Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
677
123.248.710

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chợ mồi
Ở thị trấn Duyên Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có một cái chợ mà ở đó chỉ bán duy nhất mặt hàng hến biển cho tôm ăn. Người ta gọi đó là... chợ mồi.
Chúng tôi có mặt tại chợ mồi vào lúc 5 giờ sáng. Đó là một khu chợ tọa lạc trên bãi đất trống khoảng 2.000 m2 cặp bờ sông Long Toàn, cách chợ thị trấn Duyên Hải chừng 200 m. Xa xa chỉ thấy tờ mờ hàng trăm túp lều nhựa được căng san sát nhau. Chỉ vài phút sau, một chiếc xe tải từ Quốc lộ 53 rẽ trái rồi chạy thẳng vào hướng chợ mồi kèm theo loạt còi báo hiệu, ánh đèn điện từ những túp lều thi nhau bật sáng cả một góc trời. Giọng một phụ nữ vang lên: “Hàng tới rồi mấy bà ơi!”.

Cứ cách vài phút lại có một chiếc xe tải chạy thẳng vào chợ mồi. Trên mỗi xe đều chở đầy ắp hến biển còn tươi rói. Không khí càng nóng dần lên khi có sự trao đổi giữa các thương lái và chủ hàng: “Giá mồi hôm nay bao nhiêu một giạ?”. “Cao hơn hôm qua 2 phân (2.000 đồng)!”. Và cứ như thế, chỉ trong nháy mắt, lượng hến biển cả tấn trên mỗi xe nhanh chóng được hàng trăm bạn hàng chia nhau đóng vào bao rồi cho đội ngũ bốc vác mang về lều của mình để chuẩn bị buổi chợ mới.

Đi 100 m hết 1 giờ !

6 giờ sáng. Những túp lều kín bít được các thương lái tháo dỡ 4 phía, chỉ để lại phần mái để che nắng, mưa. Lúc này, tiếng rao bán mồi ngọt lịm của các nữ thương lái bắt đầu vang lên. Từ dưới sông, ghe xuồng của người đi mua mồi cũng từ từ neo vào bờ. Người xách giỏ, mang thúng; kẻ vác bao tiến lên chợ mồi trông cứ như một đoàn quân. Vừa đi, họ vừa chào hỏi nhau như thân quen tự thuở nào. “Tôm của anh được mấy tháng rồi? Chắc năm nay trúng mánh nữa chứ gì? Số anh “đỏ” thật”! Trong vòng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, cả khu chợ mồi đã tràn ngập người với người. Anh Trần Văn Mười (xã Long Hòa, huyện Châu Thành) vừa “thoát” ra được từ dòng người đông nghẹt, nói bằng giọng hổn hển: “Hôm nay như vầy là ít người đi mua mồi rồi đấy, chứ mỗi khi vào vụ tôm (khoảng tháng 3- 4), thì khu chợ này cứ như... cá mòi hấp”. Chị Hoa, một người bán nước giải khát, diễn tả: “Ở đây lúc nào cũng vậy, xe cộ ầm ì trên bờ, tàu ghe tấp nập dưới sông. Nếu vào mùa tôm sú rộ và trúng, khu chợ này hoạt động 24/24 giờ. Từ đầu đến cuối chợ chưa đầy 100 m, nhưng nếu vào giờ cao điểm thì chen chân được vào giữa chợ phải mất không dưới một tiếng đồng hồ”.

Một ngày lời 400.000 đồng

Chợ mồi không chỉ bán cho người nuôi tôm của huyện Duyên Hải và các vùng lân cận trong tỉnh Trà Vinh, mà còn bỏ mối cho bạn hàng đến từ tỉnh Sóc Trăng. Chị Phát, một bạn hàng ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nói: “Phong trào nuôi tôm ở quê tôi mới phát triển nên chưa có chợ mồi. Mặc dù có nhiều loại thức ăn công nghiệp để nuôi tôm, nhưng do hến biển là mồi giúp tôm sinh trưởng tốt nhất nên ngày nào vợ chồng tôi cũng sang đây lấy hến biển về bán lại cho bà con để kiếm lời từ 400.000 - 500.000 đồng”. Thu nhập cao là thế, nhưng hầu hết các thương lái tại chợ mồi đều cho rằng công việc của họ không phải lúc nào cũng “ngon ăn”. Trước đây, chị Hoa cũng từng là thương lái nổi tiếng ở khu chợ mồi, nhưng bây giờ phải chuyển nghề (bán nước giải khát) vì hết vốn. Chị nói: “Khi chợ mồi mới được thành lập, cả người mua lẫn người bán đều không biết muốn giữ hến biển được sống lâu thì phải ướp thêm một lượng nước đá vừa phải. Do đó, nếu hôm nào bán không hết hàng thì coi như thương lái chỉ còn biết đem hến ra đổ xuống sông vì mồi đã bị trương thối. Đấy là lý do khiến tôi và một số thương lái khác phải sập tiệm”.

Theo Ban Quản lý chợ huyện Duyên Hải, chợ mồi Duyên Hải được hình thành từ năm 1992, khi phong trào nuôi tôm của ngư dân vùng Duyên Hải hình thành và phát triển. Ban đầu chợ này nằm chung với chợ truyền thống của thị trấn và chỉ nhóm mỗi mùa chừng vài ba tháng, nhưng sau đó phải di dời sang địa điểm hiện nay vì nhu cầu mua bán của chợ ngày càng tăng. Hiện nay, mỗi ngày có từ 8 đến 10 xe tải (mỗi xe chở 6 tấn) và từ 3 đến 4 ghe (mỗi ghe khoảng 2 tấn) chở hến biển từ Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang... đến bán tại chợ mồi Duyên Hải. Lúc cao điểm có trên 20 xe tải mỗi ngày. Giá hến biển trung bình khoảng 60.000 đồng/giạ, vào vụ tôm thì lên đến 150.000 đồng/giạ. Hoạt động của chợ diễn ra từ 5 giờ sáng đến 20 giờ tối.

Không đất, ra chợ bốc vác

Chợ mồi ra đời, những tổ bốc vác hình thành. Người làm nghề bốc vác thường là lao động nghèo, không đất canh tác đến từ các xã trong huyện Duyên Hải và có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Những tổ trưởng tổ bốc vác đều là thương binh. Anh Đặng Văn Phương, một trong những tổ trưởng tổ bốc vác, bộc bạch: “Lúc cao điểm, chợ mồi có hàng chục tổ bốc vác; mỗi tổ khoảng 15 người. Thu nhập bình quân mỗi ngày cho một lao động khoảng 80.000 - 100.000 đồng/người. Nếu người nào “bắt” được mối quen làm thêm thì có số tiền sẽ tăng lên”.

Hiện nay, phong trào nuôi tôm sú ở Trà Vinh phát triển mạnh đến các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành... Cho nên, chợ mồi cũng đã xuất hiện nhiều điểm ở các xã của huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang. Anh Phạm Ngọc Đức, một hộ nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang, nói: “Những người đi chợ mồi còn tranh thủ trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi hay chỉ cho nhau việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để công việc nuôi tôm ngày càng đạt hiệu quả cao hơn”.

Sơn Đông - Theo người lao động
Tin tức khác