Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
399
123.252.842

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Một diễn đàn mới cho nhà văn trẻ VN
Chiều 28-5, tại Viện Goethe Hà Nội đã có cuộc giao lưu với nhà văn Bùi Ngọc Tấn để mở đầu cho chương trình sinh hoạt văn học (VH) dài kỳ viện dự định tổ chức hàng tháng tại VN. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Franz Xaver Augustin, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội về dự định này.

* Xin ông cho biết mục đích của chương trình sinh hoạt VH tại Viện Goethe?


- Đây là một loại hoạt động VH rất phổ biến ở Đức. Tổ chức hoạt động này ở VN, tôi hy vọng giới viết văn trẻ của các bạn sẽ có điều kiện đến với độc giả không chỉ qua tác phẩm, mà còn qua những cuộc giao lưu, trao đổi trực tiếp. Qua đó, chúng tôi cũng muốn khích lệ niềm ham đọc, sự quan tâm đến VH của giới trẻ VN - mà như tôi quan sát, những ham thích này đang ngày càng giảm sút.


* Mang tên một nhà đại văn hào, nhưng các hoạt động nghệ thuật của Viện Goethe khoảng 2 năm trở lại đây hầu như không mấy liên quan đến VH. Tại sao vậy, thưa ông?


- Lý do chính là những cản trở về mặt ngôn ngữ. Trong khi đó, đội ngũ dịch thuật của chúng ta vừa thiếu lại vừa yếu. Một dịch giả VH đồng thời cũng phải là một nhà văn, và phải coi đó là công việc của cả đời người thì mới có thể cho ra đời những tác phẩm dịch tốt. Nếu giao những tác phẩm VH hay vào tay những dịch giả tồi thì thật "lợi bất cập hại", vừa tốn thời gian, tiền bạc, công sức, vừa phản tác dụng.


Có dịch giả dịch hàng đống sách nhưng chất lượng dịch quá yếu, chẳng ai muốn đọc. Sách không bán được, thế là ông ta cứ riết róng đề nghị tôi mua sách để phát, tặng. Tôi không muốn có những cuốn sách chỉ để biếu, tặng, vì đó là những cuốn sách không có đời sống thật.


* Viện Goethe từng tổ chức hội thảo về vấn đề dịch VH Đức - Việt và lập một dự án về giới thiệu song phương VH 2 nước. Nhưng hình như dự án này chẳng tiến triển được?


- Đúng vậy, một phần là vì những khó khăn về vấn đề dịch giả như đã nói ở trên, lý do khác nữa là thị trường VH VN. Có thể nói, thị trường này còn nhiều hạn chế cả về lượng cũng như về chất. Cảm nhận của tôi là VN chưa phải một nước VH được xuất bản nhiều và đọc nhiều. Có những cuốn sách là best-seller ở Mỹ và Châu Âu nhưng ở VN bán không nổi 2.000 cuốn. Hiện tượng giảm giá sách phổ biến khắp nơi, điều đó đang làm "mất giá" sách không chỉ theo nghĩa đen. Thị trường hiếm sách có chất lượng nên "mất điểm" với người mua.


* Ông đã từng có nhận xét không mấy khả quan về VH cũng như văn hoá đọc ở VN hiện nay. Vậy ông có tự tin là một chương trình sinh hoạt VH hàng tháng như thế có thể duy trì được chất lượng?


- Nước Đức cũng là nước có số lượng sách dịch vào loại lớn nhất trên thế giới, nhưng rất tiếc là ở Đức VH VN còn được biết đến rất ít.


Tôi nghĩ VN có nhiều nhà văn giỏi hơn như thế giới đã được biết đến, nhưng điều kiện công bố tác phẩm còn hạn chế. Tôi tin là các bạn còn nhiều những nhà văn tài năng nhưng chưa được biết đến một cách xứng đáng trên những phương tiện thông tin đại chúng.

Hy vọng, chương trình sinh hoạt VH hàng tháng của Viện Goethe sẽ là nhịp cầu giới thiệu những nhà văn như vậy tới bạn đọc VN. Chúng tôi cũng dự định mở rộng những sinh hoạt VH này trên trang web.
- Báo Tuổi Trẻ ngày 2-6-2004