Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.878 tác phẩm
2.760 tác giả
352
123.319.983

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Lê Hoài Phương đi vào nơi hoang dã
Với 60 tác phẩm, Lê Hoài Phương (Bình Thuận) là nhà nhiếp ảnh có số lượng ảnh nhiều nhất tham gia triển lãm Asean - đa dạng sinh học vừa diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 3 đến 6-8) nhân dịp Hội nghị quan chức cấp cao Asean về môi trường lần 21 (ASOEN 21).

1. Đúng hai năm trước, Tuổi Trẻ đã một lần trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hoài Phương (“Người ghi “nhật ký cuộc đời” động vật hoang dã”, Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 3-8-2008). Khi đó, Lê Hoài Phương còn là cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân Bình Thuận, nhiếp ảnh chỉ là nghề “tay trái”, là tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần. Hồi đó, nghe Lê Hoài Phương tâm tư hầu như không có ngày nghỉ cà phê cà pháo với bạn bè mà chạnh lòng giùm.

 

Bây giờ thì Lê Hoài Phương đã xin nghỉ việc ở viện kiểm sát, ông dành trọn thời gian cho nhiếp ảnh. Sau khi nghỉ việc cơ quan, Lê Hoài Phương thành lập Công ty Điện ảnh thiên nhiên VN. Từ đây ông không chỉ chụp ảnh mà còn sản xuất các chương trình truyền hình siêu nét (full HD) về khám phá thiên nhiên VN, mở khu bảo tồn thiên nhiên, trồng rừng và chăm sóc rừng...

 

“Bận không kịp thở”, gọi điện thoại lúc nào cũng nghe Lê Hoài Phương “than thở” như thế, nhưng lúc nào cũng nghe tiếng ông cười trong veo, hồn hậu. Những lúc đó là Lê Hoài Phương đang ở rừng, đang mở lồng ngực mình ra với thiên nhiên, hay đang dõi mắt nhìn theo một con chim hút mật, một con cầy sóc...

 

Không đi cùng với Lê Hoài Phương được thì vào trang web www.thiennhien.vn của ông để xem. Ở đó đích thực là thế giới của thiên nhiên với các loài chim, thú, bò sát, côn trùng và các loài hoa. Chỉ riêng mỗi mình Lê Hoài Phương đã có hơn 10.000 bức ảnh thiên nhiên chọn lọc.

 

2. Hai năm trước, khi tiếp cận với Lê Hoài Phương, người viết bài đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy có một nghệ sĩ nhiếp ảnh không chỉ chụp ảnh động vật hoang dã mà là “ghi nhật ký cuộc đời” của chúng: chào đời, rong chơi, kết bạn, sinh sản, tuổi già...

 

Như thế, tư duy nhiếp ảnh của Lê Hoài Phương không phải là ăn xổi ở thì, và làm được như thế không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà cần phải có tình yêu và sự nhẫn nại. Không giỏi nói, Lê Hoài Phương chỉ bộc bạch: “Ban đầu tôi đến với nhiếp ảnh chỉ là vui chơi, gặp gì chụp nấy... Nhưng càng ngày tôi càng thấy sức hấp dẫn của ảnh báo chí, ảnh thiên nhiên môi trường. Hấp dẫn bởi chúng không trùng lắp, không thể dàn dựng sắp đặt, mỗi sự kiện là độc nhất vô nhị về thông tin. Nói chung trong điều kiện thời bình VN hoàn toàn có thể làm được thể loại ảnh báo chí đỉnh cao về thiên nhiên và môi trường, nhưng tôi cũng nhận ra đây là khoảng trống của nhiếp ảnh VN”.

 

Từ đây và mãi về sau này, như Lê Hoài Phương nói, ông sẽ chỉ đi theo một con đường là chụp ảnh về thiên thiên môi trường. Và như thế, càng ngày người nghệ sĩ càng đi vào rừng sâu, về nơi hoang dã bởi như chính Lê Hoài Phương nói, các loài thú ngày càng rút về trú ẩn ở rừng sâu, có những loài ông từng chụp giờ không còn tìm thấy nữa. Rồi đây rất có thể mỗi tấm ảnh sẽ là một câu chuyện kể và nhiều khi là một câu chuyện buồn...

 

 

Gia đình: chim đại bàng mẹ đem về cho đại bàng con một con kỳ đà. Trong những tháng đầu tiên chim non chuyền cành, đại bàng con chỉ đi theo mẹ để quan sát học cách săn mồi. Khoảng 12 tháng sau khi chim non thật sự thuần thục cách săn mồi, chim mẹ mới cho chim non “ra riêng tự lập” để không bị chết đói.

 

Đại bàng săn mồi: với tốc độ lao đi đến 250km/giờ, các loài chim thuộc bộ cắt là loài chim dũng mãnh nhất, được mệnh danh “chúa tể bầu trời”. Những động thái săn mồi đặc biệt, với bộ móng vuốt sắc nhọn là những hình ảnh đa dạng nhất, khó ghi nhận nhất, cũng là những khoảnh khắc kỳ thú nhất của thế giới tự nhiên.

 

Chân dung đại bàng bụng hung: có tên khoa học Hieraaetus kienerii kienerii. Mắt chúng có thể nhìn xa rõ từng chi tiết đến 500m. Chúng luôn có đặc tính chung: săn mồi, lót tổ, nuôi con bằng chân. Chúng là một trong những yếu tố cân bằng sinh tồn trong tự nhiên. Tất cả loài chim thuộc bộ cắt đều được xếp hạng nhóm 2B, quy định tại nghị định 32/2006/NĐ-CP ban hành ngày 30-3-2006 của Chính phủ nghiêm cấm săn bắt vì mục đích thương mại.

 

Lớn nhất và nhỏ nhất: nếu đại bàng săn cá nước ngọt có sải cánh lớn nhất VN, thì ở VN cũng có một loài thuộc bộ cắt nhỏ nhất thế giới là ó kim. Nếu đồng loại của chúng làm tổ khổng lồ thì ó kim làm tổ trong các bọng cây. Sải cánh chỉ 15cm, chuyên săn bướm và các loài chim nhỏ.

 

Tổ chim ưng: chim ưng thuộc họ Accipitridae, thuộc bộ cắt có tên khoa học Falconiformes. Trong thiên nhiên tổ chim ưng luôn sở hữu tất cả cái nhất của loài chim. Làm tổ trên những thân cây cao nhất, cách mặt đất từ 30m trở lên; tổ có diện tích to nhất: bề dài 1,6m, ngang 1,4m; làm tổ lâu nhất: từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau, sau đó cứ mỗi năm lót cao thêm một lớp cây mới và chúng có thể làm tổ một nơi suốt đời. Ảnh được chụp ở độ cao 36m, trên đỉnh núi Bà thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vào tháng 2-2009.

 

Đại bàng săn cá nước ngọt: khi trưởng thành đại bàng săn cá nước ngọt cũng đầu trắng, đuôi trắng (như đại bàng chúa Nam Mỹ, biểu tượng trong quốc huy của nước Mỹ). Sải cánh 1,75m, đây là loài chim có sải cánh lớn nhất VN. Khi săn cá chúng có thể lặn sâu xuống nước 2-3 phút, bắt được cá chúng mới bay lên... (nhưng chưa được nghiên cứu).

 

TRẦN NHÃ THỤY - TTO
Tin tức khác