Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
561
123.247.579

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Học lại người xưa
Trong xu thế chung của xã hội phát triển, trước sự cạnh tranh của các phương tiện thông tin, giải trí, sách có không ngừng đổi mới? Ở đây, chúng ta chưa bàn đến lĩnh vực sáng tạo của các tác giả mà chỉ nhìn lại công việc của những người làm ra giá trị văn hóa vật thể của cuốn sách, mà vai trò vẫn là các nhà xuất bản và các đối tác. Cuộc cạnh lành mạnh tranh trên thị trường sách đang là nguồn lực thúc đẩy theo nguyên lý: Không đổi mới là chết ! Nhưng đổi mới cái gì và như thế nào là một đề tài mênh mông. Ở đây, tôi chỉ xin góp một vài ý tưởng theo chiều hồi cố, còn theo chiều cập nhật để tiến kịp với thiên hạ sẽ còn vô số điều cần phải nói. Hồi cố tức là lục lại vốn cũ, ngón nghề cũ, công nghệ cũ… của nghề xuất bản.

Trước hết, đó là việc mỗi nhà xuất bản phải trở thành một môi trường mà người sáng tác coi như “một nhà hộ sản” cho những đứa con tinh thần của mình từ lúc thai nghén (hỗ trợ sáng tạo), chào đời (xuất bản) chăm lo nuôi nấng cho phát triển (tiếp thị, phát hành…) như nhiều thương hiệu xưa vẫn làm như : Mai Lĩnh, Tân Dân, Khai Trí… 

Thứ đến, là phục hồi thú chơi sách xưa. Nói rằng bây giờ không có thú chơi sách là không đúng. Còn có rất nhiều người yêu sách, ham sưu tập. Nhưng những người làm sách thì chưa mấy quan tâm đến vấn đề này. Ngày xưa, có nhiều cuốn sách hay, được nhà xuất bản in với số lượng hạn chế bằng các loại giấy đặc biệt, có đánh số, kèm theo chữ ký tác giả, phối hợp với ngành phát hành để bạn đọc gặp người viết…
 
In ấn giờ đây đẹp hơn trước nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, nhưng ít ai chú ý tới các công nghệ cũ. Bạn có bao giờ trông thấy những tủ sách cũ thời Tây, với những cuốn sách được đóng tinh xảo và bọc bằng những vật liệu quý (da hay giả da cao cấp) của công nghệ đóng sách thủ công giờ đã thất truyền? Ngày nay, máy móc tinh xảo làm ra những cuốn sách chằn chặn kiểu “gà công nghiệp”. 
 
Ông giám đốc Thư viện Quốc gia Hà Nội có lần cho tôi biết, ông từng mời một chuyên gia đóng sách cổ điển người Mỹ có học hàm giáo sư về giảng nghiệp vụ cho thư viện của mình. Ông ước mơ lập một bảo tàng sách và bày tỏ tại sao không lập những xưởng đóng sách cao cấp theo kiểu cổ điển, bởi cuốn sách cũng đáng được “bảo tồn” cái giá trị vật thể của nó như chúng ta vẫn ứng xử với di tích hay cổ vật lắm chứ.
 
Một tủ sách đẹp về hình thức và có giá trị về nội dung phản ánh được tính cách, nghề nghiệp, thẩm mỹ… của chủ nhân đáng được đặt ở vị trí trang trọng trong mỗi gia đình. Các nhà kiến trúc nội thất quả là chưa quan tâm đầu tư thiết kế những tủ sách đẹp. Chưa có nơi nào nhận tư vấn, dịch vụ thiết kế tủ sách nghề nghiệp, tủ sách gia đình cũng như bổ sung tri thức thư viện học cho các chủ nhân. 
 
Đã có ai quan tâm đến số phận các tủ sách quý mà chủ nhân của nó vì một lý do nào đó không duy trì được ngay khi còn sống hoặc không có người kế nghiệp… để bảo tồn cho loại hình di sản quý giá này chưa? Trong khi hàng ngày, hàng giờ nhiều tủ sách quý (kể cả một số học giả người Việt sinh sống ở nước ngoài mong được chuyển tặng về nước) cuối cùng trôi nổi không biết về đâu, thậm chí hoàn toàn mất dạng…
 
Để cuốn sách vẫn có vị thế trong đời sống, xin những người làm sách, những người quý sách hãy quan tâm, trong đó có việc học lại người xưa… Đó cũng là một phần của sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, cũng bởi vì mãi mãi sách vẫn là tấm gương soi vẻ đẹp trí tuệ của con người, của một dân tộc và nhân loại.

Nhà nghiên cứu sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC - Theo SGGP Online
Tin tức khác