Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
302
122.272.117

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cây đa cây đề” của làng xuất bản thế giới
“Tôi luôn cảm nhận được cuốn sách nào sẽ bán chạy và tại sao nó được công chúng yêu thích. Đó là một điều linh cảm. Bà Jane Friedman – tổng giám đốc Nhà Xuất bản (NXB) HarperCollins thuộc Hãng Truyền thông News Corp – đã nhìn nhận tài năng của mình một cách rất thẳng thắn như vậy…

Vừa làm bếp, vừa bán sách

 

Năm 1968, Jane Friedman vào làm việc cho NXB danh tiếng Random House (Mỹ). Người ta giao cho bà việc quan hệ với báo chí ở chi nhánh Knopf, có nhiệm vụ quảng bá cho các ấn phẩm sắp được phát hành. Đó là một cuốn sách dạy làm bếp của tác giả Judith Child. “Bà Child là một đầu bếp rất nổi tiếng nhờ những bài báo viết về nghệ thuật ẩm thực và các chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình. Tôi tự nhủ: Tất cả các siêu thị lớn trên nước Mỹ đều có một khu bán sách và một khu dành cho chuyện bếp núc. Vậy thì tại sao không tổ chức tour lưu diễn của tác giả qua 26 thành phố lớn nhất nước Mỹ? Với sự đồng thuận của ban giám đốc siêu thị và sự hiện diện của ê-kíp đài truyền hình địa phương, ngay giữa siêu thị tác giả sẽ tự tay làm một món ăn, như thế sẽ thu hút được cả các fan yêu thích làm bếp lẫn các phương tiện truyền thông đại chúng…” - bà Jane Friedman nhớ lại.

 

Trước ý tưởng mới mẻ và táo bạo này, các “sếp” của bà có phần ngần ngại. Cho tới tận lúc bấy giờ, chưa hề có một ai làm chuyện tương tự để bán sách. Nhưng khi một người trong số các lãnh đạo của NXB bay tới Minneapolis – chặng đầu tiên của tour “lưu diễn” – để “thị sát”, thì ông này rất ngạc nhiên nhận thấy ở đó đã có cả ngàn bà nội trợ xếp hàng rồng rắn từ 7g30 sáng, chỉ để được tận mắt xem tác giả làm sốt kem trứng, sau đó một nửa trong số họ đã mua sách. Sự kiện được các phương tiện truyền thông loan tin. Tại tất cả các thành phố tiếp theo, ở đâu tác giả Judith Child cũng được chờ đợi, được đón tiếp tưng bừng. “Tour tác giả” (“author tour”) đã ra đời như thế. Jane Friedman tiếp tục hành trình với các quyển sách khác. Rồi các NXB lần lượt học theo, “tour tác giả” đã trở thành một việc làm “cổ điển”.

 

Và một cú nhấp chuột!

 

Năm 1985, NXB của bà “tung” ra bộ “sách nói”, sách có kèm theo băng cassette, đầu tiên dành cho người lái xe, các bà nội trợ hay hành khách đi tàu điện ngầm trên những chặng đường dài. “Không ít người lo ngại sách nói sẽ giết sách đọc, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại, thị trường này giờ đây trị giá cả tỷ đô la. Hơn nữa, bây giờ người ta còn có thể chép sách vào iPod để nghe nữa” - bà Friedman nói.

 

Bà cho biết mình chưa hề từ chối bất cứ một công việc gì miễn là để học được nghề bán sách. Theo bà, những người trẻ tuổi yêu thích công việc này có thể học hỏi được rất nhiều thông qua việc nghe các cú điện thoại, trả lời thư từ hay tranh luận với các tác giả, độc giả… Tài năng và sự sáng tạo đã nhanh chóng đưa Jane Friedman vào vị trí phó tổng giám đốc NXB, cho tới năm 1997, khi người thư ký của “ông trùm” truyền thông Ruppert Murdoch gọi điện cho bà. Lúc này, NXB HarperCollins (hợp nhất từ 2 NXB Harper & Row của Mỹ và William Collins của Anh) thuộc quyền sở hữu của ông Murdoch đang trong thời kỳ sa sút. Ông này muốn có bà để làm thay đổi tình hình. Friedman đã bay tới California gặp ông ta. “Tôi chẳng có gì để mất. Vì thế tôi rất thoải mái hỏi Murdoch về những dự định của ông ta và cho ông ấy biết rằng tôi sẽ không thể làm việc được nếu không có toàn quyền quyết định về mặt chuyên môn”. Jane Friedman biết rằng bà sẽ chấp nhận thử thách mới…

 

Ở tuổi 51, bà trở thành người nữ tổng giám đốc đầu tiên của một NXB tầm cỡ thế giới. Gần chục năm sau, lợi nhuận của HarperCollins tăng lên 1.000%. Jane Friedman trở thành “ngôi sao” của làng xuất bản, một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất của nước Mỹ.

 

Giờ đây, cả ngành công nghiệp sách để mắt tới những gì bà đang làm. Trước hết là một tủ sách tiếng Tây Ban Nha dành cho thị trường này ở Mỹ. Tiếp đó là loại sách in với khổ chữ lớn dành cho các độc giả cao tuổi – “một thị trường đầy tiềm năng”. Bà còn lập ra những phòng họp để các tác giả có chỗ gặp gỡ độc giả. Nhất là bà đã đầu tư không tiếc vào việc sử dụng công nghệ tin học, sản xuất e-book (“sách điện tử”), việc bảo vệ quyền tác giả... HarperCollins là NXB duy nhất có bản danh mục sách (catalogue) với hơn 20.000 cuốn đã được “số hóa” hoàn toàn. “Internet là một công cụ tuyệt vời của các NXB, chỉ một cú bấm chuột là đã có thể gặp được bạn đọc. Làm sao lại có thể lo lắng về sức khỏe của ngành công nghiệp sách cơ chứ!”….

 

Ảnh : Bà Jane Friedman

MINH QUỐC - SGGP theo Le Monde
Tin tức khác
Triển lãm về (24.08.2007)