Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
662
123.248.619

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Một vụ xâm phạm bản quyền trắng trợn
Cuốn "Chùa Việt Nam" của các tác giả: Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long do Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1993, nay trên thị trường sách Hà Nội xuất hiện cuốn "Chùa Việt Nam" ở bìa bọc (sơmi) có đề: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 2004 - nhưng trên thực tế NXB Khoa học xã hội không tái bản cuốn sách này.

Cuốn "Chùa Việt Nam" kể từ khi xuất bản lần đầu đến nay đã trên 10 năm. Đây là một cuốn sách nghiên cứu công phu được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh. Năm 1995, được Bộ VHTT khen thưởng sách loại A. Tuy số lượng lần đầu xuất bản ghi 2.000 cuốn, nhưng trên 10 năm qua dù chưa tái bản lần nào, chúng tôi vẫn thấy hầu như lúc nào trên thị trường cũng có bán cuốn sách này, nhiều khi phải mua với giá rất cao.

Ngày 13.10.2004 tôi đã mua một cuốn "Chùa Việt Nam" ở Hà Nội, bìa ngoài thấy in là NXB Khoa học xã hội, Hà Nội - 2004, mới đọc tôi thấy mừng là Nhà xuất bản đã chấp hành bản quyền tác giả đề năm tái bản sách (2004), dù cho chưa thông báo cho các tác giả biết việc tái bản này.

Ngay sáng hôm sau (14.10.2004), tôi gặp ông Vi Quang Thọ, Quyền Giám đốc NXB Khoa học xã hội để hoan nghênh ông về việc này, nhưng ông rất bất ngờ và khẳng định: Năm 2004, NXB không tái bản cuốn này.

Chúng tôi cùng nhau kiểm tra đối chiếu 2 cuốn: Cuốn năm 1993 và cuốn xuất bản được in ngoài bìa là năm 2004 thì thấy: Nội dung hai cuốn hoàn toàn giống nhau. Giống nhau 100% từ năm xuất bản: 1993, giấy phép xuất bản: 289-XB-KHXH - Cục Xuất bản Bộ VHTT cấp ngày 22.5.1992, in tại Xí nghiệp in số 7, số 321 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. In xong và nộp lưu chiểu tháng 5.1993 (cho dù bìa ngoài ghi 2004). Kỹ thuật in đẹp, không phân biệt được bản thật, bản giả. Như vậy rõ ràng cuốn sách in đề năm 2004 là cuốn sách ăn cắp bản quyền tác giả. Ông Thọ nhất trí với tôi là cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề này.

Sáng ngày 21.10.2004, tôi đã trao đổi với một quan chức thanh tra của Bộ VHTT qua điện thoại về vấn đề này và được trả lời: Hiện nay, đây là việc thường ngày, các tác giả tự đi tìm kẻ in lậu hoặc nhờ A25 Bộ Công an tìm giúp, khi có kết quả báo Bộ VHTT để chúng tôi xử lý...

Sự việc thì rõ ràng, ai cũng thấy, cũng biết cả nhưng nó lại là chuyện thường ngày của ta thì kêu ai? Vả lại những người sáng tác, làm công tác nghiên cứu khoa học thì sao có thể có thì giờ, công sức, kinh nghiệm và tiền bạc để khám phá vụ việc? Viết vài dòng này, tôi muốn báo động thêm trước dư luận về nạn ăn cắp bản quyền tác giả ở ta hiện nay đã đến mức trắng trợn và cơ quan quản lý biết mà bó tay vì cho rằng đây là chuyện "thường ngày", vì thực tế họ cũng không có người, hay không có chức năng truy tìm thủ phạm...

Thay mặt các tác giả Nguyễn Văn Kự - Theo Laodong.com.vn
Tin tức khác