đọc nhiều năm. Bạn cũng sẽ gặp lại những nhà thơ đã quen hay vừa biết trên văn đàn: Vương Trọng, Thạch Quỳ, Vương Đình Trâm, Vương Cường, Vương Duyệt, Vương Long, Vương Lân, Vương Thường Sơn…Bạn sẽ có dịp thấy các nhà thơ cùng dòng họ, có thể là ông, cháu, anh, em, chú, bác… khi đứng bên nhau, thơ họ như thế nào, liệu có ai bị ai che khuất không?
Họ Vương tuy mới khởi nghiệp 250 năm nhưng theo gia phả thì họ Vương vốn là mốt giồng họ có truyền thống sáng tác văn học lâu đời. Trong nhà thờ họ, các hoành phi, câu đối đếu tập trung ca ngợi và gìn giữ truyến thống sáng tác văn học đó. ”Gia sản bảo thừa thi, đối, tự” (Thơ, đối giữ gìn làm của quý). Hoặc là ”Văn mạch tố tùng sơn tự bắc/ Phúc nguyên trường dẫn thuỷ chi đông” (Mạch văn tuôn chảy từ núi bắc/ Nguồn phúc lâu dài đến từ nước phía đông), ”Sơn hải hồng ân nam tự bắc/ Thi thư di trạch tử nhi tôn” (Ơn sâu núi biển nam từ bắc/ Sách vở truyền đời đến cháu con)…
Văn học theo dòng họ trong lịch sử đã từng để lại những tác phẩm lớn. Ngô Gia văn phái là một thí dụ. Nhiều dòng họ ở Nghệ An cũng từng nổi tiếng văn chương. Họ Hồ Quỳnh Lưu, họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc hay họ Đặng ở Thanh Chương. Sự xuất hiện tuyển thơ họ Vương, ở Đô Lương, dường như nối mạch ấy. Nó đang để lại những tình cảm tôt đẹp ở Đô Lương và cả ở Nghệ An. Chưa thể nói đóng góp của dòng họ này, bởi vì những tác phẩm có chỗ đứng hay không trong nền văn học nước nhà còn tùy thuộc vào giá trị của tác phẩm. Thơ tuyển họ Vương vừa ra đời chưa nói được nhiều về giá trị, nó còn chờ thời gian và bạn đọc nhiều vùng, miền kiểm chứng. Tuy vậy, ta có thể nói điều này, việc một dòng họ ra riêng một tuyển tập thơ, lí luận phê bình thơ (Các tác phẩm từng được xã hội hóa) là điều rất đáng trân trọng. Nếu ai đó được cầm trên tay tác phẩm đồ sồ này chăc chắn có những cảm tình ban đầu và lần giở đọc những bài thơ sẽ thấy tác giả và những người biên tập khá công phu khi chọn lọc từ hàng ngàn bài thơ để còn lại chừng này!
Tôi muốn giới thiệu với bạn đọc và chỉ mong sau khi lần dở 900 trang sách, ban không thất vọng và biết thêm, có một dòng họ Vương, trong thời kinh tế thị trường vẫn xao xuyến về thơ…
Trình bày bìa: NTT
..
3 bài thơ của 2 cha con Thạch Quỳ (Vương Đình Huấn), Vương Thường Sơn, và Vương Cường (em trai Thạch Quỳ)
Bức tượng
Em đã sống bình yên như tượng
Chẳng đàn ông, em chẳng đàn ba`
Mưa hay nắng
Cứ trôi
Ngoài vỏ
Nắng hay mưa
Cứ trổ
Ngoài da
Chẳng đàn ông,em chẳng đàn ba`
Em đã sống bình yên như tượng…
Anh đấy ư?
Thiên thần?
Quỷ dữ?
Ai thổi vào tượng đá một con tim
Ai biến tượng thành người
Biến đá thành em?
Những ngày tháng bình yên đã chết
Kể từ khi tượng biến thành người
Những năm tháng êm đềm cũng chết
Nỗi nông nào quay quắt trái tim ơi!
Anh là kẻ mang phép màu thượng đế
Hãy dắt em đến trước cửa người
Xin cho em trở về kiếp đá
Đá hoá thành bức tượng giống người thôi!
4 – 2006
THẠCH QUỲ
Ngẫu hứng thảo nguyên
Chiều thu nắng
thảo nguyên thiêm thiếp cỏ
xanh miên man, lơ đãng những nét nhìn
mây dịu dàng muôn muốt cánh buồm lên
dòng suối trẻ, khép môi còn mơ ngủ
Ngước mắt lên núi đồi như mời gọi
những bậc thang chưa có dấu chân người
anh bám vào đâu, có làm trượt ngã
thì cao quá nhưng sao mà dục giã
sao như mời trong những tiếng lặng im
Anh một chiều nằm giữa thảo nguyên
đầu gối núi đồi, tay khoả vào lòng suối
ve vuốt hát trên những hòn đá cuội
những dịu êm ươn ướt ngón tay mềm
anh có thể vừa co, vừa duỗi
thảnh thơi chiều nắng rụng giữa lòng tay
Đất thiên thanh, mềm dịu cũng thiên thanh
gió ngơ ngác thổi qua vùng hư ảo
anh đã biết lặng im mà giông bão
ước một đời anh cùng với thảo nguyên…
2010
VƯƠNG CƯỜNG
Tình yêu và tiếng vọng
Anh yêu em và em yêu anh
Mãi mãi.
Như nước, lửa và không khí thở
Nhưng có thực là ta vẫn mãi yêu nhau?
Năm tháng nào đã vụt lướt qua ta
Rắc cho ta mỗi người một món nợ đời phải trả
Không giống nhau
Không cho nhau
Chúng ta như người truyền đạo
Đi lang thang trong tiền kiếp của mình
Như cùng trong hai cuộc sống
Anh nuôi nỗi nhớ, anh cố lãng quên
Kí ức bịt bùng như giàn ty gôn phủ đầy trước cửa
Cát bụi đã phủ đầy khung ảnh cũ
Tháng năm…anh biết mình vô lí.
Nhưng nụ cười ơi
Cái chúa ban cho con người là linh hồn gói trong thánh thể
Hay không phải thế …có gì nữa để phải phân vân?
Em đã không bao giờ giống nữa, ngày xưa
Thế mà anh vẫn chưa thôi cuồng nhiệt
Anh chiến đấu và anh chống chọi
Chống lại em và đôi khi chống lại cả anh
Và giữa chúng ta
Xuất hiện vết chân đầu tiên
Thận trọng e dè như vết chân của cáo
Với cái mỏ dài như bói cá mổ chúng ta.
Tự do muôn năm
Tự do dối lừa ta bằng trời cao đất rộng
Anh đã không còn sức để mà đau khổ
Để mà ngạc nhiên.
Ta yêu cái bóng cuả nhau
Một khoảng sáng trên chỏm đầu thinh lặng
Khao khát ngập tâm hồn nẻo đường nào thắp sáng
Chảy về nguồn tiếng đập trái tim kia.
Ta yêu cái bóng cuả nhau
Một vực thẳm ngợp mắt nhìn tới đáy
Thân xác ta run rẩy lo âu
Không hòa nổi nhịp bài ca tâm hồn rắc rối
Ta yêu cái bóng của nhau
Vồ vập, đam mê, riết róng trong đêm
Hoảng loạn lao đi, tiếng còi xe cấp cứu
Mỗi chúng ta chỉ sáng nổi riêng mình
Ta yêu cái bóng của nhau
Đêm tối hiện như một điều cứu rỗi
Thổi những ngọn đèn thức, tỉnh, tắt trong ta
Xa lạ sao khi ta chẳng còn có bóng
Ta chìm vào tiếng vọng vô thức của đêm.
Nước mắt khóc mãi chi em?
Ngoài khí quyển lại là khí quyển
Tới những quầng khí trơ
Nơi lồng ngực lép đi trong cơn đau đói thở
Nơi bàn chân phiêu diêu
Con người không định lượng.
Cứ kiêu hãnh đi em
Ngẩng cao đầu hất cằm về phía trước
1992.
VƯƠNG THƯỜNG SƠN