Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
549
123.247.421

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tác giả Thằng quỷ nhỏ với học sinh trường khiếm thị
Ở đây có ai đã từng nghe về chú Ánh chưa? Có ạ, hàng chục tiếng hô trả lời. Các em có thể tả chú Ánh cho thầy nghe không? – Chú Ánh cao, đẹp trai, hình dạng tốt bụng, đeo kiếng cận, có tâm hồn lãng mạn… Hàng loạt em học sinh ngồi trong hội trường thi nhau trả lời, mỗi em tả một kiểu, một không khí vui vẻ hoạt bát như trong một buổi giao lưu bình thường ngoại trừ một điều: các em không thể thấy nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang ngồi ngay trước mặt mình.

Bình thường nếu có ai khen mình đẹp trai, tác giả của Kính vạn hoa, Trại hoa vàng đều cười rất tươi nhưng hôm nay trước hàng chục tiếng khen nhà văn lại chỉ ngồi lặng lẽ. Tất cả các em ở đây đều là học sinh của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, các em không thể nhìn thấy nhà văn đang ngồi ngay trước mặt, các em chỉ biết một nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua những cuốn sách được các anh chị sinh viên đọc cho nghe hay qua những cuốn băng ghi âm những tác phẩm dành cho thiếu nhi của anh.

Rồi tất cả cùng tưởng tượng tác giả của những câu chuyện đó phải như thế này, phải như thế kia. Thế nhưng nếu hình ảnh nhà văn các em phải đoán mò thì ngược lại hình ảnh các nhân vật trong những câu chuyện của nhà văn các em lại như thấy rất rõ.

Thuần, học sinh lớp 2A, miêu tả rất chi tiết nhân vật Quỳnh trong Thằng quỷ nhỏ; Trung, một học sinh khác lại rất mê Mắt biếc; còn Tuấn thể hiện ngay mình là một fan hâm mộ truyện của Nguyễn Nhật Ánh với một tràng dài miêu tả các truyện Phòng trọ ba người, Bồ câu không đưa thư… Tuấn còn thuộc nằm lòng tên những nhân vật trong tất cả câu chuyện đó, nào là Tiểu Ly, Chiêu…

Các em học sinh còn tranh cãi về số phận từng nhân vật, bắt bẻ nhà văn sao lại để người này yêu người kia, rành rọt, sắc sảo đến nỗi chính nhà văn phải thốt lên: “Trả lời các em mà tôi quên luôn rằng đây là những em có hoàn cảnh đặc biệt”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngạc nhiên cũng đúng, trong phần giao lưu đặt câu hỏi, ngoài những câu về nhân vật, tác phẩm còn rất nhiều câu hỏi về tình cảm nam, nữ ở tuổi mới lớn. Nhiều câu làm nhà văn bất ngờ, em Trung hỏi: “Trong truyện của chú nhân vật chính lúc nào cũng yêu một ai đó, vậy hẳn chú có kinh nghiệm yêu lắm, có thể chỉ chúng cháu một ít không vì bây giờ một số cũng bắt đầu biết yêu”.

Với câu hỏi này, trả lời của nhà văn đã làm rộ lên một không khí vui vẻ: “Nếu cứ theo truyện thì mỗi năm đi học chú phải yêu ít nhất 2 người mới đủ kinh nghiệm, chú chỉ khuyên các cháu có yêu cũng đừng quên việc học thế là tốt lắm rồi”.

Không khí náo nhiệt tiếp diễn đến khi một câu hỏi bất ngờ đưa ra, với tất cả các em trong hội trường câu hỏi này rất bình thường nhưng với những người còn lại bỗng lặng đi - em Hoàng Minh Tuấn, lớp 9A, hỏi: “Tại sao bộ truyện 45 tập chú lại gọi chung là Kính vạn hoa, đó là kính gì ạ?”.

Trong giây lát nhà văn không biết trả lời sao, thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tâm vội giải thích: “Các em chưa bao giờ nhìn thấy cái kính vạn hoa”. Bàng hoàng, nhà văn vội giải thích sau đó quay sang thầy hiệu trưởng nói nhỏ: “Chưa bao giờ tôi gặp câu hỏi này vì ở các trường cấp 2 các em đều được quan sát kính vạn hoa cả”.

Chính câu hỏi đó đã đưa nhà văn trở lại hiện thực và có lẽ là lần đầu tiên nhà văn khi giao lưu lại bước xuống để các em học sinh nắm tay, vuốt mặt, đúng như câu nói lúc chào ban đầu: “Chúng em chỉ đọc bằng tai mà thôi”. Và bây giờ các em ai cũng muốn nhìn nhà văn mình yêu thích bằng tay.

Trong suốt buổi giao lưu, em Bùi Minh Tuân chỉ ngồi buồn lặng lẽ, khi đặt câu hỏi giao lưu em chỉ hỏi về kinh nghiệm, động cơ để có thể viết một truyện ngắn. Hỏi lại mới được biết, trở thành nhà văn là một giấc mơ của em. “Quê em ở Thái Nguyên, em muốn viết về vùng đất một bên là đồng một bên là núi, rồi những nương ngô, ruộng lúa, rồi về dòng suối sát nhà em”.

Hết buổi giao lưu, bước ra giữa sân trường, nhìn bức tượng cụ Đồ Chiểu bỗng hiểu vì sao dù hoàn cảnh trắc trở nhưng các em vẫn lạc quan với những mong ước trở thành người có ích cho xã hội.

Lê Tường Vân - Theo SGGP Online
Tin tức khác