Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
305
122.272.132

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Để dân hiểu sử: Chuyện dễ mà khó
Tại TPHCM vừa diễn ra một cuộc hội thảo-diễn đàn khoa học có quy mô và mục đích khá lớn “Sử học Việt Nam trước nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc”. Nhiều vấn đề về nghiên cứu sử học được nêu ra, tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà cuộc hội thảo làm được lại chính là việc đi tìm một câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để dân yêu và hiểu sử của đất nước mình”.

Sử học với di sản văn hóa của đất nước

 

Trong bài phát biểu mở đầu, GS – Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh “… Di sản văn hóa dân tộc luôn luôn là động lực nội tại của sự phát triển kinh tế - xã hội, của công cuộc phục hưng và phát triển bền vững của đất nước”.

 

Đây không phải là một nhận xét mang tính chủ quan của một nhà sử học, ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Minh Trân trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây cũng đã khẳng định văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông, dù có thông thoáng đến đâu, trải thảm đỏ thế nào mà văn hóa của một đất nước không đáp ứng được yêu cầu kỷ luật, tính cần cù, khả năng sáng tạo… thì nhà đầu tư cũng phải e dè khi xem xét. Mà để hiểu được bản sắc văn hóa hiện đại thì phải hiểu di sản văn hóa và sử học chính là một trong những công cụ quan trọng nhất để hiểu di sản văn hóa.

 

Vai trò quan trọng của sử học đã rõ, nhưng điều đáng tiếc là cho đến nay việc thiếu hiểu biết về lịch sử của đất nước ở một bộ phận người dân nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên, những tương lai của đất nước lại đang được báo động khẩn. Mỗi năm đến các kỳ thi từ tiểu học đến đại học lại xuất hiện hàng loạt những bài thi đầy ngô nghê về kiến thức lịch sử. Trước thực trạng trên, các nhà sử học khi ngồi lại với nhau đều đau đáu câu hỏi vì sao dân ta hiện nay lại thiếu kiến thức lịch sử đến vậy.

 

Để dân hiểu sử: Chuyện của ai?

 

Biện luận về việc dân ta kém hiểu biết về lịch sử đất nước, các nhà sử học cho rằng lỗi không phải ở các nhà nghiên cứu sử mà là ở các cơ quan truyền thông. Chúng ta có những nghiên cứu tương đối đầy đủ về các vua chúa nhà Nguyễn nhưng dân ta lại biết triều Thanh (Trung Quốc) nhiều hơn. Các công trình nghiên cứu Tây Sơn không thiếu nhưng thanh thiếu niên lại am tường cuộc khởi nghĩa của Thái Bình thiên quốc, thậm chí gần đây người dân Việt Nam lại trở nên am hiểu cả về lịch sử dựng nước của Triều Tiên.

 

Việc thừa hiểu biết như trên được quy về một thủ phạm chính là điện ảnh. Những bộ phim truyền hình như Thanh cung mười ba hoàng triều, Thái Bình thiên quốc, Truyền thuyết Ju Moong… được chiếu liên tục trên truyền hình cả nước đã trở thành công cụ hữu hiệu đào tạo sử người cho dân ta.

 

Khi bộ phim lịch sử Việt Nam Trùng Quang tâm sử được công chiếu, người dân khu vực đường Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1 được một người am hiểu lịch sử khuyên nên xem vì trong phim có nhân vật Đặng Dung. Thế nhưng, xem đến hết phim vẫn chẳng ai biết ông Đặng Dung đó là ai, làm gì mà được đặt tên đường vì trong phim chỉ có vài cảnh giới thiệu ông như người ta giới thiệu khách qua đường.

 

Cũng giống như vậy, chương trình truyền bá sử ta cho dân ta bằng cách chăng băng rôn ngoài đường như một đơn vị đã làm trước đây cũng bị xem là phản lại cách học sử thông thường. Chỉ cần đi một đoạn ngắn, người đi đường có thể thấy Lý Công Uẩn được xếp cạnh Lê Hoàng, Trần Nhân Tông đứng bên Nguyễn Trãi, tất cả chẳng theo bất cứ một thứ tự nào về thời gian hay sự kiện.

 

Theo các nhà sử học, với việc truyền bá lịch sử như vậy việc dân ta kém sử ta là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chính ở đây, vai trò của các nhà sử học cũng không nhỏ.

 

Sử gia với việc dạy sử

 

Nhà sử học Trung Quốc Lê Đông Phương, người rất nổi tiếng với tủ sách Kể truyện lịch sử Trung Quốc (NXB Đà Nẵng xuất bản tại Việt Nam năm 2006), từng nhận xét: “Nếu không có cảnh bi tráng và lãng mạn Hạng Võ biệt Ngu Cơ thì có lẽ chẳng mấy ai ngoài các nhà sử học nhớ các sự kiện lịch sử xung quanh việc Lưu Bang đánh bại Hạng Võ lập nên nhà Hán”. Với tư tưởng đưa lịch sử trở nên gần gũi, dễ hiểu, sách sử của ông viết theo đúng chính sử nhưng thể hiện dễ đọc, có chút hài hước, tránh lạm dụng số liệu dày đặc làm hoa mắt người đọc và không có gì khó hiểu khi sách sử của ông thu hút rất đông bạn đọc Trung Quốc và cả ở các nước khác.

 

Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ là danh tướng suốt cuộc đời chưa bao giờ biết thất bại với những trận đánh quyết định cả lịch sử dân tộc Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay vẫn còn ít tác phẩm về ông. Từ đó cho thấy vai trò của các nhà sử học trong việc cung cấp những chất liệu hấp dẫn cho văn học, điện ảnh, sân khấu vẫn còn ít được quan tâm. Để người dân có thể dễ dàng hiểu hơn về lịch sử đất nước là chuyện chung của mọi ngành mà trong đó, tiên phong chính là các nhà sử học.

 

Di tích Hoàng thành Thăng Long, một trong những dấu tích lịch sử rực rỡ của dân tộc Việt Nam nhưng lại ít được người dân hiểu rõ. Ảnh: N.D.

TƯỜNG VY - SGGP
Tin tức khác
Triển lãm về (24.08.2007)