Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
470
123.291.284

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Quản lý tập thể quyền sao chép: Chìa khóa để thực thi Công ước Berne
Không đơn giản chỉ cần ký vào Công ước Berne là tài sản trí tuệ của các tác giả sẽ được tôn trọng. Để thực hiện được điều này đòi hỏi theo đó là hàng loạt công việc về quản lý, luật pháp. Trong đó việc quản lý tập thể quyền sao chép được xem là biện pháp khả thi nhất để bảo vệ quyền tác giả theo tinh thần Công ước Berne.

Sự lựa chọn tất yếu

Theo ông Franziska Schulze, Phó Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép (IFRRO) thì tổ chức quản lý tập thể được ra đời nhằm khắc phục tình trạng: người có bản quyền khó kiểm soát được việc sử dụng tác phẩm của mình do liên quan đến nhiều người dùng khác nhau hoặc nhà kinh doanh không có điều kiện tìm mua bản quyền từ nhiều tác giả.

Hiện nay, trên thế giới có hai loại hình quản lý tập thể quyền sao chép chính. Dạng đầu tiên được xây dựng như một hiệp hội trong đó hội đứng ra thay mặt cho hội viên (chủ sở hữu tác phẩm) để cấp phép, thương lượng về tỷ lệ bản quyền và thu tiền bản quyền sau đó trả lại cho hội viên theo những điều khoản đã định sẵn. Cá nhân hội viên sẽ không tham gia vào quá trình này. Dạng thứ hai là theo mô hình trung tâm, công ty, theo đó chính tác giả, chủ sở hữu bản quyền là người quyết định các điều kiện sử dụng và mức thù lao.

Công ty hay trung tâm trong trường hợp này như một đại lý đứng ra tìm kiếm và làm trung gian thương lượng cho người có nhu cầu và chủ sở hữu. Cả hai loại hình này đều có ưu, nhược điểm. Nếu mô hình hiệp hội tạo điều kiện cho tác giả toàn tâm toàn ý sáng tác nghệ thuật nhưng lại giới hạn quyền quyết định việc phát hành tác phẩm thì mô hình công ty, trung tâm chỉ thích hợp cho tác giả hay chủ sở hữu có kinh nghiệm trong thương trường.

Hiện nay, với đà phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin khiến cho việc phổ biến tác phẩm trở nên rộng lớn và đa dạng đã đẩy các tổ chức quản lý có khuynh hướng liên hiệp lại với nhau. Hình thức này giúp bổ sung chỗ ưu khuyết để đảm bảo việc cấp phép, đàm phán sử dụng và thu tiền bản quyền được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, một điều cần phải nhấn mạnh là dù dưới hình thức nào tổ chức quản lý cũng phải đảm bảo mang lại lợi ích cho nhà sáng tạo, nhà khai thác, kinh doanh và cho công chúng.

Tại Việt Nam, dù mới gia nhập Công ước Berne nhưng chúng ta có một lợi thế rất lớn khi mà hầu như lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học nào cũng được nhà nước cho thành lập các hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh… Các hội này đều có mục tiêu hoạt động là nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên, mà quyền lợi đối với những tác giả này chính là các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được nhà nước bảo hộ.

Đây là một thuận lợi rất lớn cho việc hình thành các tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép. Điển hình như trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) sau hơn hai năm hoạt động (từ tháng 4-2002) đã được sự ủy thác của 400 trên tổng số 500 nhạc sĩ chuyên nghiệp để thu tiền bản quyền từ việc sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực ca nhạc, xuất bản, sản xuất chương trình…để thanh toán cho các nhạc sĩ.

Khó khăn và thách thức

Đại diện một nhà xuất bản (NXB) lớn của thành phố nêu ra một khó khăn mà các NXB đang vướng phải. Đó là việc từ chối thương lượng bán bản quyền sách của các tác giả nước ngoài cho các NXB Việt Nam. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng họ chưa tin tưởng các NXB của ta có thể thu hồi tốt tiền bản quyền, số lượng bản in còn quá ít chưa đủ để tạo một thị trường hấp dẫn với họ.

Ngay cả khi mua được bản quyền sách và phát hành ra thị trường mọi việc vẫn chưa xong; ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Trí Việt - First News, than trời khi cuốn sách Cẩm nang luyện thi Toefl mới (Cliffs Toefl - CBT Preparation Guide) do công ty mua bản quyền đang bị nhiều nơi in lậu bán tràn lan. Ông Phước lo lắng cho biết: “Chúng tôi phải bỏ nhiều tiền ra mua bản quyền nhưng còn nhiều NXB khác vẫn đang kinh doanh các sản phẩm đó một cách trái phép mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp gì”.

Trả lời về việc một số chủ sở hữu tác phẩm nước ngoài vẫn còn thờ ơ chưa quan tâm đến thị trường Việt Nam khiến cho bạn đọc trong nước không thể tiếp cận tri thức mới, bà Caroline Morgan, giám đốc phụ trách pháp luật Công ty bản quyền Australia (C.A.L), truyền lại một số kinh nghiệm của C.A.L.

Theo bà sự độc quyền của Công ước Berne là không tuyệt đối, nó bị giới hạn bởi một số điều kiện như thời gian bảo hộ chỉ kéo dài 50 năm sau khi tác giả mất (ở các nước Âu, Mỹ thời hạn này là 70 năm), chủ sở hữu chỉ được quyền kiểm soát một số hình thức sử dụng như sách và tạp chí có thể cho thuê hoặc mượn mà không cần thông qua chủ sở hữu, ngoài ra Berne chỉ bảo hộ sự thể hiện ý tưởng chứ không bảo hộ bản thân ý tưởng đó.

Bên cạnh đó, Công ước
Berne
cũng quy định rằng trong một số trường hợp cụ thể nếu sự hữu ích của công chúng trong việc tiếp cận tác phẩm được bảo hộ lớn hơn lợi ích của cá nhân chủ sở hữu quyền tác giả thì tác phẩm sẽ được sử dụng mà không cần xin phép.

Riêng với tình trạng khó khăn do một số nơi luật bản quyền chưa được tôn trọng, ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền, cho biết: “Chúng ta đã có đầy đủ các điều luật để bảo vệ quyền tác giả, tuy nhiên hiện nay việc xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Đến nay tình trạng phạt để cho tồn tại vẫn là phổ biến”. Theo ông
Chu, tới đây Cục Bản quyền sẽ phối hợp cùng các đơn vị hải quan, công an kinh tế, thương mại… tập trung truy quét tình trạng vi phạm bản quyền còn đang tồn tại.  

Lê Tường Vân - Theo SGGP Online
Tin tức khác
Chợ mồi (04.11.2004)