Phát hiện kho tài liệu quý
Chị Phạm Kim Ngân gần như độc thoại cả tiếng đồng hồ trong lần đầu tiên gặp GS Nhân. Nữ nghiên cứu viên thuộc Trung tâm di sản các nhà khoa học (CPD) nói với ông về công việc sưu tập tư liệu các nhà khoa học của trung tâm mình. “Đáp lại, trên giường dưỡng bệnh, suốt cả buổi ông chỉ lặp đi lặp lại - vâng. Rồi khi thấy ông mệt, chúng tôi xin phép ra về”, chị Ngân nhớ lại.
Chị Ngân không hề ngần ngại khi được vợ chồng vị giáo sư cho phép trèo lên căn gác xép lưu giữ tài liệu từ những năm 1960 của ông. Căn gác ấy - do tuổi cao, chính chủ nhân của nó cũng rất lâu rồi không leo lên được.
“Tôi cầm theo chiếc đèn mà vợ ông cho mượn. Bụi, mạng nhện và mùi của chuột”, chị Ngân nhớ lại. “Nhưng những hộp giấy đựng tài liệu lưu giữ hàng mấy chục năm nằm san sát vẫn còn nguyên vẹn. Ông đã sắp xếp chúng rất khoa học. Rồi ông nói với tôi, cô đã leo được lên đấy, thì từ bây giờ muốn xem tư liệu gì tôi cũng mở ra cho xem”.
Sau này, chỉ riêng đợt đầu ông Nhân tặng tư liệu, CPD đã thuê cả một xe tải để nhận. Hơn bốn ngàn đầu tài liệu. Trong đó, có cả ngàn tấm phim. Có bệnh nhân được ông ghép xương, cứ vài năm lại chụp lại một lần để theo dõi trong suốt bốn mươi năm liền.
“Càng về sau, khi hiểu công việc của chúng tôi hơn, ông càng tặng thêm nhiều tư liệu quý. Trong đó có bộ kết xương mà ông đã sáng chế ra. Hôm làm lễ tiếp nhận tư liệu, ông rơm rớm nước mắt nhưng an tâm vì có nơi gửi gắm những tài liệu quý mình tích góp cả đời”, GS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc CPD, nói.
Cũng phải nói thêm, bộ dụng cụ chữa gãy xương này đã được sử dụng ngay khi ra đời trong chiến tranh đến tận hôm nay. Nó rẻ và phù hợp với cấu trúc xương người Việt hơn những bộ dụng cụ nhập từ Liên Xô về thời đó.
Hình dung về lịch sử
Chạy trên website cpd.vn là hàng chữ “Mỗi bức ảnh là một nhân chứng lịch sử. Mỗi trang bản thảo là một bằng chứng khoa học. Mỗi kỷ vật cuộc đời là một tài sản vô giá”.
“Bên lưu trữ chỉ giữ tư liệu cá nhân của lãnh tụ và những người thật nổi tiếng thôi”, ông Huy trầm ngâm. “Tôi nghĩ các nhà khoa học đều là những nhân chứng lịch sử, không nên bỏ sót ai. Có những người nổi tiếng như GS Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, những nhà khoa học thế hệ sau như Nguyễn Văn Nhân, hoặc những người bình dị hơn nữa như PGS Vương Tường, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân... đều là đối tượng của trung tâm cả. Chúng tôi đang “trục vớt” di sản của các nhà khoa học, tích lũy cho cộng đồng những tư liệu về lịch sử cuộc đời cá nhân họ. Qua những tư liệu ấy, cộng đồng hình dung được lịch sử đã diễn ra cụ thể và sinh động thế nào”, ông Huy nói.
Kế hoạch của CPD đang ở giai đoạn đầu: chuẩn bị tư liệu. Trên cơ sở đó, danh mục tư liệu cũng như hệ thống tra cứu hình thành để xã hội hóa cho mọi người sử dụng. Trong tương lai, một bảo tàng về những nhà khoa học sẽ ra đời. Tuy nhiên, có thể tới lúc bảo tàng thành hình sẽ mất đến cả chục năm. “Tôi nghĩ xây dựng ngân hàng dữ liệu lịch sử cuộc đời mỗi cá nhân là công việc phải làm. Viện Nghiên cứu lịch sử xã hội Hà Lan cũng đã làm công việc như chúng tôi từ năm 1935. Giờ đây, họ có hệ thống lưu trữ lên tới hơn 50 km - tính theo mét dài của hệ thống tư liệu. Quan trọng hơn, giờ đây ai cũng muốn gửi tư liệu cá nhân của mình cho họ lưu giữ. Đấy là một đảm bảo chắc chắn cho những gì mình muốn gửi gắm lại cho đời sau”, ông Huy thổ lộ.
Gia đình Giáo sư Tôn Thất Tùng đã tặng cho CPD rất nhiều tư liệu cá nhân của ông - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ tư liệu của CPD