Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
547
123.247.363

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam thế kỷ 10-19
Nhà xuất bản Giáo dục vừa xuất bản tập một của bộ “Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam”. Ðây là cuốn đầu tiên trong bộ sách gồm bốn tập của nhóm soạn giả do PGS Bùi Duy Tân chủ biên.

Lâu nay, văn học trung đại vẫn là một mảng khó tiếp cận đối với số đông bạn đọc, không chỉ bởi rào cản về ngôn ngữ, văn tự, khoảng cách về văn hóa giữa quá khứ và hiện tại mà còn vì những khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu tham khảo, đặc biệt là dạng sách tuyển chọn những tác phẩm nguyên gốc.

 

Những bộ sách có quy mô quá lớn và chuyên sâu tỏ ra không thích hợp với số đông bạn đọc. Dạng sách tuyển tập phổ thông như “Hợp tuyển văn học Việt Nam” đã xuất bản từ quá lâu, trong một thời gian dài không thấy sửa chữa, in lại, tư liệu cũng không cập nhật được các thành tựu của giới nghiên cứu văn học trung đại.

 

Có thể thấy rằng, đến nay, việc biên soạn mới một bộ sách tuyển chọn các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam đã trở thành đòi hỏi tất yếu, như một món nợ với người đọc mà những người tâm huyết với nghề không thể không nghĩ đến.

 

Bộ sách “Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam” ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về loại sách tuyển chọn tác phẩm thời trung đại, mà còn là một đóng góp của những người làm sách trong nỗ lực tìm đến một diện mạo thích hợp nhất với đối tượng mà bộ sách hướng tới là những độc giả yêu thích văn học nói chung. Những bộ tuyển tập phổ thông trước đó cũng đã lựa chọn một hình thức tương tự như vậy, nhưng “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” (1976) có số trang ít hơn, số lượng tác phẩm do đó cũng không nhiều bằng. Với quy mô lớn trong lần in mới, bộ sách có thể thâu tóm được các tác phẩm đặc sắc của những tác giả tiêu biểu nhất trong khi vẫn bảo đảm được khả năng bao quát diện mạo chung của văn học giai đoạn này. Ðồng thời, với tất cả những đặc điểm đó, bộ sách vẫn không quá nặng nề, kinh viện. Tập sách có dung lượng lớn, bao gồm văn học từ thế kỷ 10-15, chia thành hai phần: thế kỷ 10-14 và thế kỷ 15.

 

Khác với các hợp tuyển hay tổng tập trước đó, bộ sách lần này lấy tên “Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam” với một phụ đề nhỏ “Thế kỷ 10-19”.

 

Thuật ngữ "văn học trung đại" gần đây đã được dùng thường xuyên trong các giáo trình và chuyên khảo của giới nghiên cứu, nhưng đây là lần đầu tiên nó được sử dụng cho một bộ hợp tuyển như thế này.

 

Mở đầu cuốn sách là phần “Khái luận” rất công phu, phác thảo những nét cơ bản diện mạo nền văn học viết Việt Nam trong mười thế kỷ và đi sâu tìm hiểu giai đoạn văn học thế kỷ 10-15. Ðây chính là chìa khóa giúp người đọc bước vào thế giới của văn học trung đại Việt Nam. Việc nắm vững tình hình văn bản và cách nhìn khoa học hơn trên cơ sở những thành tựu mới của khoa nghiên cứu văn học những năm gần đây đã được tác giả sử dụng cho bài khảo luận quan trọng này.

 

Cái mới ở tập này là một số tác phẩm cơ bản thuộc giai đoạn thế kỷ 10-15 đã được làm lại dựa vào những văn bản đáng tin cậy nhất. Ðó là các tác phẩm Nam quốc sơn hà, Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo...

 

Trước đây, nhiều bộ sách chính thống và cả sách giáo khoa phổ thông cũng đều dựa vào bản in ở thế kỷ 18. Lần này, chúng ta đã được tiếp cận những văn bản từ một nguồn có thể coi là cổ nhất và cũng đáng tin cậy nhất cho đến thời điểm hiện tại, Ðại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A3), có tham khảo Ðại Việt sử ký toàn thư - Nội các quan bản (NXB Khoa học xã hội, H.1993). Ðó cũng lại là bốn tác phẩm đặc biệt được chọn in trang trọng, đầy đủ cả nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ.

 

Lý do thật dễ hiễu, bởi đây vẫn luôn được coi là những bản hùng ca bất tuyệt gắn liền với những thời điểm huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Chính điểm mới nói trên đã khiến các văn bản này trong bộ sách có một số khác biệt so với các công trình trước đó.

 

Ngoài ra, các soạn giả cũng cố gắng so sánh, đối chiếu các văn bản để tìm ra một lựa chọn hợp lý nhất. Bài Nam quốc sơn hà theo Ðại Việt sử ký toàn thư có đảo hai chữ "định phận" thành "phận định" (so với bản vẫn dùng trích từ Trương tôn thần sự tích). Với chữ "phận định", bài thơ tỏ ra hợp niêm luật hơn, âm điệu hay hơn mà nghĩa cũng rõ ràng hơn, khẳng định sự phân chia đã có sẵn. Bản dịch nghĩa của những tác phẩm này cũng đã được điều chỉnh ít nhiều những chỗ cần thiết để có thể hiểu đúng tác phẩm.

 

Bài Thiên đô chiếu cũng có một thay đổi nhỏ: "đế vương chi thượng đô" trở thành "kinh sư chi thượng đô". Ðây là một thay đổi mà các nhà làm sách hẳn phải cân nhắc kỹ trước khi đưa vào bộ hợp tuyển. Bởi vì thay chữ "đế vương" thành "kinh sư", tác phẩm có vẻ như mất đi một ý  lâu nay vẫn được tán tụng rất nhiều, đó là khẳng định Ðại La xứng đáng là nơi kinh đô của bậc đế vương, nghĩa là đề cao lòng tự tôn dân tộc. Còn "kinh sư" cũng có nghĩa như "kinh đô", ý cả cụm từ đó chỉ kinh đô bậc nhất.

 

Thế nhưng, theo các soạn giả: "Ở đây lấy lại hai chữ kinh sư theo Ðại Việt sử ký toàn thư để tỏ rõ sự tôn trọng nguyên tác, một nguyên tác được in ấn, lưu giữ trong một bộ quốc sử quý giá nhất thời xưa". Rõ ràng đó là cách làm việc chuyên nghiệp, khách quan, khoa học của những người làm sách.

 

Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam ra đời đã không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về sách tham khảo văn học trung đại cho đông đảo bạn đọc yêu văn chương, giáo viên, học sinh, sinh viên mà còn đóng góp một bộ sách quý cho tủ sách của người làm công tác nghiên cứu văn học trung đại. Có cơ sở để tin rằng, các tập tiếp theo của bộ sách sẽ được ra đời trong sự mong đợi và hoan nghênh của bạn đọc.

 

-------------------

 

(*) Bùi Duy Tân (chủ biên) - Nguyễn Hữu Sơn - Phạm Ðức Duật - Nguyễn Ðức Dũng biên soạn. NXB Giáo dục, H.2004, 620 trang.

Đỗ Thu Hiền - THeo Báo Nhân dân
Tin tức khác