Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
569
123.247.646

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Các tác phẩm đoạt giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội
Tiểu thuyết Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), các tập thơ Tháp cúc (Trần Quốc Thực) và Những con ngựa đêm (Nguyễn Việt Chiến), tập tiểu luận phê bình Vọng từ con chữ (Nguyễn Đăng Điệp) và bản dịch tiểu thuyết Cuộc đời của Pi của Yann Martel (Trịnh Lữ) vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2003-2004.

Tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo là sự kết hợp giữa kiến thức chính sử với dã sử, những giai thoại, huyền tích dân gian hòa trộn với trí tưởng tượng của nhà văn... Tất cả đã tạo nên bức tranh sống động về một giai đoạn trong triều Lý, vừa hiện thực vừa huyền ảo.

Tác giả Võ Thị Hảo đã có cuộc bứt phá khi rẽ ra khỏi lối đi đã quen chân với chính mình, tạo ra những tầng suy tư không bằng phẳng, một giọng điệu tự nhiên và bình dị hơn.

Tất nhiên cuốn tiểu thuyết còn gây ra đôi chút băn khoăn về cấu trúc và giọng văn đây đó vẫn còn hơi hướng lâm ly, nhưng qua Giàn thiêu, độc giả có quyền chờ đợi nhiều hơn ở những tác phẩm tiếp theo của nhà văn Võ Thị Hảo.

Tập thơ Tháp cúc của Trần Quốc Thực gây được nhiều thiện cảm bởi một giọng thơ riêng, một cuộc độc thoại triền miên, trầm sâu và tinh tế.

Thơ của anh luôn được chắt lọc tinh giản đến mức kiệm lời, bởi thế những bài thơ nhỏ lại có sức nén lớn và hiệu quả lay động thấm thía.

Mặt khác, giọng thơ thành công của Trần Quốc Thực lại vẽ ra chân dung một hồn thơ mong manh, nhẫn nhược mà nếu có thể, cần được gia cố bằng bản lĩnh khỏe khoắn của kẻ sĩ.

Tập thơ Những con ngựa đêm của Nguyễn Việt Chiến lại lôi cuốn độc giả bằng giọng điệu khác hẳn, cả một dòng chảy chữ nghĩa ào ạt, đam mê, đến mức nhiều khi tưởng như không biết hướng chảy và điểm dừng.

Thơ Nguyễn Việt Chiến ở tập này vẫn tài hoa và mạnh mẽ, có chịu ảnh hưởng phần nào sự vang động từ thế sự, đồng thời lại cũng thoát lên trong những cảm xúc khá trừu tượng.

Tập tiểu luận phê bình văn học Vọng từ con chữ của Nguyễn Đăng Điệp được chú ý ở bản lĩnh khi không chọn những đối tượng và đề tài quá vãng và an toàn.

Nguyễn Đăng Điệp có được cách thức khá hữu hiệu để tiếp cận tác giả tác phẩm và xử lý bằng những phương pháp cập nhật. Nhà phê bình đã tìm cách để hiểu và lý giải đối tượng như một thực thể đã tồn tại, mà không áp đặt quan niệm hạn hẹp cá nhân - một nét không dễ có trong nhiều người làm phê bình hôm nay. Đồng thời Nguyễn Đăng Điệp cũng tránh được lối phê bình sách vở, hoặc "báo chí hóa" bằng cách xử lý vội với ngôn ngữ "sinh hoạt".

Vọng từ con chữ theo một xu hướng phê bình văn học đáng khích lệ: đi thẳng vào những vấn đề đương đại, mặc dù cuốn sách vẫn còn gây phân vân ở giọng điệu hơi bình lặng, ở thao tác đôi lúc "bài bản", ảnh hưởng tới sự bay bổng cần thiết.

Bản dịch của Trịnh Lữ cuốn tiểu thuyết Cuộc đời của Pi nhận được đánh giá tốt, so với nhiều cuốn sách dịch khác. Dịch giả đã chọn được cuốn sách đích đáng để dịch (giải thưởng Booker 2002), và đã chứng tỏ có vốn văn hóa phương Đông, những hiểu biết về đô thị, về con người và động vật, về đại dương... để chuyển dịch một cuốn sách khó.

Không thể tránh khỏi một số khái niệm chưa thật chính xác, một số nhầm lẫn nhỏ có thể sửa chữa cho lần tái bản sau này. Nhưng Cuộc đời của Pi vẫn là bản dịch được Việt hóa khá nhuần nhuyễn sau khi dịch giả đã làm chủ được ngôn ngữ trong nguyên bản.

Bên cạnh những tác phẩm đoạt giải trên, một số tác phẩm khác cũng được xem xét và đánh giá cao như Thiên thần sám hối (tiểu thuyết của Tạ Duy Anh), Ba đỉnh cao Thơ Mới (tập phê bình của Chu Văn Sơn)...

- Theo Tiền Phong
Tin tức khác
Chợ mồi (04.11.2004)