Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
417
122.269.584

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hội ngộ những tài năng chỉnh chiêng Tây Nguyên
Năm đoàn nghệ thuật cồng chiêng và nghệ nhân chỉnh chiêng của các tỉnh: Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Lắc vừa ra mắt các kỹ thuật chỉnh chiêng trong ngày khai mạc lễ hội “Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thứ nhất”.

Lễ hội được tổ chức tại thành phố Pleiku hôm nay, 30-10, do Viện Văn hóa thông tin và UBND tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức.

 

Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ của chương trình hành động quốc gia về nhiệm vụ gìn giữ và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Tổng cộng có 78 nghệ nhân thuộc các dân tộc: Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng, Mạ… tham gia lễ hội. Mỗi đoàn trình diễn một bài cồng chiêng, nghệ nhân chỉnh chiêng sẽ lắng nghe trong dàn diễn tấu ấy có những chiếc chiêng nào lạc điệu, sẽ chọn ra, phân tích, và chỉnh lại cho đúng “nốt” theo thứ tự vị trí trong dàn cồng chiêng.

 

Giám định việc này có năm nghệ nhân là già làng của năm đoàn, ngoài ra còn có các chuyên gia như nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Phạm Minh Khang, NSƯT Vũ Lân, Đào Huy Quyền, NSDN Y Brôm… sẽ tư vấn công nhận cách thao tác chỉnh chiêng của các nghệ nhân.

 

“Đây là cuộc phô diễn kỹ thuật chỉnh chiêng của các nghệ nhân – một công việc tối quan trọng và luôn luôn cần thiết trong các cộng đồng làng dân tộc Tây Nguyên. Hiện nay số nghệ nhân có tài chỉnh chiêng còn rất ít, số đang học nghề cũng không nhiều, và lễ hội này sẽ tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau giữa các dân tộc”, nghệ sĩ Vũ Lân cho biết.

 

Sở dĩ phải có nghệ nhân chỉnh chiêng vì mỗi dàn cồng chiêng khi mới “sắm” đều chưa đúng các cung bậc theo từng vị trí trong dàn cồng chiêng. Thao tác chỉnh chiêng còn được gọi là “lên dây chiêng” theo lối hình dung so dây đàn trước khi sử dụng.

 

Cũng có những trường hợp dàn cồng chiêng đánh lâu ngày bị lạc điệu, âm thanh bị trượt lên cao hoặc chùng xuống thấp, cũng cần chỉnh lại.Tuy nhiên, một người muốn học nghề chỉnh chiêng cũng phải có thâm niên đánh cồng chiêng (để thẩm âm) khoảng 20 - 30 năm.

 

Lễ hội kéo dài đến ngày 31-10.

Nghệ nhân K’Chung (Lâm Đồng) đang chỉnh chiếc chiêng bị lệch âm - Ảnh: L.Điền

LAM ĐIỀN - TTO
Tin tức khác