Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
629
123.243.967

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hội nghị quốc tế về chữ Nôm lần thứ nhất: Làm thế nào để chữ viết thuần Việt đến với lớp trẻ?
Làm thế nào để cứu di sản chữ Nôm, đó chính là mục đích chính của cuộc "Hội nghị quốc tế về chữ Nôm lần thứ nhất" diễn ra trong hai ngày 12 và 13-11, tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Hội nghị do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Hội bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ phối hợp tổ chức.

Có lịch sử ngót 1.000 năm, chữ Nôm - thứ chữ viết đầu tiên ghi âm tiếng Việt, đã từng đóng vai trò quan trọng trong nhiều giai đoạn của lịch sử nền văn hóa dân tộc. Thế nhưng, ở thế kỷ 21 này, chữ Nôm đang dần trở nên xa lạ với người Việt. Thậm chí, số người biết chữ Nôm hiện nay còn ít hơn cả biết chữ Hán.

 

Hơn 40 tham luận được trình bày tại hội nghị đề cập nhiều vấn đề như: nghiên cứu chữ Nôm dưới góc độ ngôn ngữ học, văn hóa, nghiên cứu ứng dụng khoa học thông tin vào việc đọc giải mã và in ấn các tác phẩm chữ Nôm, mối quan hệ giữa chữ Nôm Việt Nam đối với chữ Hán, chữ Nhật Bản, Triều Tiên và các vấn đề văn hóa Nôm: Văn học - Tín ngưỡng...

 

Thời Pháp thuộc, các địa phương được lệnh đi in, rập, sao chép các bản chữ cả Hán lẫn Nôm rồi nộp cho Viện Viễn Đông Bác cổ. Nhờ đó mà Viện Viễn Đông Bác cổ mới tập hợp được một số lượng khá lớn tư liệu Hán Nôm, về sau một phần chuyển giao cho Thư viện Khoa học Xã hội, một phần lớn chuyển sang Viện nghiên cứu Hán Nôm. Từ đó đến nay Viện Hán Nôm hằng năm đều cử các cán bộ về các địa phương sưu tầm và rập, in làm tư liệu lưu trữ. Nhờ vậy, hiện trong "kho tàng" của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 1.559 đơn vị tài liệu chữ Nôm Việt và khoảng vài ngàn bản sách chữ Hán Nôm của các dân tộc miền núi phía bắc, bao gồm nhiều mảng nội dung liên quan đến tư tưởng, triết học, văn học, ngôn ngữ, luật pháp, đạo đức, y học... Những tài liệu này có một giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu về mọi mặt đời sống của các dân tộc ở Việt Nam trong quá khứ.

 

Tuy nhiên, ngoài những gì thuộc về "kho tàng" của Viện; còn một " kho tàng" chữ Nôm nữa khá phong phú đang tồn tại trong dân gian, các tư gia và chủ yếu là ở các di tích. Đó là những bản viết trên giấy bản, viết tay hoặc khắc in trên bia, bi ký, chuông... bằng chữ Nôm.

 

Đây là một nguồn tư liệu rất độc đáo, phong phú, cần được lưu giữ. Nhưng cái khó của di sản chữ Nôm khi lưu lạc ở trong dân gian là những người không am hiểu thoạt nhìn rất khó phân biệt nó với chữ Hán. Điều khác nhau cơ bản là chữ Nôm dùng để ghi âm tiếng Việt còn chữ Hán thì không thể làm điều này, nhưng không phải ai cũng biết.

 

Theo các nhà khoa học tham gia Hội nghị, về quan điểm, chúng ta không được phép coi chữ Nôm chỉ đơn thuần là di sản cần khai thác để biết cha ông ta gửi gắm cho thế hệ sau những gì, mà cần phải phổ biến cho người dân càng nhiều càng tốt, nhất là thanh thiếu niên.

Bảo tồn không phải trong các kho lưu trữ, mà là phải đưa nó đến người sử dụng. Có nhà khoa học còn "táo bạo" đưa ra phương án: nên chăng Việt Nam sử dụng chữ Nôm song song với chữ quốc ngữ. Và với những di tích hay thắng cảnh có các hạng mục xây mới hoặc tu sửa, thì ngoài chữ Hán sử dụng đề các bia, đối, tại sao không sử dụng chữ Nôm thay vì sử dụng chữ Quốc ngữ như một số nơi hiện nay?

 

Tất nhiên, đưa chữ Nôm đến được người sử dụng, nhất là giới trẻ đúng là vấn đề khó. Phải làm sao để họ thấy nó gần gũi. Muốn thế, không thể đưa cho họ di sản nằm trên giấy dó, mà phải có một con đường khác, hiện đại hơn.

 

Nhà nghiên cứu, GS-TS Nguyễn Quang Hồng (Viện nghiên cứu Hán Nôm), người đã 10 năm nay nghiên cứu một phương cách để vi tính hóa chữ Nôm đã chọn con đường vi tính hóa.

 

Theo ông, cần thu gom các chữ Nôm có từ trước đến nay rồi mã hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là mối quan tâm chung của các dân tộc sử dụng chữ ô vuông. Tại Việt Nam, một nhà nghiên cứu trẻ là Phan Anh Dũng ở Huế cũng đã từng nghĩ ra cách mã hóa chữ Nôm...

- Theo tin tức
Tin tức khác