Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
617
123.249.905

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chính phủ điện tử :"Người dân là trung tâm"
Tại cuộc hội thảo “Hướng tới chính phủ điện tử” trong khuôn khổ Tuần lễ tin học 2004 vừa diễn ra tại Hà Nội, một lần nữa vấn đề xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) như thế nào tiếp tục thu hút nhiều người quan tâm. Một câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất là: Người dân ở vị trí nào trong quá trình xây dựng và phát triển CPĐT hiện nay?

Người dân là trung tâm

Ông Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính- Viễn thông và Công nghệ thông tin (BC-VT và CNTT) thuộc Bộ BC-VT (đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo chiến lược phát triển CPĐT ở Việt Nam) nhận xét: Sự ra đời và phát triển của CPĐT là xu hướng tất yếu, tăng cường dân chủ trong xã hội. CPĐT chỉ có thể hoạt động thực sự hữu hiệu khi lấy người dân làm trung tâm.

Người dân luôn có nhu cầu giải quyết một cách nhanh gọn các thủ tục hành chính, các sự việc có liên quan đến đời sống như: khai sinh, làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, các thủ tục về nhà đất, kinh doanh…, cho đến việc khai tử cho người thân sau khi qua đời.

Trong bối cảnh hiện nay, nạn thủ tục hành chính rườm rà vẫn đang bị người dân kêu ca rất nhiều.

 Vì vậy, CPĐT phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu đó một cách nhanh chóng nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống cơ sở hạ tầng về CNTT và nguồn nhân lực CNTT phải đạt trình độ cao; đồng thời, tất cả các dịch vụ về hành chính đều phải được chính quyền sẵn sàng cung cấp, hướng dẫn qua mạng Internet.

Ông Mai Liêm Trực, Thứ trưởng Thường trực Bộ BC-VT nêu rõ: Thước đo về một CPĐT là tỷ lệ các dịch vụ, thủ tục qua mạng mà chính quyền cung cấp cho người dân. CPĐT sẽ tăng hiệu quả quản lý, giúp Chính phủ gần dân hơn và làm cho bộ máy chính quyền trong sạch hơn.

“Trong khi ở Singapore, 90% các dịch vụ hành chính được người dân tiếp xúc với chính phủ qua mạng, thì ở Việt Nam tỷ lệ này hầu như còn rất thấp, chưa đáng kể” - ông Trực bức xúc.

CPĐT phải thực sự gần gũi

Trong lộ trình xây dựng CPĐT đặt ra trước đây, đến năm 2005, vấn đề pháp lý cho CPĐT ở Việt Nam sẽ được xác định một cách rõ ràng và đề án CPĐT sẽ được thông qua vào năm 2005, cùng lúc với việc chữ ký, chứng thực điện tử được phê chuẩn.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, hầu hết các chuyên gia dự hội thảo đều cho rằng phải đến năm 2007 những vấn đề trên mới có thể trở thành hiện thực được. Trình độ dân trí, chỉ số thu nhập bình quân đầu người và nguồn nhân lực CNTT chính là những hạn chế.

Vẫn theo ông Trần Minh Tiến, trong sự phát triển của xã hội hiện nay, mô hình quản lý nhà nước theo kiểu CPĐT là một điều tất yếu, vấn đề quan trọng là tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của từng quốc gia để tìm hướng đi cụ thể, phù hợp.

Cùng quan điểm đó, ông Mai Liêm Trực cũng chia sẻ: Xây dựng CPĐT là rất tốn kém, nhưng không thể không làm. Trong hoàn cảnh Việt
Nam hiện nay, chúng ta cần phải làm từng bước một, không thể nóng vội được. Mục đích cuối cùng là “phải làm sao có một CPĐT thật sự tiết kiệm và gần gũi, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân”.

Theo ý kiến của các chuyên gia CNTT, yếu tố đầu tiên để xây dựng CPĐT là phải công khai hóa các dịch vụ, hoạt động, thủ tục của chính quyền các cấp trên mạng, thông qua các cổng giao tiếp điện tử.

Theo thống kê của Bộ BC-VT, hiện nay 52/64 tỉnh-thành đã có website riêng. Tuy nhiên, không phải website nào cũng thực hiện được chức năng giao tiếp điện tử theo đúng nghĩa của nó.

Hiện nay, website của TPHCM dẫn đầu cả nước về việc đưa ứng dụng hành chính công lên mạng, ngoài ra, một số địa phương khác cũng đang làm tốt việc này như Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh… và mới đây là Hà Nội. Các website này bước đầu thực hiện được chức năng cơ bản CPĐT, đó là tương tác 2 chiều, cung cấp một số dịch vụ hành chính công trên mạng.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh khác có xây dựng website nhưng thông tin còn thiếu cập nhật và hình thức trình bày còn đơn điệu, cấu trúc tổ chức thông tin và khả năng tương tác còn kém. Thậm chí các chỉ dẫn về đơn vị, sở, ngành, huyện, thị trực thuộc cũng không có.

Ông Ngô Phúc Cường, đại diện Công ty Microsoft tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng cổng CPĐT phải đáp ứng được những nhu cầu giao dịch của người dân, chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin như đa số các website ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài các tỉnh-thành, hiện nay 50% bộ-ngành cũng đã xây dựng website, 50% doanh nghiệp trong nước ứng dụng CNTT vào quản lý và kinh doanh, 30% doanh nghiệp kết nối Internet, 10% doanh nghiệp có website riêng. Tuy nhiên, trên các website này vẫn thiếu tính công khai về hoạt động hành chính cũng như kinh doanh. Điều đó khiến cho sự phát triển và tính hiệu quả trong hoạt động của CPĐT gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia CNTT Việt Nam, cần phải sớm có những chế tài, để mọi tổ chức, doanh nghiệp phải công khai, minh bạch trên mạng về những hoạt động của mình. Một nền kinh tế mạng công khai sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực. 
Trần Lưu - Theo Sài Gòn Giải Phóng Online
Tin tức khác