Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
416
123.317.599

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Điện Versailles trưng bày tác phẩm Murakami
Trong ba năm liền, điện Versailles ở Pháp tiếp đón nghệ thuật đương đại. Sau Jeff Koons (Mỹ) và Xavier Veilhant (Pháp), nay Versailles tổ chức triển lãm các bức điêu khắc của nghệ sĩ Nhật Bản Takashi Murakami từ 14/9 đến 12/12. Một lần nữa, việc trưng bày các tác phẩm cực kỳ hiện đại trong không gian cổ kính của Versailles lại châm ngòi tranh luận.

Năm nay 48 tuổi, Takashi Murakami sinh trưởng tại Tokyo. Anh nổi danh từ hơn 10 năm qua như là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào neo-pop của Nhật với các nghệ sĩ cùng thời như Yoshitomo Nara et Aya Takano, mang nhiều ảnh hưởng của bậc đàn anh Andy Warhol thuộc trường phái nghệ thuật đại chúng Pop Art. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Tokyo, Murakami ban đầu chọn ngành hội họa trước khi chuyển sang điêu khắc. Tại Nhật Bản, tên tuổi của Murakami khá quen thuộc với giới ghiền đọc truyện tranh vì nghệ thuật của anh gợi hứng rất nhiều từ thế giới của manga.

 

Năm 37 tuổi, uy tín của Murakami đạt đến tầm vóc quốc tế khi các tác phẩm của anh được trưng bày tại nhiều phòng triển lãm cũng như viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Fondation Cartier của Pháp (2001), Trung tâm Rockefeller của Mỹ (2003), viện bảo tàng Nghệ thuật đương đại Los Angeles, Museum fur Moderne Kunst Frankfurt bên Đức và viện bảo tàng Guggenheim tại Bilbao, Tây Ban Nha. Năm 2004, nhà thiết kế Marc Jacobs đã mời Murakami cộng tác cho bộ sưu tập mùa hè của hiệu thời trang hạng sang Louis Vuitton. Lần đầu tiên, ký tự viết tắt của Louis Vuitton thường là màu nâu, bỗng nhiên rực rỡ màu sắc như thể được vẽ cho phim hoạt hình. Năm 2008, Murakami được tạp chí Time liệt vào danh sách 100 nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Qua danh hiệu này, Murakami được công nhận là một trong những nghệ sĩ có đóng góp đáng ghi nhận vào làng nghệ thuật đương đại. Phong trào mà anh khai phóng còn được gọi là SuperFlat, hiểu theo nghĩa ‘‘cực kỳ bằng phẳng’’, kết hợp các loại hình mỹ thuật truyền thống của Nhật Bản với kỹ thuật sáng chế tân kỳ, thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại. Nói cách khác, Murakami tận dụng các hình thức nghệ thuật hai chiều lấy từ truyện tranh manga, phim hoạt hình anime, trò chơi video hoặc từ các bức phác họa trên vạt lụa, khung giấy để rồi đối chiếu khái niệm ‘‘bằng phẳng’’ với lối sắp đặt trong không gian ba chiều.

 

Một khi chuyển thể qua điêu khắc, Murakami làm sống lại các nhân vật thường được thấy trong manga, nhưng chủ yếu theo khuynh hướng kawaii, tức là các nhân vật dễ thương, chẳng hạn như các con quái vật tí hon Pokemon. Chúng rất tinh nghịch quái dị nhưng lại dễ trìu mến vì sống trong một thế giới trẻ thơ nhẹ nhàng đầy dẫy màu sắc. Trong nhãn quan của Takashi Murakami, nghệ thuật SuperFlat là một cách để anh chất vấn xã hội Nhật Bản, với cung cách tiêu thụ các sản phẩm văn hóa theo bề rộng (bằng phẳng) nhưng lại thiếu bề sâu (ba chiều). Không phải ngẫu nhiên mà anh chọn thế giới truyện tranh, vì trong mắt của nghệ sĩ này, do áp lực của gia đình xã hội, giới trẻ xứ hoa anh đào không bao giờ muốn lớn. Họ có thể gánh vác nhiều trách nhiệm khi bước ra ngoài xã hội, nhưng trong nội tâm, các thú đam mê tiêu khiển thường lại hướng về tuổi thơ. Nói nôm na là người lớn mà lại giống như con nít. 

 

Để hiểu được phần nào thông điệp mà Murakami muốn truyền đạt, người xem triển lãm tại điện Versailles buộc phải tìm hiểu, tham khảo tài liệu liên quan đến nghệ sĩ này. Vấn đề ở đây là đa số khách tham quan đến Versailles trước hết là để viếng thăm một công trình nghệ thuật lâu đời với lối kiến trúc nguy nga. Do vậy, khi thấy xuất hiện nhiều hình thù ‘‘quái gỡ’’ trong cái không gian cổ kính của Versailles, rất nhiều du khách tự đặt câu hỏi phải chăng đây là nơi thích hợp để trưng bày những tác phẩm như vậy. Một khách tham quan người Pháp cho biết : 

Theo tôi, các bức điêu khắc theo kiểu này không nên đặt ở nơi đây. Những tác phẩm như vậy đáng lẽ ra phải được trưng bày ở các viện bảo tàng dành cho nghệ thuật đương đại, chứ không ăn nhập gì với khung cảnh bề thế và hoành tráng của Versailles. Màu sắc của tác phẩm quá lòe loẹt, hình thù dị hợm, kích thước thì ngoại cỡ, tất cả đều không hài hòa và cân xứng với lối kiến trúc của cung điện hoàng gia. Điều làm cho tôi ngạc nhiên sửng sốt là cách sắp đặt trưng bày. Một số bức điêu khắc cao đến gần 3 thước rưỡi, đặt ngay ở giữa phòng, chiếm gần hết không gian. Nó che khuất tầm nhìn của khách tham quan, từ đầu phòng này nhìn sang phòng bên kia, người ta sẽ không thấy gì khác ngoài các bức tượng nằm ở chính giữa, che khuất các bức họa cổ điển treo trên tường, các nét chạm trỗ tinh xảo trên trần nhà. Tôi đến đây trước hết là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Versailles chứ không phải để xem triển lãm đương đại. 

 

Một sinh viên người Canada, đi theo một đoàn du khách đến từ vùng Québec thì có một cách nhìn thông thoáng cởi mở hơn. Đây là lần thứ nhì tại Paris, cô được dịp xem các tác phẩm đương đại chẳng có liên quan gì với không gian trưng bày. Điều đó gây ra nhiều phản ứng trái ngược nơi người xem. 

 

Không, tôi không bị sốc bởi cuộc triển lãm này. Hôm qua, chúng tôi đã có dịp đến thăm viện bảo tàng nghệ thuật trang trí ở Paris, chủ yếu là để xem các bộ sưu tập những thập niên đầu thế kỷ 20. Tại viện bảo tàng này, cách trưng bày các vật dụng có từ một trăm năm về trước được sắp đặt xen kẽ với các bức điêu khắc trừu tượng và hiện đại. Điều đó tạo ra một cảm giác rất lạ nơi người xem. Tôi tự hỏi phải chăng đây là một khuynh hướng mới trong cách tổ chức triển lãm, lựa chọn một địa điểm trưng bày nổi tiếng và quen thuộc, để rồi lái hẳn nội dung sang một hướng khác. Trong cả hai cuộc triển lãm mà tôi vừa xem, rõ ràng là có một sự tương phản ngoạn mục, như thể ban tổ chức muốn khách tham quan tự mình so sánh hai hình thức nghệ thuật khác biệt, đối chiếu cái xưa với cái nay. Rất tiếc là trong cuộc triển lãm lần này tại Versailles, tôi không biết gì nhiều về tác giả Murakami, tôi thật sự không hiểu ý nghĩa của các tác phẩm, nhưng nhiều người đi cùng với tôi thì tỏ vẻ không thích cho lắm. 

 

Về phần mình, một cặp vợ chồng người Pháp thì nói thẳng là họ không tán thưởng cuộc triển lãm Murakami tại Versailles. Trong mắt họ, việc trưng bày các bức điêu khác đương đại chẳng khác gì một trò ‘‘đánh lạc hướng’’. 

 

Trước hết, tôi rất bất bình vì khách tham quan không được tôn trọng. Du khách từ xa đến đây là để thăm điện Versailles, để tìm hiểu về lịch sử nước Pháp qua những câu chuyện về các triều đại vua chúa nói chung, về cuộc đời của vua Louis 14 hay của hoàng hậu Marie Antoinette nói riêng. Nhưng khi đến đây rồi thì họ lại nghe kể một câu chuyện khác hẳn, chẳng ăn nhập gì với cung điện Versailles. Nước Pháp không có dầu hỏa, mà cũng chẳng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên. Di sản quý báu nhất vẫn là văn hóa. Bạn thử đi ra nước ngoài mà xem, đi đâu thì cũng nghe người ta nói : nước Pháp là một vành nôi nghệ thuật, là một trung tâm của nền văn hóa ở châu Âu. Du khách từ xa đến đây trước hết là để chứng kiến tận mắt cái danh hư bất truyền đó, nếu họ thật sự muốn xem nghệ thuật đương đại thì họ sẽ bỏ tiền mua vé đi xem các viện bảo tàng có liên quan. Theo tôi nghĩ, ở Paris không thiếu gì các không gian triển lãm dành cho hình thức nghệ thuật này. Chỉ sợ rằng du khách không đủ thời gian để xem cho hết, chứ không thể nói rằng Paris không đa dạng về mặt văn hóa. Ban điều hành điện Versailles thay vì nâng cao giá trị của công trình lịch sử này, lại áp đặt cuộc triển lãm với khách tham quan. Đối với tôi, đây chỉ là một thủ thuật để làm tăng giá trị của các tác phẩm Murakami. Một nghệ sĩ đương đại càng được trưng bày, thì tác phẩm lại càng lên giá. Việc Versailles tổ chức triển lãm Murakami chỉ có lợi cho tác giả cũng như cho các nhà đầu tư, chuyên sưu tầm nghệ thuật vì đơn thuần xem đó là một sản phẩm dễ bán có lời, chứ không nhằm mục đích phục vụ cho công chúng.  

 

Kể từ ngày khai mạc cho đến nay, nếu như trong giới phê bình có cả hai phe : người binh kẻ chống, thì dường như từ phía người xem, đa số đều không tán thưởng cuộc triển lãm Murakami. Trong cuộc họp báo tổ chức tại điện Versailles, ngay cả tác giả Murakami thừa nhận là trên các diễn đàn internet hay thông qua các mạng xã hội, đang có một sự phản ứng khá gay gắt về các tác phẩm của anh. 

 

Không phải chỉ riêng gì ở Pháp mà ngay tại Nhật Bản, tôi cũng gặp phải những lời chỉ trích tương tự. Theo tôi được biết thì trên các mạng xã hội, hiện đã có hơn 3 ngàn ý kiến chê bai các tác phẩm của tôi. Tôi nghĩ mọi chuyện đều bắt đầu từ một sự hiểu lầm vì tôi có cảm tưởng rằng đa số người phát biểu ý kiến, không hiểu gì nhiều về cá nhân tôi hay về những điều mà tôi muốn diễn đạt, nếu có biết thì chỉ là biết một cách hời hợt. Tôi tôn trọng mọi ý kiến cá nhân và không vì thế mà tôi phải bực mình.

 

Vả lại tôi quan niệm rằng nhiệm vụ của một nghệ sĩ trước hết là nói lên quan điểm của mình, phản ánh môi trường xã hội mà mình đang sống, chứ không phải là chiều ý mọi đối tượng, làm hài lòng người này hay người. Đối với công chúng Âu Mỹ, tôi muốn đưa ra một nhãn quan khác hẳn về xã hội Nhật Bản, cách tiếp cận với thế giới manga trong mắt của một người Nhật rất khác với góc nhìn của người từ bên ngoài. Qua việc đối chiếu truyền thống với hiện đại, tôi chỉ có thể hy vọng rằng cuộc triển lãm có thể làm nảy sinh tính hiếu kỳ, và từ sự tò mò ấy, người xem có thể tìm hiểu sâu hơn về thế giới truyện tranh cũng như cái quan hệ khá lạ kỳ giữa người Nhật với manga. 

 

Về phần mình, cựu bộ trưởng văn hóa Jean Jacques Aillagon, hiện là giám đốc điều hành Versailles, cho rằng cung điện này là một tụ điểm văn hóa sinh động, có thể đón tiếp nhiều hình thức và nội dung khác nhau, chứ không phải là một lâu đài cổ xưa chỉ dành cho nghệ thuật có từ lâu đời. 

 

Khi khách tham quan đến Versailles, thì họ không có nhiều thời gian để viếng thăm. Họ đi rất nhanh, xem lướt qua lối thiết kế xây dựng hay cách trang trí công trình cổ kính này. Tôi nghĩ rằng việc trưng bày các tác phẩm đương đại trong một khung cảnh gắn liền với lịch sử thế kỷ 17 và 18, cũng là một cách để tạo ra sự tò mò ngạc nhiên nơi người xem, và như vậy có thể mời gọi khách tham quan dừng chân lâu hơn, để quan sát rồi từ đó họ có thể so sánh, suy ngẫm. Chúng tôi đã từng thực hiện điều này với các tác phẩm của Jeff Koons, của Xavier Vailhant, nay đến lượt các bức điêu khắc nghệ sĩ Nhật Murakami được giới thiệu với công chúng. Dĩ nhiên là sẽ có người khen kẻ chê, nhưng cũng từ đó mà Versailles sẽ có được một hình ảnh, khác với những gì mà người ta thường nghe hay thường thấy về cung điện này. 

 

Quả thật là bất ngờ đầu tiên đối với công chúng chính là cái cảm tưởng đi ‘‘sai đường’’, đến thăm hoàng cung mà cứ ngỡ như mình đang bước vào thế giới của đồ chơi và truyện tranh. Rất nhiều người cho rằng điện Versailles nên mở ra một không gian khác để tổ chức triển lãm thay vì trưng bày ngay ở chính điện. Do được sắp đặt bên cạnh nhau, nên phong cách hiện đại của các bức điêu khắc đối chọi ngay với khung cảnh cổ điển của Versailles.

 

Đối với những người không có chủ đích đến xem Murakami, thì các tác phẩm đưong đại, đánh lạc hướng nhãn quan khách thăm viếng, làm mất đi nét hài hòa của quần thể khi nhìn theo toàn cảnh. Nguyệt san Tribune de l’art (Diễn đàn nghệ thuật) đả kích rất mạnh cái khuynh hướng tổ chức triển lãm tại Versailles trong những năm gần đây, so sánh các bức điêu khắc hiện đại như "những nốt ruồi vô duyên, đặt không đúng chỗ". Cuộc triển lãm Murakami kéo dài trong ba tháng liền. Trong bối cảnh đó, tranh luận chỉ vừa được châm ngòi, chứ chưa thể ngã ngũ.

 

Ảnh: Versailles trưng bày lần này 22 tác phẩm của Murakami (Reuters)

Tuấn Thảo - RFI