Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
548
123.247.396

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Văn học viết về chiến tranh cách mạng: Một cuộc hội ngộ
Theo lệ, 5 năm một lần, Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Năm nay, giải được xét tặng nhân dịp 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN nên mang ý nghĩa đặc biệt. Ban giám khảo đang ráo riết làm việc để chọn những tác phẩm xứng đáng nhất để trao giải. Chúng tôi đã trao đổi với nhà văn Nguyễn Trí Huân, trưởng ban và các thành viên là những nhà văn, nhà thơ trong ban giám khảo.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân

- Với cương vị là trưởng ban giải thưởng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính của Bộ Quốc phòng, ông có nhận xét gì về đợt xét giải lần này?

- Giải thưởng lần này vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quân đội, nên mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có nhiều tác phẩm được viết giữa gạch nối hai thế kỷ, nhà văn có độ lùi cần thiết để suy ngẫm về những sự kiện trong hai cuộc kháng chiến và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ có các nhà văn đã và đang mặc áo lính mà nhiều người cũng viết về đề tài này. Điều đó khẳng định, mảng đề tài về hai cuộc chiến tranh cứu nước và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đã và đang thu hút bút lực các nhà văn chúng ta.

Nhiều tác phẩm viết về một chiến trường, một chiến dịch cụ thể như nhà văn Trần Văn Tuấn viết về ngành hậu cần ở chiến trường miền Đông Nam bộ, nhà thơ Lê Thị Mây viết về nhân dân vùng miền Trung trong chiến tranh, Trần Mạnh Hảo viết về chiến dịch Điện Biên Phủ...

Nhìn chung, các tác giả đã tự đổi mới trong bút pháp thể hiện. Nhiều tác phẩm ngay khi mới ra đời đã được dư luận bạn đọc chú ý. Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính đã và đang được các nhà văn khai thác trên nhiều bình diện, chúng ta hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm hay phản ánh được tầm vóc chiến thắng của dân tộc ta.

- Thời gian gần đây, đã có sự xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết hay, được bạn đọc chú ý. Các nhà văn sau một thời gian tích lũy vốn sống, thể hiện hiện thực qua thể tài truyện ngắn, ký, đã viết thể loại được coi là chủ lực của nền văn học, đó là tiểu thuyết. Qua giải lần này, anh có thấy điều đó không?

- Đúng vậy, đã xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết được bạn đọc chú ý. Cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn tổ chức, cuộc vận động viết tiểu thuyết sử thi do Bộ Quốc phòng đầu tư, bước đầu đã có những tác phẩm có chất lượng. Tiểu thuyết có thể phản ánh mảng hiện thực lớn và tính cách nhân vật cũng đa dạng, điều đó luôn thách thức các nhà văn.

Nhà thơ 
Lê Thành Nghị

- Là người được phân công theo dõi tác phẩm thơ, anh nhận định ra sao về các tập thơ dự giải đợt này?

- Đã có 40 tập thơ, trong đó có 13 trường ca tham dự giải thưởng đợt này. Nhìn chung, các tác giả rất trân trọng, dành nhiều tâm huyết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Nhưng tạo được sự đột biến về đề tài này còn phải phấn đấu lâu dài, đòi hỏi sự cố gắng của các tác giả. Qua lựa chọn bước đầu có 10 tập có thể đưa vào chung khảo.

- Gần đây, nhiều người làm thơ, nhất là người viết trẻ, có khuynh hướng đổi mới thơ. Qua cuộc xét giải lần này, anh nghĩ gì về điều đó?

- Đổi mới cách viết là nhu cầu cấp thiết của người sáng tác. Nhưng cần đổi mới, sáng tạo trên nền móng của văn hóa, văn học dân tộc, có như vậy mới tránh được sự bắt chước thô thiển. Qua các tập thơ chúng tôi được đọc, đã thấy có sự đổi mới, tuy vậy số lượng chưa nhiều.

Nhà văn Khuất Quang Thụy

- Là thành viên của ban giám khảo, anh thấy các tác phẩm dự giải lần này thế nào?

- Riêng về mảng văn xuôi, theo tôi tương đối khá, đề tài phong phú, nhiều tác giả mô tả trực tiếp chiến đấu, có tác giả viết về hậu phương người lính. Đã có nhiều tác giả bứt phá khỏi lối mòn lâu nay. Nghề văn, vượt lên chính mình là điều rất đáng hoan nghênh.

Trợ lý văn học toàn quân 
Bùi Thanh Minh

- Là người được phân công theo dõi mảng văn học chiến tranh cách mạng và người lính, anh thấy số lượng, chất lượng tác phẩm dự giải lần này khác với các lần trước ra sao?

- Giải thưởng lần này có 165 tác phẩm khắp cả nước tham dự. Đó là số lượng rất lớn mà các lần trước chưa từng có. Điều này cho thấy, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính được đông đảo nhà văn, nhà thơ sáng tác, đó là điều đáng mừng. Đây là đợt tập hợp lực lượng lớn, thể loại tiểu thuyết, trường ca nhiều hơn lần trước, chất lượng văn học tương đối cao, nhiều tác giả như Trần Văn Tuấn, Lê Thị Mây,Nguyễn Đức Mậu...đã có sự đổi mới trên phương diện bút pháp.

Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh có khá nhiều tác phẩm tham dự giải. Đặc biệt lần này một số tác phẩm do Bộ Quốc phòng đầu tư có thể dự giải. Điều yếu nhất là mảng sách lý luận phê bình quá ít, chỉ có 2 tác phẩm tham gia. Có lẽ qua đây cũng phản ánh được phần nào tình trạng lý luận văn học của chúng ta hiện nay. 

Nguyễn Anh Dường - Theo SGGP Online
Tin tức khác
Chợ mồi (04.11.2004)