Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
372
123.318.960

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Xã hội hóa biểu diễn tới đâu?
Phải nhìn nhận làm nghệ thuật không thể không theo hướng thị trường vì thị trường chính là vấn đề cốt lõi trong chủ trương xã hội hóa nghệ thuật biểu diễnTrong buổi làm việc chiều 25-8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội “lấy ý kiến chuyên gia về tình hình hoạt động và thi hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”,

ý kiến của bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, không chỉ làm nóng hội trường, nhận được sự đồng tình của không ít đại biểu, chuyên gia mà còn là đề tài bàn luận trong suốt giờ giải lao sau đó.

 

 “Kinh tế sáng tạo” mấy ai quan tâm?

 

Mở đầu bài phát biểu, bằng việc coi nghệ thuật biểu diễn có vai trò như một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế đặc biệt - kinh tế sáng tạo, bà Thanh đưa ra một loạt dẫn chứng về việc đề cao vai trò của ngành kinh tế sáng tạo của nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Indonesia...

 

Từ năm 1999 đến nay, Nhà nước đã hai lần ra nghị định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Lần một là Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Lần hai là Nghị định 69/2008/NĐ-CP. Việc thực hiện những nghị định này ra sao?

 

Theo bà Nguyễn Thế Thanh, một TP năng động với khoảng 9 triệu dân như TPHCM nhưng việc nhận thức của những người tổ chức thực hiện vẫn còn “lơ mơ”, do vậy việc triển khai các nghị định này đi vào đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

 

Bà Thanh so sánh: Số đơn vị nghệ thuật của Nhà nước ít hơn, số vốn đầu tư cao hơn rất nhiều lần so với các đơn vị tư nhân nhưng hiệu suất thu được chưa chiếm tới 50%. Đó là một thực tế nhưng các nhà quản lý, hoạch định chính sách cho lĩnh vực này vẫn cố tình không nhận ra để có những điều chỉnh thích hợp.

 

Hiểu “lơ mơ” xã hội hóa

 

Tại sao giữa sự “lơ mơ” của các nhà quản lý nhưng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tư nhân ở TPHCM lại có những kết quả như vậy? Bà Nguyễn Thế Thanh cho rằng: “Sở dĩ có những thành quả như trên là do sự năng động của các đơn vị ngoài công lập, sự bức bách của thị trường, sự khát khao biểu diễn của nghệ sĩ... và một lý do không nhỏ là do chính sự “lơ mơ”, thả nổi của không ít cơ quan có chức năng quản lý về văn hóa. Rõ ràng, bên cạnh sự sống còn của mình, các đơn vị tư nhân vẫn có nhu cầu phục vụ công chúng.

 

Cũng theo bà Thanh, vì sự “chẳng hiểu xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn là gì, do vậy những cơ quan quản lý không biết cách để thực thi, dẫn đến việc một số người hiểu ra và khao khát làm thì lại sợ tai bay vạ gió”.

 

Cần tôn trọng quy luật của thị trường

 

Theo bà Nguyễn Thế Thanh, quan niệm của nhiều nước trên thế giới về nền kinh tế sáng tạo bao gồm 18 ngành: thiết kế, quảng cáo, thời trang, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình, thủ công mỹ nghệ, xuất bản sách, truyền hình, phát thanh, báo chí, nghệ thuật biểu diễn, sản xuất băng đĩa, kiến trúc...

 

Bà Nguyễn Thế Thanh đặt vấn đề: “Chúng ta cần tôn trọng những quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường và vai trò tham gia phân bổ của thị trường; giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường và Nhà nước trong phân bổ các nguồn lực”.

 

Vấn đề đặt ra lúc này, theo bà Thanh: “Cần thiết phải thay đổi não trạng. Đó là phải nhìn nhận làm nghệ thuật không thể không theo hướng thị trường vì thị trường chính là vấn đề cốt lõi trong chủ trương xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn. Vấn đề cung – cầu và nhu cầu phát triển là những yếu tố không được bỏ qua trong sự phát triển của nền kinh tế định hướng XHCN”.

 

Có sợ chệch hướng?

 

Khi có người đặt vấn đề: “liệu xã hội hóa theo hướng thị trường có đi chệch hướng việc phát triển nền kinh tế định hướng XHCN không?”. Bà Thanh trả lời: “Làm gì có”.

 

Bà đưa ra các ví dụ chứng minh: Trong vụ sập cầu Cần Thơ, các anh chị em nghệ sĩ đã tổ chức một đêm diễn tại Nhà Thi đấu Quân khu 7 chỉ với 5 ngày chuẩn bị. Kết quả thu về (sau khi trừ chi phí) được 1,5 tỉ đồng, đã xây dựng nhà văn hóa tặng bà con nơi đây.

 

Hay chương trình Thu hoan ca là một chương trình ca múa nhạc chào mừng Quốc khánh 2-9, diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM), với tổng số vốn đầu tư 200 triệu đồng (trong đó vốn Nhà nước là 40 triệu đồng) thu hút trên 2.000 khán giả, với mức vé ưu đãi dành cho sinh viên 20.000 đồng/vé và 50.000 đồng/vé cho người bình thường.

 

Về lĩnh vực sân khấu, cũng không thiếu những dẫn chứng cho sự “không chệch hướng” này. Ví dụ: Vở Cánh đồng gió – viết về đề tài cách mạng, công diễn trong khai mạc liên hoan sân khấu toàn quốc (2006), tại sân khấu Phú Nhuận, chỉ bán 30% giá vé. Hay vở Nỏ thần – về đề tài lịch sử, vở Cánh đồng bất tận - về đề tài xã hội, diễn tại sân khấu 5B, Võ Văn Tần, vở Bà chúa thơ Nôm... đều do các sân khấu tư nhân đầu tư dàn dựng.

Trong khi đó, vở Đường bay của Nhà hát Kịch TP, kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước, với tổng số vốn đầu tư 280 triệu đồng, chỉ diễn được 3 buổi rồi... xếp xó.

 

Cảnh trong vở Nỏ thần do Sân khấu Kịch Phú Nhuận dàn dựng. Ảnh: C.T.V

 

 

Ngân Hoa - NLD