Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.157.399

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

THƯ TIN
Chuyện Sách Việt Ở Mỹ
“Thơ là loại sách có số tiêu thụ buồn thảm.” Như vậy thì người Việt mình yêu thơ thì rất nhiều nhưng lại không thích mua sách “Thơ”. Tôi hỏi các chủ nhà sách thì ai cũng lắc đầu, nếu sách Thơ đem đến gởi thì không tiệm sách nào nhận, vì bán quá chậm hay không bán được, sợ để lâu trên kệ cứ còn nằm đó hai ba năm, sẽ choáng chỗ, nên nhà sách từ chối nhận bán (dù bán xong mới thanh toán tiền).

 

Thời gian gần đây, ngồi ở quán cà phê Factory, gặp anh em văn nghệ bàn nhau chuyện in sách, nhất là có những anh bạn vừa mới in xong tác phẩm của mình, như tác giả Trần Văn Nam với tác phẩm nghiên cứu văn học: Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam, Phân Định Thi Ca Hải Ngoại, dày 560 trang, quyển sách trông đồ sộ và công phu. Thấy anh Nam vui và rất có lòng. Sách dày nên tiền in đắc, thế mà anh biếu cho bạn bè thân hữu nhiều hơn bán, lòng anh đã rộng mà cái tâm anh càng rộng hơn. Anh muốn sách anh đến với người đọc hơn là bán sách để thu lại vốn. Rồi anh bạn trẻ Nguyễn Nam An với tập truyện ngắn đầu tay, Tiểu Triệu Minh, cũng hí ha hí hững đem biếu sách cho bạn bè, thân hữu, sách trình bày trang nhã, nghệ thuật, in trên giấy trắng láng dày. Tôi cũng vui lây niềm vui của các bạn, nên tôi xin viết thêm chút về chuyện Sách.

 

Vòng quanh các tiệm sách ”lớn” ở Little Sài Gòn như Tú Quỳnh, Tự Lực, Văn Khoa, Văn Nghệ, chúng ta thấy có một niềm hãnh diện ngầm, là sách Việt ngữ được bày bán rất ”rậm đám”. Nhà sách Tự Lực vừa mới mở thêm một căn phòng nữa nên rộng ra gấp đôi và bày bán đủ loại sách. Tự Lực còn có đường dây phát hành rộng khắp nước Mỹ nên trông rất bề thế. Các nhà sách Tú Quỳnh, Văn Khoa, Văn Nghệ vẫn giữ phong độ. Nhìn người mua ra vào tấp nập, tôi cũng thấy mừng thầm, biết đâu sách mình có gởi bán ở các nơi đó, cũng sẽ bán được.

Tôi bèn đi một đường hỏi thăm những người bán sách, thì được trả lời có tính cách chung chung:

“Sách bán được là những sách Hồi Ký Chính Trị của các chính khách miền Nam hồi trước bảy lăm, còn sống (hay đã chết) viết lại cuộc đời mình và những bí mật lịch sử chưa ai tiết lộ. Rồi các sách về Phong Thủy, sách dạy nấu ăn, sách về y khoa, sách xuất bản từ Việt Nam đem qua và nhất là sách “người lớn”. Nhiều người mua “sách người lớn” không nhìn giá, bao nhiêu cũng mua, mua xong trả tiền là đi ngay, giá đề bao nhiêu mua bấy nhiêu, một sự tiêu thụ âm thầm và lặng lẽ.  Tác giả viết loại sách này thường đề tên giả, người đọc cũng không muốn không ai biết mình đọc gì, hình như đó là một sự thoả thuận ngầm giữa tác giả và độc giả, vô thưởng vô phạt.

 

Còn các sách văn học của các nhà văn hải ngoại thì sao?

Sách văn học có thể chia ra làm mấy loại: Thơ, Truyện Ngắn, Truyện Dài và Sách Biên Khảo.

 

Thơ:

 

Thơ in ra là do nhu cầu của người viết hơn người đọc. Người Việt Nam theo nhiều người nhận xét là ai cũng là “đầy một bụng thơ”. Trong những lúc trà dư tữu hậu hay bên bàn nhậu cùng bạn bè, ai cũng “xổ thơ” như nước chảy. Từ thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu đến truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, ai cũng thuộc một số đoạn. Thơ của Nguyễn Bính, Lư Trọng Lư, Xuân Diệu ai cũng thuộc một số bài, hay qua ca dao, hò vè. Trong chiều hướng đó, người làm thơ cũng nhiều thêm ra, với xứ sở tự do này, làm thơ và in thơ lúc nào cũng được, nên sách Thơ in ra nhiều, nhưng người mua Thơ lại vô cùng thưa thớt.

 

Theo tác giả Trần Long Hồ, chủ nhà sách Minh Văn, cho biết rằng:

“Thơ là loại sách có số tiêu thụ buồn thảm.”

Như vậy thì người Việt mình yêu thơ thì rất nhiều nhưng lại không thích mua sách “Thơ”.

Tôi hỏi các chủ nhà sách thì ai cũng lắc đầu, nếu sách Thơ đem đến gởi thì không tiệm sách nào nhận, vì bán quá chậm hay không bán được, sợ để lâu trên kệ cứ còn nằm đó hai ba năm, sẽ choáng chỗ, nên nhà sách từ chối nhận bán (dù bán xong mới thanh toán tiền). Thơ các tác giả in ra thường để biếu bạn bè, thân hữu nhiều hơn là để bán. Nhà văn Trần Long Hồ giải thích vấn đề này tiếp như sau:

 

“Thơ là loại tiêu thụ chậm nhất trong các thể loại văn chương. Sách thơ in ra, trước tiên là để thoả lòng tác giả trước đã. Tác giả say mê sống với thơ hằng bao nhiêu năm. Tác giả ôm ấp thơ, chắc chắn lâu dài hơn thời sống với người bạn đời, thế thì in ra một quyển thơ, tức là sinh ra một đứa con tinh thần, ai mà không mong mỏi. Do đó, các tác giả cứ bỏ tiền ra in trước đã, bằng cách nào cũng được. Hiếm khi thấy một cơ sở nào đứng ra in thơ.”(Văn Học số 167)

 

Cho nên liếc qua kệ trưng bày sách Thơ trong các Nhà Sách, tôi thấy heo hút quá. Chỉ có những sách Thơ của các nhà thơ cũ, in tại hải ngoại như Thơ Nguyên Sa, Du Tử Lê, Bùi Giáng. Sách Thơ in Việt Nam cũng có, như của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử. Còn sách Thơ mới in thì có của Trần Mộng Tú, Ngô Tịnh Yên, Hà Nguyên Dunhưng thường là “dậm chân tại chỗ”.

 

Truyện Ngắn:

 

”Truyện ngắn bán được hơn Thơ nhưng cũng tùy tác giả.” Đó là câu trả lời của bà chủ tiệm sách Văn Khoa, nơi tôi có gởi sách bán. Bà chủ này rất hiền và chân thật, gởi sách là bà nhận ngay, còn hỏi thêm “có sách nào mới không?”. Điều này cũng làm vui lòng tác giả đôi chút.

 

Dĩ nhiên văn học là môn cũng chọn lựa người đọc, nên không phải ai cũng thích. Có người yêu thích tác giả này, có người yêu thích tác giả kia. Cũng theo Trần Long Hồ thì:

 

“Truyện ngắn  cũng là loại sách được in ra rất nhiều, chỉ thua thơ. Trong mấy năm gần đây, có lắm tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả mới ra đời. Có những tác giả quen thuộc với độc giả nhưng cũng có nhiều vị gần như hoàn toàn xa lạ với người đọc.

 

Hơn thơ, truyện ngắn còn tiêu thụ được chút ít. Sách của một số tác giả bán được lai rai nhưng của một số vị khác nằm yên muôn thuở trên kệ sách.”

 

Ở mức độ khá hơn, nếu có Nhà Xuất Bản chịu in, thì tác giả phải lo việc đánh máy, lay out sách của mình hoàn tất 100% rồi giao cho Nhà Xuất Bản. Nhà Xuất bản chỉ lo việc in ấn và phát hành (tiền in do tác giả trả). Sự thoả thuận giữa hai bên cũng tùy thuộc vào tác giả có nổi tiếng, được độc giả biết đến hay không. Thông thường là 50-50 hay 40-60 tức là Nhà Xuất Bản lấy 40%, tác giả lấy 60%, nghĩa là một hai năm sau sau khi phát hành xong, bán được, NXB mới trả tiền lại cho tác giả theo hợp đồng trên.

 

Ở một số tác giả nỗi tiếng, đã có sách bán chạy, NXB chịu bỏ vốn, tức là lo từ việc đánh máy, lay out, trình bày bìa, in ấn và phát hành. Ở mức độ này tác giả chỉ hỏi nhà xuất bản trả được bao nhiêu sách khi in xong. Theo anh Phan Xuân Sinh kể về sách của Lâm Chương do NXB Văn Mới in, tác giả được nhận khoản 200 cuốn nếu in 1000 cuốn.

 

Về những truyện ngắn bán không chạy, chúng ta có thể lý giải như sau: là trong nhiều năm qua, lòng thương nhớ quê hương đã hằn sâu vào người đọc nói chung và các tác giả nói riêng. Tất cả đã được thể hiện vào văn chương. Những ngày mới qua Mỹ, khi văn chương hải ngoại phục hưng thì đề tài này làm người đọc thích thú, nhưng dần dần đề tài này khai thác hoài cũng trở nên nhàm chán.

 

Chúng ta cũng nghĩ đến khả năng của tác giả, đây là vấn đề then chốt để tạo nên một tác phẩm có giá trị và lôi cuốn bạn đọc. Chuyện này cũng sàn lọc dữ lắm, một tác giả viết truyện “hay” đọc lên là biết liền. Chúng ta cũng biết có một số sách truyện ngắn bán chạy, nhưng chưa chắc là sách hay, hay những sách ế ẩm chưa chắc là sách dở. Độc giả cũng có nhiều loại, thường là người ta muốn đọc để thưởng thức giải trí, loại độc giả này chiếm đa số, thường quyết định số phận cuốn sách. Một số độc giả nữa là đọc vì ham thích văn chương, rồi phẩm bình, phê phán, viết bài phê bình. Có nhiều loại truyện ngắn như truyện ma, truyện tình ái lăng nhăng, lại bán chạy.

 

Truyện dài:

 

Theo các nhà sách cho biết thì truyện dài bán chạy hơn truyện ngắn. Dĩ nhiên cũng do tên tuổi của tác giả. Có một số tác giả chuyên viết truyện dài như tác giả Xuân Vũ, một cán bộ CS hồi chánh với chính quyền quốc gia trước bảy lăm. Trong thời gian phục vụ trong Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, Xuân Vũ đã viết thành công những cuốn truyện dài như “Đường Đi Không Đến, Đến Mà Không Đến” rất được độc giả yêu thích. Đến ngày miền Nam thất thủ thì Xuân Vũ di tản sang Mỹ và ông đã sống bằng nghề cầm bút thuần tuý. Ông không biết viết trên computer mà chỉ viết bằng tay, và nhà xuất bản chịu xuất bản sách ông đã làm việc từ  A đến Z, nghĩa là phải đọc bản thảo, đánh máy rồi lay out, trình bày bìa, in và phát hành. Thế mà ông đã xuất bản thêm mấy chục cuốn sách nữa, và tiền bán sách đã nuôi ông được đến cuối đời. Độc giả cũng thường muốn đọc những truyện dài không quá dài lê thê. Như hai cuốn sách của  “Nắng Hồng Phương Nam” và “Một Thời Tuổi Trẻ” của tác giả Nguyễn Chí Kham, mỗi cuốn dày trên 1000 trang, nên cũng bán chậm, đó là theo tác giả cho biết như vậy.

 

Các truyện cũ in lại cũng bán chạy, như truyện của Hồ Biểu Chánh, đã được in lại hàng loạt ở hải ngoại và cả trong nước. Cả sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nữa.

 

Có một số tác giả trong nước cũng có sách bán ở các tiệm sách ở Little Sai Gòn. Truyện viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh cũng được bày bán hàng dãy. Truyện dài của Chu Lai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trương, Nguyễn Ngọc Tư...đây là những nhà văn trong nước, nhưng sách của họ vẫn được bày bán tự nhiên ở các quày sách, điều đó cũng nói lên một điều là xứ Mỹ là xứ Tự do, ai cũng có quyền nói lên điều mình muốn bày tỏ. Chắc những người tị nạn Việt Nam có tò mò mua sách của các nhà văn này, cũng chỉ đọc cho biết mà thôi.

 

Sách Khảo Cứu, Biên Khảo.

 

Loại sách này bao gồm các sách viết về lãnh vực văn chương, lịch sử hay phong tục, tập quán ở làng quê Việt Nam Cũng theo nhà văn Trần Long Hồ chủ tiệm sách Minh Văn cho biết:

 

“Đây là loại sách có số bán vững và đều, luôn đem nguồn lợi cho nhà xuất bản. Qua thử thách của thời gian và môi trường sống, loại sách này giữ được sự tiêu thụ bền bỉ.”

 

Các sách biên khảo về văn chương tiêu biểu như: Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn biên soạn, vẫn được các nhà nghiên cứu văn học và độc giả tìm mua. Kế đó là những sách cũng bán được là Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (3 cuốn) của Phạm Thế Ngũ, Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh & Hoài Chân, Nhà Văn Hiện Đại (2 cuốn) của Vũ Ngọc Phan, Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến (3 cuốn) của Nguyễn Tấn Long, Lược Sử Văn Học của Nguyễn Văn Trung, 13 Năm Tranh Luận Văn Học (3 cuốn) của Thanh Lãng. Nhiều người mua về để làm tủ sách gia đình, vì sau biến cố 30 tháng tư bảy lăm, cuộc di tản vĩ đại họ đã mất hết sách vở, nếu còn ở Việt Nam cũng bị thiêu hũy vì cho đó là sách phản động đồi trụy.

 

Các sách về nghiên cứu lịch sử Việt Nam cũng thường được độc giả yêu chuộng, như các bộ sách Lịch Sử Tân Biên (7 cuốn) Lịch Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, Việt Nam Sử Lược (2 cuốn) của Trần Trọng Kim, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên.

 

Các sách biên khảo về phong tục ở làng xóm Việt Nam của Toan Ánh, Lê Văn Siêu, Nguyễn Văn Ngọc, Vương Hồng Sển, luôn được bạn đọc mua về để trong tủ sách gia đình.

 

Tôi hỏi bà chủ tiệm sách Văn Khoa trong khu Phước Lộc Thọ còn sách nào bán chạy nữa, bà nói các sách về gia chánh, dạy nấu bếp, dạy làm các món ăn hay các sách về tử vi, thêu, may, âm nhạc, là những sách bán được, các độc giả là đàn bà muốn tìm hiểu và thực hành dễ dàng vì được hướng dẫn bằng tiếng Việt.

 

Nhà văn Trần Long Hồ  cho biết thêm:

“Sách trinh thám, võ thuật, truyện kinh dị, truyện kiếm hiệp, truyện Quỳnh Giao là những sách đem lại nguồn lợi cho nhà xuất bản. Trong hạng này, hàng đầu là truyện kiếm hiệp, nhất là những bộ sách của Kim Dung. Một bộ sách của Kim Dung thường từ 5 đến 12 cuốn, cuốn nào cũng từ 300 đến 500 trang, mỗi bộ giá khoảng từ 70$USD đến 100$USD, thế mà độc giả cứ mua thật đều, có khi mua một lần đôi ba bộ. Trong khi sách Thơ hay Truyện Ngắn, mỗi cuốn giá khoảng từ 10$ đến 15 $, thế mà ít ai chịu mua.”

 

Còn sách về chính trị

 

Những sách của các tác giả trong nước, thì theo người bán tại nhà sách Tự Lực, thì loại sách này cũng bán khá chạy như :Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội của Nguyễn Văn Trấn, Công Lý Đòi Hỏi của Nguyễn Minh Cần, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Hồ Chí Minh ở Trung Quốc của Tưởng Vĩnh Kinh do Thượng Huyền dịch, Bí Mật Cuộc Đời Mao Trạch Đông của bác sĩ Lý Phục Huy do Trần Ngọc Dung dịch. Hồ Chí Minh, Con Người và Huyền Thoại của Chính Đạo, Mây Mù Thế Kỷ, Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết (3 cuốn) của Xuân Vũ.

 

Có thể nói, các tác giả đã gây tò mò cho độc giả nên độc giả mua để xem thử ra sao.

 

*

 

Ngày nay, theo trào lưu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc xử dụng computer không còn là khó khăn nữa. Hầu như nhà nào cũng có computer. Các Website trên computer được thành lập, ở đó đăng đủ mọi loại truyện, nhưng theo tôi thăm dò phản ứng của một số độc giả ghiền sách, thì đọc sách in bằng giấy, vẫn có cái thú vị hơn. Vừa đọc, vừa rung đùi, thỉnh thoảng hớp một hớp trà ngon rồi vỗ đánh đét vào đùi sảng khoái vì một đoạn văn hay, một ý tưởng lạ. Đó là Thú Đọc Sách và Thú Chơi Sách từ ngàn xưa, đã có trong dân gian Việt Nam.

 

Nhịp độ phát hành sách ở hải ngoại như vậy là có cơ phát triển, nên các nhà văn, nhà thơ, bạn tôi, nên yên tâm. Nếu có dự định in sách thì cứ in, sách của mình viết hay thì sẽ có độc giả. Dĩ nhiên cái gì thuộc về lãnh vực văn học nghệ thuật thì sẽ có sự sàn lọc, tác phẩm hay và có giá trị thì sẽ được độc giả tìm mua và sẽ sống vĩnh cữu trong lòng mọi người. 

 

 

 

Trần Yên Hòa - VCV