Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
380
123.314.601

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hoàn tất việc “cứu sống” ngôi đình 400 năm tuổi
Sau khi Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) khu vực châu Á và châu Đại Dương trao giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc cho dự án trùng tu đình Chu Quyến, chiều 7/11, Bộ VH,TT&DL, Cục Di sản Văn hóa, Viện Bảo tồn Di tích đã tổ chức lễ khánh thành di tích này tại đình Chu Quyến, xã Chu Minh (Ba Vì, Hà Nội).

Mang tính chất “thực nghiệm” để xây dựng một quy trình chuẩn về tôn tạo di tích, sự thành công của dự án đình cổ Chu Quyến đặt ra câu hỏi: trong thời gian tới, các di tích được trùng tu liệu có “gặp may” như ngôi đình cổ này? 

 

1. Nói là gặp may, bởi việc trùng tu ngôi đình cổ này được xây dựng và triển khai một cách hết sức bài bản và nghiêm túc với chủ đầu tư là Cục Di sản văn hóa; đơn vị thi công là Viện Bảo tồn di tích. Cũng phải nói thêm, thời điểm khởi công cho tới khi khánh thành ngôi đình cũng là lúc dư luận đang kêu ca quá nhiều về nạn sai, ẩu trong việc trùng tu hàng loạt di tích trên cả nước. Bởi thế, việc trùng tu Chu Quyến một cách khoa học và nghiêm cẩn cũng xuất phát từ kế hoạch “tích hợp” luôn mục đích chữa bệnh từ gốc, nghĩa là xây dựng những quy chuẩn mẫu về lập dự án, thi công, kiểm tra chất lượng... khi tôn tạo di tích.

 

Và thực tế, việc tu bổ đình Chu Quyến diễn ra cẩn thận tuyệt đối. KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Những công việc chúng tôi từng thực hiện để tu bổ đình Chu Quyến là vô kể. Đầu tiên là nghiên cứu, khảo sát di tích một cách toàn diện, để hiểu biết một cách đầy đủ nhất có thể về di tích và các tác nhân gây hại cho di tích như khảo sát tư liệu, địa hình, địa chất, thăm dò nền móng và dị vật dưới lòng đất, theo phương pháp đo sâu bằng rada. Tiến hành khai quật khảo cổ học tại một số vị trí, khảo sát động thực vật, côn trùng gây hại như mối, mọt, nấm, dơi... Ngoài ra, chúng tôi còn phải khảo sát kết cấu gỗ bằng các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng như máy khoan thăm dò độ rỗng của cấu kiện gỗ, máy siêu âm... Nghiên cứu đặc tính vật liệu truyền thống (gạch, đá, vữa...) của di tích, làm cơ sở cho việc phục chế...”. 

 

2. Kết quả khảo sát cho thấy tất cả 48 cột của đình Chu Quyến đều bị tiêu tâm và hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Chỉ có hai cột được thay thế do không thể cứu vãn được nữa, số còn lại đã được bảo tồn, tu bổ đảm bảo ổn định và vững chắc mà vẫn giữ nguyên được dấu ấn thời gian của cột đình. Có cột cái đã bị mục ruỗng đến 90% trước đây đã được đổ bê tông trong lõi, nay được gia cố lại bằng lõi gỗ, đảm bảo vững chắc lâu dài mà vẫn giữ nguyên trạng phần vỏ bên ngoài đã có tuổi đời khoảng 400 năm.

 

Hiện trạng mái có hơn 51 loại ngói khác nhau. Ngói tốt được giữ lại (gần 48 ngàn viên ngói cũ), ngói thay thế được sản xuất bằng công nghệ truyền thống (đúng chất đất, nung bằng rơm) tương đồng với ngói cũ.

 

Sự tỉ mỉ ấy cũng là một lí do khiến dự án kéo dài ra gần gấp đôi so với kế hoạch 22 tháng ban đầu (từ 1/4/2007). Không dưới 3 lần, quá trình thi công đã được dừng lại một thời gian để đánh giá lại các cấu trúc gỗ hay điều chỉnh kết cấu dự kiến cho phù hợp hơn.  

 

3. Giải thưởng lớn của UIA (Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế) cho thấy thành công của dự án tu bổ đình Chu Quyến. Trao đổi với TT&VH, PGS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) thẳng thắn: “Còn một số chi tiết chưa đạt trong quá trình thi công. Những chi tiết ấy, chúng tôi đã yêu cầu thợ thi công phải sửa lại sau khi khánh thành. Trên lý thuyết, việc đảm bảo giữ nguyên dạng 100% di tích gỗ sau khi tu bổ là điều bất khả thi. Thật lòng, ở Việt Nam ít có công trình nào đạt được sự tương đồng tới 70% sau khi tu bổ. Đình Chu Quyến là công trình hiếm hoi vượt qua cái ngưỡng ấy”.

 

Sự khắt khe ấy, khiến nhiều người phải giật mình khi liên tưởng tới việc hàng loạt di tích vừa qua vẫn được tu bổ, tôn tạo theo hình thức đấu thầu và thiếu sự giám sát chặt về chuyên môn. Bởi trên thực tế, hầu như chẳng có mấy dự án hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như đình Chu Quyến để đạt tới cái ngưỡng 70% sau khi tôn tạo?

 

Sau một dự án thế này, kinh nghiệm thực tế mang lại rất nhiều. “Tôi hi vọng qua 3,4 dự án nữa, anh em trong ngành sẽ rút ra được những kết luận tổng thể để xây dựng những quy chuẩn – ông Biền nói. Nhưng ai cũng hiểu, những quy chuẩn cần thiết ấy mới chỉ là “phần cứng”, còn việc bảo tồn di tích lại phụ thuộc cả vào hàng loạt yếu tố khác như cơ chế lập dự án, sự phối hợp của địa phương, đội ngũ thợ thi công và đặc biệt là vốn kiến thức đặc thù về kiến trúc cổ. Xây dựng các quy chuẩn xong, liệu trên thực tế có phải dự án trùng tu di tích nào cũng huy động được đội ngũ chuyên nghiệp “từ A đến Z” như thế?

 

Từ thành công của dự án, KTS Lê Thành Vinh khẳng định: Nhất thiết phải giao cho một lực lượng chuyên ngành đảm nhiệm và phải thực hiện theo những quy trình, kỹ thuật chuyên ngành một cách nghiêm ngặt. Cơ chế hiện nay còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với những đặc thù của công tác bảo tồn, trùng tu di tích và do đó chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này...”.

 

Ảnh: Đình Chu Quyến mới được trùng tu xong

 

Hoàng Nguyên - Huy Thông - TT&VH