Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
448
123.317.917

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Công nghệ làm sống lại cổ vật Lý - Trần
Sử dụng các thiết bị có sẵn và tự phát triển phần mềm, nhóm 3D Hà Nội đã thiết kế hệ thống chụp ảnh đa chiều có mục đích bảo tồn hiện vật, quảng bá nét tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Nhằm mục đích giúp người xem ở khắp nơi trên thế giới có thể chiêm ngưỡng những cổ vật, tương trưng cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, nhà sưu tầm Dương Phú Hiến có ý định xây dựng một bảo tàng trực tuyến. Nhưng theo ông, nếu chỉ giới thiệu những hình ảnh 2 chiều, người xem sẽ không thể cảm nhận được đầy đủ nét văn hóa đặc trưng trong các hiện vật. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải "3D hóa" các cổ vật này.

 

Khi biết đến ý tưởng của ông Dương Phú Hiến, nhóm 3D Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra giải pháp, vì hướng giải quyết chính là công nghệ chụp hình đa chiều mà nhóm tự nghiên cứu phát triển trong thời gian qua. Công nghệ của nhóm 3D Hà Nội được đặt tên M-View, giúp người truy cập có thể xem cổ vật dưới dạng ảnh chụp 3D có chức năng phóng to, thu nhỏ và nhìn hiện vật từ mọi góc cạnh. Không chỉ vậy, M-View còn cho phép xuất tập tin 3D lên website trong vòng 10-20 phút, rất thuận tiện cho việc quảng bá hình ảnh trên internet.

 

Khi tham quan "studio" của 3D Hà Nội, Đất Việt đã hết sức ngạc nhiên trước sự đơn giản của hệ thống M-View. Triển khai trong một căn phòng nhỏ, rộng chưa đến 25m2, phần cứng của M-View chỉ gồm 1 bàn xoay, 2 dàn đèn và 1 bộ máy vi tính cấu hình vừa phải kết nối với bộ khung có gắn 7 chiếc máy ảnh Canon G-9. Vậy mà, hệ thống này, có thể chụp ảnh đa chiều của tất cả các vật thể có kích thước từ chiếc nhẫn đến một chiếc xe hơi.

 

Khi cần chụp ảnh một hiện vật, người điều khiển hệ thống ra lệnh thông qua phần mềm do 3D Hà Nội tự phát triển, chỉ bằng những cái nhấp chuột. Khi hệ thống làm việc, bàn xoay sẽ tự xoay theo tốc độ định sẵn. Tương ứng với mỗi lần thay đổi vị trí của bàn xoay, dàn máy ảnh bố trí dọc bộ khung chữ T sẽ tự động chụp lại hình ảnh của hiện vật. Những hình này sẽ lưu vào máy tính và được phần mềm chỉnh sửa thu nhận, xử lý.

 

Nhìn bên ngoài, cách làm việc của M-View có nét tương đồng với kỹ thuật chụp hình panorama trong nhiếp ảnh, phần mềm của M-View, hình ảnh chụp được của vật thể từ nhiều góc cạnh, sẽ được ghép nối, xử lý trở thành tập tin duy nhất. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tập tin sẽ xuất ra dạng file ảnh đa chiều.

 

Điều đáng nói, để thiết kế và xây dựng hệ thống M-View cần tổng hợp kiến thức rất nhiều ngành: công nghệ phần mềm, điều khiển - tự động hóa và công nghệ đồ họa. Trong khi đó, thành viên nhóm 3D Hà Nội chủ yếu lại xuất thân từ trường kiến trúc. Để hoàn thành hệ thống, nhóm đã phải chủ động nắm bắt, làm chủ các kiến thức ngoài chuyên môn được đào tạo trên ghế nhà trường. Anh Đinh Việt Phương, trưởng nhóm 3D Hà Nội chia sẻ, để làm hệ thống M-View, nhóm 3D Hà Nội phải mày mò từng chi tiết từ động cơ, biến tần, và lập trình. Sự thành công ban đầu của hệ thống M-View mở hướng hợp tác của các công nghệ tưởng như "chẳng liên quan".

 

Nhằm tiết kiệm chi phí, mọi chi tiết của bộ máy M-View đều sử dụng những linh kiện rẻ và đơn giản nhất. Kinh phí cho dự án do thành viên nhóm tự đóng góp.

 

Là một trong những khách hàng đầu tiên của hệ thống, nhà sưu tầm cổ vật Dương Phú Hiến đánh giá cao công nghệ M-View, theo ông, hệ thống do nhóm 3D Hà Nội thiết kế, chế tạo có thể sánh ngang được với công nghệ của các nước tiên tiến. "Công nghệ M-View giúp hiển thị tốt cả vật thể với các nét hoa văn một cách chi tiết, thỏa mãn nhu cầu xoay cổ vật theo nhiều chiều tạo cảm giác như đang được cầm tận tay. Đặc biệt với công nghệ này, việc thuyết minh cho các cổ vật cũng dễ dàng hơn rất nhiều vì mọi thứ đều trực quan", ông Hiến nhận xét.

 

Điều đáng mừng là sau khi một số cổ vật được số hóa và giới thiệu trên internet, đã có nhiều email phản hồi của người xem trong và ngoài nước gửi tới ông Hiến và nhóm 3D Hà Nội vì đã tạo điều kiện cho họ nhìn ngắm nét văn hóa dân tộc một cách trực quan, sinh động.

 

Bộ máy M-View phức tạp nhất là ở bộ sản phẩm phần mềm M-View Studio,M-View Player và M-View Converter. Phần mềm M-View Studio cho phép người dùng điều khiển bộ máy M-View và nhận dữ liệu trực tiếp từ các máy ảnh, sau đó tổng hợp dữ liệu sang dạng ảnh 3D. Phần mềm M-View Player có nhiệm vụ phát lại các ảnh 3D đã qua xử lý ở M-View Studio còn phần mềm M-View Converter có thể chuyển những file ảnh chụp liên tiếp một vật thể sang dạng ảnh 3D. Tất cả những phần mềm này đều do thành viên nhóm 3D Hà Nội tự phát triển.

 

Bên cạnh việc trưng bày các cổ vật của nhà sưu tầm Dương Phú Hiến tại Hoàng thành nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ có một website trưng bày các cổ vật được số hóa. Hiện có hơn 500 hiện vật được số hóa bằng công nghệ M-View. Sau Đại lễ, Trống đồng Đông Sơn, và các đồ vật bằng đồng cùng thời trong bộ sưu tập của ông Dương Phú Hiện sẽ được giới thiệu tới đông đảo công chúng theo cách này.

 

Hệ thống M-View được lắp đặt trong "studio" của nhóm 3D Hà Nội.

Xem thêm hình ảnh về hệ thống -View

 

Nguyễn Hoàng - Tuấn Linh - DVO