Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.738 tác phẩm
2.756 tác giả
329
122.268.266

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhà thơ của "Trường Sơn đông Trường Sơn tây" đã ra đi
Sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo ung thư phổi, tác giả của những vần thơ về Trường Sơn, một thời đạn bom - nhà thơ Phạm Tiến Duật - đã ra đi vào sáng nay (4-12). Phạm Tiến Duật sinh ngày 14 tháng 1 năm 1941, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Trong thời gian này, ông sáng tác rất nhiều tác phẩm và để lại nhiều bài thơ nổi tiếng đặc biệt là Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Thơ của ông là tiếng nói ca ngợi tình yêu, tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước với giọng điệu sôi nổi lạc quan có chút gì đó tinh nghịch nhưng cũng rất sâu sắc.

 

Phạm Tiến Duật đã xuất bản rất nhiều tập thơ như Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970); Thơ một chặng đường (thơ, 1971); Ở hai đầu núi (thơ, 1981); Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983); Nhóm lửa (thơ, 1996); Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997). Và mới đây bạn bè của ông đã kịp hoàn thành Tuyển tập Phạm Tiến Duật như là món quà cuối cùng tặng cho một người sống chết với thơ như ông. 

 

Năm 1970, Phạm Tiến Duật đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ. Năm 2001 ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đặc biệt là bài thơ Cô bộ đội ấy đã đi rồi của ông đã được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Phạm Tiến Duật cũng là người dẫn chương trình Dành cho người cao tuổi của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=7151&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=1471

 

Cô bộ đội ấy đã đi rồi

 

Cô bộ đội ấy đã đi rồi 

Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy

Em gái đi, các anh ở lại

Biết đến bao giờ mới được gặp nhau

 

Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu

Để hun hút nhớ nhau biền biệt

Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết

Xa nhau như xa nhau hôm nay

 

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay

Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá

Anh biết rồi bao nhiêu vất vả

Tháng năm dài cùng nhau đi qua

 

Để sáu bảy năm em gái xa nhà

Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói

Cả một thời trẻ trung sôi nổi

Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa

 

Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già

Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát

Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát

Con chó vàng cọ chân em đòi ăn

 

Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm

Căn nhà dột tóc em ướt hết

Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết

Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ

 

Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ

Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển

Biển Đông thì xa, biết ta nhìn chẳng đến

Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe

 

Trưa vác gạo ta dừng bên khe

Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó

Bên những thằng người áo quần loang lổ

Bóng em lồng bóng suối trong veo

 

Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào

Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước

Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc

Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè

 

Đến chào anh sáng mai em đi

Như ngày nào chào bà con hàng xóm

Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn

Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay

 

Rồi ngày mai xa vắng nơi đây

Em lại có bao nhiêu đồng đội mới

Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi

Là nhân dân đoàn tụ muôn đời

 

Cô bộ đội ấy đã đi rồi.

 

Trường Sơn đông, Trường Sơn tây

 

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Ðường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.

 

Một dãy núi mà hai màu mây

Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc

Như Ðông với Tây một dải rừng liền.

 

Trường Sơn tây anh đi, thương em

Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo

Muỗi bay rừng già cho dài tay áo

Rau hết rồi, em có lấy măng không.

 

Em thương anh bên tây mùa đông

Suối khe cạn bướm bay lèn đá

Biết lòng anh say miền đất lạ

Chắc em lo đường chắn bom thù

 

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa

Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ

Em xuống núi nắng về rực rỡ

Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.

 

Ðông sang tây không phải đường thư

Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo

Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo

Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.

 

Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đoàn quân, trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận

Ðông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn.

 

Ảnh : Nhà thơ Phạm Tiến Duật 

T.Huệ - TTO