Đọc Đời một chút vui, Tần ngần giữa chợ, Món nợ không thể đòi, Ra đường dạy con, Những thiên thần mắc đọa... mà rưng rưng. Mỗi câu chuyện đều đọng lại một hình ảnh hay câu nói thắt lòng về những yêu thương ở đời. Tấm lòng của người mẹ, cái tình của người Việt, cái hồn của quê Việt đằm sâu trong từng câu chữ, từng tiếng “ờ”, tiếng “dùm” san sẻ, bao dung. Nhiều câu chuyện khiến người đọc nhớ mãi, và đôi khi chính những sẻ chia ấy trở thành điểm tựa cho người đọc của chị. Tựa vào đó, như vịn vào yêu thương, mà đi tới.
Xen kẽ những trang viết đậm chất Nam bộ của Ngọc Tư là những trang văn đầy chất thơ của Lê Thiếu Nhơn. Sau thơ, Lê Thiếu Nhơn cho thấy anh cũng là một người có thể đi đường dài bằng thể loại tạp văn ở cách biết khai thác đề tài. Bắt gặp trong tản văn của Thiếu Nhơn một bộ mặt đời sống văn nghệ phố phường, từ chuyện giới tính nghệ sĩ đến những va quệt trong giới cầm bút, từ bóng đá đến nhạc Trịnh thời @, từ áp lực thần đồng, ảo giác thơ trẻ đến những câu hỏi rất ư thời sự của chính sự: bàn tay sạch đang ở đâu? Lý luận trong tản văn của Thiếu Nhơn đôi lúc hơi “gồng mình”, công thức nhưng đằng sau đó người đọc tìm thấy một ngọn lửa trẻ ắp đầy những nghĩ suy. Anh gìn giữ được ngọn lửa ấy trong những trang viết của mình như giữ gìn những hoài niệm trong trẻo phía quê nhà.
Tựa chung cho tác phẩm tập hợp 30 tản văn của hai cây bút trẻ này là Sống chậm thời @. Phải chăng người làm sách muốn gửi gắm về một tâm thế biết sống chậm lại trước những vòng quay hối hả của thời hiện đại? Nhưng có lẽ, chậm hay không không là vấn đề, mà quan trọng hơn là sống đầy - lòng đầy yêu thương và cái nhìn về mọi góc cạnh cuộc sống không hề nông cạn. Sống đầy cũng là tựa một tản văn của Nguyễn Ngọc Tư trong tập sách này.