Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
672
123.248.683

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đọc "Dương Quang Đông xuyên Tây": Mưu trí, sáng tạo
Độc giả cả nước đã biết đến nhà văn Nguyên Hùng qua một số tác phẩm nổi tiếng từ nhiều chục năm qua, trong đó nổi bật là "Người Bình Xuyên" (được dựng thành phim nhiều tập), "Công tử Bạc Liêu",... Với lối văn giản dị, dí dỏm, đặc sệt Nam bộ, lợi thế tư liệu ngồn ngộn, cùng "cái duyên già" mà nhà văn Nguyên Hùng đã đạt được kết quả như thế. Vẫn với những ưu điểm đó, Nguyên Hùng vừa gởi đến bạn đọc quyển "Dương Quang Đông xuyên Tây" (NXB Trẻ, tháng 9-2004), là 1 trong bộ 5 quyển có nhan đề chung "Nam bộ kháng chiến chí" (các quyển khác là: "Tà Lài tụ nghĩa", "Ung Văn Khiêm - anh Ba Nội vụ", "Nguyễn Bình - huyền thoại và sự thật", "Mười Trí - đệ nhất giang hồ - cách mạng").

Là một nhà văn chuyên viết về con người và sự kiện Nam bộ thế kỷ 20, nên với "Dương Quang Đông xuyên Tây", Nguyên Hùng hấp dẫn người đọc ngay từ những dòng đầu. Tác giả đã dẫn dắt người đọc theo suốt cuộc đời đầy gian khổ của cậu bé hiếu học nhưng chê nghề "cạo giấy" (làm thơ ký), ghét Tây Dung Văn Phúc (tên Dương Quang Đông trong giấy khai sanh) ở ấp Mỹ Cẩm, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Chính với những tư tưởng ấy mà mỗi ngày Dương Quang Đông mỗi tiếp cận gần hơn với cách mạng. Mê Hai Thắng (Tôn Đức Thắng) kéo cờ đỏ trên Biển Đen, cậu theo Công hội Đỏ... Bị bắt đày lên Tà Lài, ở giữa rừng, cậu vẫn cùng các bạn tham gia khởi nghĩa, vượt ngục để tái tạo cơ sở cách mạng... Nhưng công tác nổi bật nhất, đáng nhớ nhất của Dương Quang Đông là mở đường vượt biển sang Xiêm (Thái Lan) để mua súng đạn đem về đánh Tây. Đây là vấn đề sống chết phải giải quyết ngay của cách mạng nước ta, được ba đồng chí: Vũ Đức (Khu trưởng Khu 9), Phan Trọng Tuệ (Chánh trị Bộ Ủy viên Khu 9) và Phạm Thái Bường thảo luận sôi nổi mới đi đến thống nhất. "Năm Đông (Dương Quang Đông) được Tuệ (Phan Trọng Tuệ) chỉ định công tác này. Theo lịnh ông Tuệ, đồng chí Nguyễn Văn Xô giao 25 ký vàng cho Năm Đông đi mua súng", với các yêu cầu: "1/ Dựa vào Việt kiều, vận động nhân dân và Chánh phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ta. 2/ Mở đường biển rồi sau đó mở đường bộ từ Thái Lan tới Nam bộ ngang qua Campuchia để đưa võ khí về. 3/ Vận động và tổ chức nhân dân Campuchia làm cách mạng giải phóng dân tộc. 4/ Mở mặt trận thứ hai đánh Pháp trên đất bạn. 5/ Bốn nhiệm vụ trên phải được tiến hành theo nguyên tắc triệt để bí mật" (tr. 70). Và "chiều ngày 20-2-1946, chờ máy bay và tàu chiến địch quay về căn cứ nghỉ ngơi, chiếc ghe cửa kéo buồm lìa kinh Biện Nhị (Cà Mau) giữa sự chia tay lưu luyến của các đồng chí và đồng bào địa phương" (tr. 71), bắt đầu cho con đường xuyên Tây độc đáo. Sau đó, trên xứ người, Dương Quang Đông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầy khó khăn, bất trắc và hết sức nguy hiểm bằng mưu trí, sáng tạo của một tấm lòng yêu nước nồng nàn. Hơn thế nữa, để có thêm tiền mua súng đạn song song với cung ứng cho nhu cầu hoạt động của cả nhóm trên đất Thái Lan, Dương Quang Đông còn hoạt động kinh tài. Đáng kể là Dương Quang Đông đã được Đảng Cộng sản Malaysia giúp 150 tấn võ khí, "với chuyến sang Mã Lai nhận võ khí cho cả ba nước Đông Dương, đường xuyên Tây trở nên vô cùng quan trọng. Lộ trình nới rộng, số lượng nhân lên" (tr. 116). Từ đó, chiến trường miền Nam liên tiếp lập được nhiều chiến công. Thành quả đó khiến "Đảng Cộng sản Mã Lai gởi bốn đồng chí qua Nam bộ học chiến tranh du kích" (tr. 130). "Năm 1948, đường xuyên Tây còn có nhiệm vụ đưa rước các đồng chí ra Trung ương hoặc từ Trung ương vô Nam như các đồng chí Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Phan Trọng Tuệ, Trần Công Tường..." (tr. 147)... Và đường xuyên Tây là tiền thân của con đường Hồ Chí Minh trên biển sau này.

Với 220 trang, "Dương Quang Đông xuyên Tây", Nguyên Hùng đã đưa độc giả đi từ thú vị này đến kinh ngạc nọ về sự mưu trí, quả cảm của những con người chỉ có lòng yêu nước sâu đậm mới "dám nghĩ, dám làm" như thế. Và họ đã sống xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao phó.

Theo tâm sự của nhà văn già ở tuổi 78, cùng với bộ "Nam bộ kháng chiến chí", Nguyên Hùng còn cho ấn hành bộ "Giang hồ liệt truyện" (4 tập: 1/ "Người Bình Xuyên", 2/ "Bảy Viễn, thủ lĩnh Bình Xuyên", 3/Thi tướng chiến khu xanh", 4/ "Công tử Bạc Liêu") và chân dung của mình qua 2 tập: "Chiến khu Đ của tôi" và "Chém vè giữa làng báo Sài Gòn".

Tùng Nguyên - Theo Báo Cần Thơ
Tin tức khác
Chợ mồi (04.11.2004)