Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
689
123.248.970

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Truyện tranh Việt Nam: Hỗn loạn trước giờ G
Trước thời điểm Công ước Berne có hiệu lực (ngày 26-10) khoảng 2 tháng, thị trường truyện tranh Việt Nam đã biến động rất mạnh khi các nhà xuất bản lớn tung ra 'như bươm bướm' tất cả các loại truyện tranh mà mình có.
Đơn giản vì chỉ vài đầu truyện tranh (chủ yếu của Nhật Bản) hiện nay là có những thỏa thuận về bản quyền

Theo ước tính, hiện có trên 50 tựa truyện tranh Nhật Bản tranh thủ xuất hiện trước giờ G trên các quầy sách, nhà sách ở TPHCM. Lập tức thị trường truyện tranh hỗn loạn, người mua hoang mang trước rừng truyện tranh bạt ngàn. Do được vội vã tung ra để tránh tác quyền nên chỉ có số ít truyện là nghiêm túc, còn hầu hết được biên tập, "xào nấu" rất kém, cả về hình ảnh lẫn câu cú. Sự hỗn loạn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng phát hành các đầu truyện tranh VN đang đứng được trên thị trường VN như Thần đồng Đất Việt và Dzom. Nếu Thần đồng Đất Việt đã khẳng định được mình, “sống khỏe" giữa rừng truyện tranh Nhật Bản thì Dzom chật vật hơn nhiều. Ra đời tìm một sự liều lĩnh, lãng mạn của một sinh viên, Dzom đơn thương độc mã dần dà chen được vào các nhà sách lớn, các tủ sách của lứa tuổi thiếu niên. Nay đứng trước cơ hội này, Dzom hy vọng tạo một cú đột phá về số lượng phát hành, để ê-kíp thực hiện có thể chăm chút hơn về nội dung.

Sau 26-10, thị trường truyện tranh sẽ hụt đi khoảng hơn 80%, đây chính là thời khắc vàng cho truyện tranh VN "sống lại'', đó là khẳng định chắc nịch của bà Phan Thị Mỹ Hạnh - giám đốc Công ty Phan Thị, nơi thực hiện bộ truyện Thần đồng Đất Việt, hiện đã phát hành gần 60 tập. Nhưng cũng vì thế mà Phan Thị lại do dự chưa tung ra ngay bộ truyện tranh Kỳ bí đất Phương Nam (đã thực hiện xong những tập đầu tiên) trong thời điểm này vì: "Chúng tôi chưa hài lòng lắm với một vài chi tiết trong các tập đầu nên phải chỉnh sửa lại. Thời điểm sau tháng 11 là thời điểm thị trường sẽ khát truyện tranh, chúng tôi có hy vọng thắng lớn nhưng do Phan Thị đã trở thành một "tên tuổi" qua bộ Thần đồng Đất Việt nên với bộ Kỳ bí đất Phương Nam, chúng tôi không thể tự dễ dãi với chính mình", bà Mỹ Hạnh cho biết thêm. Nội dung bộ truyện (dự kiến khoảng 20 tập) làm người xem mường tượng đến bộ phim Đất phương Nam đã được trình chiếu với những câu chuyện của người đi mở đất, trong bối cảnh sông nước hoang sơ, trù phú sản vật. Chính vì có bối cảnh đẹp nên bộ truyện sẽ có một loại in màu, một loại in trắng đen để người đọc chọn lựa.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, sự đầu tư cho truyện tranh VN hiện nay không đáp ứng nhu cầu: Hầu hết chỉ là những kịch bản đơn giản, khô cứng trong khi bạn đọc nhỏ tuổi ngày càng khó tính. Không những thế, các kịch bản này lại được thực hiện bởi một vài họa sĩ ''lão làng'' với những đường nét đã nhàm chán với thiếu nhi cả chục năm nay. Trong khi đó việc đầu tư cho những họa sĩ trẻ có khả năng sáng tạo phong phú thì nhiều nhà xuất bản vẫn tỏ ra rất dè dặt vì sợ chuyện ''cốc mò cò xơi'', khi họ đã có tay nghề rồi lại nhảy sang chỗ khác, sợ chuyện đầu tư tiền triệu cho cả năm để ra một đầu truyện nhưng chưa có gì bảo đảm chuyện doanh thu... Nói chung các NXB sợ và nghi ngại đủ thứ để đầu tư cho truyện tranh VN.

Trong khi chỉ một số ít ỏi các công ty tư nhân và cả cá nhân dám ''chơi'' một cách rất tâm huyết với truyện tranh VN, các NXB Nhà nước "sợ" truyện tranh VN thì thị trường đã xuất hiện một vài nhóm "thầu" làm truyện tranh với một kiểu chụp giựt. Họ mua các loại truyện tranh Nhật Bản, Trung Quốc rồi về "xào" lại hình ảnh, cắt dán từ tập này qua tập kia, đổi tên nhân vật và lời thoại, dán nhãn tác giả VN và chuẩn bị qua giờ G. tiếp tục kiếm lời.

Bìa bộ truyện tranh Kỳ bí đất Phương Nam của Công ty Phan Thị sắp phát hành.

- Theo SGGPTB
Tin tức khác