Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
307
122.271.136

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007: Cuộc trò chuyện vĩnh cửu từ đại ngàn
Lần đầu tiên sau 2 năm kể từ khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại, trong các ngày từ 21 đến 24 tháng 11 năm nay, tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007.

“Hãy ngược thời gian để tận hưởng một đêm Khan đích thực với sự giao cảm, siêu thoát giữa chúng ta và các thần linh. Hãy trầm mình trong không gian nguyên sơ để đối thoại với những tượng nhà mồ, và đóng một chiếc khố rồi cùng nhau nhảy múa để tìm lại diện mạo của mình trong buổi hồng hoang. Và từ trong sâu thẳm, hãy lắng nghe cồng chiêng ngân lên những âm thanh vĩnh cửu của đại ngàn... “ - ngành VHTT Đắk Lắk đã phát đi thông điệp giàu hình ảnh về ngày hội đang đến gần. Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007, khai mạc lúc 20h tối nay 21-9 tại TP Buôn Ma Thuột với chủ đề: “Cuộc trò chuyện vĩnh cửu từ đại ngàn”. Theo ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, liên hoan này nhằm tôn vinh và quảng bá rộng rãi giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên và tiếp tục giới thiệu cho mọi người hiểu sâu hơn, tường tận hơn về giá trị của văn  hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ông Hoàng Chuyên, Phó Giám đốc Sở VHTT Đắk Lắk khẳng định rằng Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 là những ngày hội cồng chiêng lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của gần ba chục đoàn cồng chiêng thuộc 20 dân tộc anh em, từ dân tộc Mường (Hòa Bình), Bru, Vân Kiều (Quảng Nam), đến H’Rê, Kor (Quảng Ngãi,) Chăm Roi (Bình Định), cho đến dàn ngũ âm của người Khơ-me ở Sóc Trăng. Chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk đã có hàng trăm đội chiêng trẻ, lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng  tham gia liên hoan này.

 

Đêm khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007 sẽ rất ấn tượng với các màn biểu diễn sôi động, trong đó tiết mục ấn tượng nhất là màn hòa tấu cồng chiêng và dàn nhạc đệm. Nhạc sĩ Nguyễn Cường giải thích ý tưởng kết hợp thú vị này: “Trước đây người ta thường thấy dàn nhạc cồng chiêng chơi riêng, hoặc thưởng thức hình thức hát cùng dàn nhạc chiêng. Lần này, chúng tôi muốn dàn dựng dàn nhạc chiêng như một thành phần của một dàn nhạc lớn. Đó là bản hòa tấu được tạo bởi 27 chiếc chiêng đánh và dàn nhạc giao hưởng, với tinh thần hết sức bài bản, hàn lâm. Đây thực sự là bản giao hưởng và như một cuộc đối thoại giữa văn hóa cổ xưa và nền văn minh thế giới”.

 

Theo nghệ sĩ Nguyễn Đức Hải - Tổng đạo diễn, 4 đêm của liên hoan diễn ra theo 4 chủ đề khác nhau: Đêm thứ nhất có chủ đề Rừng già, phô diễn giá trị cồng chiêng luôn gắn với Tây Nguyên nguyên sơ và hùng vĩ, một đêm Khan đích thực không thể thiếu Trường ca Đăm San nổi tiếng của vùng đất Tây Nguyên. Đêm thứ hai là Huyền diệu, đêm thứ 3 là Âm vang Tây Nguyên và đêm thứ tư là Bay lên cánh chim mặt trời. Đêm nào của liên hoan cũng có các màn biểu diễn cồng chiêng sôi động.  NSƯT Vũ Lân - Phó Chủ tịch thường thực Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk, Phó tổng đạo diễn Liên hoan nói: “Chúng tôi muốn phục dựng lại sinh hoạt, môi trường gắn bó với cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hay nói một cách khác là tạo ra môi trường, không gian cồng chiêng đích thực. Đó là rừng, là những lễ hội, những nghi thức cúng lễ, các hoạt động chế tác, sản xuất nhạc cụ, bí quyết chỉnh âm cho các dàn chiêng... Đặc biệt, chúng tôi sẽ tìm cách tái hiện lễ hội voi, nét sinh hoạt nổi bật của người Đắk Lắk, trong đó có những lễ cúng cho voi, lễ cúng cho người thợ săn voi tài giỏi nhất vùng, rồi cúng cho chủ voi, nài voi, thậm chí cả những lễ cưới cho voi”. 

 

 Một hình thức lễ hội mới được thể hiện tại Festival lần này là Lễ hội đường phố. Du khách trong và ngoài nước đến với lễ hội không chỉ được chiêm ngưỡng nét độc đáo mà còn được hòa mình vào bầu không khí sôi nổi lạ thường của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Người nước ngoài, người các vùng miền khác đến Đắk Lắk sẽ được biết một Tây Nguyên không chỉ có chiêng đồng mà còn có chiêng tre, chiêng nứa. Trên đường phố, những nghệ nhân Tây Nguyên thể hiện nghệ thuật chế tác các bộ chiêng và ở đó, ngay cả du khách cũng có thể cầm dao làm thử. Người Tây Nguyên còn thể hiện nghi thức uống rượu cần, một số lễ cúng đơn giản, trò chơi dân gian, đi cà kheo hoặc nhảy múa cà kheo theo điệu chiêng... dành cho du khách. Trong chương trình Festival, còn có nhiều sân chơi cho giới trẻ: Trường đại học Tây Nguyên, một số công viên là nơi diễn ra loạt hoạt động giống như lễ hội đường phố cho tuổi trẻ. Đây cũng là nơi các đội chiêng trẻ đua tài.

 

Trong khuôn khổ liên hoan còn có trại sáng tác điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên qui tụ nhiều nghệ nhân tài hoa của các dân tộc: Ê-đê, Jơ-rai, Ba-na, Xê-đăng... Hội thảo khoa học với chủ đề “Không gian văn hóa cồng chiêng - Thực trạng tồn tại và giải pháp bảo tồn”, do GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN chủ trì, cũng diễn ra vào dịp này.               

 

 Ảnh : Cồng chiêng, nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên.
Hoa Hạ - HNM