Chị sinh năm 1970, nếu tính tuổi mụ năm nay là 43, và nếu là ngày xưa cũng bình thường, nhưng trong đời sống hôm nay sự ra đi này là quá sớm, nhất là sáng tác của Bạch Đàn đang độ chín muồi.
Việc này thực ra không đột ngột, vài tháng trước, Bạch Đàn chợt phát hiện một khối u ở não. Khi tôi đến thăm và xem phim chụp X quang, thấy nó to bằng quả táo ta nằm ngay phía gần trán. Mọi lời khuyên đi mổ đều vô hiệu. Bạch Đàn từng tập yoga và luôn là người khỏe mạnh, nên chị quyết tâm tập Thiền, chị nói rằng: Thôi không mổ, nếu sống mà biến chứng liệt, mù, hay thành người khác thì chả bằng chết. Nhiều bè bạn sẵn sàng giúp đỡ, tìm bác sĩ và tiền nong, nhưng Bạch Đàn từ chối, thậm chí còn tắt cả điện thoại. Đôi khi nói chuyện với Bạch Đàn, tôi thấy chị lịm đi trong vài phút không cất được lời, nên rất lo.
Người cha Bạch Đàn là nhà Lịch sử mỹ thuật Nguyễn Trân. Ông là nhà giáo, cán bộ miền Nam tập kết đi học lý luận và lịch sử mỹ thuật ở Liên Xô cũ, về nước ông làm biên tập mục mỹ thuật ở báo Văn Nghệ, rồi khi khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội được thành lập năm 1978, ông được cử làm trưởng khoa. Đó cũng là con đường dẫn dắt Bạch Đàn vào trường mỹ thuật sau này. Bên cạnh đó là truyền thống học hành từ nhà ngoại, mẹ chị là con cháu các trí thức lớn thời Nguyễn – Nguyễn Thượng Công và Nguyễn Thượng Hiền. Là học sinh của thầy Nguyễn Trân nên chúng tôi biết Bạch Đàn từ bé, một cô bé xinh đẹp cùng gia đình sống trên căn gác nhỏ phố Hàng Gai.
Thầy tôi là người hiền lành, thích rượu, yêu động vật, ông nuôi cả khỉ, chó, mèo, rùa và chim trong nhà. Có lẽ Bạch Đàn giống tính này của cha, chị rất hóm hỉnh, thích vui đùa, yêu đời và mọi vật, hết lòng với bè bạn. Ông đã lấy tên một loại cây rất thẳng, có thể mọc trên đất sỏi đá để đặt cho con gái, nhưng có lẽ là loại cây đàn hương thì đúng hơn.
Tác phẩm Nơi yên tĩnh (2010) của Bạch Đàn
Khi trở thành họa sĩ, Bạch Đàn chọn lối vẽ thuần đen trắng, cũng giống như họa sĩ Lê Quốc Việt, họ đều yêu thích tranh thủy mặc phương Đông. Nhưng Bạch Đàn chỉ là vẽ mực tầu đen trắng, chứ nét bút, không gian, cách miêu tả cảnh vật theo lối không gian ba chiều phương Tây, như những gì chị học ở trường. Tranh của chị ngày càng phức tạp và sâu sắc, bởi được vẽ từ hàng ngàn nét phức hợp với nhau, diễn tả một tâm trạng vừa mạch lạc, vừa bề bộn, vừa lo âu, vừa tưng bừng. Rất nhiều cảnh là một khu rừng đầy lá, đầy ánh nắng, đầy ánh trăng, và ngập tuyết. Bạch Đàn đã vài lần đi triển lãm ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Hội họa của chị là một cá tính của người phụ nữ VN, nhưng cũng gần gũi với con người và đời sống hiện tại.
Mặc dù có thể sống bằng tranh, nhưng Bạch Đàn vẫn đi làm họa sĩ cho báo Thiếu niên Nhi đồng cho đến ngày lâm bệnh, thực ra là bệnh đến khá đột ngột. Tôi không rõ từ đó chị có vẽ được bức tranh nào nữa hay không, nhưng hàng trăm bức tranh chị để lại, có thể nói không trộn lẫn được vào đâu trong nền hội họa và trong những họa sĩ cùng thời. Thế cũng đã là một họa sĩ hạnh phúc, dù nhỏ bé, dù chưa bao giờ nhận mình là tài năng, nhưng chị đã có một góc của riêng mình. Những bức tranh của Bạch Đàn phần nhiều rất lớn, rộng vài ba thước, cao đến hai thước, hết cả những khổ giấy dó, giấy xuyến chỉ rộng nhất, hoặc phải can thêm. Nó gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên bởi một tâm hồn dịu dàng, nhưng cương quyết, bởi sự nâng niu tất cả những gì bình thường bên mình.
Ảnh: Nữ họa sĩ Bạch Đàn
2012