Người báo hung tin cho tôi về sự ra đi của đạo diễn Lê Hoàng Hoa là NSƯT Nguyễn Chánh Tín. Anh buồn bã nói về người đạo diễn tài hoa mà cuộc đời anh luôn nhớ ơn: “Một đời người có thể là những thước phim có đủ cung bậc tình cảm nhưng với đạo diễn Lê Hoàng Hoa, cuộc đời là những thăng trầm, vui buồn và trên hết vẫn là niềm đam mê mà thế hệ chúng tôi, thế hệ sau này vẫn phải học hỏi”.
“Không khổ, chỉ có đau...”
Vâng, cung bậc rộn rã niềm kiêu hãnh nhất trong cuộc đời đạo diễn Lê Hoàng Hoa phải kể đến giá trị của hơn 100 bộ phim của ông. Có lần, tại phim trường HTV, tôi hỏi: “Chú, cháu hỏi thiệt, trái tim chú có bao giờ đau khổ vì tình yêu?”, ông ví von: “Tôi có tới 101 người tình, 3 lần kết hôn, sự nghiệp và ái tình đều dày dặn, nói chính xác không khổ mà chỉ có đau”.
Rồi ông cười, nụ cười rất dung dị mà nghệ sĩ Tú Trinh mỗi khi nhắc đến sự lạc quan trong cuộc đời đều đem nụ cười của đạo diễn Lê Hoàng Hoa ra so sánh: “Có lần, tôi buồn khi chia tay với nhạc sĩ Cao Phi Long (chồng của nghệ sĩ Tú Trinh), gặp anh Lê Hoàng Hoa tại phòng chuyển âm, khi đó tôi đang lồng tiếng cho một bộ phim do anh đạo diễn. Thấy tôi buồn, anh an ủi: “Cứ yêu đời đi em rồi cuộc đời sẽ đẹp”. Anh Hoa cho tôi niềm tin để bước tới với niềm vui và tình yêu nghề không bao giờ dứt. Anh luôn nói cuộc đời anh là những ván bài, lúc ăn, lúc thua nhưng phải nở nụ cười để không tắt đi sự lạc quan”.
Trong mắt mọi người, dù là đạo diễn hay diễn viên, công nhân trường quay... đều nhìn nhận ông là người đầy nhân cách. Luôn mềm mỏng và cởi mở, luôn thân thiện và chân thành. Ở ông không hề có sự quát nạt, la rầy mà lúc nào cũng nhiệt thành, trách nhiệm. Từ bộ phim đầu tay ông làm năm 1960, lúc tròn 33 tuổi, dù chỉ là phim truyện ngắn có thời lượng 45 phút, nhưng Những kẻ phản bội đã được đánh giá “đáng nể trong làng điện ảnh thời mà phim ảnh Sài Gòn bắt đầu khởi sắc” – NSND Kim Cương kể. “Phim thứ hai anh Hoa làm mang tên 11 giờ 30 đã được giới chuyên môn và khán giả biết đến nghệ danh Lê Hoàng Hoa. Tổng kết lại quá trình làm nghề của anh, tôi dám khẳng định chưa bao giờ anh Hoa làm phim mà lỗ vốn, toàn là phim hốt bạc” - kỳ nữ Kim Cương công nhận.
Nguồn sáng của lạc quan
Có lần đạo diễn Lê Hoàng Hoa tâm sự: “Lúc nhỏ, tôi không được ở gần bố mẹ. Nhà bên ngoại có nhiều người cậu nên mẹ tôi đi làm xa, cứ gửi tôi cho các cậu nuôi. Do vậy, khi xem chị Kim Cương diễn Lá sầu riêng, đoạn ru bé Sang ngủ: “Ầu ơi, trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai”, tôi đã nhớ đến tuổi thơ mình vì tôi thèm hơi của mẹ tôi lắm. Mười mấy tuổi, tôi mới được về ở với bố mẹ. Ông bà xưa nói hễ cái gì thiếu thì đời thường cho ta mơ. Không biết có phải lúc ấu thơ tôi thiếu thốn tình thương nên tim tôi đầy lãng mạn, yêu nhiều và chưa bao giờ tôi mất đi nguồn sáng của sự lạc quan, dù có khi trước mắt là cuối đường hầm tăm tối mỗi khi thất bại về kinh tế, về gia cảnh”.
Ông vẫn thường nói động lực cho nguồn sáng lạc quan ở ông chính là tình yêu. Ông yêu nhiều nên từng trải và thú nhận mình là “kẻ hư hỏng” khi để trái tim thổn thức liên tục vì phụ nữ. “Nhưng anh Hoa không có ý yêu để chứng tỏ mình hào hoa khi có trong tay “bộ sưu tập phụ nữ” để phô trương, càng không yêu để dùng quyền lực một đạo diễn mà ban phát mưa móc, để phụ nữ muốn trở thành ngôi sao phải phục tùng” - NSND Kim Cương chia sẻ - “Anh là người đàn ông thu hút phụ nữ. Song, khi họ đến với anh cuồng nhiệt như thế nào thì lúc họ rời xa anh cũng nhanh chóng như thế. Tôi và anh Hoa có những lúc ngồi nói chuyện đời, để từ những chất liệu đó chúng tôi – những nghệ sĩ mẫn cảm với cuộc sống, với tình yêu - có những chia sẻ, những đồng cảm để hình thành tính cách nhân vật trong phim, trong kịch. Hai vở Lá sầu riêng và Dưới hai màu áo của tôi hồi đó được quay phim màu, do anh Hoa làm đạo diễn”.
Dấu ấn cuộc đời
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến tuyệt phẩm đỉnh cao đã gắn liền với tên tuổi đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Đó là bộ phim Ván bài lật ngửa. Để đạt được thành công này, ngoài kiến thức thấu đáo loại hình phim tình báo, ông luôn chú trọng đến những hành động tạo nên sự hấp dẫn của kịch bản. NSƯT Nguyễn Chánh Tín nói: “Ông là người đã dày công trong dàn dựng, luôn đặt mình trong tư thế sáng tạo so với nguyên tác kịch bản để trong nhiều trường đoạn, đặc biệt về lời thoại, được ông thể hiện mang ngôn ngữ điện ảnh rất ấn tượng. Sau nhiều thập kỷ, tôi được ông hình thành tính cách một Nguyễn Thành Luân với chiếc áo pardessus, chiếc mũ phớt, lặng lẽ đi giữa rừng cao su… Đó là một hình tượng đẹp và quyến rũ nhất trong số các nhân vật tình báo trên màn ảnh Việt Nam mà tôi đã được ông tạc nên”.
Trước đó, nhắc đến ông, khán giả yêu thích điện ảnh không quên những bộ phim đã làm nên thời kỳ sáng chói của điện ảnh Sài Gòn trước 1975: Chân trời tím, Điệu ru nước mắt, Gác chuông nhà thờ, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Bẫy ngầm, Con ma nhà họ Hứa, Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Triệu phú bất đắc dĩ, Người chồng bất đắc dĩ, Chàng ngốc gặp hên… Và những bộ phim thực hiện sau 1975, góp phần mang lại thành quả cho nền điện ảnh nước nhà trong giai đoạn xây dựng đất nước: Ngọn lửa Krong Jung, Ván bài lật ngửa, Cao nguyên F-101, Đằng sau số phận, Tình không biên giới, Xác chết trên cao nguyên, Lệnh truy nã, Vĩnh biệt mùa hè, Án mạng trong ống kính, Tình nhỏ làm sao quên, Vĩnh biệt Cali…
Sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc cho nhiều nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh. Giá trị nghệ thuật của một cuộc đời đạo diễn tài hoa, đào hoa đã là những bộ phim thắm đượm nhân nghĩa, đạo lý người Việt. “Những ván bài lãng tử” trong cuộc đời ông không còn bay lượn trên màn ảnh khi ánh sáng cuối phim đã tắt nhưng Ván bài lật ngửa của Lê Hoàng Hoa sẽ sống mãi theo thời gian.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa tên thật Đoàn Lê Hoa, sinh năm 1933, tại Huế. Ông tạ thế lúc 0 giờ 41 phút ngày 31-7. Tang lễ của ông được tổ chức tại Nhà Tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3 - TPHCM). Lễ truy điệu được tổ chức lúc 7 giờ ngày 3-8, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - TPHCM.
Một tài năng lớn
“Phù thủy” là biệt danh mà diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín, người thủ diễn rất thành công vai Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa, dành cho đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Trong bộ phim nổi tiếng này, bên cạnh vai chính, còn có hàng chục vai thứ chính đều rất quan trọng. Ngoài số diễn viên có nghề, đã thành danh, còn lại đảm nhận các vai: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Lại Văn Sang… là những khuôn mặt xa lạ, lần đầu tiên xuất hiện trước ống kính. Vậy mà Lê Hoàng Hoa đã nhào nặn họ thành những diễn viên không chút nghiệp dư.
Sau khi làm bộ phim cuối cùng Tình nhỏ làm sao quên của nhà văn Đoàn Thạch Biền, ông sang định cư tại châu Âu. Gần 20 năm tha hương, năm nào ông cũng về Việt Nam, như lời ông nói: “Không về là không chịu nổi! Nhớ quê hương, nhớ anh em, bạn bè đến thắt ruột”. Ở tuổi 80, dù bị bệnh tim mạch và huyết áp cao nhưng trông Lê Hoàng Hoa vẫn còn rất trẻ và phong độ, tưởng chừng ông còn có thể sống với anh em thêm 10 năm nữa. Vậy mà ai ngờ, mới mờ sáng 31-7, Trần Quang, rồi Lê Cung Bắc đã gọi điện cho tôi, báo tin Lê Hoàng Hoa vừa qua đời lúc nửa đêm về sáng!
Nghe Lê Cung Bắc nói, đến phút chót, Michel, con gái của Lê Hoàng Hoa, từ Anh Quốc, cũng đã kịp về để nhìn cha lần cuối. Anh không nói được câu nào mà chỉ nhìn con, nhìn bạn bè vây quanh rồi trào nước mắt, ra đi!
Vĩnh biệt Lê Hoàng Hoa, vĩnh biệt một trong những tài năng lớn của điện ảnh Việt Nam.
Đoàn Thạch Hãn
Nghệ sĩ tiếc thương
Tôi học từ nhân cách của ông
Trong số những tác phẩm điện ảnh mà tôi tham gia, Ván bài lật ngửa được nhiều nhà phê bình nhận định là đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam. Tôi ghi nhớ công lao của ông, người đạo diễn tài hoa, người hết lòng vì một nền điện ảnh tiên tiến. Giữa tôi và ông có nhiều kỷ niệm, qua đó, tôi học từ nhân cách của ông, sự nghiêm túc trong nghề. Vĩnh biệt ông, người đã tạo ra một Nguyễn Thành Luân - vai diễn để đời trong sự nghiệp nghệ thuật của tôi.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín
Anh sẽ sống mãi trong lòng công chúng
Từ Cần Thơ, tôi lên Sài Gòn, được gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa, anh đã mời tôi tham gia bộ phim 11 giờ 30. Lúc đó, anh đã hỏi tôi: “Em hát cải lương được bao lâu?”, tôi nói chỉ mới bắt đầu. Anh nói thêm: “Với điện ảnh, sự bắt đầu này đòi hỏi gấp 3 lần so với sân khấu cải lương”. Vĩnh biệt anh Hoa, anh mãi mãi sẽ sống trong lòng công chúng yêu nghệ thuật và điện ảnh nước nhà.
Nghệ sĩ Mộng Tuyền
Anh là người lạc quan, yêu đời
Tôi tham gia bộ phim Chân trời tím do anh Lê Hoàng Hoa dàn dựng năm 1970. Tôi quý anh Hoa bởi tính lạc quan, yêu đời. Lúc thành danh hay gặp trắc trở trong cuộc sống gia đình, lúc nào anh cũng vượt qua. Vĩnh biệt anh, người anh cả của điện ảnh quê nhà, người đã cho những diễn viên chúng tôi cơ hội để tỏa sáng và được công chúng yêu mến.
Ca sĩ Thanh Lan
Vĩnh biệt một người anh tài hoa
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa chọn tôi vào phim Điệu ru nước mắt (năm 1970). Nhân vật Trần Đại dẫu một thời làm mưa làm gió trên giang hồ nhưng tận sâu trong nội tâm vẫn cần tình yêu, tình bạn. Đạo diễn Hoàng Hoa chú ý khai thác sự chuyển hóa của một tên cướp, để nhấn mạnh tư tưởng “quay đầu là bờ”. Hay tin anh Hoa qua đời, tôi bàng hoàng xúc động. Vậy là tôi đã mất đi một người anh tài hoa.
Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà
Nuối tiếc phần 2 Con ma nhà họ Hứa
Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Hoàng Hoa khi tham gia bộ phim Con ma nhà họ Hứa (năm 1972-1973) do anh làm đạo diễn. Phim được quay tại một biệt thự ở Đà Lạt, dân nơi này thường gọi nó là “căn nhà ma”. Tôi nhớ mãi những phân đoạn phải quay nhiều lần, rất “sợ” vì tôi cũng ớn ngôi nhà ma này lắm, trong lúc anh Hoa lúc nào cũng bắt tôi phải khám phá, thâm nhập để khi quay có cảm xúc thật. Nhớ đến bộ phim lại nhớ đến dự án dở dang của anh khi muốn làm phần 2 câu chuyện phim này, thế mà nay anh đã ra đi. Xin thắp nén hương vĩnh biệt anh.
Nghệ sĩ Thanh Tú
Mãi nhớ về anh
Tôi tham gia nhiều phim do anh làm đạo diễn. Nhớ nhất là phim Giỡn mặt tử thần. Lúc đó, tôi và Bảo Ân đóng chung. Tuy nhiên, vì phim được dàn dựng cận ngày 30-4-1975, đến nay vẫn là bộ phim tư liệu chưa được trình chiếu. Vĩnh biệt anh, mong anh dưới suối vàng mỉm cười vì công chúng điện ảnh vẫn luôn luôn nhớ đến anh...
NSƯT Thẩm Thúy Hằng
Học được nhiều từ ông
Điều làm tôi cảm kích và học hỏi rất nhiều ở những tác phẩm điện ảnh mà ông đã làm, đó là sự nghiêm túc trong dàn dựng, phim ít có lỗi kỹ thuật. Ông cẩn thận đến từng chi tiết, hành động và luôn dành khoảng trống để người xem lắp trí tưởng tượng vào phim do ông làm. Nay ông đã ra đi, để lại niềm thương tiếc cho nhiều thế hệ nghệ sĩ chúng tôi.
NSƯT Hữu Châu - Xuân Lộc ghi
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh: Nguyễn Huy Cảnh