Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
349
122.268.783

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thúy Kiều trên sân khấu Tây Ban Nha
Lần đầu tiên có một vở kịch chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được dựng trên sân khấu nước ngoài bởi chính các nghệ sĩ trẻ hai nước Tây Ban Nha (TBN) và Việt Nam (VN). Đó là Kieu: Historia de Agua (tạm dịch: “Kiều: Câu chuyện dòng nước”). Vở diễn đã ra mắt khán giả TBN những suất diễn đầu tiên tại nhà hát tuyệt đẹp ở thành phố cổ Toledo.

Nhiều sáng tạo trong dàn dựng

 

Vở diễn được dựng theo hình thức sân khấu đương đại và sử dụng ngôn ngữ kịch hình thể là chủ yếu. Lời thoại điểm xuyết rất ít.

 

Nhân vật sư Giác Duyên trở thành người dẫn chuyện. Kiều do Ngọc Vân, Sở Khanh và Từ Hải do Hoài Nam, Kim Trọng và Hồ Tôn Hiến do Hoàng Tùng đảm trách. Ba nhân vật: Tú Bà, Bạc Bà, Mã Giám Sinh đều do một diễn viên Tây Ban Nha đảm nhiệm. Hoạn Thư, Thúc Sinh, Giác Duyên do các diễn viên Tây Ban Nha thể hiện.

 

Một số bài dân ca VN trở thành nhạc nền của vở diễn cùng với các ca khúc TBN. “Khi những giai điệu hát ru “À, ơi… Con cò mà đi ăn đêm…” vang lên cùng với lời ru bằng tiếng Tây Ban Nha, nghe vừa lạ lẫm nhưng vẫn thân thương và xao xuyến lòng người…”, diễn viên Hoàng Tùng tâm sự.

 

Anh cho biết thêm: “Vở diễn không cố định nhân vật từ đầu đến cuối. Ngoài thể hiện nhân vật, có lúc các diễn viên VN đứng chụm vào hát như tốp ca trong các vở kịch cổ điển. Cách xử lý sân khấu nghiêng về biểu tượng nên đem lại những xúc cảm đẹp và những hình ảnh ấn tượng. Nhiều người xem đã khóc vì xúc động”.

 

Các phương tiện truyền thông ở TBN đều quan tâm đưa tin, bài về vở diễn. Ba diễn viên VN được các đài phát thanh và truyền hình phỏng vấn. Dự kiến, vở sẽ “tái hồi” khán giả Hà Nội và TPHCM vào tháng 5-2008.

 

Sức quyến rũ kỳ lạ của Truyện Kiều

 

Chủ nhiệm dự án là chị Marian, 31 tuổi, người Tây Ban Nha. Từ một đề tài nghiên cứu về Truyện Kiều, chị sang VN, cất công tìm kiếm tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tìm đọc cả nguyên tác Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) và nghiên cứu cả văn hóa dân gian xứ Nghệ. Có dịp tiếp xúc với chị, NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ) nhận xét, Marian thuộc làu từng câu Kiều và đọc diễn cảm còn hơn cả nhiều người VN mê Truyện Kiều.

 

Khoảng giữa năm 2006, sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu, chị đứng ra vận động và sáng lập Hội Những người yêu Truyện Kiều tại Tây Ban Nha. Hiện nay, số lượng hội viên là hơn 20 người. Ấp ủ ý tưởng từ năm 2004 với những chuyến đi về như thoi giữa VN và TBN, nhưng mãi đến giữa năm 2007, Marian mới bắt đầu xúc tiến dự án.

 

Sau khi khảo sát một số nhà hát ở Hà Nội, Marian quyết định bắt tay với Đoàn kịch Thể nghiệm - Nhà hát Tuổi Trẻ. Chị trực tiếp tuyển chọn ba diễn viên là Hoàng Tùng, Hoài Nam và Ngọc Vân. Đầu tháng 10, họ có mặt ở TBN và bắt đầu chuỗi ngày tập luyện, 7 giờ mỗi ngày và liên tục trong hơn một tháng.

 

Các diễn viên được đưa đến ngôi làng nhỏ yên tĩnh là Numancia de La Sagra, cách thủ đô Madrid khoảng 70 km, để tập trung tập luyện. Các nghệ sĩ trẻ nhanh chóng làm quen nhau, nhưng khác với các diễn viên VN thuộc quân số của nhà hát thì các diễn viên TBN là diễn viên tự do và tham gia dự án thông qua một cuộc tuyển lựa.

 

Đạo diễn Julian Fuentes, cũng rất trẻ, 31 tuổi và tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn sân khấu ở Úc. Khi nhận được lời mời dựng vở, dù đang bận bịu với các dự án sân khấu ở Mỹ, nhưng anh bị Kiều… mê hoặc và thu xếp bay sang VN.

 

Sau đó, anh dành gần hai năm tìm hiểu về đất nước và con người VN, tìm đọc các tài liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Được sự “tiếp sức” của chị Marian, anh chuyển các câu Kiều thành lời thoại kịch. Theo nhận xét của các diễn viên VN tham gia dự án này, đạo diễn khá am hiểu về văn hóa VN cũng như về truyện Kiều. Lấy tên vở kịch là Kiều: Câu chuyện dòng nước, anh muốn gửi gắm những trăn trở về cuộc đời đầy biến động của nàng Kiều trong suốt 15 năm trời…

 

Đã có nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu, tái dựng cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của Kiều, nhưng đây là lần đầu tiên một đạo diễn nước ngoài tiếp cận với đề tài này nên được khá nhiều người kỳ vọng đem đến sự mới mẻ.

 

Có lẽ đây là lời đáp chân tình nhất của thế hệ 300 năm sau với cụ Nguyễn Du, “thiên hạ hà nhân khốc Tố Như” (thiên hạ ai người khóc Tố Như), vì cả những người trẻ ở trời Tây giờ đây vẫn tìm đến với Truyện Kiều để chia sẻ với những câu thơ tuyệt tác giàu tính nhân văn mà thi hào để lại…

 

Một cảnh trong vở “Kiều: Câu chuyện dòng nước”.

Hoàng Thắng - SGGP