Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
317
122.272.156

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
“Đứa con bị đánh cắp” đến TPHCM
Nhà hát Kịch Hà Nội đang trình diễn vở kịch “Đứa con bị đánh cắp” (tác giả: nhà văn Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) trên sân khấu Nhà hát TPHCM. Đây cũng là vở diễn từng diễn 50 suất, phục vụ hơn 30 ngàn lượt khán giả Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng. Ngay những suất hát đầu tiên ở TPHCM, vở diễn đã tạo được ấn tượng trong lòng công chúng…

Khởi đầu của câu chuyện “Đứa con bị đánh cắp” là việc vợ chồng ông Phạm – một gia đình giàu có nhưng cả 6 lần sinh con, chẳng may 6 đứa trẻ đều chết ngay từ khi mới chào đời. Và ở lần thứ sáu không may mắn, ông Phạm chợt nghĩ, nhờ các y bác sĩ hỗ trợ tìm một đứa trẻ khác để đánh tráo đứa con xấu số của mình… Đúng lúc này, vợ của ông Đức đạp xích lô - gia đình khốn khó, lại sinh đôi, ông lại say xỉn suốt ngày.

 

Trước hai hình ảnh đối lập của hai gia đình, các y bác sĩ của kíp trực đã chấp nhận lời đề nghị khiếm nhã của ông Phạm để vừa kiếm chút tiền, vừa xem như là “giúp” người khác. Chính từ sự đánh tráo này mà hai mươi năm sau, khi cả hai đứa trẻ song sinh Linh – Đàm trưởng thành, dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười cho cả hai gia đình và nhiều người khác.

 

Với Đàm, nhờ sống trong gia đình ông Phạm giàu có, trí thức được nuôi dưỡng, dạy dỗ, ăn học nên người. Còn Linh – người em, sống trong gia đình của bác xích lô nghèo khó nên chẳng được ăn học, dạy dỗ và sớm trở thành một thanh niên hư hỏng, ngỗ nghịch, bán cả nhà cửa của cha mẹ để lấy tiền vào Sài Gòn ăn chơi thỏa thích. Nhưng tất cả đâu hẳn dừng lại ở hai hình ảnh, hai tính cách trái ngược ấy. Trong một tai nạn giao thông, Đàm bị mất trí nhớ, trở thành chàng trai khù khờ, ngớ ngẩn, đi lang thang khắp nơi.

 

Mất con trai, cả nhà ông Phạm và cô hoa hậu Minh Thùy – bạn gái của Đàm bấn loạn đi tìm… Trớ trêu thay, ngay lúc ấy, mọi người lại gặp đúng Linh – đang trong tâm trạng say xỉn… Ai nấy cứ tưởng đấy là Đàm do bị tai nạn, mất trí nhớ mới xử sự thiếu văn hóa như thế và đưa Đàm về nhà chăm sóc, lo lắng. Tự dưng, từ một thanh niên nghèo khó, sau một cơn say, tỉnh dậy lại được sống trong một gia đình giàu có, được một cô bạn gái là hoa hậu chăm sóc từng li  từng tí, Linh lấy đó làm thích thú, sẵn sàng sống trong sự dối trá để tha hồ “đốt” tiền, ăn chơi trác táng…

 

Còn Đàm, trong lúc mất trí nhớ, đi lang thang ngoài đường, gặp ngay cô ca ve – bạn gái của Linh và cô gái này lại lầm tưởng đây là bạn trai  của mình nên đưa anh về quê, giao cho gia đình ông Đức. Ngày qua ngày, Đàm dần bình phục trí nhớ, tập tành đạp xích lô và với vốn tri thức tiếng Anh của mình, Đàm nhanh chóng kiếm được nhiều tiền, thành lập công ty, đưa gia đình thoát khỏi cảnh cơ cực…

 

Từ tình huống đánh tráo trẻ sơ sinh, tác giả, đạo diễn đã xây dựng, cài đặt nhiều tình huống xung đột kịch khá hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống hôm nay. Điều đặc biệt ở “Đứa con bị đánh cắp” là sự thể hiện khá sắc sảo của các diễn viên. Một NSƯT Trung Hiếu bản lĩnh, cùng lúc đảm nhận cả hai vai diễn Linh – Đàm với hai tính cách khác nhau, nhưng lột tả được cái hồn của từng nhân vật: khi là kẻ phá phách, ngỗ nghịch, đáng ghét, lúc lại là một thanh niên chăm học, ngoan hiền, điềm đạm, dễ mến…

 

Bên cạnh đó, còn có một Xuân Tiên – ông Đức đạp xích lô lỗ mãng, vô trách nhiệm với vợ con hay một NSƯT Thu Hà dịu dàng trong vai cô hoa hậu… Tất cả đã làm nên một “Đứa con bị đánh cắp” cuốn hút người xem! ª

NSƯT Trung Hiếu (phải) và diễn viên Kiều Thanh trong vở “Đứa con bị đánh cắp”.

 

* Vở đang diễn tại Nhà hát TPHCM từ ngày 16-9 đến 30-9-2007.

ĐỖ HẠNH - SGGP