Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
613
123.249.987

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người phụ nữ "vẽ" tranh gáo dừa
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Công ty Dừa Việt đã có ý tưởng sản xuất tranh từ gáo dừa. Ý tưởng độc đáo của chị đã thành công, tạo ra những tác phẩm hội họa sống động.
Hình ảnh cây dừa từ lâu đã trở nên thân thuộc với người dân Nam Bộ. Song việc đưa chất liệu gáo dừa vào thế giới hội họa và cho ra đời một dòng tranh mới - tranh làm bằng gáo dừa thì quả là ý tưởng mới.

Người đã biến ý tưởng táo bạo đó thành hiện thực, là chị Nguyễn Thị Kim Thanh, bạn bè vẫn hay gọi là Trúc Phương. Chị cho biết: "Tôi bắt đầu sản xuất đồ gia dụng từ dừa cách đây 5 năm. Đến khi có ý tưởng làm gạch lót sàn, phải ép phẳng những mẫu gáo dừa, bỗng dưng tôi phát hiện ra chúng đẹp quá mà sao bấy lâu nay mình chẳng bao giờ để ý. Những đường vân lạ và cuốn hút một cách bất ngờ từ những loại gáo dừa non - già khác nhau. Từ đó tôi mới nảy ra ý định dùng chất liệu ấy để làm tranh!".

 

Bức tranh làm bằng gáo dừa đầu tiên là tác phẩm Nắng hạ, được chị đem trưng bày trong đợt triển lãm TP Hồ Chí Minh Năng động - kỷ cương - phát triển năm 2003 với thương hiệu Dừa Việt của mình. Và Nắng hạ lập tức được mua với giá 4 triệu đồng. Có người đồng cảm với niềm đam mê của mình, chị Trúc Phương rất hạnh phúc và thêm nguồn cảm hứng sáng tạo. Tính đến thời điểm này, đã có 22 tác phẩm tranh gáo dừa được Dừa Việt tung ra thị trường.

 

Khi biết chị làm tranh mà lại là tranh bằng gáo dừa, nhiều người nghĩ chị chắc đã từng học qua hội họa. Chị bật cười và bảo tất cả chỉ là do tình cờ, bởi vì cho đến trước khi có ý tưởng với tranh gáo dừa thì cuộc đời chị hầu như không liên quan gì đến nghệ thuật. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, năm 13 tuổi đã đi vào chiến khu, sang Cam-pu-chia học báo vụ. Năm 15 tuổi, thân gái dặm trường cùng đồng đội vượt Trường Sơn ra bắc theo học Trường học sinh miền nam số 8 (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Đến tháng 9-1975, chị mới về lại Sài Gòn - mảnh đất nơi chị sinh ra. Sau thời gian làm việc ở phòng quân báo, chị được cử đi du học ba năm về cơ khí ở Liên Xô. Trở về nước, chị lại đi làm phiên dịch tiếng Nga, rồi chuyển sang làm kế toán. Trong thời gian vừa học vừa làm này chị cũng đã tốt nghiệp hai bằng đại học chuyên ngành Nga văn và châu Á học của Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

 

Nói về những dự định sắp tới, chị cho biết sẽ cùng một vài người nữa phát triển thương hiệu Dừa Việt lên một tầm cao mới. Còn riêng với những tác phẩm tranh gáo dừa, chị thổ lộ: "Tôi làm tranh gáo dừa với niềm say mê là muốn "bắt" gáo dừa nói lên tiếng nói của nó. Nói một cách đơn giản, đó chỉ là một cuộc chơi. Mong ước của chị Trúc Phương về cuộc chơi nghệ thuật độc đáo này nhất định sẽ tìm được sự đồng cảm của nhiều người.

- Theo Kiến thức ngày nay